Với những ai đã quen với phần này: chào mừng mọi người đã trở lại. Với những độc giả mới: chào mừng mọi người.
Tôi là Kamachi Kazuma.
Và đây lại là một series mới này. Câu truyện được viết để đăng dài kì trên một tạp chí. Trong khi Index có cả yếu tố khoa học và phép thuật, còn Heavy Object thì chỉ có yếu tố khoa học, thì Waltraute lại hoàn toàn thuộc về dạng huyền ảo.
Chủ đề chính là tìm hiểu một cách vui vẻ về thần thoại Bắc Âu! Nhìn qua thì nó trông giống như một câu chuyện hài hước cố tìm cách để đưa ra ý nghĩa thật sự cho ý tưởng cưới một Valkyrie làm vợ sau khi đánh bại cô ấy trong một cuộc thi. Tuy nhiên, tôi đã phải thay đổi kha khá chi tiết để nó có thể trở thành một cuốn tiểu thuyết, vậy nên tôi hi vọng là mọi người hãy cứ đơn giản coi nó như một lời giới thiệu làm quen với thần thoại.
Nếu các bạn muốn xem xem nó có gì khác biệt so với thần thoại Bắc Âu thực sự và những phần nào đã được thêm vào trong tiểu thuyết, thì các bạn sẽ phải tự nghiên cứu thêm thôi.
Việc xây dựng nên tiểu thuyết này là một chuyện khá là đau đầu, vì đọc giả thì nhìn xuống Valkyrie, rồi đến lượt Valkyrie lại nhìn xuống nhân giới. Tôi cho là đối tượng độc giả chính có thể thay đổi rất nhiều tùy theo việc các bạn coi Waltraute hay cậu bé là nhân vật chính.
Ban đầu thì các bạn nhìn nhận theo hướng nào?
Về chương 1
Giống như tựa đề đã nói đấy, mô tip của chương này là dựa theo truyện “Cây đậu thần”. Mọi người có biết là nó dựa trên thần thoại Bắc Âu không? Đây là lần duy nhất mà tên cậu bé được nhắc tới. Đúng là một câu chuyện nực cười, nhưng những truyện kể
về những người đàn ông đưa ra thử thách để có thể cưới được nữ thần, Valkyrie hay công chúa (mà chẳng thèm hỏi xem cô gái kia nghĩ gì) khá là phổ biến trong thần thoại Bắc Âu.
(Mục tiêu thường là Freyja và các nam thần Æsir khác đều tìm cách ngăn kẻ đó lại.)
Nó gợi nhớ tới yêu cầu bất khả thi của công chúa Kaguya[1], nhưng thực sự thì thần thoại Bắc Âu có vẻ tập trung vào chiến tranh nhiều hơn – phù hợp với việc thần chiến tranh Odin là kẻ thống trị cao nhất. Ví dụ như, các vị nam thần muốn đập vỡ đầu một tên khổng lồ vì dám cầu hôn với Freyja khiến họ bực mình, và họ làm như thế thật.
Cũng có những câu chuyện về việc cưới được một Valkyrie nếu bạn bắt được một cô, hoặc lấy được một món đồ bí ẩn hay kiến
thức về chữ rune nếu bạn đối xử tốt với một Valkyrie, nên có vẻ như các Valkyrie được coi như những phần thưởng còn khó kiếm được hơn so với những vị thần thông thường.
Đó là một cách diễn giải hết sức rộng rãi về những truyền thuyết vô hại kể về việc con người cưới một Valkyrie đã bị bắt giữ, và nó đã dẫn tới những Valkyrie bị ám ảnh về chuyện thi đấu mà chúng ta thấy ở đây.
Về chương 2
Chương 1 là một chuyến hành trình lên trời, còn chương này thì lại là xuống lòng đất. Cậu chuyện này có liên quan tới những người lùn vốn lúc nào cũng xuất hiện trong các truyện huyền ảo.
“Giờ chúng ta đã cưới nhau rồi, tôi sẽ lột trần cô ra!!” là chủ đề dễ hiểu của chương này. Nhưng vì đây là áo giáp và xiêm y của một Valkyrie, nên việc cởi nó ra cũng có phần nào mang tính biểu tượng. Điều này có thể thấy rõ nhất khi Waltraute nói “Nếu tôi mà mất chúng thì tôi đâu còn biết bản thân mình là ai nữa!” lúc cô đánh cuộc bằng mấy món trang trí bằng lông vũ trên đầu mình. Một trong những vật biểu trưng cho Valkyrie là lông tơ thiên nga, nên việc để mất những sợi lông đó cũng có nghĩa là để mất đi một trong những biểu tượng quan trọng nhất của bản thân.
Như bạn thấy đấy, cuộc nói chuyện về vụ cởi đồ này không chỉ đơn giản là fanservice.
Trò Đấu bài Siêu Rune đương nhiên là một trò đùa rồi, nhưng nếu những chiến binh loài người tử trận mà lên thiên giới thì có vẻ như kĩ thuật và văn hóa của thế giới loài người cũng đi theo cùng với họ.
Phần lời nguyền của người lùn chỉ là do tôi nghĩ rằng họ hẳn nên làm chuyện gì đó như vậy nếu như lúc nào cũng bị chĩa dao vào cổ bắt làm việc hay không được trả tiền công.
Khi tôi tìm hiểu ra được rằng Freyja, nữ thần xinh đẹp nhất trong thần thoại Bắc Âu, cũng được biết đến với cái tên “lợn nái”, tôi đã biết là mình phải tận dụng nó. Nhưng đấy là bí mật nhé.
