Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 437: Tình hình đổi thay




Chương 437: Tình hình đổi thay

Tưởng Kính nhận nuôi Lương Thế Vinh, Đặng Mã La và Trương Thị Vạn. Theo đó, ba đứa trẻ danh chính ngôn thuận cùng đoàn sứ thần của Đại Vũ về phương Bắc. Ba đứa trẻ cùng đưa ra lựa chọn giống nhau, chúng hoàn toàn tự nguyện trong khi mẹ khóc không thành tiếng. Lương Thế Vinh, Đặng Mã La, Trương Thị Vạn rời Thiên Đức cùng tín vật của Vạn Thắng vương và ám hiệu nhận biết địch ta.

Đoàn sứ thần đến dừng ở Ninh Hải vài ngày mua nhu yếu phẩm. Đoàn Nhữ Hài nhờ đó lên thuyền thành công cùng 14 người khác, tất cả đều ở độ tuổi tráng niên, mặt mũi sáng sủa. Tưởng Kính kiểm tra bàn tay của từng người, tuyệt không có vết chai sần mới yên lòng. Như lời Đoàn Nhữ Hài nói thì bọn họ từng là nho sinh, đều không được trọng dụng do cha, anh vốn chống lại Thiên Đức quân. Thậm chí ba trong số những người này bởi quyết tâm thoát ly đã… cùng nhau hạ sát con trai xã trưởng do hiềm khích. Tưởng Kính nghe để đó.

Quan binh Ninh Hải bỗng tra soát dọc các bến thuyền không rõ tìm ai hay vật gì. Mọi người đều phải trình giấy tờ tuỳ thân. Thuộc hạ của Tưởng Kính nghe ngóng được liền cấp báo, Kính bán tín ban nghi sai thuộc hạ tìm cách dò la cớ sự. Thuộc hạ chạy đi nghe ngóng một hồi quay về bẩm báo, quan binh trấn ở Ninh Hải đang tróc nã mấy thanh niên quê huyện Thuỷ Đường. Cáo thị mới dán ở cửa các chợ lớn nhỏ, chủ các thuyền buôn cũng nhận cáo thị kèm theo lời cảnh báo không được chứa chấp nếu không sẽ phạm vào tội che giấu trọng phạm.

- Quan binh tróc nã năm đứa chứ không phải ba. Thuộc hạ đã tận mắt xem các bức hoạ. Dạ… thằng họ Đoàn có trong số ấy. Cáo thị có viết, nó phạm tội c·ưỡng h·iếp con gái Huyện phó Kinh Môn và đ·ánh c·hết tì nữ đi cùng.

Tưởng Kính nhăn mặt:

- Thằng thư sinh trói gà không chặt ấy sao có thể phạm tội tày đình đến vậy?

Tưởng Kính cho gọi Đoàn Nhữ Hài đến cật vấn. Ban đầu Nhữ Hài tỏ ra vô tội song gã thuộc hạ đọc vanh vách tội trạng thì Hài nhũn chân, mặt tái nhợt, lắp bắp nói:

- Xin đại nhân cứu con với. Thưa ngài, hồi trước con thương yêu cô tiểu thư ấy nhưng vì gia cảnh tầm thường nên bị khinh rẻ. Chuyến này con đi không muốn về nên…



Tưởng Kính thở hắt ra:

- Bọn Vạn Xuân các ngươi thật lỗ mãng. Ngay kẻ có học như ngươi cũng hành xử như lũ thất học.

Đoàn Nhữ Hài dập đầu xin Tưởng Kính cứu giúp, Kính ngồi đó quát mắng một thôi một hồi mới bỏ đi.

- Đem bọn chúng trả cho quan binh hay giữ chúng lại, thưa đại nhân?

Tưởng Kính đứng trên lâu thuyền dõi mắt trông ra đằng xa, thấy quan quân Ninh Hải lục soát gắt gao.

