Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 49: Thái sư, lão tiền bối và đại sư




Chương 49: Thái sư, lão tiền bối và đại sư

Sơn Tây là một châu không lớn, nằm ở phía Đông Bắc của La thành, kinh đô của Vạn Xuân trước đây. Quê gốc của Lý Nam Vương chính là ở vùng đất này. Sơn Tây là vùng có nhiều sông ngòi thuận tiện để sang các vùng khác, đồng bằng phì nhiêu, dân chúng no đủ. Sông Đỏ hay còn gọi là Xích Giang, một con sông lớn, chảy qua Sơn Tây ngang ra La thành rồi xuôi xuống vùng Tế Giang. Đầu nguồn sông Thiên Đức chính là bắt nguồn từ Xích Giang.

Sau Tam vương chi loạn, Hoàng tử Long Trát nghe theo lời Thái sư Lý Đạo Thành kéo quân bản bộ đóng trại xây thành cao hào sâu và thu nhận quân binh, kẻ sĩ, quan lại không theo phe của anh trai là Lý Long Xưởng. Sau mười năm xưng sứ quân, Hoàng tử Long Trát đã có cho mình một toà thành lớn cùng nhiều toà thành nhỏ đắp đất gần cửa các con sông nhỏ. Quân binh của Long Trát có đến hai vạn, có thể xem như lớn mạnh nhất nhì trong 15 sứ quân. Ngoài địa hình đồng bằng thì phía Bắc của châu Sơn Tây có dãy Phượng Hoàng Sơn cao đến bốn trăm trượng, trở thành bức tường thành tự nhiên ngăn cách châu Sơn Tây với các vùng khác.

Thái sư Lý Đạo Thành năm nay tuổi đã sáu mươi nhưng hãy còn khoẻ mạnh, quê ông cũng ở châu Vũ Ninh, trước khi giữ chức Thái sư thì đã kinh qua nhiều chức vụ cả văn lẫn võ. Lý Đạo Thành là người tài năng, liêm khiết và chính trực, vì thời thế bắt buộc ông phải chọn phe. Lý Đạo Thành được lòng dân chúng trong vùng nên đôi ba lần quân của Lý Long Xưởng ngược sông lên đánh chiếm đều bị đẩy lui, dần dà hai bên ở thế giằng co. Dưới quyền Long Xưởng có nhiều đồng liêu của ông nên đôi lúc hai sứ quân lại liên thủ chống lại sự quấy phá của các sứ quân khác.

Là người tài năng nên dưới trướng Lý Đạo Thành có nhiều kẻ sĩ xuất chúng, trong thâm tâm ông vẫn muốn có một ngày non sông thu về một mối song thế và lực không cho phép ông làm được điều ấy. Lý Đạo Thành cũng từng nghĩ sẽ sáp nhập với sứ quân của Long Xưởng nhưng lại không thể bởi ông biết, bản thân Long Xưởng là kẻ vô đạo thích hưởng lạc, từng tư thông với phi tần của phụ hoàng. Sau Long Xưởng còn bao kẻ sẵn sàng bêu đầu ông thị chúng và sau đó sẽ làm cỏ tất cả những người từng dưới trướng Long Trát, kể cả gia quyến.

Chừng hai tháng trước, có kẻ sĩ dưới trướng dẫn một ông lão tuổi ngoài thất tuần đến găp Lý Đạo Thành, ông này cho biết bản thân là một người biết Thuật chiêm tinh, có thể quan sát thiên tượng mà biết được biến hoá trong tương lai. Lý Đạo Thành học cao hiểu rộng, kết giao nhiều nên ông cũng biết lắm kẻ rêu rao bản thân có thể lừa thần gạt quỷ, hô mưa gọi gió hòng kiếm cơm nhưng ông lão ấy tuổi đã gần đất xa trời, tướng mạo nho nhã, cũng tuyệt không nhận bất cứ bổng lộc hay ban thưởng nào. Ông ta nói vì quý mến tài đức của Thái sư mà đến mách chuyện hệ trọng song bản thân ông ta cũng không biết là nguy hay an cho Lý Đạo Thành.

-Thái sư! Nửa năm gần đây ta quan sát tinh tượng, thấy rằng ở phía Tây có một ngôi sao lạ đột nhiên xuất hiện và dần sáng lên, e đó là sao Bạch Hổ vài trăm năm mới xuất hiện một lần. Sao này ngày một tỏ, theo những gì ta đọc được từ thư tịch cổ thì một khi Bạch Hổ xuất hiện ắt có nạn binh đao vì nó đại diện cho yếu tố Kim trong ngũ hành. Bạch Hổ là một trong tứ tượng trong Thuật chiêm tinh của Hoa quốc và… nó nằm ở hướng Tây.

