Về Thời Dân Quốc Làm Đạo Diễn

Chương 7: "Gương mặt người ấy tuấn tú khôi ngô, như tạc như khắc."




"Miếu Linh quan" nổi ngút trời, danh tiếng tăng vọt. Ở thời này, một vở kịch ăn khách giống như một bộ phim truyền hình hot sốt xình xịch ở thời sau.

Chỉ trong một đêm thôi, khắp đầu đường cuối ngõ đã bắt đầu xôn xao về vai diễn của Ứng Tiếu Nùng, họ gọi ông là Linh quan sống và bàn luận hăng say về trường đoạn Linh quan gọi sấm hô lửa hạ phàm.

Tên tuổi Ứng Tiếu Nùng đi cùng với danh hiệu "Linh quan sống", một lần nữa vang vọng khắp Bắc Bình.

Tuy rằng do Từ Tân Nguyệt keo kiệt, phông nền và máy móc không được xịn xò lắm, không chạy theo xu hướng tả thực nhưng đồng bào Hoa Hạ vẫn vui vẻ đón nhận.

Hơn nữa, máy móc trong vở kịch được vận dụng hết sức hợp lý giữa đơn giản và phức tạp, khiêm tốn và phô trương, theo họ thấy, điều đó còn kích thích hơn cả tiếng reo hò ầm ĩ khắp phòng ấy chứ!

Ngắn gọn đơn giản, thoáng cái kéo người xem vào trong vở kịch.

Người vụng mồm vụng miệng, đến lúc ra về cảm thán "quả là linh quan sống, thật sự rất thú vị và kích thích."

Còn văn hay chữ tốt, phải kể tới đám người trí thức.

Từ Tân Nguyệt cười như điên như dại mua sạch mấy tờ báo khen họ về, mở ra đọc hết lượt.

Phần lớn các nhà phê bình kịch như Chương Đỉnh Hồ viết lời bình nhằm nâng đỡ diễn viên, chủ yếu bàn luận về bản thân diễn viên – giọng hát, kĩ thuật, động tác, gương mặt, cũng có người đá sang nội dung vở kịch. Tuy nhiên có rất ít người nhắc đến Thiết kế mỹ thuật sân khấu, hay thậm chí là toàn bộ sắp xếp của vở kịch.

Nhưng đây là lần đầu tiên mà hầu hết các nhà phê bình, bên cạnh việc khen ngợi Ứng Tiếu Nùng, còn viết những đoạn văn dài để miêu tả nét đẹp trong thiết kế sân khấu của "Miếu Linh quan".

Nhà phê bình toàn người trí thức, những người trí thức đón nhận nét đẹp truyền thống của Hoa Hạ, sân khấu ấy đẹp như một bài thơ, như một bức vẽ chấm phá, có ai mà không thích thanh lịch nhã nhặn?

[Thuở Xuân Thu [1] loạn lạc]: Bối cảnh của vở kịch, trong nét cổ điển ẩn chứa vẻ hiện đại. Ngày nay bối cảnh phương Tây tràn lan khắp chốn, nhưng xin người đời hãy nhớ, hí khúc của Hoa Hạ ta, chỉ có cái vẻ ngoài là thứ hàng kém chất lượng, phải có cái chất bên trong mới là thượng hạng! Máy móc tân tiến mới mẻ đấy, nhưng khó lòng phối hợp nhịp nhàng với nội dung vở kịch, đừng trang bị máy móc chỉ vì chạy theo xu hướng.

[1] Xuân Thu là tên gọi một giai đoạn lịch sử từ 771 đến 476 TCN trong lịch sử Trung Quốc.

[Tiếng ca đào kép]: Tuy tôi không hiểu sâu về máy móc và bối cảnh, nhưng vở "Miếu Linh quan" vừa xem khác hẳn phiên bản ầm ĩ nháo nhào đầu tiên, có thể thấy cấu tứ liền mạch, trong ảo có thực, lấy nhỏ tả lớn. Gánh hát Hàm Hi đã ký một vở kết hợp giữa Kinh kịch và Côn khúc rồi, chẳng hay sau này có đổi sang diễn Côn khúc không, nếu có thì chắc chắc sẽ càng thanh nhã hơn.

