Vó Ngựa Thảo Nguyên

Chương 11: Tứ kiệt




Hào khí can trường, nhân tài xuất chúng,

Muôn sự tỏ tường, mỹ mạo vô song,

Công trạng vang danh, tiền đồ rộng mở,

Vạn thuở lưu truyền, diệu thủ hồi xuân.

* * *

Hậu Nguyên thập niên thứ ba, triều đình thịnh thế, khắp nơi thái bình. Nghinh Thành Đế tuổi trẻ liêm minh, đức độ hơn người, luôn biết trọng dụng hiền tài, lắng nghe lời can gián của trung lương nên giang sơn vô cùng vững mạnh. Ôn Châu dưới sự quản hạch của Nam Bình Vương, trở thành trọng yếu của lãnh thổ.

Vùng Tây Bắc Ôn Châu khí hậu ôn hòa, điểm mạnh là thảo dược, đều là loại quý hiếm. Dưới chân núi có một thôn nhỏ, nhà cửa thưa thớt, cách chục bước chân có vài ba căn, mà được lúc thì chẳng có căn nào. Cuối thôn có một y quán nhỏ, học trò chỉ có một người, tên gọi Vân Du. Từ lúc bái sư tới nay, Vân Du được cái siêng năng, cần mẫn lại chịu khó tìm tòi, được cũng làm mà không được cũng làm, thử cho biết, bất kể là bệnh gì. Sau khi chủ y quán qua đời, mọi sự trong ngoài giao lại cho Vân Du một mình đảm đương. Vì trước giờ vẫn hay bốc thuốc, chữa bệnh một mình nên chẳng mấy năm đã làm quen được, có khi bẵng đi đôi ba tháng không thấy mặt mũi, hỏi ra mới biết y đi hành thiện chỗ xa. Tính tình Vân Du âm trầm, không có nhiều bằng hữu, ngoài thôn thì không nói mà đến cả trong thôn cũng ít khi giao tiếp quá ba câu, ấy là chưa kể những lần ghì đầu nghiên cứu, khi thì đôi ba hôm, khi lại vài tháng, có lúc cũng nửa năm không gặp gỡ ai. Miệt mài sách vở, nghiên cứu thảo dược bao năm cũng cho Vân Du chút đỉnh tài mọn, chỉ mới hai mươi ba tuổi, tiếng tăm đã vang xa, hỏi thử tên lính quèn canh gác cổng thành Ôn Châu cũng biết, Vân Du là ai.

Hai năm kế tiếp, y mang theo nguyện ước của người thầy quá cố, từ biệt thôn nhỏ nơi vùng Tây Bắc, lên đường học hỏi y thuật khắp nơi. Tới đâu cũng cố thể hiện bản thân, cho rằng không bệnh gì là không chữa được. Dĩ nhiên với những gì học được từ thầy cộng thêm bao năm mày mò nghiên cứu, Vân Du ngày càng nổi tiếng, được bách tính khắp nơi ưu ái, đặt cho biệt hiệu "Diệu thủ hồi xuân". Danh xưng này khiến y không thể nào không tự mãn, ngày tháng kế đó y đi khắp nơi thi thố y thuật, từ giải độc đến chữa các bệnh lạ, trăm lần trăm thắng. Đến cổng thành Ôn Châu, y mới ngộ ra vài điều, hóa ra cứu được một mạng người quan trọng đến thế nào, nhớ lại lời thầy y từng nói: "Khi con ăn cơm, dù hạt gạo đó sống hay chín thì nó vẫn được gọi là cơm. Nhưng khi con đã là một người thầy thuốc, người con cứu sống hay chết, nó quyết định rất nhiều con đường sau này con sẽ đi". Lần đầu thấm thía câu nói ấy, y buông bỏ danh vọng, trở về bản ngã, không còn cao ngạo, ngông cuồng, luôn cho mình là đúng, từ đó bọc lên người một lớp áo choàng lãnh cảm, tính cách cũng trở nên âm trầm hơn.

Giữa năm Hậu Nguyên ba mươi hai, y đến Đại Đô. Nơi này phồn hoa, đô hội, thật xứng danh đệ nhất kinh thành. Y theo những gì được biết lúc còn ở thôn nhỏ, hỏi thử giá cả các hàng quán bên đường, vào thử khách điếm hạng sang ăn một bữa hoành tráng, dừng chân trước cửa Cao Xuân Viện nổi danh nhiều mỹ nữ, tài tử nhưng tới cuối cùng lại chẳng dám bước vào. Cái gì cũng thử rồi, thứ gì cũng ăn rồi, y tự chọn cho mình một chỗ nhỏ trước quán trọ Kỳ Đình, dựng tấm biển hành y với duy nhất một chữ "Tuỳ". Tại đây y quen biết một quý nhân, nhỏ hơn y hai tuổi, mới chỉ mười chín tuổi đã làm tới chức thiếu tướng quân, lập không ít công lao cho triều đình, đó là Tống Trích Tư. Quan hệ của họ khá tốt đẹp, những ngày giãn quân, rỗi việc, Tống Trích Tư vải sơ phục mỏng cùng Vân Du đàm luận thế nhân. Hai năm sau đó mỗi ngày là một niềm vui, ngoài đối phương, họ chẳng có thêm người bạn nào khác ở kinh thành.

