Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 595: Chu Bác mắc lỡm




Chương 595: Chu Bác mắc lỡm

Ông cụ bán chim gần phủ Thái uý được mời đến Chu gia phủ gặp Chu Bác. Chu Bác ngỏ ý muốn nuôi chim câu, nhờ ông cụ làm giúp vài chuồng và chọn cho trăm con để nuôi. Chu Bác khéo léo hỏi ông cụ cách nuôi và một số đặc tính của chim câu. Ông cụ thoáng ngạc nhiên, chẳng biết bắt đầu thế nào. Chu Bác gia nhân biếu ông cụ vài xấp lụa và dăm nén bạc xem như công xá ông truyền nghề. Ông cụ nhận bạc mắt sáng như sao sa, hồ hởi giảng giải cặn kẽ cho Chu Bác.

- Ồ! Nói vậy chim câu có thả ở đâu cũng bay về nhà ư?

Ông cụ bèn thưa:

- Bẩm đại nhân, lão thấy như vậy. Bởi thế nuôi chim câu chẳng cần làm cửa lồng.

Chu Bác lại hỏi thêm:

- Loại chim câu nào cũng vậy?

Trần lão ngập ngừng giây lát:

- Điều này lão không dám chắc vì lão chẳng để ý lắm.

Chu Bác cười giả lả:

- Cụ cho biết vậy là quý rồi. Vậy khi nào cụ giao đủ chim câu cho ta?

- Xin đại nhân cho độ mươi ngày.

Chu Bác lại sai gia nhân đưa cho ông cụ dăm nén bạc, cười mà rằng:

- Ta đương buồn chán, hứng chí nuôi. Ông cứ giao sớm một ngày ta biếu thêm dăm nén bạc, được không?

Ông lão chắp tay, cúi người xá dài:

- Tạ ơn Chu đại quan nhân, lão sẽ cố hết sức để ngài được vui lòng ạ.

Chu Bác hồ hởi tiễn ông cụ ra tận cửa phủ. Ông cụ luôn miệng tạ ơn, lại xin với Chu Bác cho gia nhân đưa về vì… cầm bạc nhiều sợ chẳng an toàn vì trời đã tối, lại sắp đến giờ giới nghiêm. Chu Bác vui vẻ sai gia nhân đốt đuốc đưa ông cụ về nhà. Trong khi Chu Bác mặt tươi như hoa đứng trông theo bóng dáng gầy gò, lom khom của ông cụ thì ông cụ mồ hôi đang thấm ướt đẫm lưng áo dù trời lạnh.

Ông cụ họ Lê, tên tục là Cầm, quê gốc ngay ngoài cửa Tường Phù. Hàng xóm láng giềng thường gọi là ông Cưu vì ông nuôi nhiều chim câu Chim câu còn gọi là chim cu, chim cưu). Vừa cài then cửa, ông Cưu hé mắt nhìn qua khe, trông theo ánh đuốc gia nhân Chu phủ đi xa hẳn mới nói với vợ:

- Bà canh hộ tôi, có ai gọi cổng phải trả nhời thật lớn.

Dặn dò xong, ông cầm đĩa đèn đi vào buồng, đặt đĩa đèn ngay bậc cửa, lăn cái vại sang một bên, gõ nhẹ xuống nền đất mấy cái ngắt quãng.

Một khoảng tĩnh lặng trước khi nắp hầm hé mở, ánh đèn leo lét dưới hầm hắt ngược lên.

- Bọn con mới ăn cơm xong, có chuyện gì thế ông?

Người vừa cất giọng thì thào chẳng ai khác là Phạm Ngũ Lão.

- Chuyện hệ trọng lắm, nguy đến nơi rồi.

Nghe giọng ông cụ có phần gấp gáp, sắc mặt có phần nhợt nhạt, trên trán hãy còn lấm tấm mồ hôi, Phạm Ngũ Lão bèn hỏi:

- Ông đến Chu phủ có biến gì ư?

Ông Cư ấn vai Phạm Ngũ Lão:

- Xuống dưới, xuống dưới tao nói chúng bay nghe, mau mau lên nào.



