Chương 41: Chí làm trai
Trời vẫn mưa.
Những thùng gỗ được khiêng ra bến sông trong cảnh tranh tối tranh sáng. Mỗi thuyền nhỏ chất được khoảng chín thùng gỗ, áo tơi bện rơm được phủ tạm lên. Phạm Hữu Thế cho chất hàng lên thuyền rất nhanh, thuyền nào chất xong lập tức hai người, một đầu thuyền, một cuối thuyền lập tức chèo xuôi dòng mất dạng trong đêm. Đến khi Chương ra bến sông, đã có dăm thuyền rời đi.
-Thế, Thế! Lại ta bảo!
Nghe Chương vẫy gọi, Thế chạy lại.
-Cậu lấy một thuyền chở hai thùng vải chèo ngược về phía đằng kia một quãng chừng một dặm, tìm cách cho thuyền mắc hoặc lật sau đó ôm hai thùng vải lên bờ vứt lung tung.
-Ta hiểu rồi!
Phạm Hữu Thế cao hơn mét sáu một chút, cậu rất khoẻ và đặc biệt bơi giỏi. Chương nghe Duệ nói Thế thường bơi lặn ngoài sông Thiên Đức, bơi một mạch sang bờ Bắc mà không cần nghỉ. Thế chọn hai thuyền nhỏ, lấy tạm bốn người khiêng lên mỗi thuyền một thùng gỗ rồi đội mưa chèo ngược dòng. Chương vừa mới thoáng nghĩ đến việc đánh lạc hướng suy đoán của Lý Lệnh công về nguồn gốc toán c·ướp đêm nay.
-Thuyền sẽ chở không hết được. - Thế vừa vuốt nước mưa chảy trên mặt vừa nói với Chương. - Ta cho anh em hai người khiêng một thùng.
Chương gật đầu tỏ ý đã hiểu. Duệ với Bình cũng báo rằng Tôn và đội của cậu ta đã cùng toán của Lịch rong đàn trâu, bò theo lối cửa hậu nhưng còn hơn chục con ngựa tốt chưa biết xử lý ra sao.
-Bớt lại hai con, còn đâu nhắn chị Xuân cho quân dắt hết, làm mau.
Chương ra lệnh dứt khoát, Bình nói thêm:
-Lương thảo đầy một kho mới chuyển đến hồi chiều nay, việc này em không báo kịp.
-Báo với anh Di chưa? Lương thảo nếu đem đi thì để lại cho gia chủ một phần, không lấy hết.
Bình gật đầu rồi chạy biến mất trong mưa chỉ còn Duệ và Nguyệt ở lại. Chương nhìn mưa rơi không ngừng, suy nghĩ giây lát rồi bảo Duệ:
-Hai em vào báo với anh Di, chúng ta chỉ lấy đi bạc vàng và tiền xu, tuyệt đối không lấy giấy tờ hay ngân phiếu gì đấy. Thu được đến đâu rút đi chừng ấy, phải tận dụng trời mưa.
Mấy kho chứa vải vóc chả mấy bị vét gần sạch, Chương bảo Thế để lại cho gia chủ một phần, cậu có chủ ý này kể từ khi gặp ông Cả Lụa. Ngày sau có thể còn cần ông ta, không thể vét sạch, nếu ông ta kiệt quệ không gượng dậy nổi thì sau này lấy đâu hào phú mà dựa vào.
Duệ báo cho Chương biết vàng bạc trong gia trang xếp đầy hai thùng gỗ, mỗi thùng phải bốn người khiêng. Còn một thùng đựng tư trang như vòng vàng, mã não, ngân phiếu Bỉnh Di để Chương tự suy tính. Chương đi theo Duệ, thấy thùng gỗ đựng tư trang để dưới mái hiên, Chương mở nắp xem thử, bên trong quả nhiên toàn những thứ quý giá. Chương bảo hai thân quân khiêng trở vào chỗ Phúc Lý đợi cậu.