Tháng cuối Hậu Nguyên ba mươi bốn, Ôn Châu bùng phát đại dịch, Vân Du từ biệt Tống Trích Tư để quay về quê hương. Bản thân Tống Trích Tư lúc này lại bị điều đến biên quan, thay mặt triều đình sang Ba Tư làm sứ giả một chuyến, nguyên do thì không nói, chỉ định đích danh đích tử của Tống gia. Hai năm gắn bó, sớm đã xem nhau như huynh đệ ruột thịt, không sớm không muộn lại cứ đúng lúc Ôn Châu có đại dịch mà giao việc cho y, để y cùng huynh đệ phải từ biệt nhau mỗi người một hướng. Chưa từng rời bỏ, một khi ra đi lại cách nhau vạn dặm.

Đại dịch khiến Ôn Châu không còn phồn hoa, sầm uất. Toàn bộ đều tan hoang.

Trấn Bình An.

Vân Du tức tốc quay về thôn, không ngoài dự đoán, tất cả mọi người đều đã rời khỏi. Y liền đem theo bài vị của sư phụ cùng một ít thảo dược nhanh chóng đến trấn Bình An, có lẽ là nơi tập trung nhiều dân chúng nhất để tiện bề chữa trị. Lúc y đến đó, gần như toàn bộ đều đã nhiễm bệnh, sức khỏe hao mòn. Là một đại phu, từng gặp không ít bệnh truyền nhiễm nhưng đây là căn bệnh có mức độ lây lan khủng khiếp nhất. Ngay cả hít thở cũng có thể nhiễm bệnh nói gì đến việc ăn uống, tiếp xúc hỏi han càng nguy hiểm gấp bội.

- Người không liên quan, không được vào!

Vân Du bị lính gác cổng giữ lại, quát tháo. Kẻ này mặt mũi bặm trợn, trông mỗi hàng lông mày đã khiến người như y phải sợ tới rụt đôi chân lại, đành ngậm ngùi nhìn vào trong.

- Cho hắn vào!

Vân Du quay đầu xem thử là ai vừa hạ lệnh mà ngay cả tên mặt dữ này cũng phải nghe lời như vậy. Người đến là một nam nhân trên dưới tầm hai mươi lăm tuổi, khuôn diện đầy đặn, nhân từ, trông vô cùng thiện cảm. Y gật đầu đa tạ rồi xoay người đi vào trong. Trương Nhất Sơn khoát tay cho thị vệ rời đi, bản thân mình thì lấy một tấm vải đeo lên mặt, trực tiếp theo vào.

- Ngươi.. là đại phu? Ở đâu tới đây?

Vân Du giật mình quay sang, sau thì trả lời:

- Thảo dân.. là người ở đây. Có học qua chút ít y thuật, không dám nhận tiếng đại phu.

Vân Du tất bật, tay phải bắt mạch cho những người vẫn còn tỉnh táo, tay trái dùng kim châm giảm bớt đau đớn cho họ. Chưa đầy một khắc, người bệnh khi nãy hãy còn co giật, giờ đã dịu đi khá nhiều, mặt cũng điểm vài phần huyết sắc. Nói về khả năng diệu thủ khi tuổi đời còn trẻ thật chẳng còn ai qua nổi Vân Du. Mắt Trương Nhất Sơn ánh lên một trời hoan hỉ, cười hỏi:

- Vân Du? Ngươi là.. Vân Du?

Vân Du vẫn im lặng, tập trung vào việc, lát sau mới hỏi:

- Ngài biết thảo dân sao? Vương gia.

Trương Nhất Sơn mỉm cười, gật gù hỏi lại:

- Ngươi cũng biết ta?

Vân Du nở nụ cười lãnh cảm, nói:

- Ngoại trừ Bình Dương phủ, hiện nay còn ai dám tự đưa mình vào chốn hiểm nguy này chứ?

Trương Nhất Sơn nghe lời từ miệng Vân Du thốt ra có chút gì đó xót xa thì liền cảm thán:

- Với tài năng của ngươi, nếu có thể góp sức cho triều đình..

Vân Du ở Đại Đô hai năm, đã từng được nghe không ít tiếng thơm của Bình Dương vương. Hiệp nghĩa, nhân từ, trọng tình, trọn hiếu, là một chính nhân quân tử. Huynh đệ thân thiết của y Tống Trích Tư cũng không ít lần khen ngợi, ca tụng, đủ chứng tỏ người này danh xứng với thực. Trương Nhất Sơn yêu mến tài năng của Vân Du đã lâu, lần này Ôn Châu có dịch, biết trước y sẽ về, Trương Nhất Sơn từ đầu đã đợi sẵn, chỉ chờ gặp mặt.

