Vinh Quang Chúa Tể

Chương 161: Cục diện chính trị của Đệ Nhất Vệ Thành




Sự nghiệp chính trị của Leonidovich Hopner kết thúc quá sớm so với các Quân Chủ khác, dù rằng thời gian tại vị hai mươi năm đã là quá dài so với các nhiệm kỳ nguyên thủ ở Địa Cầu, Phạm Nhã phải đánh giá lại sự ảnh hưởng của vấn đề tuổi thọ với các hệ thống chính trị tại MU Continel, do các nguyên thủ có tuổi thọ quá cao mà hệ thống chính trị cũng rất khác biệt.

Đầu tiên là các đảng phái chính trị, không có sự xuất hiện của bất kỳ đảng phái chính trị nào mà bản thân mỗi một vị nguyên thủ với tuổi thọ dài đằng đẵng đã là một đảng phái, tự họ có một hệ tư tưởng và những người đến sau họ sẽ kế thừa, sẽ cải tiến hay thậm chí là đập đi xây lại hệ tư tưởng của họ, miễn là phù hợp với xã hội.

Một người nguyên thủ, trung bình, sẽ trị vì tòa Vệ Thành của mình từ một trăm đến hai trăm năm, Aizen Volturi đã trị vì Davias Đệ Nhất Vệ Thành từ năm Niên Lịch thứ 1640, đến nay là năm 2002, nghĩa là đã ba trăm sáu mươi hai năm. Tất nhiên khi so với Engel Hopner trị vì tới bảy trăm bảy mươi chín năm thì ông ta vẫn còn "non" lắm.

Thời gian tại nhiệm lâu, một vấn đề thứ hai sau sự vắng mặt của các đảng phái chính là vấn đề tập quyền, dù họ muốn hay không, các Quân Chủ sống lâu thì hậu duệ của họ cũng đông, nhóm lợi ích lớn nhất trong các Vệ Thành thường chính là gia đình của các Quân Chủ.

Cuối cùng, vấn đề lớn nhất chính là sự khó khăn cho những người đến sau.

Cả một xã hội xoay quanh người Quân Chủ trong mấy thế hệ người thường, những đứa trẻ lớn lên, già đi và con cháu của họ cũng lớn lên và già đi, xã hội của họ không biến động, người Quân Chủ xuất hiện trên bảng tin của người thường từ lúc họ còn là đứa bé, đến khi họ là một cụ già thì vẫn là người Quân Chủ nọ, không thay đổi.

Những người đến sau bị ảnh hưởng lớn từ người Quân Chủ đi trước, tư tưởng của họ sẽ bị cản lối, có nhiều điều đã coi là chân lý từ thời cha và ông của họ, muốn đập vỡ những định kiến đó, họ cần một tư duy đa chiều và cởi mở hết mức.

Phạm Nhã thở dài, đúng là, không có cái gì là tự nhiên!

Tư duy phản biện đa chiều và cởi mở của dân MU Continel hiện tại là một đặc sản của thế giới này, nó không tự nhiên mà có, nó là kết quả, là sản phẩm của thời đại.

Phạm Nhã đã rất ngạc nhiên khi "lên mạng" bằng cái bút Rune mượn chỗ Hoàng, lúc đầu y cho rằng điều này do dân trí, do giáo dục nhưng bây giờ Nhã lại hiểu, nó có phần góp công lớn của chính trị nữa; nếu như không có một văn hóa đa chiều và dân trí cao thì bầu không khí chính trị giữa những tay đầu sỏ muôn đời sẽ biến thành một bầu không khí chết, không thể tiến bộ nổi.

Không những không tiến bộ nổi, mà nó còn có thể thối nát hệt như những gì đã xảy ra trong quá khứ, vậy cho nên, dân ở đây mới đa chiều, từ dân thường cho đến dân làm chính trị, họ có một nền tảng tư duy đa chiều và phản biện bất kỳ thứ gì trên đời, vậy nên họ mới không bị cản lối bởi hệ tư tưởng của bậc đi trước, họ có thể ngưỡng mộ người đi trước nhưng họ tách bạch được giữa con người và tư tưởng.

Đây cũng là điều tốt, vì nếu đánh đồng tư tưởng với con người thì việc "hạ bệ" một tư tưởng luôn dẫn tới việc triệt hạ luôn người mang tư tưởng đó.

Tách bạch được giữa con người và tư tưởng, đây là một thứ chỉ có ở MU Continel, kể cả những người mang hệ tư tưởng bị phản biện, tự họ cũng có thể thay đổi, sửa đổi tư tưởng và chấp nhận cái sai của mình. Leonidovich Hopner là một minh chứng sống như vậy, cô ta có thể đi ngược với hệ tư tưởng của Engel Hopner trong khi vẫn giữ lấy sự tôn trọng với ông nội, người ông cũng chẳng vì cô cháu gái đi ngược với chính sách cũ mà cản trở, cái dân trí của MU Continel thể hiện rất là rõ.

