Chương 597: Hành thích trên Hắc Giang
Thoát được sự truy đuổi của đám hắc y nhân và cấm quân, Phạm Ngũ Lão tìm đường trở về nơi ẩn náu kịp trước lúc trời sáng. Chủ nhân căn hầm trú ẩn đem thức ăn đến, báo với Phạm Ngũ Lão quân binh đang truy lùng gắt gao, cáo thị mới dán ở đầu làng.
- Thủ cấp tướng quân đáng giá năm trăm bén bạc! Ngài phải hết sức cẩn trọng.
Phạm Ngũ Lão cười nhạt, lấy ngọn phi đao thu được đưa cho Diêu Quân, chủ căn hầm, anh nói:
- Giá ấy vẫn rẻ, đêm qua tôi đụng với một bọn bịt mặt, thân thủ rất tốt. Chúng nói đầu tôi trị giá hai nghìn lượng.
Người chủ căn hầm xem kỹ ngọn phi đao, nét mặt thất sắc, nói:
- Bọn ấy là Sát Quỷ Đoàn.
Phạm Ngũ Lão hỏi:
- Thuộc hạ Chu Bác phải không?
Diêu Quân khẽ lắc đầu, giơ ngọn phi đao lên cho Phạm Ngũ Lão xem và giải thích:
- Phi đao có tẩm kịch độc, khắc chữ “Huyết” kèm thêm chữ “Thập” ở mặt sau. Thuộc hạ từng theo lão gia nên biết chút ít. Binh khí này thuộc về một tổ chức gọi là Huyết Trích Tử. Huyết Trích Tử phân cấp bậc thuộc hạ, kẻ dùng phi đao này có thể trong đội 10 hoặc chỉ vị trí trong tổ chức đấy ạ.
Phạm Ngũ Lão ngạc nhiên:
- Tôi chưa từng nghe cái tên này.
- Nó là một tổ chức bí mật của người Hán, giới thương nhân thường thuê đám này bảo vệ trong mỗi cuộc giao dịch. Chúng nhận việc hành thích nếu có người thuê. - Diêu Quân nói. - Tuy nhiên luật lệ của chúng khá lạ, chúng không nhận hành thích thương nhân, đặc biệt là thương nhân người Hán, dù trả bất cứ giá nào.
- Có chuyện như vậy ư? Gốc tích bọn chúng ra sao?
Huyết Trích Tử năm xưa được Hoàng đế Hoa quốc lập ra nhằm thu thập tin tức riêng cho Hoàng đế. Bởi công việc dễ gây thù chuốc oán với văn quan võ tướng nên thân phận của cá nhân trong tổ chức là một bí mật. Hoa quốc tan rã, Hoàng đế bị g·iết, một số đầu lĩnh Huyết Trích Tử cùng gia quyến bị tàn sát nhằm trả thù. Kể từ đó Huyết Trích Tử như bóng ma, chẳng ai biết họ có bao nhiêu người, ở đâu và đầu lĩnh là ai. Ngay người trong tổ chức cũng giới hạn hiểu biết.
Thành viên Huyết Trích Tử có mật hiệu để nhận ra nhau. Thời Hoa quốc đóng quân tại Giao Châu, một phân nhánh Huyết Trích Tử được cử đến. Huyết Trích Tử không trực thuộc q·uân đ·ội, tướng lĩnh chẳng biết ai là Huyết Trích Tử, song đều biết Huyết Trích Tử là tai mắt của Hoàng đế. Hoa quốc quân lui binh về cố quốc, Huyết Trích Tử vẫn ở lại Giao Châu. Hoàng đế mất, các Huyết Trích Tử ở Giao Châu kiếm kế sinh nhai bằng sở trường vốn có là g·iết người và thu thập tin tức cho ai cần, và đổi tên thành Sát Quỷ Đoàn. Ngoài lệ không nhận thích sát thương nhân, Huyết Trích Tử thường nhận việc thông qua trung gian là thương nhân chứ không giao dịch với quan quân.