Gặp Nguyệt và Thiên Bình, Chương lại dặn:
-Hai em nhắc những người ở lại, sau đêm nay phải tích cực phao tin toán c·ướp nào đó đã dọn sạch gia trang.
-Toán c·ướp nào? Cần phải có một cái tên, thưa thầy.
-Em tự ý đặt một cái tên là được.
Bình nhanh miệng:
-Toán c·ướp Chó Lửa ở Tế Giang do tên Chương Bình Duệ cầm đầu cùng một trăm anh em.
Chương chỉ nhìn Bình cười rồi mau chóng trở lại chỗ bọn Phúc Lý. Chương không để tâm đến ý kiến của Bình bởi đó chỉ là cái tên dùng một lần nhưng cậu chẳng thể ngờ được rằng Thiên Bình có ý gắp lửa bỏ tay người bởi vùng Tế Giang có sứ quân La Lệnh công, tiếp giáp với Siêu Loại ở mạn Nam. Chỉ một ý tưởng tưởng chừng vui đùa loé lên trong mưa mà Thiên Bình đã khiến Lý Lệnh công và La Lệnh công gườm nhau, điều này lại làm giảm đi áp lực cho Thiên Gia Bảo Hựu quân ở mạn Bắc.
Gia chủ Nguyễn gia trang ngồi ở trường kỷ, sau lưng ông ta là gia quyến. Bọn họ vẫn chưa hết sợ, riêng có ông Cả Lụa thì vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên. Chương chỉ vào hòm đựng tư trang đặt gần trường kỷ, nói với ông Cả Lụa:
-Chỗ tư trang và ngân phiếu của ông đều ở trong này, chúng ta chỉ lấy bạc vàng. Thiết nghĩ ông là thương nhân, nếu bị lấy sạch thì công việc sẽ khó hồi phục. Vải vóc, lương thực ta cũng không lấy hết, người ta cũng không s·át h·ại.
-Cậu là ai, rốt cuộc cậu có ý gì? Nhìn dáng vẻ thư sinh của cậu và đôi bàn tay chưa vấy máu kia không lý nào lại cầm đầu đám lục lâm thảo khấu.
-Thời thế đang loạn, ta cũng là chó cùng rứt giậu mới phải làm điều không muốn nhưng cũng không tuyệt tình. Ông có thể hận ta, ông có quyền như vậy nhưng ta là kẻ ăn ở có trước có sau. Những gì ta nói khi nãy sẽ không thay đổi.
Chương nhìn một lượt gia quyến của ông Cả Lụa, ánh mắt Chương nhìn đến đâu thì họ co rúm đến ấy. Chương chỉ vào một chàng trai tuổi cũng chừng hai mươi và hỏi:
-Cậu kia có phải là con trai của ông?
-Cậu đã hứa không xuống tay, nay lại đổi ý?
-Không, ta chỉ muốn biết tên.
-Gia Miêu, nó là con thứ ba của ta.
-Gia Miêu, nãy giờ cậu nhìn ta với ánh mắt căm giận, điều ấy là đúng. Nhìn mặt cậu sáng sủa, hẳn tư chất thông minh hơn người. Nếu sau này cậu muốn tên mình lưu danh trong sách sử thì cứ viết tên cậu treo ngoài cổng gia trang, bọn ta cần người tài.
Chàng trai tên Gia Miêu nhếch miệng cười khinh bỉ khiến Chương thích thú.
-Cha cậu là thương nhân, bạc vàng không thiếu nhưng vẫn phải cậy nhờ Lý Lệnh công che chở. Có bao giờ cậu nghĩ đến việc bản thân trở thành một người đủ lớn mạnh che chắn cho gia tộc của cậu không?
Chương đọc luôn bài thơ “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ:
“Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh thế thượng thuỳ vô nghệ
Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ
Quyết ra tay lèo lái trận cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu.”
