Tọa Thanh Long độc hữu nhãn, tả phù điêu kim ánh,
Ngự Kỳ Lân độc tả nhãn, hữu phù điêu bạc sa.
Độc tiếu nằm cạnh Đoạn Thiên Sơn, là một ngọn núi nhỏ có hình thù hệt như Đoạn Thiên Sơn. Ban đầu người ta gọi nó là Đoạn tiểu, tức là tiểu Đoạn Thiên Sơn nhưng về sau, có vài người lại nhìn ra được ngoài những góc cạnh tứ phía không khác gì Đoạn Thiên Sơn, nó còn có thêm một cái mặt như đang cười phía góc trái, hướng về năm dặm tùng lâm, lối vào của U Linh sơn trang. Cũng từ đó, Đoạn tiểu được thay bằng Độc tiếu. Nhưng không hiểu vì sao, vào hai mươi năm trước, ngọn núi nhỏ ấy lại đột nhiên biến mất không dấu vết, con đường qua chỗ ấy một chút dốc hay nhấp nhô cũng không có, dường như nơi đó chưa từng có ngọn núi nào là Độc tiếu.
Phủ quốc công.
Đã hơn hai mươi năm kể từ khi có được bức phù điêu khuyết nét, Tống Trích Tư luôn giữ lời hứa với người bạn năm xưa, chỉ giao nó cho người có thể trả lời đúng câu hỏi mật, ấy vậy mà tối qua kẻ đột nhập kia lại khiến ông có chút lung lay.
Phủ quốc công lúc này kẻ ra người vào không ngớt, ai nấy đều bất an không biết sự tình thế nào. Tống Thanh Dực nhanh chân tiến vào phòng khách cùng Lý Kiên, ôm quyền nói:
- Phụ thân, không tìm thấy chút manh mối nào từ kẻ đột nhập tối qua. Ngoại trừ đồ đạc trong phòng đã bị xáo trộn thì tất cả vẫn còn nguyên, không mất thứ gì.
Nói tới đây, Tống Thanh Dực liền ngưng lại, chàng sực nhớ đến bức phù điêu ở căn hầm bí mật bên trong mật thất. Do đó là nơi mà chàng vô tình tìm thấy nên lúc tra xét hiện trường cũng không tiện vào trong xem thử, lại chẳng biết thứ đó còn hay không. Tống Trích Tư trầm ngầm một hồi thì nói:
- Thứ hắn muốn tìm có lẽ không có ở phủ.
Nói rồi thì đi thẳng ra ngoài về lại tư phòng, Tống Thanh Dực nhìn theo với vẻ mặt khó hiểu. Lý Kiên trông thấy thì tự nghĩ: "Quốc công không hổ là chiến thần một thời, sao lại có thể bình tĩnh như vậy được chứ?". Đoạn, quay sang Tống Thanh Dực, hỏi nhỏ:
- Phù điêu, vẫn còn chứ?
Tống Thanh Dực thở dài, nói:
- Ta cũng không rõ.
Lý Kiên tỏ ngay thái độ không vui, liền đó nói:
- Sao huynh không vào đó xem thử, lỡ như.. ta nói là lỡ như, nó mất rồi thì sao? Không kẻ nào ngu ngốc tới nỗi đem mạng mình ra đánh đổi chỉ để vào xem bảo vật mà một thứ cũng chẳng đem đi. Ta nói huynh.. sao lại.. hầy!
Tống Thanh Dực đưa ánh mắt thờ ơ nhìn Lý Kiên, đoạn hỏi lại:
- Huynh nói xem ta sẽ giải thích thế nào về việc bản thân biết được mật thất còn có căn bí mật? Và còn, phụ thân ta cũng nói rồi, có vẻ thứ kẻ đó muốn tìm không có ở phủ Quốc công.
Lý Kiên im lặng một hồi thì lên tiếng:
- Chắc không đơn giản như thế đâu.