- Cũng tốt, có thế bọn nó hết đường lui, ta đỡ bận tâm. Ta cần những con chó biết nghe lời. Nếu lương thảo đã đủ thì nhổ neo ngay tránh đêm dài lắm mộng. Bọn Thiên Đức bắt được đám này, nhỡ chúng khai ra ta cho nương náu thì… Vạn Thắng vương không ngại giữ ta lại đâu.

Đoàn thuyền năm chiếc rời bến, do là đoàn thuyền sứ thần nên quan binh không lên khoang lục soát trừ khi có lệnh từ làng Vạn Xuân. Thuyền ra đến cửa biển vào một chiều hạ tuần tháng 3 năm Thiên Đức 33. Đoàn Nhữ Hài dẫn mấy người ra quỳ lạy Tưởng Kính, thề sống thề c·hết trung thành với họ Tưởng vì đã cứu giúp qua cơn hoạn nạn.

Nhữ Hài, Thế Vinh, Mã La, Thị Vạn và những người khác ra đi chưa biết ngày nào trở về và vài trong số họ, cha mẹ nơi quê nhà phải gánh chịu lời ra tiếng vào của hàng xóm láng giềng khi quân binh và lực lượng công an bố ráp quanh nhà, truy lùng họ vì nhiều tội danh, bao gồm cả tội phản bội Vạn Thắng vương.

Cha mẹ, anh chị em ruột của họ bị liên đới. Chịu không nổi, nhiều gia đình phải gồng gánh đồ đạc, bỏ mặc ruộng vương, làng mạc đi tìm sinh kế ở nơi khác. Những người trốn khỏi làng đều b·ị b·ắt, thay vì đưa đến nhà tù, những người lạ mặt đưa thẳng họ đến làng Tam Vạn. Những người già cả hoặc gan lì bám trụ ở làng, bằng cách này hay cách khác đều trốn khỏi làng hết lượt. Đến làng Tam Vạn, Trần Nhật Tôn gặp cha mẹ hoặc anh em ruột của những người ra đi căn dặn họ không được nói gốc tích, không được tìm về làng cũ nếu không con cái sẽ gặp nguy hiểm khi thi thành nhiệm vụ trong quân do gian tế Hoa quốc đang săn lùng gia quyến của những người theo Tưởng Kính.



Trần Nhật Tôn đã đúng bởi trước khi nhổ neo, Tưởng Kính đã đưa danh sách 15 người cho một thương nhân người Hoa. Thương nhân này bỏ ra một số tiền lớn cho thuộc hạ kín đáo đi nghe ngóng, dò la nhân thân bọn Đoàn Nhữ Hài. Tưởng Kính hoàn toàn yên tâm khi nhận được thư tay kể rõ sự tình của người thương nhân.

Đặt chân lên phần đất Hoa quốc nay thuộc về Đại Vũ đế, bọn Đoàn Nhữ Hài được cho ăn học một thời gian trước khi vào phủ của Tưởng Kính. Đối với ba đứa trẻ, Kính cho vào phủ ngay từ đầu và được ăn học tử tế. Kính thực muốn đào tạo những Lương Thế Vinh, Đặng Mã La, Trương Thị Vạn thành người Đại Vũ gốc Vạn Xuân mang nặng tư tưởng đối địch. Đáp lại, đám Đặng Mã La học rất chăm chỉ. Thảng hoặc, Tưởng Kính còn cho ba đứa trẻ theo hầu khi Kính có việc cần trong quân.

Tưởng Kính là văn quan được Đại Vũ đế tin dùng.

Trong suốt thời gian ăn học ở phương Bắc, bọn Lương Thế Vinh và Đoàn Nhữ Hài rất ít khi có cơ hội gặp nhau. Đôi khi chỉ nhìn thấy nhau, khẽ gật đầu chào nhau một cách kín đáo. Bản thân mỗi người đều hiểu, đầu trên cổ sẽ chẳng còn nếu sơ hở. Tất cả đều không biết ngoài số người lên thuyền ra còn những ai bởi Vạn Thắng vương khẳng định sẽ cho người theo bảo vệ, hỗ trợ họ khi cần thiết.