Phạm Ngũ Lão và hơn chục tráng sĩ ngồi vây quanh nghe ông Cưu thuật lại những lời của Chu Bác, sau cùng ông kết luận:

- Bằng cách nào đó Chu Bác biết cách truyền tin bằng chim câu của chúng ta và đang học theo. Chẳng loại trừ khả năng hắn nghi ngờ nơi này, vợ chồng tao đã già cả, c·hết chẳng sao. Chúng bay trai tráng chưa c·hết vội thế được.

- Chu Bác là tay giảo hoạt và đa nghi. - Phạm Ngũ Lão nhận định. - Nơi này gần phủ Thái uý, ông bà lại tuổi cao nên chúng chẳng nghi. Có điều… Chu Bác nắm trong tay hàng trăm quân tế tác, bình sinh hắn phòng người hơn phòng hoả. Cháu e sau khi giao chim câu là chúng hại ông bà nhằm bịt đầu mối.

Ông Cưu gật gù, cho là phải. Ông hỏi:

- Bây giờ chúng bay sao? Vợ chồng tao m·ất m·ạng thì chúng bay c·hết đói ư?

Phạm Ngũ Lão nhăn mặt cười:

- Ông lẩm cẩm rồi! Trước tiên phải mật báo tin này về Thiên Đức ngay tức khắc. Đúng, phải đêm nay. Cậu nào viết mật mã nhỉ?

Một tráng sĩ đáp:

- Dạ em, thưa thủ trưởng.

Phạm Ngũ Lão dặn:

- Cậu viết ngắn gọn, báo Chu Bác đang nghi ngờ và học cách truyền tin bằng chim câu, đề nghị các toán tế tác tạm dừng liên lạc bằng bồ câu trừ khi cần kíp, nhớ phải kín đáo kẻo liên đới người khác. Cậu viết ngay, gửi đến trạm bên sông, trạm Siêu Loại, trạm Tam Vạn, trạm Hiến Doanh và trạm Vạn Xuân.

- Nên gửi thêm lên trạm Hát. - Ông Cưu đề nghị. - Vương thượng cần biết tin này sớm nhất có thể.

Phạm Ngũ Lão bèn lệnh:

- Thêm trạm Hát và trạm Nam Sơn Lăng.

Cậu lính hỏi lại:

- Dạ, đóng kí hiệu thủ trưởng hay của ông Cưu ạ?

Phạm Ngũ Lão phàn nàn:

- Cậu này! Chúng ta đang ở đây, công này của ông Cưu, cậu phải thông minh lên chứ.

- Công xá cái gì! Tả Đô đốc là ân nhân của tao, tao có công c·hết rồi đem theo được chắc.

Phạm Ngũ Lão cười:

- Ông nói thế nào ấy chứ, nhìn ông cứ phải trăm tuổi. Ông yên tâm, Tết này mà gặp lão gia thì cháu sẽ đích thân nướng thịt hầu rượu ông.

- Mày chỉ được cái tếu táo hệt Tả Đô đốc lúc tráng niên.

Phạm Ngũ Lão tặc lưỡi:

- Thì bọn cháu cùng một lò sinh ra, sau ông gặp mấy anh em làng Vạn thì tay nào cũng thế cả. Tớ nói phải không các cậu?

Ông Cưu ngả lưng vào bức vách lót gỗ tạp, lần túi lấy trầu cau, đoạn ông nói:

- Theo tao thì tếch khỏi đây là hợp lẽ nhất. Chúng bay tếch trước, vợ chồng già bọn tao cũng khăn gói cuốn xéo.

- Bọn cháu lỉnh đi chẳng khó, có điều… ông bà đi bằng cách nào nếu Chu Bác đã để ý. Cháu đồ hắn đã cắt cử người theo dõi nhất cử nhất động của ông rồi.



- Thì hẳn! - Ông Cưu bỏ trầu cau vào miệng nhai. - Tao già chứ tao đâu có dại. Lúc thằng Bác hỏi tao về chim câu là tao ngờ ngợ rồi. Tao có c·hết cũng không chỉ cách cho nó đâu.

- Nói vậy là ông có tính đường lui rồi?

