Chương 389: Dương Nhị Khiết
Dương Nhị Khiết đem được hơn ba nghìn quân ô hợp về dinh Sứ tướng, chia quân đóng ở các trại, chòi bên ngoài dinh trong khi Dương Vũ Thư và binh sĩ dưới quyền bảo vệ vòng trong. Dương Nhị Khiết có mối sơ giao với Dương Vũ Thư, cả hai trạc tuổi nhau, ai làm việc người nấy, chưa hề có mối hiềm khích nào. Dương Nhị Khiết là em họ Dương Sứ tướng nhưng bản thân cũng có năng lực, chẳng phải phường giá áo túi cơm. Về khả năng cầm quân, trình độ giữa Vũ Thư và Nhị Khiết tương đương, đều có thể khiển nghìn binh sĩ, và đều là võ tướng, chưa phải tướng quân.
Quân sĩ Dương Nhị Khiết đóng vòng ngoài, bản thân Khiết vào dinh đốc thúc gia nô gói ghém đồ đạc, mỗi gia nô được trang bị một đoản đao hoặc ít nhất một cái đòn gánh, gậy gộc. Đèn đuốc trong dinh sáng rực suốt đêm. Gia nô trong dinh bình thường có hơn hai trăm người nhưng nay có đến dăm bảy trăm người cả trai lẫn gái. Họ đều là dân trong vùng, do sắp đến vụ gặt, quản dinh thuê họ. Nghe tin quân Thiên Đức đã chiếm vùng Giao Thuỷ và Thập Xuân, ai nấy đều cuống cuồng. Môn khách trong dinh còn hơn ba chục, người nào kẻ nấy gói tư trang trong tay nải sẵn sàng rời đi theo lệnh. Nhìn cảnh nhốn nháo này Dương Vũ Thư bật cười, lắc đầu chán nản.
-“Chạy đi đâu? Sao phải chạy? Thiên Đức chiếm Tế Giang có s·át h·ại bách tính hay quân sĩ đâu? Mà cũng phải, nếu mình chẳng có giao kèo với cô gái Thần Vũ kia e là mình sẽ hệt như Nhị Khiết chạy ngược chạy xuôi.”
Dương Vũ Thư cầm theo bình rượu nhỏ và một cái chén, lững thững đến chỗ Dương Nhị Khiết đang ngồi thở dốc. Đặt bình rượu lên cái bàn gỗ chạm khắc cầu kỳ dưới tán cây roi, Vũ Thư rót rượu, đẩy nhẹ sang cho Nhị Khiết, thả mình ngồi xuống. Dương Vũ Khiết cầm chén rượu ngửa cổ uống cạn, khà một tiếng, đưa ống tay áo thấm rượu dính trên ria mép.
-Thay vì xấc bấc xang bang, tướng quân nên dành sức mà nghỉ. - Dương Vũ Thư nói. - Địch đến thì đánh chứ mình đang ở đất mình, chạy đi đâu?
-Sứ tướng có lệnh nên tôi làm. - Dương Nhị Khiết đáp ngắn gọn, tự rót thêm một chén rượu, ngửa cổ uống ực một cái. - C·hết rồi của nả chẳng đem theo được nhưng người nào cũng cố đem cho nhiều.
Dương Vũ Thư nhăn mặt hỏi:
-Quân Thiên Đức sẽ đánh đến đây ư?
Dương Nhị Khiết thở dài:
-Thám mã đưa tin, lúc chiều muộn quan quân Xuân Phong đã hàng hết lượt. Chẳng trách họ được, huyện lỵ có vài trăm lính trơn, bọn ấy chỉ bắt nạt đàn bà với hạch sách là tài chứ đánh đấm nỗi gì.
Cả hai im lặng. Dương Vũ Thư ngả lưng ra ghế, hai tay đặt sau gáy ngẩng đầu nhìn bầu trời nhiều mây đen vần vũ. Dương Nhị Khiết chợt hỏi:
-Nhìn bộ dáng của tướng quân không lấy gì làm lo lắng, ngược lại vô cùng an nhàn.