- Tâm Vân Du như tên gọi, không thích trói buộc.

Vài ngày sau đó, tình hình dịch bệnh của trấn Bình An ngày một khởi sắc, số người khỏe lại sau khi dùng thuốc của Vân Du ngày càng nhiều. Cuộc sống bình thường lại được bắt đầu, Trương Nhất Sơn lòng vui một mà ái mộ tận mười. Nhân lúc Vân Du tâm trạng vui vẻ, ngỏ lời mời đối ẩm tại Tây Hồ.

- Nhất Sơn thật lòng ngưỡng mộ tài năng của Vân huynh, không biết có thể..

Vân Du đưa mắt nhìn Trương Nhất Sơn tỏ ý khó hiểu, lòng lúc này chợt nghĩ: "Chẳng lẽ lần đó ý của ta còn chưa đủ rõ ràng hay sao?", bản thân y cũng ngượng ngùng chưa biết nói sao thì Trương Nhất Sơn đã lên tiếng:

- Nhất Sơn trước nay không thích cưỡng cầu, tuy không dám nhận bản thân trong sạch nhưng tự thấy chưa bao giờ coi trọng lợi danh, quyền chức. Lòng ái mộ dành cho Vân huynh là xuất phát từ thật tâm, mạo muội xin phép huynh cho Nhất Sơn vài lần đối ẩm.

Vân Du tự lòng thấy vô cùng hoan hỉ, khoé miệng không cười nhưng ánh mắt đầy nét vui tươi, y điềm nhiên hỏi lại:

- Không biết vương gia.. lúc nào thì hồi kinh?

Trương Nhất Sơn không giấu nổi vui mừng, nói:

- Đại Đô-Ôn Châu đâu xa xôi, so với lòng ái mộ của Nhất Sơn đối với Vân huynh thì có đáng là gì?

Đêm không trăng, bầu trời một màu đen kịt, không có lấy nổi một vì sao, đối ẩm đêm nay chẳng qua là cái cớ cho một lý do chính đáng của lần kết bái sau hơn một năm với nhiều lần gặp gỡ.



* * *

Cuối năm Hậu Nguyên ba mươi lăm, Vân Du đến Đại Đô thăm nghĩa huynh Trương Nhất Sơn, sẵn tiện chào hỏi bằng hữu nhiều năm không gặp.

- Đệ ở chơi vài tháng hãy về.

Trương Nhất Sơn nhìn Vân Du thâm tình, đâu phải xa nhau mấy chục năm, họ chỉ cách đôi ba tháng lại gặp gỡ một lần, mỗi lần ở lại cũng vài ngày, ấy thế mà cứ gặp lần nào cũng quyến luyến chẳng rời. Đôi khi Bình Dương quận chúa Ân Diễm còn phải ghen tỵ với tình huynh đệ hơn cả phu thê này, chỉ là nàng ghen vì ngưỡng mộ, giữa thế cục loạn lạc này sao lại có thể tồn tại mối giao tình tốt đẹp đến vậy.

Vân Du mỉm cười, nói:

- Đệ chỉ sợ làm phiền đại ca, đại tẩu thôi, lần nào đệ đến, huynh cũng tất bật trong ngoài, vừa lo sự vụ lại phải cả ngày sợ đệ buồn. Mà nãy giờ sao đệ không thấy Phong nhi?

Ân Diễm tay cầm dĩa bánh quế hoa, miệng cười nói:

- Giờ này Phong nhi chắc đã theo Tạ Sâm ra sau núi "bắt Hổ" rồi. Nó không biết hôm nay đệ tới, nếu mà biết hẳn phải đợi từ sáng sớm.

Trương Nhất Sơn và quận chúa Ân Diễm có duy nhất một nhi tử, tên gọi Trương Hàng Phong, mới tròn bốn tuổi đã thuộc làu kinh sử, luận văn, binh pháp. Được đôi ba lần ghé thăm, Vân Du yêu thương Hàng Phong như con ruột, hết lòng dạy dỗ. Lần này đến Đại Đô, y còn đem theo cả tập y thư làm quà tặng cho lần sinh nhật tròn năm tuổi sắp tới, vì biết được bản thân có việc không thể tham dự. Nghe qua lời Ân Diễm, Vân Du ngạc nhiên, quay sang nhìn Trương Nhất Sơn, hỏi lại:

- Bắt Hổ?

Trương Nhất Sơn phì cười, nói:

- Là trò mà Tạ Sâm bày ra cho nó chơi giải khuây thôi. Cũng không biết trong đó là gì mà có vẻ rất thích thú.

