Tin Vũ Đế báo mộng, thái tử mang kích ra khỏi lăng được truyền đi, những tin đồn khí số Đại Sở đã hết cũng lập tức biến mất.
Vũ Gia Đế chính là vị thần mà bách tính và triều đình cùng tô tạo nên trong mấy trăm năm, ảnh hưởng của ngài đối với dân chúng chắc chắn không dễ dàng bị xóa bỏ trước những lời đồn đại nhảm nhí được.
Bách tính vừa nghe thái tử cầm cây kích của Vũ Gia Đế lên chiến trường giết giặc thì lập tức đồn thổi, biến cây kích trở thành vật thần kỳ.
Cái gì mà những vong hồn chết dưới cây kích đều bám trên đó, nếu bị cây kích đâm trúng thì hồn phách sẽ bị chúng xé nát, không có cơ hội được sống.
Thậm chí có người còn đồn quá hơn, nói thái tử vào hoàng lăng không phải chỉ để lấy cây kích mà còn dâng hương cầu tổ tiên, thỉnh âm binh trong hoàng lăng, muốn mượn âm binh phục quốc.
Trí tưởng tượng của bách tính quá phong phú là vì người xưa vốn kính sợ quỷ thần, lúc Sở Dương Đế tại vị còn gióng trống khua chiêng cầu phép trường sinh, có một dạo hoàng cung đầy ắp các đạo sĩ, Trương thiên sư của đạo Thái Bình còn được phong làm quốc sư, vô cùng vinh hãnh.
Địa vị của những đạo sĩ trong dân gian cũng theo đó được nâng cao, không ít bách tính khi con nít trong nhà bị bệnh cũng không chịu dẫn đến đại phu khám bệnh mà lại đi tìm những thiên sư, đạo trưởng để xin chén nước bùa cho con uống.
Sau này chiến tranh loạn lạc, bách tính phát hiện cầu thần bái phật đều vô ích nên mới dần nhận ra khi đói cần lương thực, khi bệnh cần uống thuốc, đó mới là thực tế. Tuy nhiên việc kính sợ quỷ thần đã ăn sâu vào cốt tủy, khó mà xóa bỏ được.
Trong trận chiến dư luận này, Đại Sở coi như thắng một ván rất đẹp.
Nhưng rồi không biết từ đâu lại xuất hiện tin đồn rằng cây kích mà thái tử lấy từ trong lăng Vũ Gia Đế ra là giả, vì cây kích thật bằng sắt đen nặng hơn một trăm tám mươi cân, thái tử không cách nào nhấc nổi.
Lúc ấy có hơn một vạn tướng sĩ chứng kiến, trong đó không ít người còn đích thân lên thử kích, đương nhiên biết nó nặng cỡ nào, làm sao họ có thể chịu được việc nghe người ta bôi bẩn thái tử vậy được.
Trong quán trà quán rượu, hễ có ai nói cây kích của Sở Thừa Tắc là giả thì lập tức có binh lính vỗ bàn đứng lên quát: “Câm mẹ mày đi! Hôm điện hạ lấy kích, ông đây đứng ngay dưới đài, có mấy vị tướng quân lên thử kích, ai nấy đều chật vật, suýt nữa không nhấc nổi.”
Nhất thời, cảnh tượng bên này nói bậy, bên kia đính chính thay cho Sở Thừa Tắc tràn ngập phố, thậm chí có nhiều lúc hai bên còn choảng nhau.
Tin tức truyền đến tai Tống Hạc Khanh, ông rầu đến nỗi cả đêm mất ngủ.
Biết Sở Thừa Tắc đã cầm cây kích thật, sợ cây kích giả bị người ta nhìn thấy sinh chuyện không hay nên vừa ra khỏi Long cốt Sơn, ông bèn sai người tìm một cửa hàng rèn của quan phủ, nung chảy cây kích giả đi. Truyện Xuyên Nhanh
Các tướng sĩ đi theo là người của mình, sắt do quan phủ lũng đoạn, cửa hàng rèn đúc và nung chảy cây kích đều là của quan phủ, không thể lọt ra ngoài mới đúng.