Một ngọn đèn dầu le lói dần xuất hiện ở phía bậc thang dẫn xuống mật thất, Tống Trích Tư đi một mạch lại chỗ chiếc bình gốm, xoay nhẹ một cái sang phải, ba cái sang trái rồi bước vào bên trong cánh cửa phía sau bức tranh sơn thủy. Nhớ lại thì đây chính là căn hầm bí mật mà Tống Thanh Dực đã từng đi lạc vào, có điều cách để vào được đây thì rõ là hơi phức tạp với một đứa trẻ chỉ mới mười tuổi, xem ra năm đó, tiểu tướng quân cũng thật quá tài năng rồi.
Cửa hầm vừa mở, một nụ cười nhẹ nhõm hiện trên môi của Tống Trích Tư, dĩ nhiên bức phù điêu kia một miếng cũng không hề sức mẻ. Ông đi lại gần lấy tay sờ lên đó một cách vô cùng trân quý, rồi thở dài tự hỏi: "Tiên sinh, khi nào người đó mới đến? Đã có kẻ chờ không nổi bắt đầu hành động rồi. Tống mỗ e rằng không đợi được tới ngày đó, phụ lòng giao phó của tiên sinh".
Hai mươi năm trước, có một vị tiên sinh phong thái ngời ngời, tóc trắng, râu dài đến phủ Quốc công nhờ Tống Trích Tư giữ hộ mình một bức phù điêu. Không nói đến hình dáng kì lạ của nó, chỉ cần biết được bí mật đằng sau thì đã đủ khiến cả nhà ông từ đó không còn an nhiên được nữa. Bao năm trôi qua, Tống Trích Tư vẫn ngày ngày lo lắng, có khi tỉnh giấc nửa đêm vì sợ bức phù điêu sẽ bị ai đó lấy mất. Ám ảnh này theo ông suốt những năm tháng khi còn ở sa trường lẫn tới lúc đã cởi bỏ khôi giáp.
Bức phù điêu được chạm trổ cực kì tinh xảo. Nửa bên trái ánh vàng, khắc hình Thanh Long độc hữu nhãn, nửa bên phải ánh bạc, khắc hình Kỳ Lân độc tả nhãn, sống động như thật. Lần đầu tiên được ngắm qua bức phù điêu này, Tống Trích Tư đã không kiềm được lòng ngưỡng mộ, "Ồ" lên một tiếng, sau đó nhận được lời gửi gắm đầy thâm ý của vị tiên sinh kia "Phù điêu liên quan tới vận thể Nguyên triều, đại tướng quân hào khí trượng nghĩa, sau này ắt sẽ có một vị trí rất quan trọng trong triều. Ta gửi nó lại cho ngài, khi thời cơ đến, hãy thay ta phò tá người đó đăng cơ".
Đã ngần ấy năm qua đi, bức phù điêu vẫn nằm yên trong căn hầm đó, đột nhiên hôm nay lại có kẻ ghé thăm, điều này khiến Tống Trích Tư trằn trọc không yên giấc, nửa đêm một mình tới đây. Mật thất tuy rộng nhưng căn hầm này lại thật là nhỏ, hơi thở của người thứ hai đánh động bản năng tự vệ, Tống Trích Tư nhẹ nhàng đứng lên, đi về phía cửa căn hầm, khởi động hệ thống phòng bị rồi rời khỏi ngay sau đó.
Không lâu sau khi Tống Trích Tư rời đi, quả nhiên đã có người thứ hai xuất hiện. Người này đi thẳng một mạch vào giữa mật thất, tránh được tất cả cơ quan được bày trí bên trong, ba mươi mũi tên được bắn ra từ năm cái đầu hổ đính trên vách tường, kế đó là năm hồi phi tiêu liên tiếp từ tứ phía. Tống Trích Tư vỗ tay đi vào từ cửa, vừa đi vừa nói:
- Thân thủ nhanh nhẹn, võ công phi phàm. Các hạ mạo hiểm quay lại lần hai lẽ nào là có thứ gì quan trọng muốn mang đi sao?