Tập tài liệu thứ ba thuyết minh gần như toàn bộ cơ cấu tổ chức của Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành, Luna Lovegood cũng điểm danh hết những gia đình quyền quý, tài phiệt và các thế lực có tiếng nói, có quyền lực chính trị ở tòa thành cổ xưa này. Nhìn chung thì Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành rất giống với chính thể quân chủ chuyên chế nhưng nó cũng có điểm khác.

Ở MU Continel, luật pháp xuất hiện sớm dưới dạng các điều luật rất thô sơ do chúa tể ban hành, các điều luật này nhằm để giữ ổn định xã hội và bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, sau khi Engel Hopner lật đổ chế độ cũ tại ba tòa Thành Trì Trung Tâm, với sự ra đời của liên minh các Vệ Thành, một kiểu chính trị rất khác biệt với dân Địa Cầu cũng ra đời.

Dân MU Continel không có khoảng cách về ngôn ngữ, tất cả người dân đều có chung một cái gốc là những dân khai hoang bị ép phải rời khỏi Thành Trì Trung Tâm, trừ cư dân ở Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành, vì vậy mà khái niệm "quốc gia" ở nơi này rất nhạt nhòa, người dân chưa bao giờ hình dung tòa Vệ Thành mình đang ở là một đất nước, dù quy mô của nó có chẳng thua kém gì một đất nước.

Dân của MU Continel là dân quốc tế, có thể hình dung, họ coi vùng lãnh thổ Davias, Noria hay Lorencia mới là một "đất nước" hoàn chỉnh. Hiệp Ước của liên minh các Vệ Thành và liên minh bốn chủng tộc điều chỉnh các mối quan hệ như kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình của tất cả Vệ Thành trong cả ba vùng lãnh thổ, song song với Hiệp Ước là một hệ thống các án lệ của các Tòa Án, những Án Lệ này có tính áp dụng bắt buộc khi các Tòa Án giải quyết vụ việc.

Ngoài ra, còn có một loại "luật thành văn" là các Sắc lệnh của Quân Chủ, các sắc lệnh này có tính hiệu lực hơn cả Hiệp Ước hay Án Lệ, nếu có mâu thuẫn giữa Án Lệ, Hiệp Ước với Sắc lệnh tại phạm vi Vệ Thành thì Sắc lệnh được ưu tiên.

Tuy vậy, rất hiếm khi mà các Sắc lệnh lại mâu thuẫn với Hiệp Ước hoặc Án Lệ, với sức ảnh hưởng của liên minh các Vệ Thành và liên minh bốn chủng tộc, người Quân Chủ sẽ chọn cách ban hành Sắc lệnh "hợp Ước" hoặc "hợp Lệ", Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành lại khác biệt, đây là trung tâm của "vi Ước" và "vi Lệ".

Đây cũng là một trong những nguyên do mà cựu Thành Lorencia này bị kiềm kẹp và cấm vận.

Theo hàng dọc, lãnh tụ cao nhất của Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành là Quân Chủ, ngoài có chức năng như nguyên thủ thì còn có chức năng lập pháp và chỉ định các quan lại trong hệ thống chính trị. Bên dưới Quân Chủ có một cơ cấu là "Phủ Thừa hành", đây là cơ quan hành pháp của tòa Thành, với các "Liên đoàn".

Nếu hình dung theo cơ cấu của Đại Việt thì đây là Chính Phủ và các Bộ.

Điểm khác là các Liên đoàn trong Phủ Thừa hành có thể được thành lập mới rất linh hoạt dựa trên các vấn đề xã hội, việc thành lập mới này được hệ thống trị hậu thuẫn nên diễn ra nhanh chóng và ít rườm rà về mặt thủ tục, điều này thể hiện tính cởi mở của dân MU Continel về chính trị, để hình dung thì, họ có Liên đoàn kỹ nghệ mới thành lập gần đây do âm nhạc của phần còn lại MU Continel du nhập vào và cư dân Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành rất chào đón.

Thế là có Liên đoàn kỹ nghệ, họ chịu trách nhiệm thừa hành các sắc lệnh của Quân Chủ, các Hiệp Ước để tổ chức cho giới nghệ sĩ tổ chức biểu diễn, họ cũng đại diện cho quyền của giới này.

Phạm Nhã bóp trán, hệ thống chính trị này thật kỳ lạ, các Liên đoàn gần giống với các tổ chức xã hội như Hội chữ thập đỏ, Hội phụ nữ nhưng thực tế nó được giao cho quyền Hành pháp, chúa tể không có đủ tư duy chính trị để phân tích kỹ lưỡng những vấn đề này, có lẽ phải nhờ anh Tuân thì mới phân tích được.