-Ta là kẻ ngoại đạo, thật chưa rõ lời của lão tiền bối, mong lão tiền bối giảng giải cho ta được tỏ tường.

-Bạch Hổ xuất hiện nghĩa là hướng Tây vừa mới có hổ tướng ra đời, hổ tướng này đến thì nạn binh đao sẽ thật khó đoán chừng, sợ rằng sẽ có một cơn mưa máu khắp Vạn Xuân.

-Vạn Xuân ta cả chục năm nay có ngày nào được yên đâu, lão tiền bối?

-Bạch Hổ sáng tỏ kéo theo hai mươi tám vì tinh tú ứng với chữ Vạn sáng theo và hướng về Bạch Hổ. Ta đã mạo muội đoán rằng chỉ nay mai thôi phương ấy sẽ xuất hiện người tài, quy tụ được binh hùng tướng mạnh dưới tay. Đất bằng rồi sẽ dậy sóng, chẳng biết nguy hay an cho Thái sư.

-Phía Tây rất rộng lớn, thật khó mà biết anh hùng đang ở đâu mà tìm?



-Thái sư! Giờ Thìn một khắc ngày hôm qua, trời đang quang đãng bỗng ở phía Tây mây đen kéo đến đầy trời kèm theo sấm chớp liên hồi nhưng lại không đổ mưa. Thiên tượng lạ này chỉ kéo dài chưa đầy một khắc thì tan biến.

-Điều ấy thì có nghĩa gì? Xin lão tiền bối giảng giải.

Bản thân Lý Đạo Thành sáng ngày hôm qua đứng trên tường thành cũng vô tình nhìn thấy hướng Tây đúng là có mây đen vần vũ, chớp giật sáng loà, cũng thoáng giây Lý Đạo Thành tưởng như đám mây đen giống hình một con hổ đang rùng mình tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài.

-Nếu ta đoán không nhầm thì Bạch Hổ ứng với châu Vũ Ninh, đó là tất cả những gì ta biết. Nếu một mai nơi ấy quần hùng nổi lên, theo họ hay chống họ đều do Thái sư cả nhưng ta nghĩ ý trời nếu đã định thì khó mà thay đổi. Hai mươi tám vì tinh tú xếp thành hình chữ Vạn rất có thể ứng với hai mươi tám vị danh nhân nào đó sẽ cùng Bạch Hổ tạo ra sóng gió.

-Lão tiền bối, nếu ngài đã cất công đến đây chỉ để cảnh báo cho ta thì trước ta xin tạ ơn ngài, sau ta có thêm một thắc mắc, ngài có thể cho ta biết được chứ?

-Xưa nay hổ đại diện cho các tướng, rồng vàng đại diện cho bậc đế vương. Bạch Hổ xuất hiện cứ cho là đúng như lời ngài tiên tri thì liệu Bạch Hổ có trở thành bậc đế vương?

-Rồng hãy còn ẩn trong mây, Bạch Hổ xuất thế ắt rồng cũng sẽ sớm hiện và… - Lão tiền bối lắc đầu thở dài. - Hổ rồng lẫn lộn, ta thật không biết, chính vậy ta mới nói nguy hay an đều do ngài định đoạt, thưa Thái sư.

Lão tiền bối ra về để lại cho Lý Đạo Thành nhiều suy tư. Châu Vũ Ninh có sông Thiên Đức chia hai bờ Nam Bắc, bờ Bắc do Vũ Ninh vương trấn trong thành Bát Vạn, quân đông vạn người. Bờ Nam có Lý Lệnh công trấn vùng Siêu Loại cũng chẳng kém số quân Vũ Ninh vương là mấy, hai bên giao tranh vài lần bất phân thắng bại nên vài năm nay con sông Thiên Đức trở thành giới tuyến tạm thời.