Hắc y nhân không nói gì, chỉ đưa mắt nhìn quanh rồi nhanh tay tung ám khí, trong sát na cắt đi một vài sợi tóc của Tống Trích Tư, liền đó phi thân tẩu thoát. Tống Trích Tư cầm ám khi lên xem thì chẳng thấy có gì đặc biệt, chỉ là một phi tiêu tà mũi bình thường, rõ ràng người đến không hề có ác ý muốn lấy mạng ông, nhưng nhờ đó mà thấy được bản lĩnh kẻ đó quả không tồi. Hồi lâu sau, ông trở về phòng, trên mặt vẫn ngập tràn lo lắng.
Cánh cửa phòng hé mở, Bạt Phong bước nhanh vào trong, trước khi đóng cửa không quên quan sát xung quanh. Gỡ bỏ khăn che mặt, ánh mắt lãnh cảm nhìn vào hư không, ông nắm tay thật chặt đập mạnh xuống mặt bàn, khí sắc không chút dễ chịu, gằng giọng: "Rốt cuộc là ở đâu?".
Hoàng cung.
Từ cổng hoàng cung đến ngự hoa viên, từ ngự hoa viên đến Diễm Tiên Các, hoa trên thảm, thảm trên hoa, một màu vàng rực rỡ. Sinh thần của tam công chúa Nghinh Hương Đoan Mẫn, người được mệnh danh là đệ nhất mỹ nhân của Nguyên triều được tổ chức vô cùng hoành tráng. Nàng là ái nữ thứ hai trong số ba người con của Nguyên đế Nghinh Thành Bác, cũng là vị công chúa được sủng ái nhất trong hoàng tộc. Nguyên đế ít con, duy chỉ có nhị hoàng tử Nghinh Hương Túc Nhật là nhi tử, nhưng lại chẳng hiểu vì nguyên cớ gì mà cho đến nay, tuy đã ngoài hai mươi lăm, tài năng vượt bậc người thường lại chưa có được vị trí trữ quân, còn trưởng công chúa Nghinh Hương Đoan Thanh sớm đã theo chồng về Biên Thành, từ dạo ấy đến nay cũng chỉ vài đôi lần về thăm. Hoàng cung ngoài những lần tiệc tùng, yến hội thì cũng không mấy khi được náo nhiệt.
Bên ngoài hoa kết, đèn treo, toàn bộ Diễm Tiên Các được trang trí lại theo đúng ý muốn của tam công chúa, lấy màu vàng làm chủ đạo, mang ước muốn vạn điều tốt lành. Mọi sự được chuẩn bị từ tận hai tháng trước, quà tặng, lễ vật cũng được các cung mang đến từ rất lâu. Kì trân, dị bảo không thiếu món nào, tất cả đều được chọn lọc từ những thứ tốt nhất. Bên trong cung thì lại được bày trí khá tao nhã, tuy mang thân phận quyền vương nhưng Đoan Mẫn chưa bao giờ lấy đó làm phô trương, Diễm Tiên Các vô cùng giản dị, khác hẳn tính cách của nàng, hơi có chút ngạo mạn.