[Thế giới hí khúc]: Nghe nói ông chủ của hí viên Trường Nhạc rất keo kiệt, khiến tôi phải nghĩ ngợi, liệu có phải vì lí do đó nên bối cảnh mới đơn sơ giản dị đến vậy? Thế nhưng, nhờ thế mà tạo ra nét độc đáo biến cái giản đơn thành phức tạp.

[Kinh kịch muôn màu muôn vẻ]: Một quý ngài đi cùng tôi đem lòng lo ngại, phải chăng vở diễn đi theo phong cách trái ngược với xu hướng hiện tại, khác biệt với lối kịch mới ngày nay. Nhưng tôi lại cảm thân nên như thế, tôn vinh nét đẹp truyền thống của Hoa Hạ ta! Tôi thấy hình như sân khấu của họ dùng vải bố, đưa lời ca, điệu múa, lời thơ và tranh vẽ dung hòa với nhau, khéo léo xiết bao.

Bên cạnh đó có cả những lời chất vấn, dù sao bản thân hí khúc truyền thống cũng có người chê bai, họ thấy nó chưa đủ tân tiến, chưa đủ rúng động.

Đa số mọi người đều cho rằng sân khấu đã được thiết kế hết sức thành công, khiến người ta thấy thỏa thích khoái chí, ai bảo nét đẹp truyền thống không thu hút bằng phong cách phương Tây chứ, lần này đúng là hả dạ.

Quần chúng chưa xem vở kịch cũng sinh lòng tò mò theo.

Ngày nay, trong lĩnh vực trang thiết bị có trường phái Thượng Hải lớn mạnh, tất cả các nơi đều học theo Thượng Hải – vẽ cảnh theo phong cách trời tây. Vở kịch này đúng như lời của một vài Chuyên san kịch đã viết, vừa kế thừa giá trị truyền thống vừa phát huy sáng tạo cái mới, khác hẳn với phong cách phương Tây, tạo được tiếng vang như sáng lập trường phái mới vậy.

Diễn viên hí khúc là ngôi sao vào thời này, các chuyên san kịch được rất nhiều người hâm mộ đón đọc.

Chương Đỉnh Hồ ca tụng "Miếu Linh quan" không ngớt lời, đặc biệt là miêu tả về mỹ thuật sân khấu, khiến vô vàn cô gái trẻ tuổi vốn chẳng bao giờ hứng thú với kinh kịch sinh lòng tò mò, đua nhau vào xem.

Diễn viên thời nay đã có quan niệm rằng, một vở kịch muốn gọi là ăn khách thì trong rạp hát nhất định phải có phái nữ đến xem, có thế mới nổi tiếng và vang danh được. Các nàng xem kịch thường thích đi cùng dăm ba người bạn hoặc dẫn cả nhà theo.

Phòng bán vé của hí viên Trường Nhạc từ trạng thái vắng tanh vắng ngắt thoắt biến thành đông vui như trẩy hội, cháy vé suốt ba buổi diễn liền.

Từ Tân Nguyệt kê thêm cả đống ghế ngồi ngay trong đêm. Ban đầu chỉ có ba loại ghế ngồi, anh ta điên cuồng tăng thêm số lượng lên tới năm sáu loại, ngay cả vé ngồi ngay đằng sau cột nhà cũng muốn bán...

Ông chủ tiệm tơ lụa còn đến tận cửa chia vui.

Mặc dù mới chỉ chớm nở nhưng chẳng có ai ngốc hết, họ đều nhận ra rằng nếu không có gì bất ngờ thì hí viên Trường Nhạc sẽ không đổ vỡ trong chốc lát đâu. Thế là thái độ của lão ta quay ngoắt 180 độ, ra vẻ thân thiết trìu mến với Từ Tân Nguyệt.