Vân Du uống ngụm trà, chậm rãi nói:

- Phong nhi thật giống đại ca. Tuổi còn nhỏ mà đã có sở thích điều binh, khiển tướng. Sau này nó nhất định sẽ kế thừa lý tưởng của huynh, là một người đỉnh thiên lập địa.

Trương Nhất Sơn cười buồn, lắc đầu trầm ngâm:

- Huynh lại mong nó đừng theo nghiệp của huynh, mà.. cho dù có muốn lại cũng không thể được. Nó.. có sứ mệnh của bản thân nó.

Vân Du hơi nhíu mày, hỏi:

- Đại ca nói câu này.. là có ý gì?

Trương Nhất Sơn đưa đôi mắt buồn nhìn thẳng Vân Du, giây phút thoáng qua lộ ra ngàn điều khó nói. Được lúc thì chuyển giọng, nói:

- Chuyện đó để sau hãy nói. Huynh có chuyện quan trọng hơn đây. Đệ đã biết tin chưa? Huynh nghe nói Tống tướng quân nhà đó vẫn chưa về. Xem bộ đệ phải mất công chuyến này rồi.

Vân Du vừa gật vừa lắc, trông có chút ngô nghê, nói:

- Ai nói đệ mất công? Vốn đệ đến Đại Đô để thăm đại ca, đại tẩu và Phong nhi, ghé chào hỏi đệ ấy cũng là theo lý bằng hữu lâu năm quen biết mà thôi. Không quan trọng. Nhưng..

Trương Nhất Sơn tay lấy ấm trà châm đầy ly cho Vân Du rồi chậm rãi nói:

- Huynh không biết là có sự vụ gì quan trọng, chỉ thấy gần đây hoàng thượng có vẻ bất an, lo nghĩ. Chuyện thương thảo bên phía Ba Tư huynh sẽ phái người điều tra, có tin tức gì sẽ lập tức thông báo cho đệ.

Vân Du mỉm cười thay lời đa tạ. Bao năm quen biết, mà chính xác thì cũng đâu được bao năm, ấy vậy mà y chẳng cần nói nhiều, mọi nguyện vọng trong lòng lại cứ bị nghĩa huynh nhìn thấu rồi theo đó mà giúp y thực hiện, hết lần này đến lần khác, dần dà lại thành thói quen.

- Thiên hạ nằm trong tay thiên tử. Nhưng đại ca, dưới bầu trời của thiên hạ này huynh mới chính là thiên tử của đệ. Chỉ cần có huynh..

Trương Nhất Sơn ngẩng mặt, nhìn Vân Du thâm tình, nói:

* * * trời không thể nào sập được.

* * *

Ba Tư.

Lều tráng đơn độc, đèn bên trong vẫn sáng, Tống Trích Tư một mình nghĩ ngợi. Tiết Minh bên ngoài nhỏ tiếng gọi:

- Tướng quân?

Không nghe thấy gì, Tiết Minh đẩy tấm vải che bước vào, đi thẳng một mạch tới bàn y, hai tay ôm quyền, nói:

- Tướng quân, thuộc hạ tắc trách. Đã để thích khách chạy thoát.

Tống Trích Tư nghe rồi nhưng không phản ứng gì, một chút kích động cũng không thể hiện, theo đó cúi đầu hai tay day day thái dương. Tiết Minh cùng Tống Trích Tư lớn lên, tuy thân phận chủ tớ khác biệt nhưng nếu nói về hiểu thì kể cả Vân Du cũng không thể hiểu Tống Trích Tư bằng y. Im lặng một hồi, y lại hỏi:

- Tướng quân, chúng ta có nên..

Tống Trích Tư đưa tay ra hiệu im lặng rồi chậm rãi nói:

- Ta đoán.. bên đó sẽ nhanh chóng gửi tới chúng ta thứ hoàng thượng cần. Bằng không làm sao giải thích sự việc tối qua. Ba Tư cũng chẳng phải cường quốc, vốn không nên đối đầu với Hậu Nguyên. Nhưng nếu là vậy thì thật đáng tiếc, ta xem như đã mất đi cơ hội được diện kiến quốc sư tài giỏi nhất của họ.

Tiết Minh ậm ừ, rốt cuộc cũng nói ra được một cái tên:

- Là Gia Cát Chính Ngã?

* * *

Phủ Bình Dương.

Hơn nửa tháng nghe ngóng vẫn không có chút tin tức từ phía Ba Tư, Vân Du từ biệt nghĩa huynh về lại Ôn Châu, chuẩn bị sẵn thuốc cho lần hành y sắp tới, dự là kéo dài ít nhất cũng chẳn năm. Vẫn là ngàn lần không thể ngờ, đó lại là lần chia tay vĩnh viễn, vạn kiếp không thể gặp lại.