Dương Vũ Thư nhoẻn miệng cười, rướn người rót một chén rượu:
-Tướng quân vừa chả nói đấy ư? C·hết chả đem theo của nả được, thân là võ tướng, địch đến thì tôi chống, bại thì vong mạng có chi mà băn khoăn. Còn như muốn sống, chống không lại thì hàng, chỉ vậy thôi.
Dương Nhị Khiết nghe vậy tỏ ra không bằng lòng, định nói gì đó song lại ngưng. Dương Vũ Thư tợp xong chén rượu bèn nói thêm:
-Gia nô gói ghém tư trang trong khi binh sĩ canh gác, họ nhìn thấy cảnh này còn lòng dạ nào mà chiến đấu? Tôi lấy làm băn khoăn cớ sao Sứ tướng lại cử tướng quân về trấn dinh.
-Quân Thiên Đức nhất định sẽ t·ấn c·ông nơi này.
Dương Vũ Thư lắc đầu kèm theo nụ cười buồn bã:
-Nếu họ đến được đây nghĩa là đại quân đại bại, muốn họ không đến phải chống họ từ xa chứ. Tôi hay tin đại quân của Khổng Phó sứ b·ị đ·ánh đúng lúc vượt sông, chẳng biết Khổng Phó sứ an nguy thế nào. Mặt trước có địch, sau lưng có địch, nguy lắm.
-Sớm mai hậu quân sẽ tổ chức vượt sông bằng thuyền nhỏ ứng cứu ngài Phó sứ.
Dương Vũ Thư lại cười buồn:
-Sứ tướng đang nắm đại quân năm nghìn tinh binh tự nhiên chia nhỏ ra là hạ sách. An nguy của Phạm Lệnh công và cả dinh này chênh vênh. Tôi e ngày mai tình hình biến chuyển, Sứ tướng thu đại binh ở mặt Bắc về ứng cứu có khi là hoạ.
Dương Nhị Khiết lặng im không đáp, thay vào đó rót rượu uống.
-Đám binh mới trưng tập trên đường về đây nào có sức chiến đấu. - Nhị Khiết ngao ngán. - Ta chẳng nắm được thế chủ động dù chủ đích đánh Thiên Đức trước, bây giờ quân tướng như người đắp đê. Ông cụ nhà anh thế nào?
-Ông cụ vẫn ở trại dân binh, chỗ ấy có chừng dăm trăm người. Tôi nghe nói lúc chập tối Sứ tướng có lệnh, bảo ông cụ trấn thủ nơi, sẽ có viện binh từ Trà Đoài.
Câu chuyện tạm ngưng khi Vũ Thư và Nhị Khiết trông thấy mấy mưu sĩ tay nải khoác vai, tất tả chạy biến vào màn đêm, hướng ra phía cửa hông của dinh. Nhị Khiết đứng bật dậy, Vũ Thư kéo lại:
-Mặc kệ họ thôi, xuống tay với họ chỉ làm bẩn gươm.
Dương Nhị Khiết nhổ toẹt bãi nước bọt xuống đất, mặt hằm hằm:
-Mẹ cái bọn mặt trắng bất tài, ngày thường xu nịnh, hót hay hơn chim khướu, giờ có động liền tìm đường tháo thân. Thằng nhân sĩ họ Bùi chính là người khuyên Sứ tướng chia quân ba ngả. Chó đẻ.
Vũ Thư vỗ nhẹ lên vai Nhị Khiết vài cái, giọng ôn tồn:
-Qua cơn nguy khốn tính sổ với chúng một thể chả thiệt. Lúc nguy nan mới lộ mặt anh hùng.
Dương Nhị Khiết thả mình ngồi phịch xuống ghế, lắc đầu đầu ngao ngán.
-Gần đây ông có gặp Đào Sứ tướng không?
Dương Vũ Thư khẽ lắc đầu:
-Ngài ấy không tiếp ai, tôi nghe gia nhân bảo, Sứ tướng còn cạo đầu, hàng ngày tụng kinh niệm Phật.
Dương Nhị Khiết thắc mắc:
-Ngài ấy là một tướng giỏi, cớ sao chỉ vì bại trận một lần mà thành ra như thế?