"Cả chú lẫn hàng xóm láng giềng trong phố đều nhìn cháu lớn lên. Thấy sản nghiệp của cha cháu để lại khôi phục sự hưng thịnh, chú cũng vui thay! Trước đây chú lo cho bệnh tình của mẹ cháu lắm, giờ thì tốt rồi."

Từ Tân Nguyệt cũng (giả bộ) thân thiết trìu mến bảo rằng: "Cảm ơn chú đã quan tâm. Nhờ chú thay cháu từ chối ý tốt của ông chủ Lương, mảnh đất này chắc chắn cháu sẽ không bán."

"Phải, phải, chú đang nghĩ đến chuyện đó đây. Hai ngày nữa chú sẽ bảo với ông chủ Lương, kêu họ chọn chỗ khác." Ông chủ tiệm vải tò mò nói: "Không biết hỏi điều này có phiền cháu không, cháu mời được nhà thiết kế bối cảnh ở đâu vậy?"

Hễ là người não có nếp nhăn đều nghĩ tới chuyện ấy, hí viên Trường Nhạc cựa mình được, nhân tố quyết định chắc chắn nằm trên người nhà thiết kế bối cảnh đã giúp họ sửa sang!

Mặc dù Ứng Tiếu Nùng có tài, nhưng nếu không có năng lực thiết kế của người này nâng lên, còn lâu mới đạt hiệu quả tốt đến vậy. Sự thất bại của phiên bản "Miếu Linh quan" lần trước – giống y hệt lần này là minh chứng sắc nét nhất.

Cơ mà... từ khi nào Bắc Bình tồn tại một người như vậy?

Cũng không thấy Từ Tân Nguyệt đi đâu, chẳng lẽ là lén lút đến Thượng Hải mời về?

Bây giờ tin tức truyền đi nhanh lắm, dân buôn bán ai nấy mũi thính như chó, nếu phong cách độc đáo ấy xuất hiện trên Thượng Hải rồi, thì chả có nhẽ nào ở Bắc Bình không hay biết gì.

Quái lại, cứ như tự dưng chui từ trong đất ra vậy.

Từ Tân Nguyệt đâu có ngu, anh ta mới kiếm chác được có vài ngày thôi! Nói là nói thế nào!

...

"Một đồng, hai đồng, ba đồng..." Từ Tân Nguyệt đang ngồi đếm tiền, vé cho ba ngày biểu diễn trong dự kiến đã bán sạch và khán giả yêu cầu kéo dài thêm mấy hôm nữa. Nhiệm vụ của Kỷ Sương Vũ đã hoàn thành trước giao kèo, phải phát lương thôi.

Nhà thiết kế bối cảnh giỏi nhất ở Thượng Hải, thu nhập một tháng có thể lên đến mấy trăm nguyên.

Từ Tân Nguyệt đã đồng ý sẽ chia 30% cho Kỷ Sương Vũ, anh ta cẩn thận gảy bàn tính cả buổi trời, tổng hợp các nhân tố như thu nhập của hí viên, khối lượng công việc của Kỷ Sương Vũ, thu nhập bình quân của nhà thiết kế, cuối cùng quyết định phát cho Kỷ Sương Vũ 22 tờ 3 hào lẻ 20 đồng.

Kỷ Sương Vũ nhìn chằm chằm cái điệu chậm rì rì, cầm tiền trong tay thêm được tí nào hay tí ấy của Từ Tân Nguyệt, y chẳng hề vội vã.

Thấy phòng bán vé đông khách, lòng y cũng nhẹ nhõm, có điểm tựa rồi chẳng cần nóng vội làm gì, thậm chí còn thong thả dụ dỗ Từ Tân Nguyệt: "Ông chủ à, thực ra tôi thấy thế này, Vở kịch của chúng ta còn đôi chỗ có thể cải thiện được, nếu sửa tốt thì không chừng sẽ diễn được thêm nhiều ngày hơn đấy."

"Ố ồ?" Quả nhiên Từ Tân Nguyện động lòng: "Cậu muốn sửa bối cảnh tiếp à?"

Kỷ Sương Vũ mỉm cười nói: "Không phải bối cảnh, ý tôi là phần trình diễn và các tình tiết kìa."

