Ngũ Vị sơn là một ngọn núi chia làm năm đỉnh, chụm lại như hình bàn tay. Từ xa nhìn lại, Nguyễn Đông Thanh cảm thấy thế núi này quái lạ, không phải tự nhiên mà thành. Trái lại, có phần giống như rất lâu trước kia, từng có thứ gì từ lòng núi nhảy ra, làm ngọn núi lớn ban đầu tõe ra làm năm đỉnh.
Nguyễn Đông Thanh vừa điều khiển xe bò, vừa nói cảm nhận này của mình cho Trương Mặc Sênh.
Tiểu Thực Thần nghe xong, bèn đáp:
“Đúng là có một truyền thuyết như vậy. Đồn rằng khi trước Ngũ Vị sơn vốn là một ngọn núi lửa khổng lồ. Năm xưa đạo tổ trù đạo Trương Thất đến núi này lấy địa hỏa chi nguyên nạp vào đan điền, lúc địa hỏa phóng ra khỏi núi mới khiến quả núi tách ra làm năm đỉnh như hiện tại.”
Cậu chàng nói đến đây, lại chỏ về phía thành Tửu Hậu, bảo:
“Nơi này không còn núi lửa, cũng bắt đầu trở nên lạnh hơn. Đặc biệt là nước hồ Trà Dư lạnh như nước đá vừa tan, rượu Nhu Nhu Xuân Tuyết Án Trai Hiên hôm qua tiên sinh thưởng thức cũng chính là ngâm ủ dưới hồ mà nên. Không biết tiên sinh vì sao lại thở dài?”
“À không. Hóa ra là địa hỏa. Còn tưởng là con khỉ...”
Nguyễn Đông Thanh lầm bầm, nói một câu chả ai hiểu gì.
Năm người vừa đi vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc đã đến đường lên núi. Vệ đường có cắm tấm bia đá khắc ba chữ “Ngũ Vị sơn”, lại có hai tượng đá nhỏ một nam một nữ đứng nâng hai bên, lưng quay về phía đường, mắt nhìn lên đỉnh núi.
Tượng đá chỉ cao cỡ gang tay, nhưng từng chi tiết từng đường nét từ sợi tóc đến đôi hài, xiêm áo đến trâm cài đều sinh động có thần, không khác vật thật. Khắc được như thế này trên tượng đá bình thường đã khó, huống hồ một bức tượng nhỏ chỉ một gang tay. Với độ chi tiết cao đến thế, có nói là dùng máy khắc Nguyễn Đông Thanh cũng tin.
Huyền Hoàng giới đương nhiên chưa có máy móc, chứng tỏ tay nghề người khắc rất cao, có thể xứng là nghệ nhân.
Nguyễn Đông Thanh thấy hai bức tượng quay mặt theo hướng khác hẳn bình thường, ngờ là có nguyên do nào đó, mới hỏi Trương Mặc Sênh:
“Không biết đây là tượng của hai vị tiền bối nào? Vì sao lại hướng lưng về phía khách vãng lai như vậy?”
Sống trên đời đến nay cũng ba mươi mùa xuân, thế nhưng tất cả những nơi hắn từng đặt chân đến, nếu như có dựng tượng thì đều để tượng hướng mặt ra ngoài cả. Cho dù là cung đình lăng tẩm, hay đền đài chùa miếu, thì cũng đều thế cả.
Thành thử, Nguyễn Đông Thanh ngờ rằng hẳn phải có nguyên do nào đấy, Mỹ Vị sơn trang mới dựng hai bức tượng quay lưng về phía người lên núi.
Trương Mặc Sênh nói:
“Đây là tượng của trang chủ và trang chủ phu nhân đời thứ nhất của Mỹ Vị sơn trang.”
Sau đó, qua lời kể của cậu ta...
Trương Thất năm xưa lấy được không phải một ngọn lửa bình thường, mà chính là địa hỏa đầu tiên ở Huyền Hoàng giới. Sau khi trời đất mất đi ngọn lửa này, mới có các loại địa hỏa khác sinh ra. Từ đó, Huyền Hoàng giới gọi địa hỏa của Trương Thất là Địa Hỏa Chi Sơ, cũng có truyền ngôn nó chính là thứ địa hỏa mạnh nhất trên thế gian.
Lúc đó, hai vị đạo tổ hai đạo luyện đan, luyện khí cùng đến Mỹ Vị sơn trang, muốn quật mộ Trương Thất cướp địa hỏa đầu tiên trong trời đất. Trang chủ và trang chủ phu nhân đời đầu liều chết thủ hộ lăng mộ, song không phải đối thủ của đạo tổ. Vào lúc sinh tử, hai vợ chồng quả quyết đẩy quan tài Trương Thất vào bí cảnh, sau đó hóa thành hai bức tượng đá, trấn phong lối vào.