Cần phải nói thêm, trước lúc đám Đoàn Nhữ Hài, Lương Thế Vinh lên đường thì Triệu Nhã Lâm dẫn theo mấy chục thuộc hạ thân tín của Triệu Trung kín đáo đến nhận mặt tất cả và xuất phát trước đoàn sứ thần hai ngày. Những người này chia thành từng nhóm nhỏ, theo sát từng người được cử đi và thường xuyên gửi báo cáo về cho Triệu Nhã Lâm. Chương muốn có thêm hiểu biết về văn võ bá quan Đại Vũ song thời gian đầu anh căn dặn Nhã Lâm cứ để những người ra đi hoà nhập vào lối sống trong Tưởng phủ, tuyệt không móc nối.

Đoàn sứ thần rời Ninh Hải cũng là thời điểm Chương khoác chiến bào cùng Thiên Bình lên ngựa. Anh xác định, mục tiêu tiên quyết, cần dồn toàn lực thống nhất Vạn Xuân trong năm Thiên Đức 33 sau đó ổn định trị an trong nước, giang sơn quy về một mối trước khi hoạ phương Bắc đến cửa.

Những lão tướng như Phạm Tu, Lý An cũng hăm hở nhận nhiệm vụ. Theo họp bàn, Lý An cùng Phạm Cự Lượng đến vùng Sơn Nam Hạ nắm bắt tình hình thực tế cùng Triệu Quang Phục, từ đó điều động binh mã sao cho phù hợp. Chương, Thiên Bình, Phạm Tu cùng những Cao Mộc Viễn, Phạm Bạch Hổ sẽ lo mặt phía Bắc. Các đội quân dưới quyền chỉ huy của Đoàn Thượng và Yết Kiêu đóng vai trò dự bị.



Hạ tuần tháng Ba, Chương có mặt tại chiến trường bờ Bắc sông Như Nguyệt. Sau một tháng anh vắng mặt, tình hình chiến trường không có nhiều biến chuyển do Phạm Cự Lượng chủ trương án binh bất động. Chương họp bộ chỉ huy, nắm rõ tình hình thực tế và cùng mọi người đưa ra phương án.

Phạm Bạch Hổ được lệnh tăng cường thêm một tiểu đoàn tham gia chiến dịch. Song song với đó, Trương Lôi đích thân dẫn một tiểu đoàn bộ binh vừa hoàn thành huấn luyện tân binh tham gia cùng đại quân, nhiệm vụ của tiểu đoàn tân binh tăng cường là kiểm soát những vùng sẽ chiếm được.

Tổng cộng lực lượng thuỷ bộ chính quy tham gia chiến dịch là 1 vạn quân.

Trước tiên, Chương cho cung thủ và pháo binh hỗ trợ Tiểu đoàn Thiên Kim lo công tác địch vận. Ngoài việc bắc loa tay thuyết hàng, cung thủ và pháo thủ bắn những loạt tiễn, loạt đạn kèm thư dụ hàng. Trong thư ghi rõ, bất cứ quân sĩ nào hạ giáo quy hàng trước khi Thiên Đức tổng t·ấn c·ông sẽ được trở về làm nông, không bị trách tội. Binh sĩ trong hàng ngũ quân Tam Đái không phải người Vạn Xuân muốn nương nhờ quân Thiên Đức đều sẽ được chấp thuận, không b·ị b·ắt làm tù binh, không bị trả về cố quốc.

Ngoài những nội dung trên còn vài nội dung khác nữa, mục đích của Chương là chia rẽ hàng ngũ đối phương, khiến lòng quân dao động.

Song song với công tác địch vận từ sớm đến khuya, cánh quân bên tả dưới quyền chỉ huy của Lý Kế Nguyên, Phạm Ngũ Lão và Lan Ngư phủ vừa bắn phá vừa tiến quân một cách chậm rãi. Nhiệm vụ của cánh quân này là cắt đường tiếp viện từ hậu phương đến dãy đồi thấp đang tập trung vài nghìn quân Tam Đái trấn giữ.