Ông ngẫm nghĩ cả đêm, muốn biết rốt cuộc tin lọt ra từ đâu.
Cuối cùng mọi nghi ngờ đều dồn vào Đổng Thành.
Trước đó ông cứ tưởng Sở Thừa Tắc tìm mấy người Đổng Thành đóng kịch, sau đó biết không phải thì hành vi hùng hổ lấn tới của Đổng Thành trở nên rất đáng ngờ.
Hôm sau, trước khi đến nha môn, Tống Hạc Khanh vội truy hỏi những binh sĩ hộ tống cây kích, được biết trên đường đi có lúc Đổng Thành điều họ đi nơi khác thì lòng thấy nặng trĩu.
Lúc đó Đổng Thành đòi lên đài thử kích, rõ ràng là vì cho rằng cây kích Sở Thừa Tắc cầm là giả, lẽ nào thật sự là do hắn truyền đi?
Nhưng sau đó chính hắn cũng đã thử qua mà?
Tống Hạc Khanh không sao nghĩ thông được nên định đi tìm Đổng Thành hỏi cho ra lẽ.
Ông và Đổng Đạt cùng làm quan trong triều bao năm, tuy một bên là văn thần, một bên là võ tướng nhưng quan hệ không tệ, cố nhân đã mất, ông không khỏi có lòng muốn chiếu cố con trai của bạn cũ.
Nhưng nếu Đổng Thành đến Thanh Châu là có lòng dạ khác như Sầm Đạo Khê đã cảnh báo, thân là bề tôi, ông sẽ không bỏ qua.
Tống Hạc Khanh đi phủ nha tìm Đổng Thành nhưng được biết Sở Thừa Tắc đã dẫn hắn đến quân doanh. Ông vốn định tìm đến quân doanh nhưng sau khi gặp được Tần Tranh, ông bèn kể cho cô nghe lo lắng của mình.
Tần Tranh hiểu Sở Thừa Tắc, y chưa từng làm việc gì mà không nắm chắc. nếu đã phát hiện sự khác thường của Đổng Thành mà còn giữ hắn lại bên cạnh thì ắt có dụng ý riêng.
Tần Tranh bảo Tống Hạc Khanh không cần lo lắng chuyện này. Tuy nhiên trước mắt tin đồn tứ tung, thật thật giả giả khiến người ta khó mà phân biệt đúng sai được.
Trước mắt chuyện thắng thua trong việc tranh luận binh khí của Sở Thừa Tắc là thật hay giả đã không có ý nghĩa gì, ai tìn thì sẽ tin, không tin dù có khuyên hết nước miếng cũng vô ích.
Căn dặn Tống Hạc Khanh xong, Tần Tranh đi giám sát tiến trình đào sông. Con sông phải đào qua một khe núi nhưng dân làng ở gần đó nói thế nào cũng không chịu đi đào.
Cô hỏi vài người mới biết ngọn núi ấy là bãi tha ma, trên núi vẫn thường có quỷ.
“Quý nhân, tại cô chưa thấy đó thôi, cứ trước và sau tháng cô hồn là cả ngọn núi đó toàn là lửa quỷ màu xanh. Người già nói đó là chợ quỷ, người sống thấy phải tránh đi, nếu không sẽ bị tổn hại dương thọ.” Một nông phụ đã có tuổi vừa nói vừa hoa chân múa tay diễn tả, vẻ mặt sợ hãi.
Lâm Chiêu đi cùng Tần Tranh lập tức quát. “Đừng có nói những chuyện nhảm nhí dọa người này!”
Nông phụ bị quát nên sợ hãi nói: “làm sao tôi dám bịa ra, đây đều là sự thật.”
Tần Tranh ngẫm nghĩ rồi nói với nông phụ kia. “Bà nói cụ thể hơn xem lửa quỷ kia là thế nào?”