Một vị thái giám dẫn theo sau một tì nữ, trên tay cầm một cái hộp dài. Bước vào trong Diễm Tiên Các, vị thái giám đó lệnh cho tì nữ lấy đồ bên trong hộp ra và treo lên, là một bức họa. Bên trên vẽ một đại mỹ nhân, đôi mắt sáng như ngọc, gương mặt thanh thoát, đầy đặn, hàng chân mày kẻ sắc điểm thêm nét đẹp cho hàng mi cong vút, đôi môi đỏ mọng, hai má hồng hồng, cả khuôn diện hài hòa không thiếu chẳng dư. Không biết vị họa sư nào tài năng như thế, lại có thể vẽ ra một tiên nữ như thật trên đời, bức họa chân dung kia là vẽ tam công chúa đương triều, Nghinh Hương Đoan Mẫn. Nàng là nữ tử xinh đẹp nhất của thiên hạ, nét đẹp của nàng chỉ có hoa vừa nở, trăng vừa tròn mới có thể sánh được. Ngày nàng sinh ra, ngàn hoa nở rộ, hương tỏa khắp nơi, nắng vàng lan khắp chốn, hoàng đế cho đó là điềm lành, từ ấy đến nay đều hết mực yêu thương, xây hẳn một cung riêng cho nàng, đặt tên là Diễm Tiên Các. Dĩ nhiên, không phải chỉ vì nàng mang lại quốc thái, dân an mà còn vì nàng hiểu chuyện lại thông tuệ hơn người, chỉ khổ một nỗi là tính cách thì cực kì kiêu ngạo và ương bướng.
* * *
Tiểu thư đồng bên cạnh vị công tử cao ráo, khôi ngô cứ lầm bầm mãi, một hồi thì thở dài than ngắn, được lúc thì lại kéo tay lôi lại, rõ là chẳng muốn lại cứ bị ép phải đi. Tiểu thư đồng kia má hây hây đỏ, chân mày được tỉa gọn gàng, đôi môi không thoa son lại tự nhiên đỏ, dáng người mảnh khảnh, nói thế nào thì cũng giống một nữ nhi hơn là nam nhi. Thật thế còn gì, nàng là tiểu Noãn Nhi, tỳ nữ thân cận cao cấp của tam công chúa và dĩ nhiên vị công tử cao ráo khi nãy chính là..
- Công chúa! Người hãy mau chóng trở về hoàng cung đi mà, hoàng thượng mà biết người trốn ra ngoài thế này thì cái đầu nhỏ của em chắc phải dọn nhà mất thôi.
Nghinh Hương Đoan Mẫn mỉm cười khoái chí, tay bốc đậu cho vào miệng, hờ hững nói:
- Thế cũng tốt mà. Chẳng phải em hay nói "Làm người khổ quá" sao? Thế giờ cho em làm cái khác, lại đúng ý còn gì?
Tiểu Noãn Nhi nghe qua thì chóng cả mặt, lần này thì hay rồi, vốn định dùng khổ nhục kế nhưng xem ra lại chẳng hề có chút tác dụng nào. Ngẫm lại cũng do nàng đã đánh giá quá thấp chủ nhân nhà nàng, tam công chúa lãnh cảm vô tình, trước giờ đã nhường nhịn và chịu thua ai đâu. Nghĩ bề không ổn, tiểu Noãn Nhi liền thấp giọng, nói:
- Công chúa, xem như em năn nỉ người, người thương em được không? Thái hậu mà biết chắc mông em nở hoa mất, công chúa..
Nghinh Hương Đoan Mẫn mỉm cười, cố lờ đi như không nghe thấy, dạo qua hàng quán bên đường của một họa sư. Nàng đọc thật chậm rãi dòng thư pháp bên trên bức tranh:
"Nhất hội Hàng Châu, nhị tửu Vạn Xuân Lầu,
Vạn thần thông, Như Lai tửu quán,
Nhất mỹ nhân, hoa đán Đại Đô"
Đoạn thì đưa mắt nhìn họa sư đang ngồi, hỏi:
- Không biết hoa đán trong câu này là đang ám chỉ ai?
Họa sư kia đưa mắt nhìn vị khách trước mặt, thoáng chút nheo mày, liền đó cười thật lớn rồi nói:
- Hahaha! Công tử hỏi đây ư? Dĩ nhiên là Triều Dương quận chúa, ái nữ của Bảo Thân Vương.
