Chương 344: Trên cao, dưới thấp
Giáp Văn Hùng, người đàn ông Ma Thọ mới gọi là quan lang cưỡi voi đến bên bờ hồ. Giáp Văn Hùng cưỡi voi, ngồi ghế mây, có lọng che đầu, dáng vẻ oai vệ sai thuộc hạ gọi với lên trên đồi:
-Quan lang cho mời kẻ đứng đầu ra nói chuyện.
Bùi Thị Xuân bước ra đáp lời:
-Quan lang nhà anh nói đi, ta đang nghe đây!
Thuộc hạ Giáp Văn Hùng giọng ông ổng:
-Quan lang có lệnh tha c·hết cho đàn bà con gái ở trên đồi, các người mau giao nộp lương thảo của Thiên Đức rồi về với chồng con.
Bùi Thị Xuân dùng tay làm loa:
-Thiên Đức và các người không thù oán, các người quy thuận, Vạn Thắng vương sẽ cho giữ chức cũ, cho thêm bạc, thêm muối và cho học chữ.
Đôi bên gọi qua gọi lại vài lần, Giáp Văn Hùng đứng trên mình voi chỉ roi quát mắng:
-Mấy con ả đàn bà không biết thân phận kia, tao cho chúng mày đường lui còn không biết mà nhận. Tao sẽ bắt hết chúng mày về làm vợ người Tày, người Nùng.
Bùi Thị Xuân chẳng vừa, chổng mông vỗ đen đét:
-Có cái này này! Chúng mày thích sinh sự, bà tiếp!
-Con ả kia hãy xưng danh tính, để ông không phải g·iết đứa vô danh. Chúng bay có phải đám đàn bà thối thây Thần Vũ gì đó không?
-Sao bà phải cho chúng bay biết tên họ? Chúng bay là đám ất ơ nào?
-Tao đây chính là Giáp Văn Hùng, quan lang thống lĩnh vùng này.
-Còn tao là Bùi Thị Xuân và tao đúng là quân Thần Vũ.
-Bùi Thị Xuân! Mày nghe cho rõ, nếu mày dẫn đám đàn bà xuống quy hàng, tao sẽ đảm bảo tính mạng của chúng mày. Chúng mày mau cút về Thiên Đức, đất này là của chúng tao.
-Đất Vạn Xuân bốn cõi thuộc về Lý tiên vương, Vạn Thắng vương là người nối ngôi. - Bùi Thị Xuân hét lớn. - Chúng bay quỳ gối xưng thần sẽ được trọng dụng. Còn như nghe theo lời phỉnh nịnh của Sứ tướng Phan Văn Hầu đất Tam Đái sẽ chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.
Giáp Văn Hầu định mắng lại, bỗng thám mã chạy đến thưa:
-Bẩm quan lang, bọn Thiên Đức từ đại trại đã cử quân tiếp viện quay lại cứu bọn này từ tối hôm qua nên chúng nó kéo dài thì giờ đấy ạ.
-Sao? Chúng quay lại đây à? Đi bộ hay đi ngựa?
-Dạ bẩm, chúng đi bộ!
-Bọn Kinh tộc đần độn không quen đi rừng, phải chiều nay may ra chúng mới đến. Ngươi mau chuyển lời của ta đến phục binh, gặp bọn nó phải đổ ra đánh cho chúng nó tởn đến già nghe chưa?
Đoạn nét mặt Giáp Văn Hùng trở nên vui vẻ, giọng cũng hồ hởi:
-Bớ lũ đàn bà thối thây! Quân tiếp viện của chúng bay bị tao đánh tan rồi, tao cho chúng mày cơ hội cuối cùng.
Bùi Thị Xuân quay vào lều báo với Thiên Bình, thấy Thiên Bình đang ngồi đọc thơ bèn lấy làm lạ:
-Giờ này sao em còn ngồi thản nhiên như vậy? Chúng nó bảo đã đánh tan quân tiếp viện, chắc nó đặt phục binh.
Thiên Bình thản nhiên nói:
-Em bảo rồi mà chị quên à? Chẳng có quân tiếp viện nào sất. Chúng nó đặt quân mai phục sẽ chỉ đuổi mây bắt gió mà thôi, chị không cần phải lo. Bọn nó đánh thì ta tiếp, hôm nay chúng nó không đánh ngày mai sẽ tự rút.