"Trình diễn, tình tiết"? Từ Tân Nguyệt ngẫm nghĩ, anh ta liếc mắt nhìn Kỷ Sương Vũ: "Cậu vẫn còn nhung nhớ cái gì mà... đạo diễn ấy à?"

Kỷ Sương Vũ xem trọn vẹn vở kịch mấy ngày nay mà trong lòng ngứa nghề lắm, y dò hỏi: "Anh thấy thế nào ạ?"

Từ Tân Nguyệt hơi do dự, một bên là tiền, là doanh thu phòng vé, một bên là quy tắc ngàn đời của Lê viên...

"Để tôi suy nghĩ thêm đã." Ngay cả đồng chí rán sành ra mỡ cũng phải phân vân, chứng tỏ anh ta cũng sợ bị chỉ trích lắm.

Nhưng nhìn thế kia rõ ràng là động lòng rồi nhe.

Tâm trạng Kỷ Sương Vũ tươi tỉnh, vỗ nhẹ lên tay Từ Tân Nguyệt: "Ông chủ à, anh cứ từ từ xem xét. Chốc nữa phát thêm tiền công diễn vai quỷ cho tôi nhé, tôi đi hóa trang đã."

Từ Tân Nguyệt ngớ ra nói: "Cậu vẫn đi đóng vai quỷ thắt cổ hả?"

Anh ta tưởng rằng, Kỷ Sương Vũ có tiền công từ việc thiết kế rồi thì sẽ không đóng vai phụ nữa. Dù sao đóng mấy vai này cũng chỉ được mấy đồng cỏn con, hơn nữa giả làm quỷ thắt cổ xui bỏ xừ, không ngờ cậu ta vẫn không quên tâm nguyện thuở ban sơ!

Kỷ Sương Vũ: "Lợi nhuận càng nhiều thì anh càng có thêm tiền, có gì không tốt đâu. Nhìn điệu bộ anh trả tiền công buồn cười lắm đấy."

Từ Tân Nguyệt: "..."

Đùa tí thôi, thực ra cái chính là vì y không biết Từ Tân Nguyệt sẽ trả lương vào ngày hôm nay, từ lâu trước đó y đã thương lượng với Giang Tam Tân xong xuôi chuyện mình sắm vai quỷ thắt cổ ở tất cả các buổi diễn rồi.

Nếu bây giờ phủi tay mặc kệ sẽ khiến chú Giang phải gấp gáp tìm người đóng vai phụ mới, Kỷ Sương Vũ không muốn rước thêm phiền phức cho người ta, nhất là người đã đưa tay giúp đỡ mình.

Thời nay có rất nhiều điều cấm kỵ trong việc đóng kịch, nhất là chủ đề quỷ thần.

Nguyên tắc là – một khi diễn viên hóa trang sẽ tương ứng với quỷ thần, bởi vậy, đóng vai quỷ thắt cổ tức là sống dưới cõi âm, không được tiếp xúc với ánh mặt trời, không được đóng kịch ngoài trời.

Đã vẽ cái lưỡi dài ngoằng của quỷ thắt cổ, thì không được phép mở miệng nói chuyện. Ngay cả khi đã diễn xong rồi, diễn viên sắm vai mang điềm xấu như "Quỷ Vương" hay "Quỷ thắt cổ" cũng không được đi lại lung tung. Anh phải đến bãi tha ma hoặc bờ sông để tẩy trang, như vậy mới được coi là về lại cõi dương.

Nếu không sẽ gặp vận rủi, không chỉ bản thân đen đủi mà còn bị chúng bạn xa lánh, vì đụng phải "Quỷ thắt cổ" tượng trưng cho tai vạ.

Ấy cũng là lí do lúc đó Kỷ Sương Vũ chọn đóng vai quỷ thắt cổ, đất diễn nhiều hơn chút so với những vai phụ khác... Hễ là nhân vật mang điềm xấu như này, gánh hát đều sẽ trả thêm tiền boa đấy.