Nông phụ tỏ ra kinh hãi. “Tôi chưa từng lên núi, có điều mấy năm trước, trong thôn có thằng nhóc mới lớn không tin chuyện ma quỷ, buổi tối chạy lên núi. Nghe nói nó chạy tới đâu thì lửa quỷ kia theo tới đó, rất dọa người! Thằng nhóc về tới thôn là bị bệnh, bênh dậy thì ngây ngây ngốc ngốc, bà đồng nói là hồn phách nó bị quỷ câu đi mất rồi.”
Tần Tranh nghe xong những lời mình muốn nghe, cho nông phụ vài đồng, bà ta cảm ơn rồi vội chạy đi.
Lâm Chiêu nói: “A Tranh tỷ tỷ, tỷ sẽ không tin vào những lời đồn nhảm nhí ấy chứ?”
Tần Tranh đáp: “Một người nói, có lẽ là người đó hồ đồ. Nhưng nếu cả thôn đều nói thế thì có lẽ chuyện này không đơn giản.”
Lâm Chiêu ngơ ngác. “A Tranh tỷ tỷ nói thế là có ý gì?”
Tần Tranh xem thời gian, nói: “Hôm nay chưa chuẩn bị đầy đủ, hôm khác dẫn nhiều người tối lên núi.”
Lâm Chiêu tuy không sợ ma nhưng cũng bị những lời của Tần Tranh làm lạnh sống lưng. “Lên núi? Bắt quỷ à?”
Tần Tranh nháy mắt đầy bí mật. “Không sai, bắt ma.”
Chẳng phải bách tính đều nói Sở Thừa Tắc triệu hồi âm binh trong hoàng lăng ra sao, những ánh lửa quỷ trên núi cũng có thể dùng làm quỷ thần để dọa quân phản loạn.
Một khi tin đồn “âm binh” là có thật, bách tính đâu còn quan tâm rốt cuộc Sở Thừa Tắc dùng là kích giả hay thật.
Tần Tranh rất nông nóng về thương lượng với Sở Thừa Tắc. Việc ngụy tạo “âm binh” phải nhờ y giúp sức mới được.
—
Phản tặc Trần Quốc đóng binh ở bờ sông đối diện, vì nước Nguyên Giang chảy xiết nên không dám khinh suất qua sông.
Hai quân cách con sông dè chừng lẫn nhau, ai nấy đều đợi thời cơ.
Trận chiến này Sở Thừa Tắc xác định mục tiêu chính là phòng thủ chứ không phải tấn công nên đặt trạm gác dày đặc ở ven sông, quan sát chặt chẽ động thái của quân Trần. Họ đào hào sâu ẩn nấp, chỉ cần phản tặc Trần Quốc dám qua sông thì sẽ bị bắn thành con nhím.
Để ba quân tướng sĩ có thể bảo toàn thể lực ứng chiến, việc luyện binh cũng đồi thành ba ngày tập một lần.
Đổng Thành tuy có cái chức trung lang tướng nhưng thật ra giống vệ binh của Sở Thừa Tắc hơn.
Sở Thừa Tắc ở trên đài luyện binh, hắn bèn cầm khăn và nước đứng bên cạnh đợi.
Đổng Thành không ngốc, biết việc mình hùng hổ đòi thử kích hôm đó đã để lộ sơ hở, chẳng qua là đối phương chưa có chứng cứ xác thực để định tội mình thôi.
Bây giờ thái tử chẳng những để hắn cầm khăn mà nước cũng giao cho hắn, rõ ràng là cố tình cho hắn cơ hội hạ độc, mượn cớ này hạ ngục hắn.
Đổng Thành hắn sẽ không mắc lừa, bảo hắn cầm khăn hắn cứ trung thực mà cầm, không bảo hắn bưng nước thì hắn tuyệt đối không chạm vào bình nước.