Nửa năm sau khi Vân Du rời khỏi, Trương Nhất Sơn nhận được mật thư từ thân tín báo về, sự vụ thương thảo ở Ba Tư không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, với thân phận sứ giả, Tống Trích Tư vẫn bình an vô sự, nằm trong phạm vi kiểm soát.

Bức thư viết được nửa lại bỏ dở, Trương Nhất Sơn cầm mãi ly trà mân mê, không uống cũng không buông, lời nói ra nặng trĩu, tuy không rõ là hỏi ai nhưng cũng không phải kiểu tự vấn:

- Rốt cuộc ta phải làm sao mới đúng đây?

Tạ Sâm đỡ lấy ly trà đã nguội trên tay Trương Nhất Sơn, nhẹ giọng:

- Vương gia, ngài bận lòng rồi. Nếu đã không liên quan, chi bằng.. cứ bỏ mặc.

Trương Nhất Sơn lắc đầu, giọng vẫn nặng trĩu:

- Ta đã biết rõ nội tình, làm sao bỏ mặc?

Tạ Sâm lại nói:

- Vương gia, sự vụ liên can không nhỏ. Nếu dễ dàng lập công, ai lại hai tay đương không dâng cho ngài.

Trương Nhất Sơn cười trong vô thức, nói:

- Người đó đích thân đến đây, thậm chí đem tính mạng bản thân trao đổi sự tín nhiệm. Trương Nhất Sơn ta cả đời chưa bao giờ bội tín, sao có thể vì sợ uy quyền mà không hỏi không truy?

Tạ Sâm im lặng, thở dài xót xa. Trương Nhất Sơn quay lại bàn, viết nốt lá thư, đưa cho Tạ Sâm, nói:

- Không rõ nghĩa đệ giờ đang nơi đâu. Dù biết là có chút khó khăn nhưng hãy cố gắng thay ta đem thư này đưa tận tay cho đệ ấy.

Nói xong, Trương Nhất Sơn quay về tư phòng, ngọn đèn dầu của thư phòng theo gió từ cửa sổ tắt lịm trong đêm. Phủ Bình Dương yên bình, chẳng còn bao lâu nữa.

* * *

Giữa năm Hậu Nguyên ba mươi bảy, tin tức chấn động từ Đại Đô khiến Vân Du ngã bệnh hơn một tháng, sau khi khỏe lại thì lập tức về kinh, thứ nhận được đúng là thảm án hơn năm trăm mạng người của phủ Bình Dương.

Những ngày sau đó, y chẳng màn ăn uống, biến bản thân thành một tên nghiện rượu, người không ra người, ma chẳng ra ma. Tống Trích Tư chộp lấy từ tay Vân Du bình rượu đã cạn, lớn tiếng hỏi:

- Huynh định thế này đến bao giờ?



Vân Du gạt tay Tống Trích Tư sang bên, lảo đảo đứng dậy, phà vào mặt y một tràng hơi rượu, nói:

- Không phải việc của tướng quân. Cơ mà.. tướng quân lại rảnh rỗi đến thăm một tiểu tốt vô danh như thảo dân sao?

Tống Trích Tư thở dài, buông tay Vân Du trong tuyệt vọng. Kể từ lúc Vân Du đến Đại Đô, an táng xong cho những người ở Bình Dương vương phủ, y không lần nào không đến an ủi, chỉ là chút tư cách cũng không được người kia công nhận. Dù có bị trách cứ ngàn lần hơn nữa, y cũng không có quyền buồn bã, không có quyền than vãn, chỉ có thể chấp nhận. Vân Du đột ngột bấu chặt lấy bả vai y, gằn giọng hỏi:

- Tại sao? Tại sao không cứu huynh ấy? Tại sao? Huynh ấy là nghĩa huynh của ta, là.. là nghĩa huynh của ta, là.. người thân duy nhất còn lại trên đời này của ta..

Tống Trích Tư im lặng, mặc Vân Du trút những cơn giận dù hợp lý hay vô cớ vào mình. Trông lực đấm lúc này cũng đủ biết, y đang tuyệt vọng đến thế nào. Sau một hồi huyên náo, Tống Trích Tư đưa Vân Du về quán trọ, bản thân thả bộ về phủ, lòng cũng nặng trĩu đau thương.

Tống Trích Tư sống ở Đại Đô, theo nghiệp võ thì không nói, chỉ mỗi việc đam mê binh pháp thì điểm này đã đủ để y ngưỡng mộ và yêu quý Trương Nhất Sơn. Bình Dương vương gia tay trắng làm nên sự nghiệp, tài năng xuất chúng, được hoàng đế yêu thương, phong tước vương, ban hôn cùng quận chúa. Ngỡ tưởng cả đời bình lạc, nào hay đâu chỉ một đêm, cả phủ chìm trong biển máu. Bản thân y cũng không dám tin, dưới chân thiên tử, lại có kẻ dám mượn cớ làm càn, hãm hại trung lương, mà căn nguyên lại có thể dựa vào quyền hành mà vùi dập tất cả.