Ông Cửu thản nhiên nói:

- Trên đường về đây dẫu sợ vãi ra quần vì lo liên luỵ chúng bay, sợ bọn nó ập vào xét nhà. Tao tính kĩ cả rồi. Đất La thành này tao rành rẽ trong lòng bàn tay, tao muốn trốn có trời mới biết. Cơ mà tao phải lỡm thằng Bác này một phen mới được.

Phạm Ngũ Lão thắc mắc:

- Thời trẻ ông làm chân chạy cho lão gia, sao ông không theo lão gia về Tam Vạn?

Ông Cưu thanh minh:

- Mồ mả cha ông ở đây, con cái ở đây tao đi không đặng. Bây giờ chúng nó đủ lông đủ cánh tao chẳng vướng bận gì nữa. Này! Thằng kia biên xong chưa? Xong thì ngồi lại đây bàn tính cho thông nào.

Hơn chục cái đầu ngồi túm tụm thì thào một thôi một hồi dưới căn hầm rộng chưa đến hai chục mét vuông mà ông Cưu đã dày công hoàn trong cả năm trời ngay dưới căn buồng ngủ đầu hồi nhà.

Ông Cưu tuổi lục tuần, thuở xưa là hạng cùng đinh, theo làm lính hầu của Phạm Tu. Bốn cõi Vạn Xuân yên bình, ông Cưu về cày ruộng lấy vợ sinh con. Phạm Tu từ quan biệt vô âm tín hơn chục năm ròng cho đến một ngày có người lạ đến làng tìm gặp ông. Kể từ đó hai vợ chồng ông Cưu vào thành hành nghề buôn bán chim và gia cầm. Ngôi nhà tranh vách đất của vợ chồng già trở thành địa điểm trung chuyển tin tức, bản thân ông Cưu trở thành tế tác quân Thiên Đức. Trong kinh thành có bao nhiêu trạm thông tin liên lạc bằng chim câu như ông Cưu chỉ có những người như Trần Nhật Tôn và Phạm Bỉnh Di biết mà thôi.

Phạm Ngũ Lão trốn khỏi ngục thất, tế tác làm nội gián trong đại lao đưa Phạm Ngũ Lão đến trốn dưới căn hầm của ông Cưu. Nhà ông cách phủ Thái uý chỉ non 1 dặm, nguy hiểm song có phần an toàn hơn nhiều chỗ ẩn náu khác. Phạm Ngũ Lão dự định chờ tình hình lắng xuống đôi chút sẽ đến phủ Tể tướng thuyết một lần.

- Thủ trưởng, thủ trưởng! Bờ rào phía sau nhà có người.

Nghe thuộc hạ báo vậy, Ngũ Lão hỏi:

- Mấy đứa?

Thuộc hạ thưa:

- Trăng tỏ nhưng tán cây rậm rạp che khuất nhưng… em đoán ít nhất hai đứa.

Ngũ Lão nói:

- Vậy là rõ, Chu Bác cắt cử người theo dõi ông Cưu, nơi này không còn an toàn nữa.

Đoạn anh quay sang bảo ông Cưu:

- Tính ra thế lại hay, lại thuận lợi. Ông cứ theo kế đã bàn mà hành động thôi.

Ông Cưu vỗ vai Phạm Ngũ Lão và mấy chàng trai trẻ, thì thào:

- Hẹn gặp chúng bay ở làng Vạn, về đủ nhé.

Ông Cưu leo lên, cẩn thận đậy nắp hầm, vần cái vại vào chỗ cũ, với tay cầm đĩa đèn trở ra gian giữa, vẫy tay gọi vợ ngồi vào bàn uống nước, hắng giọng:

- Đây bà xem, Chu đại quan nhân hào phóng cho tôi tận những mười nén bạc. Mấy xấp lụa tốt này bà may lấy mấy bộ quần áo vận Tết. Cho mấy mẹ con nhà Hĩm hai xấp, nhà thằng cu hai xấp.

Đoạn ông ghé tai bà thì thào vài lời, bà gật đầu rồi phụ hoạ:

- Tôi bảo với ông rồi, Chu đại quan nhân là người phúc đức, hào sảng.