Sở Thừa Tắc luyện binh xong, lúc đi xuống cầu thang, hắn bèn dâng khăn: “Điện hạ lau mồ hôi đi.”
Sở Thừa Tắc lau xong, hắn lại dâng nước. “Hôm nay mặt trời oi bức, điện hạ uống miếng nước đi.”
Sở Thừa Tắc do dự một lát mới nhận lấy bình nước uống vài hớp.
Trong lòng y đang nghĩ: Bên ngoài đồn thằng nhãi Đổng Thành này không hổ là con nhà võ tướng. Sau chuyện ở hoàng lăng, y càng khẳng định Đổng Thành ôm lòng oán hận mình, bắt hắn làm việc tay chân như bưng trà đổ nước e là không có mấy con nhà võ tướng nhịn được.
Y yên tâm giao bình nước cho Đổng Thành là vì trải qua mấy lần tiếp xúc, nhận ra được người này tính tình cương trực, trong cốt tủy cũng có sự cao ngạo của con nhà võ, khinh thường làm những hành vi hèn hạ như hạ độc.
Y vốn muốn thử xem hắn có thể nhẫn nhịn đến khi nào, từ đó có thể suy đoán được trong lòng hắn oán hận mình đến đâu.
Nhưng thấy hắn có dáng vẻ hớn hở ân cần như thế, Sở Thừa Tắc lần đầu tiên bắt đầu hoài nghi phán đoán của mình.
Hắn có ý gì đây?
Đổng Thành thấy Sở Thừa Tắc dám uống nước mình đưa, không hề sợ bị động tay động chân thì thầm nghĩ: quả nhiên là đã an bài người âm thầm theo dõi hắn.
Tưởng là mình đã nhìn thấu âm mưu của đối phương, tuy ngoài mặt đối phương không để lộ nhưng chắc chắn trong lòng đang bực bội, hắn không khỏi cảm thấy khoái trá. Dù phải làm những việc tay chân của người hầu nhưng hắn không hề cảm thấy uất ức, thậm chí càng muốn ân cần với Sở Thừa Tắc hơn.
Lâm Nghiêu ở bên cạnh xem mà há hốc mồm, thầm nghĩ thằng nhóc con nhà võ tướng này trước đây nhìn cao ngạo bao nhiêu thì bây giờ cân cần bấy nhiêu là sao?
Lẽ nào nhà võ tướng đều đối đãi với cấp trên như thế? Vậy thì hắn phải học tập mới được, không thể để người khác chiếm chỗ.
Vì thế khi Sở Thừa Tắc uống nước xong, giao bình nước cho Đổng Thành thì hắn nhanh nhẹn giành lấy được. “Điện hạ, để tôi.”
Sở Thừa Tắc nhìn Lâm Nghiêu một cái, chỉ nói: “An tướng quân đến hiến Vân Châu xin hàng, ngươi theo ta qua đó tiếp đón.”
Vân Châu không phải một thành trì nhỏ, chỉ tính binh mả trong thành thôi đã hơn hai vạn, thực lực không thua gì hai nơi Thanh Châu, Từ Châu.
Như thế nghĩa là họ không cần mất một binh một tốt nào đã mở rộng thêm một phần năm địa bàn, quả là cái bánh từ trên trời rơi xuống.
Lâm Nghiêu không nhịn được, nói: “Kẻ nịnh hót như quận trưởng Mạnh Quân làm ta buồn nôn thật nhưng cũng nhờ có hắn đi thuyết phục quan viên của các châu phủ khác, Lý Tín không nói tiếng nào đã chém đầu họ, chẳng phải vì thế mà ép An tướng quân đến đây sao?”
Nói xong hắn nhìn Sở Thừa Tắc nhưng lại thấy y quá đỗi bình tĩnh, không có vẻ gì vui mừng.
Biểu cảm này làm Lâm Nghiêu không đoán được là do y vui giận không hiện ra mặt hay là cảm thấy An Nguyên Thanh đến quy hàng là chuyện không có gì đáng mừng.