Tiết Minh ậm ừ, nhỏ giọng hỏi:

- Tướng quân, phía Vân đại phu, ngài định thế nào?

Tống Trích Tư trầm giọng, nói:

- Với tính cách của huynh ấy, chắc chắn sẽ đem hết tội lỗi đổ lên bản thân, sẽ cho rằng vì mình về không kịp nên không thể cứu nghĩa huynh. Ta thực sự không biết nên làm thế nào với huynh ấy nữa. Bình Dương vương gia cả đời thanh bạch, cuối cùng lại có kết cục thế này.

Tia nắng nhàn nhạt vờn nhanh qua khung cửa, một lần đi cũng chẳng thèm ghé lại. Mắt ai đó đã có chút lay động lại vì thế mà im lìm lần nữa, đánh thêm một giấc, tuy chẳng mấy ngon lành.

Đặt mạnh lên bàn một khay cơm đơn giản, Tống Trích Tư xoắn tay áo, lớn tiếng nói:

- Mặt trời sắp lặn tới nơi rồi. Huynh còn định nằm đó đến bao giờ?

Không thấy động tĩnh, chút phản ứng cũng không, Tống Trích Tư phủi phủi vạt áo, tới gần bên giường, đặt vào tay Vân Du một viên kẹo màu vàng rồi lặng lẽ rời đi. Vân Du vô thức nắm chặt viên kẹo trong tay, một giọt nước mắt theo khóe mi rơi dài trên gối. Ngày đó quen biết, giao hảo rồi kết bái, mỗi lần y buồn phiền chuyện gì đó, Trương Nhất Sơn sẽ cho y một viên kẹo màu vàng, nói với y về hy vọng. Nhắm mắt cho giọt nước cuối cùng rơi xuống, Vân Du nấc thành từng tiếng: Đại ca.. đại ca ơi, trời của đệ, sập mất rồi!

Lát sau, Vân Du từ trên lầu khách điếm bước xuống, quả nhiên Tống Trích Tư vẫn đang ở đó đợi y.

- Tìm ta có việc gì?

Tống Trích Tư âm trầm, đưa mắt nhìn Vân Du, được hồi sau mới hỏi:

- Huynh có muốn báo thù không?

Vân Du mắt ngấn lệ, kích động hỏi:

- Báo thù? Báo ai? Báo thế nào? Báo rồi thì sao? Báo rồi thì sao? Đại ca, đại tẩu, điệt nhi, họ có sống lại được không?

Tống Trích Tư xót xa, giữ chặt lấy người Vân Du, nhỏ giọng nói:

- Nếu ta nói với huynh, tiểu vương gia vẫn còn sống, thì sao?

Vân Du bàng hoàng, hai hàng nước mắt vô thức chảy dài hai bên má, hỏi:

- Ngài.. nói sao? Phong nhi, nó.. nó..

Tống Trích Tư gật đầu, nói:

- Huynh hãy phấn chấn lại, nghe ta nói. Có thể tiểu vương gia vẫn chưa chết. Tuy không có gì chắc chắn nhưng thuộc hạ ta báo lại, lúc vương phủ xảy ra chuyện, có người đã trông thấy thiếu trang chủ của U Linh sơn trang.

Vân Du đã bình tĩnh hơn, lại bàn ngồi xuống, hỏi lại:

- Chu Đình Úy? Huynh ấy đến Đại Đô làm gì?

Tống Trích Tư rót trà vào ly, đưa cho Vân Du rồi nói:

- Chuyện này ta cũng không rõ. Nhưng sao ngài ấy lại tới Đại Đô đúng vào lúc vương phủ xảy ra chuyện? Nếu vậy, há lại đến mà về tay không?

Vân Du nhíu mày nghĩ ngợi, nói:

- Chu Đình Úy tính ra là nhị ca trên danh nghĩa của ta. Với quan hệ như vậy, nếu đã đến Đại Đô hẳn nhiên không thể làm ngơ chuyện của đại ca được.

Tống Trích Tư nói thêm vào:

- Không sai. Vậy nên ta dám khẳng định, ngài ấy tới đây kịp lúc, ít nhất là đã cứu được tiểu vương gia nên mới dễ dàng rời đi. Nhưng.. ta lại có điều không hiểu.

Vân Du nôn nóng, hỏi:

- Không hiểu chuyện gì? Ngài mau nói đi.

Tống Trích Tư nhỏ giọng hơn nữa, nói:

- Điều lạ là ngài ấy không đem theo bất kì đứa trẻ nào về U Linh sơn trang cả.

Vân Du ngồi thụp xuống, lần nữa buông lơi cánh tay trong tuyệt vọng, thở dài im lặng. Tống Trích Tư thấy vậy thì nói thêm:

- Huynh khoan hãy kết luận. Ta nghĩ có thể ngài ấy đã giấu tiểu vương gia ở đâu đó. Huynh thử nghĩ xem, nếu đám người đó đã lên sẵn kế hoạch đồ sát vương phủ, ai có thể thoát được chứ?