Phạm Ngũ Lão nhận định:
- Có lẽ do bọn họ từng bị quân triều đình t·ruy s·át và kiếm tiền thông qua thương nhân nên mới có lệ ấy. Cơ mà… làm người chả muốn lại thích làm quỷ doạ thiên hạ.
Diêu Quân đồng tình, nói thêm:
- Chu Bác là thương nhân có máu mặt ở kinh thành, ông ta thuê Huyết Trích Tử lấy mạng ngài là điều dễ hiểu. Huyết Trích Tử đã nhận tiền thì nhất định sẽ hoàn thành công việc bằng bất cứ giá nào. Đó là cách họ tạo dựng uy danh hơn ba chục năm nay đó ạ.
Phạm Ngũ Lão hỏi lại:
- Ý là bọn chúng sẽ t·ruy s·át ta đến cùng?
Diêu Quân gật đầu thừa nhận, Phạm Ngũ Lão thản nhiên nói:
- Vậy cũng thú vị lắm.
Diêu Quân có chút lo lắng:
- Tướng quân phải cẩn trọng, đừng khinh suất. Sát Quỷ Đoàn sẽ chẳng từ thủ đoạn chỉ để lấy mạng ngài.
Phạm Ngũ Lão nhoẻn miệng cười trấn an:
- Tôi hiểu, tôi sẽ giữ mình. Bây giờ ông giúp cho một việc, xem giúp tôi lối nào đến sông Tô thời điểm này thuận lợi nhất. Tôi không thể nán lại đây lâu được.
Diêu Quân hỏi:
- Sông Tô có nhiều quãng, tướng quân muốn thuộc hạ dò lối nào?
Phạm Ngũ Lão bèn đáp:
- Tôi muốn tìm lối đến doanh của Tả vũ vệ Khúc Bình Giang. Đồng thời… tôi muốn đưa mấy anh em về trấn Sơn Lãng và một nơi nào đó kín đáo ở phía Nam kinh thành, gần biên ải hiện nay.
Diêu Quân hẹn Phạm Ngũ Lão ba ngày sau sẽ báo lại. Nội ba ngày bọn Phạm Ngũ Lão không được ra ngoài kẻo vạ lây đến dân làng bởi tai vách mạch rừng chẳng biết đâu mà lần.
Bước sang trung tuần tháng 10 trời tối mau, gió Bắc thổi về, trời trở lạnh. Bầu không khí lạnh lẽo, ẩm ướt, u ám bao trùm vạn vật, cây cỏ hãy còn ướt sương khuya. Cái lạnh vùng bán sơn địa như Sơn Lăng khác hẳn với vùng đồng bằng. Chẳng nói đâu xa, bên kia dãy núi Vua nhiệt độ đã chênh so với bên mé này của huyện Sơn Lăng. Sông Hắc vào buổi sớm, mặt trời chưa lên, sương mù như lớp vải thưa lơ lửng trên mặt nước, lấp ló những đám sương dày đặc lững lờ trôi. Mái chèo khua nhẹ, những chiếc thuyền câu chậm rãi di chuyển trên sông, mờ mờ ảo ảo trong sương.
Chương vừa nhận tin không lấy gì làm vui từ Vạn Xuân gửi đến, khiến anh giao lại mọi việc ở Sơn Lăng cho Bố Giáp trở về Vạn Xuân xem xét tình hình. Số là một xưởng chế tạo đạn thuộc Cục Quân khí bị p·hát n·ổ khiến hơn hai mươi người t·hiệt m·ạng, hơn một trăm người khác b·ị t·hương trong đó có Mạc Thái Hương. Mạc Thái Hương chỉ bị bỏng nhẹ, song điều khiến Chương lo lắng, phải trở về là vì anh muốn tìm hiểu rõ nguyên nhân nhằm tránh sự vụ đáng tiếc lặp lại.