Theo hàng ngang, ngoài Phủ Thừa Hành gần như là quan trọng nhất ra thì dưới Quân Chủ còn có "Tòa án Tối cao" và "Viện Nguyên lão", hai cơ quan này thì dễ hình dung hơn, Tòa án thì không cần phải nói nhưng Viện Nguyên lão thì gần như là một Quốc Hội, các vị Nguyên lão đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong hệ thống chính trị.

Điều khác biệt là, Tòa án trong MU Continel nói chung chứ không phải chỉ riêng Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành ngoài quyền tư pháp ra thì họ còn có quyền lập pháp, cũng khác với Đại Việt và hầu hết quốc gia trên Địa Cầu, Tòa Án của MU Continel kiêm luôn chức năng công tố và kiểm sát. Riêng Viện Nguyên lão thì lại không có chức năng lập pháp mà họ có chức năng phản biện các sắc lệnh của Quân Chủ, họ cũng có thể đề xuất một sắc lệnh mới hoặc sự thành lập của một Liên đoàn mới trong Phủ Thừa hành, tất cả đều phải do Quân Chủ thông qua.

Cuối cùng là hệ thống quan trọng nhất của một nền chính thể quân phiệt, Quân đội.

Quân đội nằm ngang với Tòa án, Viện Nguyên lão, Phủ Thừa hành nhưng độc lập, họ chỉ nghe theo lệnh điều động của một người duy nhất là Quân Chủ, cơ cấu của Quân đội rất thú vị, họ có cấp bậc nhưng không có cấp hàm như Địa Cầu; hệ thống cấp bậc của họ cũng không có khái niệm "tướng" hay "soái" gì cả, người chỉ huy cao nhất của Quân đội là Đại Thống.

Xếp phía sau Đại Thống là Nhị Thống cho tới Lục Thống, thường, các Quân nhân sẽ thêm một chữ "lĩnh" vào phía sau cấp bậc của họ, Đại Thống lĩnh của Quân đội trong thời Leonidovich Hopner chính là Margaret Martha còn Nhị Thống chính là Ludgar W. Kresnik.

Phạm Nhã bật cười, chúa tể không ngờ là hai vị này từng làm đại ca trong Quân đội, không thể ngờ được luôn, đặc biệt là bà Margaret Martha mê rượu và thích rủ rê người ta đi nhậu, hẳn bà từng là một Đại Thống rất gần gũi với anh em.

Hệ thống cấp bậc của Quân Đội được xây thế này hẳn có nhiều ý nghĩa, Phạm Nhã thấy nhớ anh Tuân vô bờ, y không có đủ kiến thức để phân tích được nhưng nếu chỉ nhìn từ ngoài mặt thì có thể thấy là các vị Thống đều là Bề tôi của Quân Chủ, sự kiểm soát và sức ảnh hưởng của Quân chủ lên Quân đội là tuyệt đối, tất nhiên, trừ phi xuất hiện kẻ phản bội.

Trong Quân đội, Đại Thống có thể ra lệnh cho Nhị Thống cho tới Lục Thống, mỗi Thống lại chỉ huy ba ngàn quân, dưới Thống có ba Phó Thống, không có cấp bậc nào dưới Phó Thống, điều đặc biệt là tất cả đều đạt được Vinh Quang!

Trong thời kỳ đỉnh cao của Engel Hopner, có tới Cửu Thống, mỗi Thống chỉ huy năm ngàn quân, Đại Thống là bản thân Engel Hopner, ông ta chỉ huy cả một binh đoàn bốn mươi lăm ngàn người đạt được Vinh Quang!

Phạm Nhã lại bóp trán tiếp, trong Quân đội không có khái niệm tiểu đội trưởng, đại đội trưởng gì cả, vấn đề này thì Nhã lại hiểu, nó có liên quan đến "tầm hạn quản trị", đây là một khái niệm dùng để chỉ số lượng cấp dưới trực tiếp tối đa mà người lãnh đạo có thể quản lý được. Ở Địa Cầu, giới hạn này luôn nằm đâu đó tầm ba mươi mấy, cao hơn thì sẽ bị vỡ trận, vậy nên một hệ thống cấp bậc theo chiều dọc mới được đẻ ra.

Nhưng Quân đội của MU Continel thì lại khác, họ không phải là người bình thường!

Điều "không bình thường" của cá thể ở MU Continel, ngoài thể hiện ở chỗ các nguyên thủ, còn thể hiện trong lực lượng Quân đội, các bị Phó Thống chỉ huy một ngàn người dưới tay một cách trực tiếp, một ngàn người này ngang hàng với nhau và họ chỉ nhận lệnh từ Phó Thống, Thống hoặc Đại Thống, sự ưu tiên tăng dần theo cấp Thống.