Ông nói:



- Giờ bà còn bảo tôi nuôi chim phí công chưa nào? Đống bạc này ki cóp mấy năm chưa chắc đã có đâu. Nhà họ Lê đổi vận từ đây.

Bà vơ hết đống bạc trên bàn ngắm nghía dưới ánh đèn dầu hồi lâu, đoạn lo lắng bảo rằng:

- Nhiều bạc thế này thích thì thích thật nhưng khi không Chu đại quan nhân lại cho ông hậu hĩnh như thế?

Ông Cưu nói hoàn thành sớm một ngày sẽ có thêm dăm lượng bạc. Bà giục:

- Vậy phải mau làm cho xong, có tiền tôi cất cái nhà kiên cố, cho con cái mỗi đứa một tí làm vốn. Mà ông này, bây giờ nhiễu nhương, vợ chồng mình già cả cầm một đống của thế này tôi lo lo là.

Ông trách:

- Đúng thói đàn bà, không có thì than mà có cũng than là thế nào?

- Tôi tính thế này, đằng nào ông cũng phải ra khỏi thành bắt và mua chim câu. Tôi theo ông, chỗ bạc này đem chôn tạm bên mộ các cụ nhà ta là kín đáo hơn cả. Ông thấy thế nào?

Ông Cưu dặn:

- Tuỳ bà! Sớm mai bà đi gọi các con đến, tôi sẽ đưa chúng nó tới gặp Chu đại quan nhân xin ngài ấy cấp cho cái lệnh rời thành dăm ba hôm. Tôi là muốn dăm hôm phải bắt đủ đôi trăm con chim cu, còn bày cách chăm nuôi cho người trong Chu phủ nữa. Bà nhớ kín kín miệng, hàng xóm láng giềng biết ta có của lại dòm ngó sẽ mệt lắm đấy.

Hai ông bà tán hươu tán vượt một hồi mới thổi tắt ngọn đèn, nín thở nhón chân áp tai vào bức vách sau nhà lắng nghe một hồi lâu, mãi đến khi nghe tiếng bước châm giẫm lên lá khô sau vườn tạo ra thứ âm thanh rất nhỏ, ông bà mới lên giường nằm, thì thào vào tai nhau kế hoạch trốn khỏi kinh sư.

Sớm hôm sau ông Cưu dẫn người con trai và chàng rể đem theo dụng cụ đến trước cửa Chu phủ xin gặp Chu Bác. Chu Bác vui vẻ mời nước, sai gia nhân chạy đi xin lệnh bài để cha con ông Cưu không gặp trở ngại khi ra vào thành. Chu Bác cử một gia nô đi cùng giúp việc cho ông Cưu.

Ông Cưu nói với Chu Bác:

- Bẩm đại nhân, chẳng là lâu rồi bà nhà lão chưa về quê thắp nén hương cho các cụ. Nay thấy lão đi, bà ấy xin được đi cùng tảo mộ cho các cụ, tạ ơn tiền tổ phù hộ độ trì cho… dạ… dạ… cho lão găp được quý nhân.

Chu Bác chẳng thấy có vấn đề gì liền đồng ý ngay, giục ông Cưu mau rời thành sớm. Ông Cưu vội vã trở về nhà gọi vợ, bà đã xếp tay nải chờ sẵn, cùng gia nô Chu phủ qua cửa Tường Phù quãng chính Ngọ.

Gần đến bãi tha ma làng Bối, ông Cưu chống đòn gánh nói với vợ:

- Bà cứ về làng thăm họ hàng rồi sắm sửa lễ tảo mộ các cụ. Tảo mộ xong cứ ở lại chơi dăm ba bữa, xong việc tôi quay lại rồi cùng về.

Bả khoác tay nải rảo bước nhanh về rặng tre đằng xa khi bóng chiều đã ngả. Ông Cưu, hai con cùng gia nô Chu phủ tiếp tục đi về hướng Nam tìm nơi nghỉ chân trước khi trời tối.