Chương muốn về huyện Hát bằng đường thuỷ, lộ trình sẽ theo một nhánh sông nhỏ từ Hắc Giang dẫn qua Hát Giang. Đi và về không bao giờ cùng lối và luôn có ít nhất hai lối đi hoặc về, đó là cách Chương giảm thiểu rủi ro cho bản thân. Sau hơn mười năm ở Vạn Xuân, lấy vợ, sinh con thì Chương đã xem nơi này là quê hương. Nỗi nhớ gia đình, dẫu chẳng muốn, phải chôn chặt trong lòng.
Đại đội Ma Kê lên 5 khinh thuyền tiền trạm vào lúc gà vừa gáy. Đại đội XT1 của Nguyễn Địa Lô có 2 thuyền chở 40 người đi trước, 1 thuyền sẽ đi cùng đoàn Vi Thọ Kỳ, 2 thuyền còn lại chặn hậu. Các thuyền đều treo kỳ hiệu tuần giang thuộc quân Cao Mộc Viễn.
Những tia nắng yếu ớt của ngày mới xuyên qua lớp sương mù, chiếu rọi lên bề mặt sông tạo ra cảnh sắc khá kỳ ảo.
Bố Giáp, Vương Côn Sơn và Phùng Nguyên Hoàn tiễn Chương, người nào người nấy bùi ngùi. Chương lên thuyền, bảo bọn Bố Giáp mau về, đừng bịn rịn như đám đàn bà khiến anh mủi lòng.
Chương quay người nhìn về hướng sông, hít một hơi thật sâu cho cái lạnh tràn vào buồng phổi. Sương hãy còn, Chương ngẩng nhìn mấy ngọn núi bên kia sông cũng đang bị bao phủ bởi sương mù.
Lúc ấy có một thuyền chài nhỏ lờ mờ trong làn sương trắng chèo dọc theo đội hình. Thân Vệ quân cảnh giác, xua thuyền ấy ra xa một quãng. Trên con thuyền nhỏ chỉ có một nữ nhân ăn vận lam lũ, choàng cái áo tơi bện rơm cũ nát, nón lá chao nghiêng che nửa khuân mặt.
Chợt một Thân Vệ quân thét lớn, phá tan bầu không khí có chút bùi ngùi:
- Thích khách!
Ai nấy đều giật mình nhìn quanh, tay để trên đốc kiếm, khiên giơ cao, nhanh chóng chạy ào về khoang thuyền nơi Chương đang đứng. Yên Thư đứng bên cạnh Chương, dù chưa biết thích khách ở đâu nhưng cô nàng và Vi Thọ Kỳ gần như cùng lúc đứng chắn ngang trước mặt Chương như một phản xạ tự nhiên.
Một mũi tiễn từ hướng sông xé gió bay đến.
- Cạch!
Mũi tiễn trúng vào ngực Yên Thư khiến nàng giật mình ngó xuống. Mũi tiễn bọc đồng rơi xuống sàn thuyền.
Thân Vệ quân phản ứng tức thì, giơ nỏ Liên châu phóng tiễn như mưa về phía mục tiêu. Nguyễn Địa Lô có mặt ở gần Chương, phát hiện mục tiêu liền giương súng khai hoả.
- Kịch!
Vi Thọ Kỳ giơ khiên bọc sắt chắn mũi tiễn thứ hai phóng đến.
- Tôn Ninh Hà, con gái Đinh Sơn, mau bắt lấy nó!
Yên Thư đã nhận ra thích khách. Chương cũng vừa mới nhận ra, anh tròn mắt ngạc nhiên vì không nghĩ cô gái nhỏ táo tợn, liều lĩnh và tài năng đến mức ấy.
Một loạt súng vang lên.
Bố Giáp và Vương Côn Sơn đứng trên bờ lệnh cho quân mau chèo thuyền ra bắt Tôn Ninh Hà.
- Dừng bắn!
Chương hạ lệnh.
- Lập tức dừng bắn! Bắt sống cô ta!