-Ngài ấy tự vấn, cho rằng bản thân sai lầm, coi thường đối phương dẫn đến c·ái c·hết của Lưu Phó sứ, Đào Thanh Nê và mấy nghìn người khác nữa. - Vũ Thư buồn bã. - Tôi không trách ngài ấy bởi…
Dương Vũ Thư bỏ lửng câu nói, hướng ánh mắt nhìn vào khoảng tối của khu vườn. Dương Nhị Khiết giục hỏi, Dương Vũ Thư mới nói:
-Chúng ta không phải đối thủ của Thiên Đức!
Lúc ở Tế Giang, tôi luôn có cảm tưởng mọi hành động của chúng ta đều bị đối phương đọc trước, cứ dần chui đầu vào rọ. Vạn Thắng vương nghe nói cũng trạc tuổi chúng ta, người như vậy đôi ba năm nữa chẳng biết kinh khủng đến nhường nào.
-Ông đừng đề cao kẻ nguỵ quân tử đó, hắn nhờ lấy vợ là Công chúa Lý Thiên Bình mới có được chỗ ngồi chứ hắn cũng chỉ như ông và tôi thôi.
-Ông từng nghe chuyện Vạn Thắng vương một mình phá trại Sứ tướng Phan Văn Hầu chứ?
Dương Nhị Khiết nhếch miệng cười:
-Lời đồn đãi ấy ông đừng tin, hắn không phải thánh thần, dù là cao thủ trong thiên hạ cũng khó một địch mười, nói chi một địch cả trăm? Chiêu trò của bọn Thiên Đức cả, chúng thêu hoa dệt gấm lên mặt một chạn vương mà thôi.
Dương Vũ Thư lẩm nhẩm:
-Liên quân đánh chẳng thắng hắn. Bại tướng dưới tay kẻ ấy ngoài Đào Sứ tướng còn có…
Dương Nhị Khiết giơ tay ngăn lại:
-Ông tính đầu hàng bọn chúng?
Dương Vũ Thư nhún vai, thản nhiên đáp:
-Tôi được giao nhiệm vụ trấn ở đây, chúng đến thì tôi đánh, bại trận thì vong mạng, tôi nói rồi. Tôi chỉ là muốn bàn luận thế sự. Chúng ta cần phải đánh giá đúng đối phương, từ đó mới có cái nhìn khách quan mà tính đối sách.
Đang bàn luận, một binh sĩ chạy đến bẩm báo, mới có tin tức từ Thập Xuân đưa về. Dương Nhị Khiết bèn cho gọi vào. Thám mã thưa:
-Quan quân Thập Xuân đã dâng ấn tín, sổ sách cho Đại Thắng Lý Hoàng hậu ở bến Cổ Lê lúc chiều muộn. Thuỷ quân Thiên Đức do Yết Kiêu đốc suất đã đổ quân lên đất huyện Thái Bình và tiến về đây. Thưa Đại tướng quân, chậm nhất sáng mai chúng sẽ đến dinh.
Dương Vũ Thư và Dương Nhị Khiết cùng giật mình, cả hai đứng phắt dậy cùng hỏi:
-Lý Hoàng hậu ở trong quân tập hậu ư? Ngươi có nhầm không?
Binh lính bèn thưa:
-Cờ quạt có đủ, nữ nhân vận y phục màu vàng có đến mấy trăm người. Theo thuộc hạ được biết, Lý Hoàng hậu cắt đặt hàng nghìn nữ quân nhân tại Giao Thuỷ.
Dương Nhị Khiết bỗng trở nên vui vẻ:
-Lý Hoàng hậu trong quân, ắt hẳn có Vạn Thắng vương. Chúng đến đây ta nhất định sẽ liều c·hết mà đánh, bắt được một trong hai kẻ ấy tự nhiên xong chuyện.
Dương Vũ Thư bảo thám mã vào dinh nghỉ ngơi. Thấy Vũ Thư ngồi bần thần, Nhị Khiết bèn hỏi:
-Ông sao vậy?