Bùi Thị Xuân gật đầu, định quay ra, nghe thấy Thiên Bình lẩm nhẩm đọc:
“Tết này anh không thèm kẹo mứt, vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng. Tết này anh không thèm đi chơi, xi - nê hay nhạc hội, Đà Lạt hay Vũng Tàu…”
Chợt Thiên Bình hỏi:
-Chị có biết xi - nê là gì không? Đà Lạt hay Vũng Tàu ở đâu nhỉ?
Bùi Thị Xuân ngẩn tò te:
-Em đọc cái gì thế?
-Anh Chương gửi cho em, đây là một bài hát dân ca nói về tình yêu đôi lứa. Anh ấy viết cho em thể hiện nỗi nhớ nhung đấy. Anh ấy bảo khi nào gặp nhau, anh ấy sẽ hát cho em nghe.
-Hở? Đương lúc nước sôi lửa bỏng, đánh nhau đến nơi sao lại uỷ mị đến vậy?
Thiên Bình không bằng lòng:
-Uỷ mị cái gì? Chị chẳng lãng mạn gì sất. Chồng em yêu em, viết hẳn một bài dân ca tặng em thể hiện nỗi nhớ em đây này. Em muốn gặp anh ấy sớm.
Thiên Bình gập lá thư lại cẩn thận, bỏ vào ba lô:
-Đánh bọn này bại thì em gặp chồng em sớm cho anh ấy đỡ nhớ. Ông Diệu có làm thơ tặng chị chưa? Đây còn là bài hát cơ.
-Vớ va vớ vẩn, mấy mặt con rồi thơ thẩn nỗi gì.
Thiên Bình tỏ ra đắc chí:
-Mười con vẫn phải lãng mạn. Anh Chương chưa từng làm thơ mà viết cả một bài dân ca như này chị phải hiểu là anh ấy yêu em đến nhường nào. Còn bây giờ, để em xem đám thổ binh thượng du này có gì hay nào.
Thiên Bình ra khỏi lều, bảo nữ binh kéo kỳ hiệu xưng danh. Ngay sau đó, kỳ hiệu Thần Vũ quân và Đại Thắng Lý Hoàng hậu tung bay trong gió sớm, nắng cũng vừa lên.
-Ta là Hoàng hậu của Vạn Thắng vương, thống lĩnh Thần Vũ quân. Giáp đại nhân dưới chân đồi nghe cho rõ đây.
Giọng Thiên Bình dõng dạc:
-Ta tha lỗi cho các người tội chống Vạn Thắng vương, miễn tội cấu kết với quân Tam Đái. Các người quy thuận Thiên Đức, làm bầy tôi của Vạn Thắng vương sẽ được ban bổng lộc, chức tước. Con cháu các người sẽ được học hành tử tế, nay mai sẽ thành rường cột nước nhà.
Bọn Bùi Thị Xuân, Phạm Thị Thanh thất kinh, Xuân nói:
-Xưng danh như vậy chẳng khác nào xúi chúng nó đánh mau! Trời ạ.
-Chúng đánh là sớm hay muộn, chờ lâu sẽ mệt chi bằng cho chúng thêm chút động lực nhào lên bắt hậu. Đám cắc ké này không khiến chúng nợ thì không bao giờ chúng quy thuận, Vương nhân từ muốn dùng lời ngon ngọt cũng phải lắm. Nhưng em nghĩ, chúng không thắng được đàn bà ắt sẽ ê mặt, Vương dễ bề hành động.
Lời Thiên Bình không phải không có lý, bọn Bùi Thị Xuân lập tức truyền lệnh ba quân thể hiện bản lĩnh đàn bà con gái Thiên Đức. Bên kia bờ hồ, Giáp Văn Hùng mắt sáng như sao khi trông thấy kỳ hiệu.
-Tao muốn bắt con Hoàng hậu kia làm vợ, nó rất đẹp.
Bấy giờ Ma Thọ cưỡi ngựa đến ngẩng đầu trông lên đồi, vẻ suy tư.
-Ma đại nhân, ngài sợ vỡ mật rồi ư? Chỉ là một đám đàn bà. Kìa, bọn đàn ông Kinh tộc núp sau váy đàn bà nữa, thật mất mặt làm sao.