Đoan Mẫn hơi châu mày, lần nữa nhìn vào bức họa, lúc nãy mãi chăm chú vào câu nói mà quên nhìn người, giờ ngắm lại thì đúng là có chút giống Triều Dương quận chúa. Nàng nghĩ thầm: "Triều Dương quận chúa trong mắt của dân chúng thành Đại Đô chính là hoa đán, vậy.. ta là gì?". Tiểu Noãn Nhi từ đâu chạy tới, lên tiếng:
- Cô.. ông công.. tử, người đi đâu vậy? Làm ta tìm gần chết. Chúng ta về được không? Lão thái thái và lão gia chắc đang mong người lắm. Công tử..
Đoan Mẫn quay sang nhìn thì thấy đúng là nàng đã thật sự dọa tiểu Noãn Nhi một trận. Cứ nhìn trán nàng ta lấm tấm mồ hôi thì biết đã hốt hoảng ra sao khi mất dấu nàng. Ngẫm lại thấy cũng thương, đành nói:
- Được rồi, được rồi. Thì về!
Tiểu Noãn Nhi vui mừng khôn xiết, việc giữ chân và khuyên được tam công chúa trở về như thể đã lập được một đại công, không phần thưởng nào xứng đáng hơn là một cái thở phào nhẹ nhõm. Đang đi bỗng dừng lại, Đoan Mẫn lên tiếng hỏi:
- Tiểu Noãn Nhi, em nói xem, ta.. có xinh đẹp không?
Trước giờ, nàng vốn chẳng để tâm bản thân có xinh đẹp hay không, chỉ là nghe lâu dần thành quen, tự dưng hôm nay có kẻ nói người xinh đẹp nhất không phải nàng thì lòng lại có chút không được thoải mái, định không hỏi nhưng lại mở miệng rồi. Sựng người một lát, tiểu Noãn Nhi dụi dụi hai mắt, trực tiếp đi một vòng quanh Đoan Mẫn rồi ngây thơ nói:
- Đâu có chỗ nào không ổn chứ.
Nghinh Hương Đoan Mẫn tức tối, lấy tay búng một cái "cốc" vào trán tiểu Noãn Nhi, rõ là đau lắm nhưng nàng ta chẳng phản ứng gì, liền đó hỏi tới:
- Công chúa, người làm sao vậy? Sao lại hỏi em như thế?
Nghinh Hương Đoan Mẫn ngắm tiểu Noãn Nhi một lát rồi thôi, quay người bỏ đi, tiểu Noãn Nhi cũng lắc đầu ngu ngơ rồi lẽo đẽo theo sau, không rõ chuyện gì, miệng cứ lầm bầm: "Công chúa là đệ nhất mỹ nhân của Nguyên triều, còn ai có thể xinh đẹp hơn người nữa chứ?".
Bữa trưa nắng gắt thì thôi chẳng nói, người cũng đông đúc, mỗi việc chen lấn thôi cũng đủ mất khối thời gian. Tiểu Noãn Nhi ở đằng trước dẹp đường cho Đoan Mẫn, lơ ngơ thế nào lại chẳng để ý có người dòm ngó chủ nhân nhà nàng. Sau một đoạn dài không động tĩnh gì, chợt nghe tiếng Đoan Mẫn hét lên:
- Ngươi dám?
Tiểu Noãn Nhi giật mình, xoay người một cái đã chẳng thấy Đoan Mẫn đâu, chỉ thấy một hàng người dạt sang hai bên rồi có bóng một người nhấp nhô tháo chạy. Tiểu Noãn Nhi tri hô đuổi theo, miệng cầu xin chủ nhân đừng có chuyện, nếu không nàng thật sự sẽ tiêu đời.
Chạy theo cả buổi vẫn chẳng thấy Đoan Mẫn đâu, tiểu Noãn Nhi sợ đến hồn vía bay theo mây, miệng lầm bầm: "Chết rồi, lần này chết thật rồi! Tiểu tổ tông của em ơi, người đang ở đâu vậy?".