-Đại Thắng Lý Hoàng hậu xuất chinh không hẳn Vạn Thắng vương có mặt. Theo tôi biết, Vạn Thắng vương giỏi về thần khí và bày binh bố trận, Lý Hoàng hậu là chiến tướng chứ không phải nữ nhân tầm thường. Một khi Lý Hoàng hậu xuất hiện cùng đội nữ quân, tôi đồ rằng quân Thiên Đức cánh ấy thực sự rất mạnh, cần phải cẩn trọng.
-Bọn chúng ở xa mới đến, không thuộc thông thổ, quân binh mệt mỏi chưa thể đánh ngay được. Việc cần kíp bây giờ là tôi với ông sắp đặt binh mã đón đánh bọn chúng thay vì ngồi chờ.
Dứt lời, Dương Nhị Khiết lật đật chạy vào dinh, vừa chạy vừa thét gọi thuộc tướng. Dương Vũ Thư vặn vẹo người vài cái, miệng lẩm bẩm:
-Ta cũng muốn xem tài nữ nhân Thiên Đức ra sao. Nữ nhân có thể cầm quân ư? Tình hình này bại khó tránh nhưng mình cũng phải thu lợi chút ít mới được. Nếu tự nhiên quy hàng sẽ xấu mặt lắm.
Dương Vũ Thư cũng hăm hở kiểm lại quân số. Quân sĩ dưới trướng Dương Vũ Thư đều là tinh binh do là quân phòng thủ dinh. Năm thuộc tướng từng là môn đệ của Dương Khoan, có thể coi đội binh này là quân bản bộ của Dương Vũ Thư.
Trời tảng sáng, khi sương vẫn còn đọng trên cành lá. Dương Nhị Khiết và Dương Vũ Thư dẫn quân rời dinh, nhắm hướng Nam mười lăm dặm hạ trại trên một rải đất rộng, tương đối bằng phẳng chờ đợi cánh quân của Yết Kiêu và Thiên Bình. Gần nửa đêm Dương Nhị Khiết hay tin cánh quân Yết Kiêu đổi hướng về Trà Đoài, đồng thời đại quân Thiên Đức đã vượt sông, tình thế vô cùng nguy cấp. Dương Nhị Khiết và Dương Vũ Thư dẫn quân quay trở lại bảo vệ dinh.
Chiều ngày hôm sau, quân sĩ chạy về dinh cấp báo, toán tuần tiễu trông thấy một đạo Thiên Đức chừng vài trăm người. Dương Nhị Khiết đích thân dẫn quân về mé Tây Bắc gần chục dặm chặn đánh. Hai bên giằng co suốt một ngày, đến chập tối đạo quân Thiên Đức lui binh. Dương Nhị Khiết lấy làm mừng khi quân Thiên Đức không mạnh như Khiết từng nghe nói.
Đạo quân Dương Nhị Khiết chặn đánh là Tiểu đoàn Môn Thôn. Tiểu đoàn này sau khi không truy kịp Khổng Chiêu Hà bèn quay trở lại với nhiệm vụ chính là chiếm dinh Sứ tướng. Sau hai ngày đêm đánh vận động, sức chiến đấu của tiểu đoàn có phần giảm sút. Hoả khí chỉ còn hoả hổ cá nhân, hoàn toàn lép vế trước hơn chục khẩu Cự thạch pháo mà Dương Nhị Khiết đem đến. Phương Liệt nhắm ăn không được bèn lui quân về hướng Đông Bắc nghỉ chân lại sức.
Hôm sau, Dương Nhị Khiết biết tin điền trang Khổng gia đã rơi vào tay Thiên Đức. Đoán rằng sớm muộn đại quân Thiên Đức sẽ đánh đến dinh Sứ tướng. Cân nhắc nặng nhẹ, Dương Nhị Khiết quyết định dẫn quân về Trà Đoài mà không có Dương Vũ Thư. Vũ Thư lấy cớ Dương Sứ tướng giao phải giữ dinh, chưa có lệnh không được tự ý hành động.
Dương Nhị Khiết đưa gia quyến của Dương Cự Vọng đi cùng, giao lại dinh cho Dương Vũ Thư trấn giữ. Dinh Sứ tướng ngoài tài vật còn là kho lương thảo, không thể bỏ.