Đổng Thành thì lại cau mày.
Ba người vào trong doanh trướng. Sở Thừa Tắc, Lâm Nghiêu và một đám mưu thần ngồi xuống, Đổng Thành thì bị một vệ binh gọi đi học pha trà.
Không lâu sau, tướng sĩ bên ngoài thông báo An Nguyên Thanh đã đến.
Năm đó trong triều có năm viên mãnh tướng, Đổng Đạt và An Nguyên Thanh đều thuộc số đó, An Nguyên Thanh là người trẻ nhất.
Màn trướng được binh sĩ vén lên, tướng lĩnh đi vào cao lớn đĩnh đạc, vì mặc áo giáp nên gần như không nhìn thấy cổ, khuôn mặt vuông vức, da đỏ au, râu ngắn, rất oai phong.
Sau khi đi vào, hắn nhìn một lượt, cảm thấy đội quân phục Sở này tuy khởi nghĩa chưa bao lâu nhưng trước mắt nhìn có vẻ không thiếu người tài, có lẽ thực lực còn mạnh hơn họ suy đoán mấy phần.
Người đàn ông ngồi ở vị trí chủ tọa mặc áo giáp đen, đầu kỳ lân trên vai uy nghi ngạo nghễ, có phong thái thống lĩnh muôn thú. Y búi tóc cao, đội trâm ngọc, mặt thanh thoát lạnh lùng, có khí thế của đế vương.
Đây không phải lần đầu tiên An Nguyên Thanh gặp thái tử nhưng lúc này bỗng dâng lên một cảm giác hoang đường là dường như mình chưa quen biết người này. Hắn tập trung tinh thần, quỳ một chân xuống đất. “Mạt tướng An Nguyên Thanh, tham kiến thái tử điện hạ.”
Sở Thừa Tắc giơ tay ra hiệu. “An tướng quân mau đứng dậy đi.”
Y sai bên cạnh. “Chuẩn bị ghế.”
Một vệ binh lập tức mang ghế ra cho An Nguyên Thanh. Việc rót trà đương nhiên rơi vào tay Đổng Thành.
Đổng Thành mặt xanh lét. Trước kia hắn cũng từng gọi An Nguyên Thanh một tiếng thế thúc, sau hôm nay, hắn còn có mặt mũi nào nữa?
Mẹ già con thơ của An Nguyên Thành đều nằm trong tay đại hoàng tử, hắn bị buộc trở thành tai mắt của đại hoàng tử nên đương nhiên cũng biết Đổng Thành vốn là nội gián do bên kia phái tới.
Thấy Đổng Thành rót trà xong bèn đứng sau lưng Sở Thừa Tắc cùng một vệ binh khác, trong lòng không khỏi rùng mình.
Đổng Thành cư nhiên đã trở thành thân tín của thái tử?
Trước đó Đổng Thành viết thư cho đại hoàng tử nói phía Sở thái tử định chế tạo binh khí giả, nói với bên ngoài là vào lăng Vũ Gia Đế lấy cây kích ra để cổ vũ sĩ khí, hắn sẽ nhân cơ hội này vạch trần thái tử trước ba quân.
Phía đại hoàng tử vô cùng vui mừng, đã tìm sẵn người tung tin đồn, chỉ đợi Đổng Thành thành công vạch trần. Không ngờ Đổng Thành chẳng những không vạch trần được Sở Thừa Tắc mà còn giúp Sở thái tử xác nhận đây là binh khí của Vũ Gia Đế.
Phía đại hoàng tử đã nghi ngờ Đổng Thanh quy thuận thái tử, lúc này An Nguyên Thanh đến quy hàng, trong đó có một mục đích là thăm dò xem Đổng Thành còn dùng được hay không.
Hôm nay nhìn thấy, rõ ràng là Đổng Thành đả quy thuận Sở thái tử.
An Nguyên Thanh thầm thở phào. May mà Đổng Thành không biết hắn giả vờ quy hàng, nếu không thì nguy to.