Nếu không nghèo rớt mùng tơi như y thì chẳng ai vui vẻ sắm vai quỷ thắt cổ cả.

Cả vở kịch chỉ có duy nhất một tên quỷ thắt cổ là Kỷ Sương Vũ, chờ đến khi kịch khép màn, trong sự tránh né của tất cả mọi người, Từ Tân Nguyệt đặt tiền lương phải trả cho y xuống đất và bảo Kỷ Sương Vũ tự nhặt lên.

Chưa kể, cái lưỡi giả mà Kỷ Sương Vũ chế ra trông chân thật hơn vẽ rất nhiều, gắn vào dưới môi nom gớm phát khiếp...

Kỷ Sương Vũ: "..."

Ứng Tiếu Nùng cũng đứng xa xa nhìn y: "Thu dọn xong xuôi, chúng ta đi nhà hàng nhé!"

Sau khi vở kịch hạ màn, rất nhiều diễn viên sẽ đi ăn uống linh đình. Từ lâu, Kỷ Sương Vũ đã nghe danh những nhà hàng nổi tiếng ở Bắc Bình, nhưng không có tiền để trải nghiệm. Bây giờ khó lắm mới có tí tiền thì họ lại không chào đón quỷ thắt cổ.

"Thế tôi đi tẩy trang nhé." Kỷ Sương Vũ tiếc nuối vẫy vẫy tay.

Đáng lẽ ra, đến bờ sông để tẩy trang thì sẽ gần hơn nhiều. Nhưng bây giờ là thời điểm lạnh nhất trong mùa, nước sông đóng băng từ lâu rồi, Kỷ Sương Vũ đành phải đến bãi tha ma...

Vừa mới khuất khỏi tầm mắt mọi người, Kỷ Sương Vũ lập tức phi vào lối rẽ.

Còn lâu ông đây mới đến bãi tha ma nhé!!

Đùa nhau đấy à, bãi tha ma ở tít tắp vùng ngoại ô, trời mùa đông thì lạnh thế này, y vừa mới nhận tiền đã mua được áo bông đâu mà kêu đi ra đấy tẩy trang hả!

Kỷ Sương Vũ là người theo chủ nghĩa vô thần, ngay cả chuyện xuyên không cũng cho đấy là giả thuyết vũ trụ song song. Thôi thì trước mặt ra vẻ tôn trọng quy tắc ngành nghề, nhưng sau lưng ấy à, cần gì phải làm tội mình chứ.

Vở diễn lần trước, Kỷ Sương Vũ cũng lén tìm một chỗ tẩy trang đấy.

Y vô cùng thành thạo đội mũ lên, lặng lẽ men theo con đường nhỏ đi ra ngoài, tránh để người khác bắt gặp.

...

Tại hẻm Trống Nhỏ.

Trăng lưỡi liềm sáng trên cao, nơi này không có đèn đường, trên con phố đằng xa chỉ treo mấy chiếc đèn lồng như ma trơi dập dờn, chẳng soi rõ được bóng người. Thoáng chốc, ánh sao trên trời cũng trốn vào tầng mây.

Một chiếc xe con bốn chỗ dừng trước đầu hẻm, tài xế lập tức xuống xe, mở cửa phía sau ra: "Ông chủ... À, tổng giám đốc." Nét mặt căng thẳng, tài xế đưa mắt nhìn người nọ, thoạt nhìn sợ hắn lắm.

Ngồi ở ghế sau là một chàng trai để tóc ngắn, bâng quơ nói: "Anh quen gọi 'ông chủ' cũng không sao."

Gương mặt người ấy tuấn tú khôi ngô, như tạc như khắc, bên trong mặc trường bào Hoa Hạ màu lam sẫm thêu hoa văn chìm, bên ngoài lại mặc áo khoác kiểu Tây tối màu. Quần áo được may đo vừa vặn, phô bày dáng người cao ngất xuất chúng. Hắn không chuốt keo cho đầu tóc bóng bẩy như nhiều nam ca sĩ đương mà để mặc sợi tóc rủ xuống trán, lộ ra đôi nét tính cách của mình.