Lý Đạo Thành nghĩ, Lý Lệnh công thì an phận, Vũ Ninh vương thì chỉ là một kẻ cơ hội nên hai kẻ này không bao giờ là một mối nguy. Mấy tháng trước ven bờ Nam sông Thiên Đức có một đám dân tự dựng cờ xưng bá không chịu sự cai quản của Lý Lệnh công, điều ấy càng thể hiện rõ Lý Lệnh công là kẻ an phận, ai mạnh tất sẽ theo. Tin tức báo về, đám dân làm loạn có kỳ hiệu và tự xưng là Thiên Gia Bảo Hựu quân, nghe rất kêu và được Long Xưởng, ngay cả Lý Đạo Thành cũng ít nhiều có thiện cảm vì họ khuông phò nhà Lý, song ông tự hỏi nhà Lý là nhà Lý nào?

Lý Đạo Thành sai sứ giả đến dụ thì gặp Triệu Quang Phục, ông có gặp người này một lần và đánh giá anh ta là một võ tướng có chút mưu lược nhưng nếu làm việc đại sự thì không thể. Triệu Quang Phục không phải quê ở Vũ Ninh, Lý Đạo Thành nhớ là vậy, bởi nếu anh ta quê ở đó thì đồng hương với ông rồi. Triệu Quang Phục không từ chối cũng chẳng đồng ý, thái độ ỡm ờ cũng xem như anh ta chờ kẻ mạnh rồi theo. Thứ nữa quân binh nghèo nàn, sứ giả cho biết quân sĩ dưới quyền Triệu Quang Phục chưa nổi một nghìn. Với số quân như vậy, chỉ cần lão già Lý Lệnh công ho là sẽ dẹp được, có điều ông ta hơi nhu nhược.

Mọi chuyện cũng qua đi, Lý Đạo Thành dần cho rằng lão tiền bối dạo trước già rồi lẩm cẩm, sợ là bản thân đến tuổi ấy cũng chẳng khá hơn. Nhưng chiều hôm qua vào giờ Thân, Lý Đạo Thành nghe tiếng sấm chớp đì đùng nhưng trời vẫn quang, vội lên tường thành xem tứ phía thì ông lại tận mắt thấy ở phía Tây mây đen tụ lại một chỗ, sấm chớp giật liên hồi và rõ là những đám mây đen giống như một con hổ đang gầm vang. Giây phút ấy Lý Đạo Thành bỗng kinh sợ nhưng ông trấn tĩnh lại rất mau. Thiên tượng lạ chỉ diễn ra trong chưa đầy nửa khắc thì mây tan.



Ngay nửa đêm, Lý Đạo Thành cho người cải trang đi dò la tin tức ở châu Vũ Ninh bởi ông đã tận mắt nhìn thấy những hai lần thì không muốn tin cũng phải nghĩ nơi ấy có chuyện.

Kẻ dưới báo cho Lý Đạo Thành có vị đại sư là Nguyễn Minh Không ở châu Đại Hoàng xin gặp. Lý Đạo Thành liền cho mời vào ngay, ông biết vị đại sư Nguyễn Minh Không có thế danh là Nguyễn Chí Thành này và đã từng gặp hai lần. Thân phụ của đại sư quê ở châu Đại Hoàng còn thân mẫu quê ở giáp Cổ Pháp, huyện Từ Sơn, châu Vũ Ninh. Từ ngày ở Sơn Tây, Lý Đạo Thành đặc biệt có thiện cảm với những người cùng quê bởi nếu ngồi đàm đạo ôn cổ tri tân cũng là cách giúp ông vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Thân mẫu của vị đại sư lại cùng đồng hương với ông, chỉ khác làng nên ông vội vàng thay lễ phục.

Sau khi chào hỏi, phân ngôi chủ khách, Lý Đạo Thành rót trà mời vị đại sư, nhấp ngụm trà thơm, vị đại sư tấm tắc khen ngon, ông đặt xuống cạnh bàn rồi hỏi Lý Đạo Thành:

-Chẳng hay Thái sư có hay quan tâm đến tinh tượng?

-Thú thật với đại sư là ta vốn không hiểu.

-Không phải cái gì Thái sư cũng biết hết được nếu cứ bó gối ngồi ở nơi này. Bần tăng biết Thái sư rất thích hàn huyên với đồng hương, cũng là người yêu quê, yêu dân, yêu nước nên bần tăng đi đò từ đêm qua đến đây để gặp ngài cho bằng được.

-Đại sư, đại sư tuổi cũng đã cao, việc không cần kíp thì nhờ người đưa tin là được. Từ châu Đại Hoàng đến đây đâu gần.

-Nhưng quê của thân mẫu bần tăng sắp tới sẽ có nhiều biến chuyển, bần tăng tuổi cũng đã cao chẳng thể giúp được gì nhiều nên mạo muội đến gặp Thái sư. Thái sư còn nhớ Thiền sư Ngô Chân Lưu chứ?