-Đó đích thị là quân Thần Vũ, người thống lĩnh là Lý Hoàng hậu. - Ma Thọ lẩm bẩm. - Như vậy quân Thần Vũ ở Vũ Ninh là nghi binh, nơi này toàn tinh binh Thiên Đức. Quan lang, ngài phải cẩn trọng. Đàn ông Thiên Đức còn đứng sau chứng tỏ đám đàn bà này không vừa đâu.
-Ma đại nhân! Ngài ăn ở với người Kinh lâu rồi lại nhiễm thói nhát gan của họ. Ta xí phần ả Hoàng hậu, còn lại chia cho các ngài. Nếu ta bắt được Hoàng hậu Thiên Đức, quân Thiên Đức chẳng đánh mà tan. Ngài sẽ cùng ta đánh chúng chứ?
-Tất nhiên! Tôi chỉ muốn quan lang cẩn trọng.
Giáp Văn Hùng sai quân bắn tiễn xuống hồ đo nông sâu tìm lối vượt qua. Thổ binh thông thạo địa hình báo rằng mùa đông nước cạn nhưng hồ nhiều bùn, voi sẽ khó qua hồ nước. Giáp Văn Hùng nói với Ma Thọ về quân tiếp viện Thiên Đức, Thọ muốn chắc ăn hối Hùng t·ấn c·ông sớm, lo đêm dài lắm mộng.
Ma Thọ lên ngọn đồi trọc, quan sát được lều dã chiến ở ngọn đồi trước mặt, Thọ nói với tả hữu:
-Các người trông xem, đồi này cao hơn hẳn mà chúng không trú quân lại chọn mấy ngọn đồi thấp liền kề nhau ắt có mưu kế.
Thọ chỉ lên rừng:
-Sau những tán cây kia ắt có phục binh chiếm vị trí thuận lợi chờ sẵn. Chúng ta muốn đánh sang chỉ còn cách từ dưới yên ngựa ngược lên đồi, bất lợi lắm. Các người có trông thấy thần khí của chúng không?
Tả hữu lắc đầu, Ma Thọ thở dài:
-Đừng coi thường đám đàn bà này, Sứ tướng căn dặn ta dăm lầy bảy lượt không được khinh suất. Chúng là tinh binh chứ không yểu điệu thục nữ gì cho cam, toàn hổ dữ cả. Chúng nhất định giấu thần khí nơi nào đó chứ không thể hớ hênh như vậy.
Thuộc hạ Ma Thọ thưa:
-Bẩm tướng quân, theo thiển ý của tiểu nhân nên để bọn Giáp Văn Hùng xông pha lên trước là hơn. Chúng ta dựa vào tình hình mà xông trận. Từ Chi Lăng về đây mất hai ngày đường, chỉ tối muộn là bọn tiếp viện Thiên Đức kéo đến, ngài phải quyết mau.
Ma Thọ suy ngẫm một lúc mới nói:
-Vậy chúng ta sẽ chiếm lĩnh ngọn đồi này, chờ bọn Giáp Văn Hùng đánh tràn lên, chúng ta sẽ thừa cơ đánh sang. Các người quan sát kỹ càng xem có sự lạ gì không. Bọn chúng không tự nhiên mà để hớ hênh ngọn đồi này.
Ma Thọ chưa từng giáp chiến với quân Thiên Đức nhưng quân Tam Đái chưa từng chiến thắng, ngược lại thảm bại khiến từ tướng đến quân như chim sợ cành cong. Nhiều võ tướng Ma Thọ quen biết, kẻ m·ất m·ạng, người bặt vô âm tín càng khiến Thọ cẩn trọng hơn trong việc đưa ra các quyết định. Dẫu cho Thọ cố thuyết phục Giáp Văn Hùng không được khinh địch nhưng sự thật nhãn tiền chẳng thể thay đổi. Trên lưng chừng mấy ngọn đồi hơn nửa là nữ nhân khiến Giáp Văn Hùng muốn thể hiện sức mạnh với Ma Thọ.
Ma Thọ cảm thấy bất an không phải vì đội quân đó là Thần Vũ, mà bởi vì Thọ chẳng thấy đối phương có chút nào lo sợ, điều ấy chứng tỏ họ rất tự tin. Trong tay Thần Vũ quân có thần khí, nếu không áp sát cận chiến được, thất bại là việc có thể đoán định trước.