Vân Du châu mày nghĩ ngợi, giọng có chút nghi hoặc, nói:

- Khoan đã, ta đích thân an táng cho đại ca, đại tẩu và điệt nhi. Nếu nói nó vẫn còn sống, thế.. thế cái xác lúc đó là của ai? Không thể nào, không đâu..

Tống Trích Tư ngẫm nghĩ một hồi, nói:

- Vân Du, huynh nghe ta. Bây giờ, huynh ở Đại Đô cũng không có tác dụng gì, chi bằng đi thử một chuyến đến U Linh sơn trang. Một là gặp lại tri kỉ của nghĩa huynh, cũng xem như bái phỏng nhị ca, hai là có thể nhân đó dò la một chút thông tin về tiểu vương gia.

Vân Du có chút xao động nhưng lại lưỡng lự không quyết, Tống Trích Tư được dịp nói thêm:

- Huynh đừng nghĩ nữa. Nếu còn không đi, sợ sẽ không kịp.

Vân Du gật đầu đồng ý. Ngấn lệ đã khô, người cũ đã không còn. Máu cũng đã khô, nhưng nghĩa cũ lại còn.

* * *

U Linh sơn trang.

Tà áo mỏng đã sớm vướng bụi đường, không phải lần đầu tha hương nhưng là lần đầu đơn độc, Vân Du cảm thấy cả người nặng trĩu, đầu óc trống rỗng, vốn không định sẵn sẽ hỏi những gì. Chu Đình Úy bước từ cửa vào, trầm giọng hỏi:

- Đệ.. là Vân Du?

Vân Du nghe tiếng liền quay đầu nhìn lại, người này đúng như lời nghĩa huynh diễn tả, khôi ngô bất phàm, mỹ mạo vô song. Y gật đầu hồi đáp, nói:

- Đúng vậy. Huynh đây là..

Chu Đình Úy niềm nở, chộp lấy bờ vai Vân Du, cười nói:

- Tam đệ, là đệ thật rồi!

Vân Du sựng người, lùi lại một bộ. Tuy biết rõ quan hệ của bản thân với người đối diện nhưng y chưa từng nghĩ sẽ nhận nhau trong tình huống thế này. Có chút bàng hoàng, Vân Du đưa ánh nhìn chua xót về phía Chu Đình Úy, ngập ngừng hỏi:

- Ta.. đệ.. đệ muốn hỏi huynh chuyện của đại ca..

Chu Đình Úy lặng người, tâm trạng chùn hẳn xuống, hỏi:

- Đệ muốn biết gì?

Vân Du nôn nóng từ lúc biết được chuyện ở khách điếm, một mạch tới đây không dám bê trễ, cả việc nghỉ chân cũng chỉ dừng khi cần thiết. Ấy thế mà giờ đây, một lời cũng không mở được, một câu cũng không hỏi được, bản thân cũng chẳng biết vì lý do gì. Chu Đình Úy trầm ngâm, mở lời:



- Là chuyện liên quan tới Phong nhi sao?

Vân Du sững người lần nữa, đưa cặp mắt trông chờ vào câu trả lời của Chu Đình Úy, nhưng cuối cùng thứ y nhận được lại là cái lắc đầu tuyệt vọng. Vân Du bước lên một bước, hỏi trong gấp gáp:

- Nhưng.. nhưng đã có người nhìn thấy huynh đến Đại Đô..

Chu Đình Úy ngắt lời Vân Du, nói:

- Đúng là huynh đã đến Đại Đô, nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng. Phong nhi và đại ca, đại tẩu lúc ấy đã..

Vân Du đưa tay chặn lại, nói:

- Được rồi! Xem như hôm nay ta không có đến.

"Không đến? Không đến là thế nào? Chấp niệm trong lòng đệ ấy nặng đến thế sao?". Chu Đình Úy xót xa nhìn theo bóng lưng cô độc của Vân Du mà lòng đau quặng thắt. Ngày đó, tại trúc lâm có một tình huynh đệ đẹp hơn hoa, sáng hơn trăng, còn hôm nay, tại sơn trang này, lại có một tình huynh đệ khiến người không nỡ, sinh tử chi giao, chỉ hận không cùng nhau thác bạc.

Chuyện cũ đi qua đã mười bảy năm, người xưa vắng bóng, kẻ còn sống lại nuôi mãi thù xưa, chấp niệm sâu tựa biển..

* * *

Phủ quốc công.

Tiết Minh bước những bước dài, gấp gáp, hơi thở dồn dập, hẳn là có việc gì quan trọng. Vừa vào đến thư phòng đã nghe tiếng Tống Trích Tư:

- Kẻ đó là ai?