-Ta nhớ nhưng Thiền sư đã mai danh ẩn tích mấy chục năm.

-Mấy năm trước bần tăng có nghe tin Thiền sư ở Vũ Ninh nhưng chẳng biết cụ thể là nơi nào. Nay châu Vũ Ninh, quê hương của Thái sư, sắp có biến lớn. Nơi ấy đất bằng nổi sóng, nhân tài trăm năm có một đã xuất hiện.

-Đại sư! Có phải đại sư muốn nhắc đến… nhắc đến sao Bạch Hổ?



-Thái sư đã biết rồi ư?

-Hai tháng trước có một vị ẩn sĩ đã gặp ta và nói chuyện ấy, ông ta đề cập đến sao Bạch Hổ mới xuất hiện cùng với hai mươi tám vì tinh tú xếp hình chữ Vạn. Ông ta bảo rằng sợ là sắp tới sẽ có một cơn mưa máu và rằng kỳ tài từ hướng Tây mà đến.

-Đất Vạn Xuân thật lắm người tài nhưng không chịu lộ diện nhưng bần tăng cho là những gì ông ấy nói cũng có lý lắm.

-Đại sư, chuyện này vô cùng hệ trọng. Chả giấu gì đại sư, ngay đêm qua ta đã cho người đi thám thính bên châu Vũ Ninh. Nội trong một tuần sẽ có tin tức.

-Thái sư không cần phải vội vã, Bạch Hổ xuất hiện tất nhiên là có loạn binh đao nhưng sao Bạch Hổ sáng trước rồi kéo theo hai mươi tám vì tinh tú sáng theo lại ứng với chữ Vạn. Chữ Vạn trong chùa chiền nào chẳng có, chữ Vạn cũng biểu trưng cho may mắn và yên bình nên cần phải giải nghĩa thật sâu, thật cặn kẽ mới tỏ tường bản chất.

-Mong đại sư nói rõ hơn cho ta hay.

-Bần tăng có thể luận thế này, Bạch Hổ ắt có liên quan đến một vị đại sư hoặc vị đại sư dùng Phật pháp cảm hoá Bạch Hổ đi vào đường chính đạo. Hai mươi tám vì tinh tú có thể là hai mươi tám vị anh hùng sẽ làm lên nghiệp lớn mà Bạch Hổ chính là người đứng đầu. Bần tăng vẫn quan sát thiên tượng nhưng chưa thấy rồng vàng hiện ra nhưng sẽ sớm thôi.

-Đại sư có thể dự đoán được khi nào không?

-Hổ không ra hổ, rồng không thành rồng nay đã là cuối hè đầu thu mà Bạch Hổ nằm trong tứ tượng như vậy có thể mùa thu năm sau Bạch Hổ sẽ hiện rõ và rồng vàng cũng theo đó mà hiện thân.

-Xin hỏi đại sư, nếu một ngày rồng cuộn hổ ngồi, đất bằng nổi sóng thì ta nên theo ai?

-Thái sư là người học cao hiểu rộng, biết trước biết sau hẳn sẽ có suy tính. Ý trời nếu đã định dẫu ngài chọn cách nào cũng vẫn đi đến một kết cục giống nhau. Bần tăng tin rằng khi ấy, Thái sư sẽ vì trăm họ mà cân nặng nhẹ.

-Đa tạ đại sư đã chỉ bảo.

-Thái sư, ngài không cần khách sáo như vậy. Bần tăng có thể mách ngài một chuyện, lúc ngài gặp nguy nan tự nhiên sẽ có người đến giúp, đó sẽ là người thi ân bất cầu báo cũng có thể là người mà ngài nên khuông phò. Người ấy đến không phải cứu ngài mà là giúp bách tính. Ngài hẳn đã nghe câu gieo nhân nào gặp quả ấy, ngài độ lượng lại thương dân rồi ngài sẽ nhận lại được tương xứng. Thiên cơ bất khả lộ, bần tăng cũng chỉ mách ngài được vậy.

Lý Đạo Thành ghi nhớ lời này sau đó kể những gì bản thân đã nhìn thấy, Đại sư Nguyễn Minh Không chăm chú lắng nghe và thi thoảng khẽ gật đầu. Bản thân vị đại sư cũng chưa lý giải được thiên tượng lạ xảy ra giữa ban ngày biểu đạt cho điều gì.