Bà Cưu chẳng vội vàng làng Bối, bà rẽ vào bãi tha ma của làng lúi húi ngồi nhổ cỏ, lấy con dao bổ cau trong tay nải hì hục giả cách đào một hố nhỏ ven mấy ngôi mộ gia tiên họ Lê và chỉ vào làng khi đám trẻ mục đồng rong trâu về khi mặt trời sắp lặn. Trời vừa tối, có hai bóng đen lần mò đến chỗ bà Cưu loay hoay lúc chiều. Hai bóng đen vạt đất, moi lên được mấy cục đá thay vì bạc, nghệt mặt giây lát, một kẻ nói:

- Mẹ, có khi mắc lỡm rồi!

Hai bóng đen vội vã rời khỏi bãi tha ma, chạy được một quãng bỗng có ba người cầm đuốc chặn đường, bảo là dân binh.

- Chúng tôi là người của Chu đại quan nhân, có lệnh bài đây!

Một trong hai kẻ lấy ra lệnh bài Chu phủ đưa cho ba dân binh, người nhận lệnh bài xem xét rất kĩ. Bất thần hai người còn lại vung gậy đập thẳng vào đầu hai gia nô Chu phủ. Khoảng cách quá gần, lại bị ra tay bất ngờ, hai gia nô Chu phủ không có cơ hội chống đỡ. Sớm hôm sau dân làng Bối ra đồng sớm, phát hiện t·hi t·hể hai người đàn ông vô danh tính ở ven đường liền báo quan.

Tối ấy đám ông Cưu ngồi uống rượu trong một khách điếm nhỏ. Sau cuộc rượu, ba cha con ông Cưu chân nam đá chân chiêu vào phòng ngáy o o. Gia nô Chu phủ ở phòng bên cạnh, quãng canh Hai nghe tiếng gõ cửa, giọng nữ nhân trong trẻo bên ngoài nên buông bỏ phòng bị, cầm đèn ra mở cửa. Cánh mở ra, trước mặt là hai nữ nhân mặt hoa da phấn. Gia nô Chu phủ thoáng lúng túng, còn chưa kịp hỏi chuyện đã cảm thấy có vật gì đó sắc lạnh vừa cắm phập vào ngực.

Ba cha con ông Cưu mất dạng trong đêm trăng.

Con gái và con dâu ông bà Cưu được chồng dặn dò, chia con đem gửi họ hàng nội ngoại rồi bồng đứa ẵm ngửa trốn khỏi thành vào trưa ngày hôm sau. Họ được dặn đeo một mảnh sắt nhỏ trên cổ đứa trẻ, dắt díu nhau đến trấn Sơn Lãng sẽ có người cưu mang.

Chu Bác không thấy thuộc hạ trở về liền sinh nghi, sai gia nô lục tung ngôi nhà ông bà Cưu, phát hiện hầm bí mật dưới căn buồng thì giận đến tím mặt tím gan. Gia nô Chu phủ dẫn một toán binh tới làng Bối, dân trong làng nói bà Bối đã về thành từ hai hôm trước. Biết bị lỡm bởi gian tế Thiên Đức, Chu Bác bẽ mặt không thể trình với Tô Trung Từ đầu đuôi.

Chu Bác sai thuộc hạ bắt hết những người nuôi chim câu trong thành song lại chậm một bước. Nghe thuộc hạ báo cáo mà Chu Bác toát mồ hôi hột. Những người nuôi chim câu, bán chim câu đều ở gần các phủ đệ, quân doanh, cửa thành… hoặc bến sông, cửa chợ đều nhất loạt biến mất.

Chu Bác nhận ra tính cấp bách bèn tâu với Tô Trung Từ, Tô Trung Từ sai quân khám xét tất cả các nơi nghi ngờ, phát hiện nhà nào cũng có hầm bí mật dưới đống rơm, cạnh chuồng trâu, ngoài vườn… bản thân Tô Trung Từ lúc này cũng cảm thấy ớn lạnh sống lưng. Dù biết song Tô Thái uý và bọn Chu Bác chẳng thể ngờ tế tác Thiên Đức đặt sát nách, nhất cử nhất động của yếu nhân hoặc ba quân dường như đều nằm trong tầm mắt của đối phương.

La thành thêm một phen náo loạn.