Tiết Minh ôm quyền, nói:

- Thuộc hạ đã cho người điều tra, sẽ sớm có kết quả.

Tống Trích Tư trầm ngâm, thở dài nói:

- Tri kỉ, tri kỉ.. mười bảy năm rồi không gặp..

Tiết Minh nhíu mày, nhỏ giọng hỏi:

- Quốc công nói ai? Vân đại phu sao?

Tống Trích Tư cười nhạt, hỏi:

- Tiết Minh, ngươi có nhớ mười bảy năm trước tại tư phòng này, ngay chỗ ngươi đang đứng, đã có chuyện gì không?

Tiết Minh là trợ thủ đắc lực và là tâm phúc của Tống Trích Tư từ những ngày ông mới bước vào quân ngũ. Vừa là thuộc hạ trung thành vừa là người thân tin tưởng, bao năm qua chưa từng rời khỏi. Y không trả lời ngay mà cảm thán một hồi, mới nói:

- Quốc công vì sao lại hỏi chuyện này?

Tống Trích Tư cười lớn, giọng cười gượng gạo, nhạt như nước, lạnh như băng. Dù có là một kẻ võ phu như Tiết Minh cũng cầm lòng không đặng. Tống Trích Tư tay chạm nhẹ lên vết thương đã cũ, thấp giọng nói:

- Ta.. ta chưa một ngày quên. Lời hứa ngày đó với huynh ấy, chưa từng dám quên.

Tiết Minh nhắm mắt nén nỗi xót xa. Đêm ấy trời không trăng, không sao, bóng đêm mù mịt sớm đã bao trùm vạn vật. Tại thư phòng này, đúng nơi y đang đứng, Vân Du một tay ôm bình rượu, một tay cầm đoản kiếm, đặt ngay cổ, không phải cổ của y mà là cổ của Tống Trích Tư.

* * *

Tiết Minh hoảng loạn rút kiếm hộ chủ, Tống Trích Tư khoát tay bảo y ra ngoài, bất kể tiếp theo có động tĩnh gì cũng không được vào nếu chưa được sự cho phép.

Tay Vân Du run rẩy, cả người bần bật những đợt rợn người, mồ hôi nơi trán lăn từng giọt, chậm chạp và thưa thớt. Tròng mắt đầy đường gân đỏ, cái ánh nhìn long lanh đầy nước, ngập đau thương, môi y mấp máy chẳng thành lời. Từ U Linh sơn trang về tới Đại Đô, rốt cuộc thì y đã phải trải qua những chuyện thế nào, Tống Trích Tư đau lòng, mặc nhiên không lấy đoản kiếm xuống, hai tay giữ lấy bàn tay đang run rẩy của Vân Du, giọng xót xa:

- Huynh.. rốt cuộc đã có chuyện gì?

Vân Du đến hất tay Tống Trích Tư cũng không đủ sức, cả người bất lực, cảm tưởng chỉ cần ai đó đẩy nhẹ một cái cũng khiến y ngã quỵ, hệt như ý chí lúc này, cũng chỉ cần một đả kích nhỏ cũng đủ làm y sụp đổ. Nhướng đôi mắt đã nhuốm mùi men rượu, ti hí như lươn, Vân Du cười nhạt, nói:

- Xin tướng quân nể tình trước quán trọ Kỳ Đình bao lần cùng Vân mỗ đối ẩm.. xin hãy giúp, giúp ta một chuyện.

Khoảnh khắc tiếp theo khiến một người như Tống Trích Tư không dám tin vào mắt mình. Một kẻ cao ngạo, bất cần như Vân Du lại đang quỳ trước mặt y, người đó khóc rồi, giọt nước mắt hiếm hoi rơi dài trên gò má gầy hóp. Nam nhân rơi máu không rơi lệ, người đó đã phải đau đớn và tuyệt vọng đến thế nào mới có thể bỏ cả tôn nghiêm, dẹp luôn bản ngã, quỳ xin y như thế. Tống Trích Tư lấy tay đỡ lấy Vân Du, Vân Du kiệt sức ngất lịm trong lòng y, tròng mắt lảo đảo, lờ mờ tắt đi ánh sáng. Đêm đó, thư phòng của y quả là rất tối, không có lấy chút hy vọng nào..

* * *

- Quốc công đã gặp lại người đó sao?

Tống Trích Tư thở dài, lắc đầu nói:

- Ta không biết. Nhưng ta có một linh cảm rất mãnh liệt rằng.. người đó quay về rồi, thật sự quay về rồi.

Mắt Tiết Minh dấy lên chút hoan hỉ, nói:

- Thế tốt rồi! Con đường này ngài sẽ không còn đơn độc nữa.

Tống Trích Tư cười mà như khóc:

- Phải, phải rồi. Mười bảy năm rồi, ta thật sự quá mệt, mệt lắm rồi!