Gương mặt hắn tuấn tú nhã nhặn, giọng điệu ôn hòa thoải mái, ấy nhưng lại khiến tài xế run rẩy rụt cổ lại.

Chàng trai nhẹ nhàng nói với người ngồi ghế phó lái: "Tôi đi bắt người. Còn cậu bảo tài xế Hồ chở đến tòa soạn, thông báo cho ban biên tập chuẩn bị in ấn bất cứ lúc nào." Hắn cười khẩy, vặn vặn cổ tay, "Hôm nay tôi sẽ đích thân trông chừng anh ta, thức trắng đêm cũng phải rặn ra được hai nghìn chữ cho tôi."

Cậu chàng ngồi ghế phó lái vội vàng gật đầu, không tìm được đèn pin đành nói: "Phải phải, anh cầm lấy chiếc đèn lồng giấy này đi ạ, bên trong có vẻ không sáng lắm đâu."

"Thôi đừng!" Tài xế mới làm việc ngày đầu tiên căng thẳng nói: "Bà dì tôi ở khu lân cận bảo là hẻm Trống Nhỏ âm u lắm, đêm đến không hay thắp đèn lồng. Chỗ này nhiều cửa hàng thu mua đồ cũ, mà đồ cũ dễ dính phải linh hồn của chủ cũ đã qua đời, người ta đồn thổi biết bao chuyện hiện hồn về. Hơn nữa anh nhìn mà xem, trong ngõ có cây hòe to, quỷ bám dựa hòe, hòe già trên trăm năm âm khí rất nặng, thấy người sẽ thổi tắt đèn lồng đấy!"

Người ngồi ghế phó lái nở nụ cười: "Tài xế Hồ, đàn ông cao to vạm vỡ như anh mà cũng sợ mấy chuyện này à?"

Tài xế thấy xấu hổ quá, anh nhớ đến chuyện ông chủ mới của mình là người điều hành tòa soạn, biên dịch vô vàn sách khoa học kỹ thuật, đặc biệt, ông chủ từng du học ở trời Tây, e rằng suy nghĩ khác xa họ.

Cấp dưới ngồi ghế phó lái hỏi: "Tổng giám đốc, bọn tôi đi vào cùng anh nhé?"

Quả nhiên, ông chủ cười xùy, cầm lấy đèn lồng giấy, xuống xe đầy phóng khoáng, chân dài sải bước, tự đi vào con hẻm một mình, chỉ để lại một câu: "Cậu tưởng tôi là ai hử?"

Tài xế Hồ ân hận lắm, về sau mình phải chú ý hơn nữa mới được, không thể vạ mồm vạ miệng thích gì nói nấy, tính tình ông chủ mới khó chiều có tiếng.

Vị tiên sinh tuổi trẻ và phóng khoáng này, chính là tổng giám đốc Chu Tư Âm của một trong ba nhà xuất bản lớn ở Hoa Hạ hiện nay - tòa soạn Côn Luân.

Đừng nghe đồn đãi bên ngoài mà lầm, Chu Tư Âm là kẻ ngang ngược coi trời bằng vung, tác phong làm việc gàn dở, nhìn như làm xằng làm bậy, nhưng thực chất quyết đoán nhanh gọn mà không thiếu phần cẩn thận tỉ mỉ. Mấy ngày nay tài xế Hồ đã được chứng kiến, hắn là kẻ nói một không nói hai, được tất cả mọi người trong tòa soạn tin phục.

Tòa soạn Côn Luân được Chu Tư Âm điều chỉnh lại, nay chia thành ba ban ngành – biên tập, in ấn và kinh doanh. Hôm nay đã muộn thế này rồi mà hắn còn ngồi xe đến con hẻm có cây hòe già, là vì ban biên tập gặp phải khó khăn, hắn muốn đích thân ra trận.

Một trong những nhà văn đắt khách nhất Hoa Hạ hiện nay – Thư Vọng Ngôn là một tên siêu siêu cao su trong vấn đề nộp bài. Để tránh bị giục bản thảo mà sẵn sàng đăng cáo phó của mình những ba lần, chơi trò bốc hơi khỏi cuộc đời...