Bài thơ này Chương nhớ vì nó hay chứ cậu thì không biết làm thơ dù mài đũng quần thi Văn. Đêm nay tự nhiên lại dùng đến, quả thật thấy cũng hợp cảnh. Nhưng hơn cả, Chương khiến ông Cả Lụa và chàng trai tên Gia Miêu ngây người như tượng gỗ nghe không sót câu nào.
-Xin… xin hỏi… xin hỏi cao nhân, bài thơ này tên gì?
-Chí làm trai! - Chương đáp.
-Ta có thể chép lại được không?
-Nếu cậu nhớ được thì chép, bài này thầy ta dạy.
-Chả hay cao nhân đây là môn đệ của ai?
-Ta có nhiều thầy, thầy dạy ta bài này là Nguyễn Công Trứ, một thi nhân họ Nguyễn. Chả phải anh cũng họ Nguyễn sao?
-Một kẻ đèn sách mà làm ăn c·ướp phỏng có ích gì? - Ông Cả Lụa mỉa mai.
-Quan quân bây giờ cũng khác gì k·ẻ c·ướp? Chỉ là quan c·ướp ban ngày còn ta c·ướp ban đêm. Quan thu thuế hàng năm, ta thu thuế một lần, chả khác nhau là mấy.
Chương chỉ vào Gia Miêu:
-Ta ngắm cậu con này của ông. Sau nếu anh ta theo dưới cờ, nhất định sẽ có ngày ông nở mày nở mặt.
-Cậu chỉ là k·ẻ c·ướp, đến danh tính còn không dám nói, sao làm được đại sự.
-Chương Bình Duệ, đầu lĩnh đảng c·ướp Chó Lửa đến từ Tế Giang.
Là Duệ từ ngoài đi vào đã nói thay lời Chương.
-Thưa đầu lĩnh, mọi việc đã gần xong, xin đầu lĩnh ban lệnh.
-Một cô gái còn dám làm chẳng lẽ con trai ông lại sợ? Ta cho ông biết, trên đất Vạn Xuân này bậc nam nhi tài văn hay chữ đếm không xuể nhưng đứng trước cô gái này cũng phải ba phần kính nể.
Đoạn Chương nói với Duệ:
-Cho lui quân!
Rồi cúi đầu chào một lượt ông Cả Lụa và gia quyến trước khi quay đi, bỏ lại sau lưng những cặp mắt khó hiểu. Chỉ biết cái tên Chương Bình Duệ rồi sẽ bị đem ra bàn tán khắp vùng, có điều người ta tìm t·ên c·ướp họ Trương, tên là Bình Duệ thì có tìm đến Tết mồng thất cũng chẳng ra.
Chương rút lui cùng ba cô gái và những thân quân ngang qua chỗ Võ Văn Dũng vẫn ém quân chặn hậu trong làn mưa rả rích. Thiên Gia Bảo Hựu quân cứ hai đến bốn người khiêng một hòm, nhắm hướng núi Linh Sơn mà bước.
-Anh Chương, anh tính thu nạp con của hào phú ấy hả? - Thiên Bình thắc mắc.
-Anh gieo một hạt giống, có thành cây hay không còn tuỳ thời tiết. Nhưng để một đội quân trở lên lớn mạnh thì ngoài quân đông, tướng giỏi, dân khoẻ thì cần có những bậc cự phú kinh tài em ạ.
-Anh quả có tầm nhìn, bảo sao Tả Đô đốc cứ một hai vời anh cho bằng được.
Chương tự thấy mình không tài lắm, chỉ là cóp nhặt kiến thức cha ông truyền lại rồi vận dụng mà thôi.
-Anh Chương có thể đọc lại bài thơ khi nãy được không? Bài thơ ấy hay quá.
Đáp ứng mong muốn của Duệ, Chương đọc cho cả ba cô gái nghe bài “Chí làm trai” trong mưa. Bốn câu đầu tiên trong bài thơ sau này được Duệ phổ biến trong quân hòng nâng cao sĩ khí, đến khi Thiên Gia Bảo Hựu lớn mạnh đủ để không bị diệt thì bài thơ lan truyền trong dân gian mà không ai biết gốc tích.