Từ đó, Mỹ Vị sơn trang dựng tượng của trang chủ và trang chủ phu nhân đời đầu đều làm tượng quay mặt về phía hang núi nơi từng đặt di hài của Trương Thất, cốt để tưởng nhớ chuyện năm đó.
Hồng Đô nghe đến đây, mắt đã ầng ậng nước, cuối cùng òa khóc.
Phản ứng của cô nàng làm Nguyễn Đông Thanh giật mình đánh thót một cái. Gã không biết cô nàng nghe chuyện người nghĩ chuyện mình nên ấm ức lây, lại tưởng Hồng Đô là con gái, bị mấy chuyện mùi mẫn này làm xúc động thương tâm.
Nguyễn Đông Thanh chỉ thấy tức cười, không ngờ cái người vừa tàn nhẫn vừa bạo lực đánh thổ huyết nguyên một đạo quân và cái cô nàng đang khóc ầm ĩ vì một câu chuyện lại là cùng một người.
Thế nhưng, con gái khóc thì vẫn phải dỗ, chớ nói chi Hồng Đô còn là đồng bọn.
“Được rồi, được rồi. Hồng Đô đừng khóc nữa. Không bằng để ta ngâm một bài thơ cho nghe được không.”
Nguyễn Đông Thanh lục tung trí nhớ của mình, rốt cuộc tìm được một bài thơ vừa khéo tả khung cảnh lúc này.
Gã hắng giọng, lại nói:
“Thế nhưng, phải nói trước đây không phải sáng tác của tại hạ, chỉ tức cảnh mượn thơ người xưa đọc mà thôi.”
“Đã biết. Đã biết. Tiên sinh mời đọc.”
Hồng Đô chớp mắt đã cười toe toét, hớn hở nói.
Má! Không phải con bé này giả vờ đáng thương, nước mắt cá sấu để lừa mình mượn thơ đấy chứ?
Trán Đông Thanh nổi gân xanh, thái dương giật một cái.
Thế nhưng, lời nói ra rồi, há lại có chuyện rút lại? Thế là gã thẳng lưng, ưỡn ngực, đọc:
“Thơ này vốn của Hồng Hà nữ sĩ, họ Hồ, tên là Xuân Hương, tên là Vịnh Thạch Phu Phụ. Rằng:
Gia thất hoà bình lập hải ngu,
Thung dung tuế nguyệt nhất nhàn du.
Đông hồi tây lĩnh lân đề phụ,
Bắc hướng nam sơn tiếu vọng phu.
Đế đính nghĩa trường thiên địa tịnh,
Xướng tuỳ thanh động hải sơn thu.
Vãng lai hoặc vấn cừ tôn tử,
Thạch tại sơn đầu nhân tại chu.”
[Dịch nghĩa:
Nhà cửa vợ chồng yên bình dựng nơi góc biển
Thong dong năm tháng chỉ chơi không
Từ Đông ngoái về núi Tây, gọi yêu vợ
Từ Bắc hướng xuống núi Nam, giả bộ ngóng chồng
Cái nghĩa gắn bó lâu như trời đất dựng lên
Tiếng ca hát trải từ khi biển núi hình thành
Du khách qua lại hỏi trẻ con (về đá Phu Phụ)
Đá thì ở trên núi còn người thì ở dưới thuyền.]
“Thơ hay! Thơ thật hay!”
Trương Mặc Sênh vỗ tay, tán thưởng một câu. Trần Dũng Nguyên Phương vốn theo nghiệp binh, ít đọc chữ nghĩa, song cũng thấy rất dễ nghe, lại vui tươi tinh nghịch, giống như viết lại một cái kết khác có hậu hơn cho đôi vợ chồng đá. Hồng Đô là mừng rỡ hơn cả, cất tiếng cười giòn tan, hoàn toàn không phù hợp với cái dáng vẻ tròn lông lốc.
Nguyễn Đông Thanh cười.
Khi gã còn làm nghiên cứu, có ông anh bên đại học xã hội nhân văn biết Nguyễn Đông Thanh khoái thơ trung đại, bèn đưa cho quyển Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập, trong đó có một bài này vịnh Hòn Trống Mái.
Lúc mới tìm thấy, Nguyễn Đông Thanh cũng rất kinh ngạc, phản ứng cũng chẳng yếu hơn so với mấy người Trương Mặc Sênh, Hồng Đô lúc này.