Phạm Nhã so sánh cơ cấu của Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành với các tòa Vệ Thành khác, hiện tại, dưới nhiệm kỳ mới của Engel Hopner, ông ta vẫn giữ nguyên hệ tư tưởng của Leonidovich Hopner, dù chưa thay đổi hẳn, bản sắc của tòa Thành này vẫn rất "quân phiệt" và "chuyên chế" nhưng nó đã cởi mở hơn xưa nhiều.

Điểm khác cơ bản của Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành là quyền lực chính trị, ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp không tách bạch rõ ràng, nghĩa là, ở đây không có khái niệm "tam quyền phân lập", thực tế, các Vệ Thành cũng gần như vậy nhưng Quân Chủ của các Vệ Thành thì có mối quan hệ theo ngàng hang với Viện Nguyên lão, họ do Viện Nguyên lão đề cử và toàn thể nhân dân đều được bầu chọn người Quân Chủ trong các đại diện được Viện Nguyên lão chỉ định.

Khi đó, dù Quân Chủ có khả năng lập pháp nhưng khả năng này không tuyệt đối, nó được chia sẻ cho Viện Nguyên lão, ở phía hành pháp thì giao cho Phủ Thừa hành và tư pháp thì giao cho Tòa án, Tòa án kiêm luôn lập pháp nhưng nó không mâu thuẫn với việc lập pháp bằng sắc lệnh của Quân Chủ và Viện Nguyên lão, các sắc lệnh của Quân Chủ luôn phải "hợp Ước" và "hợp Lệ".

Đây là tam quyền phân lập kiểu "tương đối", nhưng đủ để vận hành một nền dân chủ.

Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành thì khác, Viện Nguyên lão là sản phẩm chính trị được Leonidovich Hopner "nhập khẩu" từ "nước ngoài" vào để đảm bảo tiếng nói của nhân dân, nó không có bề dày lịch sử, quyền lực của nó rất hạn chế, hơn nữa xét theo cơ cấu thì Viện này nằm dưới Quân Chủ, họ chẳng thể can gián, phản đối thậm chí chống lại Quân chủ như đúng chức năng được.

Như vậy, Quân Chủ có quyền lập pháp, sắc lệnh của Quân Chủ đè chết Tòa Án; Viện Nguyên lão là đàn em của Quân Chủ, họ đề nghị thành lập các Liên đoàn, các Liên đoàn cũng là con đẻ của Quân Chủ.

Chúa tể nhớ anh Tuân, rất nhớ anh Tuân.

Bóp trán lần thứ ba, Phạm Nhã thấy rất nhiều vấn đề ở Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành nhưng y chẳng thể nhìn rõ hết các vấn đề, trong bàn cờ hiện tại của Leonidovich Hopner, đối thủ, người cầm cờ chính là người thừa kế thứ nhất của cô và một phần Quân đội. Ở một phe khác, Nhã không biết có đang chơi cờ không, chính là Viện Nguyên lão và Phủ Thừa hành, sau đó nữa, mới là các gia đình quyền lực.

Rõ ràng là cơ cấu Viện cần đủ quyền lực như nó vốn dĩ, vậy nên nó hết mực ủng hộ các vị chúa tể đến từ "thế giới tiến bộ" bên ngoài, để đảm bảo quyền cho nó, Phủ Thừa hành thì chia ra tới ba phe, các Liên đoàn cũ chịu ảnh hưởng của Engel Hopner và các Liên đoàn mới đẻ ra sau này của Leonidovich Hopner, một phe là các Liên đoàn "đang thai nghén" và "sắp đẻ" theo lời hứa hẹn của các chúa tể tranh vị.

Quân đội thì chỉ đứng về phía Engel Hopner, hiện tại, không một ai có thể khởi động binh đoàn Lục Thống này được, tuy nhiên, người thừa kế của Leonidovich Hopner thì có ưu thế và sức ảnh hưởng trong Quân đội.

Các gia đình quyền lực còn ghê gớm hơn, họ chia hẳn ra tám phe phái khác nhau, họ chọn vị Quân Chủ tương lai có thể mang lại nhiều quyền lợi nhất cho họ, ở khoản này thì người thừa kế của Leonidovich Hopner lại đuối hơn so với bảy người còn lại, bởi vì anh ta đang cho thấy tư tưởng khá giống với thời Engel Hopner, mà hiện tại, các gia đình tài phiệt sống ở Lorencia Đệ Nhất Vệ Thành thì có dây mơ rễ má với cả thế giới rồi.

Người này, muốn phục hồi thời kỳ quân phiệt đỉnh cao của Engel Hopner, bài trừ sự ảnh hưởng đến các thế lực ngoại lai và phát triển độc lập, đồng thời ủng hộ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, học thuyết của anh ta được gọi là "phục hưng Thành Lorencia".

Anh ta được sự ủng hộ lớn từ phía người dân.