Nghinh Hương Đoan Mẫn chạy theo tên cướp chỉ là phụ, cái chủ yếu là nàng muốn xem thằng nhóc trộm đồ của nàng gia cảnh ra sao mà lại phải mạo hiểm ra ngoài móc túi người khác hoặc giả dụ là đang có người ép nó phải làm thế. Mất dấu hẳn sau khi truy đuổi qua ba bốn con đường, Đoan Mẫn đành trở về tay không, đang mãi suy nghĩ thì đụng phải một người, nàng không hề thấp nhưng kẻ này ít nhất cũng cao hơn nàng một cái đầu. Ngước mắt nhìn lên, Đoan Mẫn bị chính cái mùi sương gió trên người Tạ Vô Phong cuốn hút, nó vừa lạ vừa quen, trực tiếp gieo vào lòng nàng một cảm giác khó tả. Hỏi một câu đầy sự khó chịu, Đoan Mẫn đẩy tay Tạ Vô Phong ra khi chàng đang cố giữ để nàng khỏi ngã:
- Ngươi không có mắt à?
Tạ Vô Phong cười khẩy, tự hỏi vu vơ:
- Đại Đô này người nào cũng như người nấy sao? Ăn mặc thì rõ là tri thức mà.. Thôi vậy, xem như hôm nay ta xui đi.
Nói rồi thì bỏ đi ngay, liền đó nhận lại được cái kéo tay của Đoan Mẫn. Nàng hỏi:
- Nói vậy là ngươi không định xin lỗi ta sao?
Tạ Vô Phong "tặc" lưỡi một cái, cười nói:
- Lại nữa hả? Ngươi học chung thầy với tên kia sao?
Rồi nhìn túi đậu treo lủng lẳng bên hông của Đoan Mẫn, nói:
- Êy, ta không rảnh để đếm nữa đâu nhé! Đi đây!
Đoan Mẫn kiên quyết giữ lấy không buông, Tạ Vô Phong thở ra mấy cái, kiểu bất lực nói:
- Được, được. Ta sai rồi! Là ta có mắt không nhìn thấy Thái Sơn, xin huynh bỏ qua cho.
Rồi trở giọng khác ngay:
- Ta đi được rồi chứ?
Vốn định ngăn Tạ Vô Phong nhưng đúng lúc bị tiểu Noãn Nhi giữ lại, Đoan Mẫn đành để người đó đi. Tiểu Noãn Nhi xem như trong cái khó liền ló cái khôn, nhất nhất không buông tay Đoan Mẫn, kiên định nói:
- Lần này có nói thế nào em cũng không bỏ người ra đâu. Công chúa, tiểu tổ tông, tiểu nãi nãi, người làm ơn theo em về có được không? Em xin người đó!
Nghinh Hương Đoan Mẫn bất lực nhìn tiểu Noãn Nhi, thều thào nói:
- Em bỏ ra trước đi được không? Ta hứa, ta hứa lần này không bỏ chạy nữa, ha? Mà em xem, lúc nãy đâu phải ta cố tình chạy, là ta bị người ta trộm mất túi tiền mà.
Như sực nhớ điều gì đó, tiểu Noãn Nhi ngờ ngợ, nói:
- Đúng rồi! Thế cái người đó đâu? Hay là.. hay là người lúc nãy? Hắn dám lấy tiền của người sao, chán sống lắm rồi. Em đi tìm hắn tính sổ.
Nghinh Hương Đoan Mẫn cười khẩy một tiếng, nói:
- Đại Đô này chắc chỉ rộng bằng đầu ngón út của em thôi nhỉ? Không danh tánh, không quen biết, tìm là tìm làm sao?