Một vài Thân Vệ quân đã nhảy ùm xuống nước. Bấy giờ Tôn Ninh Hà sau khi phóng liền hai mũi tiễn không hạ được mục tiêu, lại bị tiễn và đạn bắn tới tấp, nấp sau tấm ván gỗ có phủ rơm ẩm mới toàn mạng. Hành thích thất bại, lại thấy Thân Vệ đã nhảy xuống sông, Tôn Ninh Hà cũng hít một hơi thật sâu nhoài người trườn khỏi thuyền. Trước khi lặn xuống làn nước lạnh giá, Tôn Ninh Hà vẫn kịp ngoảnh nhìn mục tiêu thêm một lần nữa, ánh mắt có phần tiếc rẻ.
- “Tại con ả Đằng Châu kia ta mới thất bại, vậy ra bọn chúng có mang giáp trong người.”
Cả mấy trăm người náo loạn một khúc sông mà chẳng thấy tăm tích Tôn Ninh Hà đâu.
Vi Thọ Kỳ quỳ một gối, nói:
- Xin Đại Vương trách tội, thuộc hạ thất trách khiến ngài gặp nguy.
Các tướng nhất loạt quỳ gối, nhiều binh sĩ bấy giờ mới biết thượng quan Quan Bình là Vạn Thắng vương.
Chương đỡ Vi Thọ Kỳ, bảo mọi người đứng dậy. Anh điềm nhiên nói:
- Ta nào có sao, các anh thêm một kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, hãy cố gắng hoàn thiện hơn nữa. Hồ ly có chín cái mạng, bọn chúng hay ví ta với hồ ly lại hay chứ.
Yên Thư vừa đứng lên, vẻ mặt không cam tâm, nói rằng:
- Đại Vương nhân từ, xin ngài phát lệnh chinh phạt Mường Động! Chúng dám hành thích ngài là coi thường ba quân Thiên Đức, thù này nhất định phải trả.
Chương chưa kịp nói gì, ba quân tướng sĩ đã nhất loạt quỳ gối xin phát lệnh thảo phạt xứ mường.
Chương cắn môi, ngoảnh nhìn về phía Đông, sương mù đã tan dần, bờ sông bên kia một màu xanh thẫm của núi rừng.
- Xuất binh thảo phạt là việc hệ trọng không thể quyết trong cơn nóng giận nhất thời. - Chương nói. - Ông Giáp, ông hãy chọn người đi cùng ông đến Mường Động một chuyến. Ta muốn có câu trả lời của Đinh Sơn, nếu ông ta không thần phục và giao nộp thích khách, hãy khuyên ông ta mài gươm có bén, vót tiễn cho nhiều, đào huyệt cho sâu vì đại quân Thiên Đức một khi sang sông sẽ đốt trụi cả xứ Mường Động.
Bố Giáp cùng ba quân dạ ran.
Yên Thư lại quỳ một gối, chắp tay xin:
- Em muốn cùng đi với ông Giáp, xin Đại Vương ân chuẩn.
Chương tròn mắt:
- Hả? Em đi làm gì?
Yên Thư bèn thưa:
- Mường Động đụng vào vảy ngược của Hoàng hậu, phi tần và… cả của em. Nếu không đòi lại công bằng, em có về Vạn Xuân cũng chẳng còn mặt mũi nào gặp Hoàng hậu.
Chương đỡ Yên Thư nhưng cô nhất quyết quỳ, Chương nhăn mặt:
- Em dán lấy thân mình đỡ tiễn, công còn ghi chẳng hết nào ai trách tội mà em…
Vi Thọ Kỳ thấy Yên Thư cương quyết, lại nghĩ nhờ nàng đỡ cho một tiễn nên Chương an toàn bèn nói:
- Bẩm Đại Vương, nếu Dương tiểu thư đã nguyện ý, Đại Vương cho đi, ngày sau Dương tiểu thư dễ ăn nói với Hoàng hậu và các phi tần.
Chương thở dài, bảo Yên Thư dứng dậy. Đoạn rồi anh lệnh cho Bố Giáp:
- Bảo Liêu Nhất Khổng làm chánh sứ, ta không thể để ông với Yên Thư làm chánh sứ. Còn em…
Chương nhìn Yên Thư, ánh mắt nghiêm khắc:
- Đi để học hỏi, không được làm càn. Mọi chuyện nhất nhất phải nghe theo sắp đặt của người trên. Nếu tự ý làm bậy đừng trách ta vô tình.