Theo tin tình báo do Vi Thọ Kỳ thu lượm được, quân Tam Đái trấn thủ trên dãy đồi phần đa là tộc thiểu số từng nhận nhiều ơn huệ của Quảng Trí quân. Phan Văn Hầu có mặt trên đồi trực tiếp chỉ huy ba quân. Quân Tam Đái đào nhiều hầm hào, dựng vật cản hòng hạn chế uy lực của thần công.

Lê Phụng Hiểu chỉ huy quân Thiết kỵ có mặt theo lệnh, với hai tiểu đoàn tinh nhuệ trong tay, Lê Phụng Hiểu phối hợp cùng quân thuỷ của Cao Mộc Viễn tạo thành cánh quân bên hữu đã tiến hành nhiều cuộc bố ráp, cắt đứt nguồn tiếp lương và thông tin ở mạn phía Tây và Tây Bắc dãy đồi. Cánh quân của Lê Phụng Hiểu còn có sự tiếp sức của gần một nghìn bộ binh thiện chiến dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Lạc Thổ.

Vòng vây dần thít chặt, quân tướng trên các tháp quan sát đặt trên đồi có thể trông thấy cờ quạt quân Thiên Đức thấp thoáng sau những lùm cây, bụi cỏ tai voi cao ngang đầu người. Phan Văn Hầu chỉ có hai lựa chọn, một là lui quân, hai là kháng cự đến cùng, quyết sinh tử với Vạn Thắng vương một phen.

Trong khoảng nửa tháng kể từ khi Chương quay lại chiến trường, hàng chục cuộc đụng độ nhỏ diễn ra giữa hai bên. Hàng trăm quân sĩ Tam Đái ra hàng hoặc vừa chạm trán đã xin hàng tìm đường sống. Tin tức tình báo khai thác từ hàng binh mau chóng được đưa cho những Lê Phụng Hiểu, Nguyễn Lạc Thổ và Cao Mộc Viễn. Nhận thấy binh lực Tam Đái ở hậu phương dàn trải lo chống đỡ nhiều mặt, Lê Phụng Hiểu đưa ra ý kiến và được đồng thuận. Theo ý của Lê Phụng Hiểu, Nguyễn Lạc Thổ và Lê Phụng Hiểu sẽ dẫn đội quân Thiết kỵ và bộ binh trang bị mạnh nhắm thẳng đến Tam Đái trong khi Cao Mộc Viễn cầm chân đối phương hoặc truy kích nếu đối phương tháo chạy. Lão tướng Trương Lôi dẫn đội tân binh trang bị nỏ Liên châu, lựu đạn, giáo mác làm hậu quân cho Cao Mộc Viễn.

Đạo quân hai nghìn người bỏ lại lều trại, miệng ngậm tăm, ngựa bỏ nhạc xuất kích ngay trong đêm thượng tuần tháng Tư. Trong khi đó ở hướng đối diện dãy đồi, Chương vẫn cho đại quân phô trương thanh thế và có thể t·ấn c·ông bất cứ lúc nào nếu tình hình có chuyển biến.

Chính Ngọ ngày hôm sau, thám báo của đối phương phát hiện ra sự vắng mặt của quân Thiết kỵ. Chỉ huy đội quân này đoán Phụng Hiểu tiến sâu vào hậu phương bèn hạ lệnh lui quân truy theo. Mặt khác, người chỉ huy cho thám mã phi báo với Phan Văn Hầu. Thám mã bị bọn Vi Thọ Kỳ bắt được, bởi thế tin tức Lê Phụng Hiểu dẫn một đạo quân tiến về Tam Đái không đến được với vị Sứ tướng họ Phan. Bản thân Phan Văn Hầu với kinh nghiệm điều binh khiển tướng cũng hiểu rằng, một khi Hầu tập trung binh lực mạnh chống đỡ với Thiên Đức thì hậu phương sẽ nguy khốn nếu để đối phương thọc sâu. Chính vì thế, việc Phan Văn Hầu có mặt ở tiền tuyến thực hư rất khó đoán định. Đối với Chương, anh tin Phan Văn Hầu có mặt bởi mối thù sâu sắc giữa anh và Hầu.