Về chương 3
Vì tôi đang viết về bối cảnh thần thoại Bắc Âu, nên tôi muốn dùng Ragnarök vào đâu đó. Và thế là tôi nghĩ ra chương này.
Như Waltraute đã đề cập ở trong chương, câu chuyện này chỉ đơn giản là tình cảm hài mà thôi. Cho dù có những chuyện khó tin xảy ra thì tôi cũng sẽ cố hết sức để tránh viết ra các cảnh chiến đấu thực sự.
Con bài tẩy mà Waltraute đã sử dụng để đánh bại tám Valkyrie còn lại trông thì có vẻ chỉ là một trò đùa nhất thời ở chương trước, nhưng nó là một món đồ ở cùng đẳng cấp với Gungnir và Mjölnir. Tôi cảm thấy nó có sức mạnh lớn đến vậy cũng là hợp lí thôi.
Nhìn thì có vẻ là cậu bé đã bỏ ra một nỗ lực lớn hiếm thấy trong chương này, nhưng cậu ta vẫn luôn mạo hiểm tính mạng của mình để tới những thế giới khác cơ mà. Có khi cậu ta còn dũng cảm hơn cả Kamijou trong Index hay Quenser trong Heavy Object ấy chứ. Thêm nữa, cậu nhóc này thực ra đã lập gia đình. Tương tự như mô tip của chương đầu, chủ đề của chương này là dùng sự cố gắng để đạt được thứ mà bạn mong muốn. Tôi hi vọng là mọi người cảm nhận được điều đó trong nỗ lực mà cậu bé đã bỏ ra, dù nó ẩn dưới những trò đùa hay yếu tố tình cảm hài.
Về chương 4
Bài đăng dài kì trên tạp chí chỉ có đến chương 3, nên chương này là hàng nguyên bản chỉ có trong bản in thành sách.
Nó rõ ràng là một phần ngoại truyện, nên tôi quyết định đánh số cho nó một cách thật khác thường.
Đây là một chương về áo tắm!! Còn có cả một hiểm họa lớn hơn Ragnarök nữa!! …Tôi muốn chương này có chủ đề hết sức đơn giản.
Về phần nhân vật, tôi đã đưa Brynhildr và Siegfried vào vì trước đó tôi đã phải cố nhịn không sử dụng họ rồi.
Trong một câu chuyện tình giữa người và Valkyrie thì hai nhân vật này nhất định phải xuất hiện ở đâu đó.
Tôi dùng “Siegfried” thay vì “Sigurd” và “Nothung” thay vì “Gram” là có ý đồ pha trộn giữa tên và bối cảnh của thần thoại Bắc Âu thực sự với phiên bản của Wagner, thế nên hãy cẩn thận nhé.
Trong tiểu thuyết, hai người họ là một cặp đôi đã tan vỡ, nhưng họ có lẽ là hơi quá anh hùng để có thể tóm lược lại chỉ bằng một cụm từ như vậy. Trong tiểu thuyết, Brynhildr là dạng nhân vật bám víu vào cái bóng của Siegfried theo đúng nghĩa đen, còn Siegfried thì là kiểu người mỉm cười khi nói về một mối tình đã kết thúc.
Tôi đã cắt phần lớn các cảnh giao chiến vì chúng không phù hợp với dạng tiểu thuyết thế này, nhưng kết cục của chương này vẫn khá là dữ dội. Chuyện này cũng là do đây là một chương ngoại truyện. Mọi chuyện đều được giải quyết thông qua chiến đấu
trong thần thoại Bắc Âu, thế nên dạng kết cục đó gần với chuẩn mực hơn. Tuy nhiên, tôi đã để cho Siegfried mất đi sinh mạng vì anh ta không thể nào thoát khỏi quy luật đó được.
Và do sự vặn vẹo của vận mệnh, nên tôi đã để cho cậu bé được một lần toàn lực lao đi sai hướng.
Về cơ bản, nếu cuốn tiểu thuyết rẽ sang một hướng khác, thì nó sẽ trở thành một câu chuyện như vậy.
Cậu bé sống ở mặt tình cảm hài, còn Siegfried sống ở mặt chiến đấu.
Ý tưởng về việc đến cả chủ thần Odin cũng không thể xoay chuyển vận mệnh được khá nhiều người biết đến. Mặc dù ông ta được tiên đoán là sẽ bị con sói Fenrir nuốt chửng trong đại chiến Ragnarök thì ông ta cũng không thể tránh nổi chuyện đó. Vả lại, Odin kính trọng cả các nữ thần Norn lẫn linh hồn của những phù thủy loài người. Tôi cảm thấy cảnh vị thần tối cao đáp xuống Niflheim để hỏi ý kiến hồn ma của các phù thủy xinh đẹp là khá buồn cười, nhưng nó có lẽ cũng thể hiện rằng Odin nghiêm túc đối với định mệnh như thế nào. (Và có khi ông coi những kẻ có quan hệ với nó là mối đe dọa?)
Vậy nên khi tôi cần một vũ đài cuối cùng cho chương của tiểu thuyết mà còn vượt trên cả Ragnarök, tôi đã nghĩ vận mệnh có thể là một ứng cử viên tốt. Các bạn nghĩ sao?
Tôi xin gửi lời cảm ơn tới họa sĩ minh họa Nagiryo-san, biên tập viên Miki-san, và các bạn độc giả. Tôi xin ngừng tại đây. Hi vọng là cuốn sách này đã mang đến cho các bạn những tiếng cười trong giây lát, và trở thành cánh cửa dẫn dắt mọi người tới với thần thoại Bắc Âu.
Bộ áo tắm của Waltraute sẽ phải chờ khi khác vậy.
-Kamachi Kazuma
Chú thích