Yên Thư hớn hở lui ra, Chương nhìn theo chỉ biết lắc đầu cười khổ. Còn lại các yếu nhân, Chương nói:
- Anh Kỳ chọn anh em hộ tống đoàn sứ, trong thời gian ông Giáp vắng mặt, mọi chuyện ở Sơn Lăng sẽ do ông Sơn quản. Cậu Thắng tạm thời ở lại đây giúp ông Sơn một tay.
Phân phó công việc xong xuôi, Chương băng rừng về huyện Hát vào lúc cuối Ngọ, bỏ ý định về bằng đường thuỷ.
Trên đường về Thiên Kim ngồi cùng ngựa, ngẩng lên hỏi Chương:
- Bố ơi! Lúc bố bị thích khách bắn tiễn bố có sợ không ạ?
Chương xoa đầu con gái, cười mà rằng:
- Bố chẳng kịp sợ.
Thiên Kim lại gặng hỏi:
- Bố không sợ hay không kịp sợ ạ?
Chương đáp:
- Bố không kịp sợ vì mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Sau đó bố không sợ vì bố quen trận mạc rồi. Sợ hãi là bản chất của mỗi người con ạ, rèn luyện sẽ bớt sợ.
Thiên Kim nói:
- Dì Thư bảo bố quá nhân từ, bố đã không để mọi người b·ắn c·hết ả đó đi.
- Mạng người quý giá con ạ! - Chương ôn tồn giảng giải. - Trước khi tìm hiểu ngọn nguồn mọi chuyện thì bố không vội lấy mạng người khác. Con phải nhớ kĩ, quyền càng cao thì trách nhiệm càng lớn, trách nhiệm ấy bao gồm cả tính mạng của từng người dân.
Thiên Kim cười, lại hỏi:
- Có khi nào ả đó lại trở thành dì của con không?
Chương ngạc nhiên, Thiên Kim vừa nói vừa cười:
- Mẹ Khuê cũng suýt hại đến tính mạng của bố còn gì.
Chương xoa đầu con gái, tặc lưỡi:
- Bố đã nói chỉ là hiểu lầm mà.
Chương chỉ ở huyện Hát một đêm, trưa hôm sau lên thuyền về Vạn Xuân.
Chuyện Vạn Thắng vương bị hành thích bất thành trên sông Hắc lan nhanh khắp bốn cõi Vạn Xuân, người mừng thì nhiều mà kẻ tiếc rẻ chẳng ít.
- Thằng khốn ấy thực rất cao số! Nó là con của lão Bụt nào đó thật ư?
Tô Trung Từ vừa tức vừa tiếc, đoạn chỉ mặt các tướng mắng rằng:
- Các ông chẳng bằng một con ranh lông còn mọc chưa hết. Trong tay các ông có thiên binh vạn mã mà không đụng được vào cọng lông chân của hắn, điều mà một con chíp hôi suýt làm được.
Đỗ Thục tiếc, Ngô Thiên Sách tiếc và danh sách người tiếc rẻ còn rất dài, bao gồm cả Đinh Sơn. Duy chỉ có một số người hay tin thì thở dài, ví như Liễu Môn Nhân nói với Tù Quý Châu:
- Hỏng! Đại sự hỏng! Xứ mường này có khi chẳng còn. Ái nữ của Đinh Sơn đã cho Thiên Đức một cái cớ chẳng thể tốt hơn để chinh phạt.
Từ Quý Châu đồng tình:
- Thích sát thành công thì hiểm hoạ Thiên Đức sẽ tan, thất bại thì đại hoạ đổ xuống đầu muôn dân. Bọn sơn man không nghĩ được xa ư? Thiên Đức sẽ chẳng động binh đánh chúng mà dùng miếng ăn, dùng lợi ích. Bây giờ đưa đầu ra, Thiên Đức đem mấy vạn binh san phẳng xứ mường còn được đám dân mới quy thuận hoan hô không chừng.
Liễu Môn Nhân chỉ đành cười trừ.