Lần này, ngài Vọng Ngôn nói mình bị bệnh nặng, hấp hối sắp tèo, xong trốn tiệt. Người của ban biên tập đi tìm anh ta mà không thấy, sốt ruột đến độ sắp khóc tới nơi, bèn nhờ Chu Tư Âm dùng quan hệ trong nhà mình, đến Cục cảnh sát điều tra tung tích của Thư Vọng Ngôn. Bởi lẽ đó mới có chuyện giờ này đến bắt... à không, đến mời người.

Chu Tư Âm tự mình đến, quả là có lòng thành.

Chu Tư Âm cầm đèn lồng giấy bước vào con hẻm tối om dài đằng đẵng, cái nơi rờn rợn này, nom như nuốt chửng tất cả âm thanh và ánh sáng. Chỉ có tiếng giày da dưới chân lộp cộp, lộp cộp vang vọng trong không gian chật hẹp kéo dài.

Chẳng lạ lắm khi tài xế Hồ phải nhắc nhở.

Nhưng Chu Tư Âm gặp hoàn cảnh này cũng chỉ cười khinh rẻ.

Tài xế Hồ nghĩ nhiều quá rồi.

Làm gì có chuyện hắn sợ cái nơi rờn rợn này được?

...Trên người hắn có hẳn bùa bình an đã được khai quang ở Miếu Nương Nương núi Diệu Cảm đấy!

Nếu để tài xế Hồ đứng trước mặt Chu Tư Âm vào lúc này, thì sẽ phát hiện ra rằng, ông chủ của họ bề ngoài tỏ vẻ bình tĩnh, nhưng ngón tay siết chặt bùa bình an trong túi áo, cả cơ thể căng như dây đàn.

Sột soạt sột soạt.

Hình như đằng trước có tiếng gì đó?

Chu Tư Âm như bị ai dẫm phải đuôi, suýt chút nữa nhảy cẫng lên, đệt mẹ đệt mẹ đệt mẹ cái chỗ chết dẫm này!! Biết thế đã bảo tài xế đi cùng rồi!!

Đến khi hắn cố bình tĩnh và tập trung nhìn kĩ, hắn thấy một người đứng ở chỗ rẽ đưa lưng về phía mình, mái tóc trắng xóa, hơn nửa người chìm trong bóng tối, ánh trăng chỉ soi lờ mờ nửa người còn lại.

Hóa ra là một ông lão, làm người ta sợ bóng sợ gió...

Sao lại không có tiếng động nào vậy, chẳng biết đứng đó làm gì nữa.

Nhưng tốt xấu gì cũng có người sống, Chu Tư Âm đưa tay sờ bùa bình an của mình: "Ông ơi, ông cần giúp gì không?"

"Hả...?!" Chỉ thấy cái người đứng trong góc giật nảy mình, xoay người lại, lộ ra gương mặt trắng bệch và con ngươi nhạt màu mịt mù như khói tỏa. Tóc trên đầu trắng xóa, nhưng da dẻ lại trẻ trung căng bóng, khiến cho gương mặt lay động lòng người điểm thêm đôi phần quỷ khí âm u, không giống người trần.

Mặt trăng trên cao di chuyển, ánh trăng rọi xuống soi rõ đầu lưỡi đỏ tươi dài ngoẵng trong miệng, hình như còn đang nhỏ máu...

Đúng lúc này, đèn lồng giấy trong tay Chu Tư Âm lập lòe rồi vụt tắt, cứ như bị ai đó thổi vậy.

Gương mặt nửa tuấn tú nửa quỷ dị chập chờn theo ánh lửa, đã chìm vào bóng tối rồi mà vẫn khắc sâu ấn tượng trong mắt kẻ khác, khó lòng phai mờ.

Quỷ, một con quỷ rất đẹp chuyên ăn thịt người.

Chu Tư Âm kiên cường được ba giây...

Không gắng gượng nổi nữa.

Cứng còng lăn đùng ra đất, xỉu luôn.