Tiểu Noãn Nhi nở một nụ cười đắc ý, nói:
- Em nói người biết. Em có thể vượt qua ba trăm người khác trở thành tỳ nữ thân cận nhất bên cạnh người thì dĩ nhiên bản thân phải có chút xíu bản lĩnh. Đại Đô này có rất nhiều khách điếm, quán trọ lớn nhỏ nên mỗi nơi đều tự định cho mình một phương thức. Nhìn vào phong thái của người lúc nãy, rõ ràng không phải là người ở đây, nên chắc chắn là đang ở lại một khách điếm hay quán trọ nào đó trong kinh thành. Hơn nữa, trên cổ người đó có đeo một cái túi thơm nhỏ màu xám, đây là kí hiệu riêng của tửu quán Như Lai. Em khẳng định..
Nghinh Hương Đoan Mẫn mỉm cười, vỗ tay tán tụng, thái độ ngưỡng mộ, nói:
- Thật ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm. Tỳ nữ cao cấp có khác ha, lợi hại lợi hại! Có điều, tiền của ta không phải do người đó lấy.
Tiểu Noãn Nhi rớt tận chín tầng mây, té sấp mặt, cảm giác hụt hẫng dâng tới tận mắt, nước sắp trào ra lại thôi, dỗi hờn hỏi:
- Thế.. thế người lúc nãy là ai?
Nghinh Hương Đoan Mẫn im lặng không trả lời, trông qua ánh mắt thì biết nàng đang suy nghĩ điều gì đó, được hồi sau thì nói:
- Thôi bỏ đi. Chúng ta hồi cung.
Phủ quốc công.
Hắc y nhân nhẹ nhàng mở cánh cửa mật thất bước vào trong, đây đã là lần thứ hai y tới nên tâm tư không cẩn trọng như lần đầu, đi được vài bước thì bất giác phát hiện có người đã ngồi sẵn đợi mình từ bao giờ. Tống Trích Tư thong thả buông quyển binh thư xuống bàn, mắt không rời khỏi y, hỏi:
- Ngươi là ai? Mục đích thật sự đột nhập vào đây là gì?
Hắc y nhân không nói câu nào, trực tiếp quay đầu bỏ đi. Phủ quốc công không phải nhỏ, mọi ngõ ngách đều được bố trí người canh gác rất cẩn mật, nhất là mật thất này, duy chỉ có đêm nay một người đứng ngoài cũng không có, dễ thấy Tống Trích Tư vốn không hề muốn bắt trộm, cốt là hỏi về điều ông muốn biết. Thấy tên trộm đã bỏ đi, Tống Trích Tư vội vàng đuổi theo, gần tới cửa ngoài của mật thất thì tên trộm đã dừng lại, xoay nửa mặt về sau, nói với giọng trầm khan:
- Nếu.. ngài đang giữ thứ đó thật, hãy bảo quản nó cẩn thận, ngày sau sẽ cần. Khi đó, ta sẽ dốc hết lòng phụ trợ.
Tống Trích Tư ngờ ngợ, chôn chân tại chỗ, lòng nghi hoặc: "Giọng nói này rất quen, đã từng nghe qua ở đâu đó rồi". Đoạn sau thì về lại thư phòng, xác định đêm nay lại mất ngủ, đành tìm gì đó giải khuây. Bộ tượng gỗ ông đã gìn giữ hơn hai mươi năm vẫn còn mới lắm, có tổng cộng bốn người, đều là những tên tuổi lớn thời đó, đáng tiếc bây giờ mỗi người một nơi, muốn tụ hội tứ kiệt năm xưa thật không dễ dàng. Hai tay giữ lấy hai tượng gỗ, mắt nhắm hờ, lòng bồi hồi xúc động, một bên là chính ông, năm đó bồng bột, tuổi trẻ háo thắng, là người trẻ nhất trong tứ kiệt, một bên là huynh đệ thân thiết nhất của ông, anh tuấn, quý soái, một trong những nhân tài thời đó.. Mắt đang nhắm tự dưng mở, tay buông nhanh tượng gỗ, Tống Trích Tư bật người ngồi dậy, mắt nổi đầy những đường gân đỏ, hai tay run run giữ lấy cạnh bàn, giọng cũng vì đó mà run theo:
- Vân Du? Là.. là huynh sao?