Trương Vô Kỵ còn lòng dạ nào mà nghe hát, nhưng không nỡ làm nàng cụt hứng, mỉm cười nói:- Thế thì hay lắm.Tiểu Chiêu ngồi xuống bên cạnh chàng, cất tiếng hát:Nhân sinh lý lẽ ai ơi,Làm người cốt được thảnh thơi đủ rồi.Ai ai cũng có thời thăng giáng,Chẳng một ai chỉ xuống không lên.Trong may có rủi kề bên,Rủi kia cũng sẵn có hên ẩn tàng.Trương Vô Kỵ nghe đến câu: "Cát tàng hung, hung tàng cát" lại nghĩ đến thân phận mình, quả đúng như thế, thấy giọng nàng trong trẻo dễ nghe, lên cao xuống thấp thật uyển chuyển, bao nhiêu buồn phiền giảm hẳn. Tiểu Chiêu lại hát tiếp:Giàu sang đâu hẳn giàu sang mãi,Trời chói chang có lúc xế chiều.Trăng kia sáng mãi bao giờ,Tròn rồi lại khuyết đầy chờ khi vơi.Đất thoai thoải đông nam một cõi,Vòi vọi nghiêng tây bắc trời cao.Dù cho thiên địa nhường bao,Cũng chưa toàn vẹn làm sao con người.Trương Vô Kỵ nói:- Tiểu Chiêu, cô hát nghe hay quá, bài hát do cô sáng tác ra à?Tiểu Chiêu cười đáp:- Công tử nói đùa, con hát có gì đâu mà hay? Con nghe người ta hát, nên nhớ được vài câu, con ngu xuẩn, làm sao sáng tác ra bài này?Trương Vô Kỵ nghĩ đến câu "Thiên địa thướng vô hoàn thể" nên tấm tắc khen bài hát. Tiểu Chiêu hỏi:- Công tử có thích nghe hát thật không? Hay chỉ nói giả vờ?Trương Vô Kỵ cười:- Thích hay không thích nghe lại còn giả hay thật gì nữa? Lẽ dĩ nhiên là thật rồi.Tiểu Chiêu nói:- Hay lắm. Để con hát thêm một bài nữa nhé?Cô ta lấy tay vỗ lên trên đá làm nhịp, hát thêm:Chớ nên cau mặt nhíu mày,Cũng đừng tranh cãi để cầu hơn ai.Mặt hoa da phấn hôm nay,Già hơn bữa trước một ngày còn chi?Xuân qua đông lại tới thì,Từ xưa vẫn thế có gì khác đâu.Dù cho khôn khéo sang giàu,Nghèo hèn ngu độn cũng đều như nhau.Cõi trần kẻ trước người sau,Cuối cùng cũng đến cái cầu xuôi tay.Hôm nay chỉ biết hôm nay,Trăm năm thấm thoát đã hay một đời.Mấy ai thọ được bảy mươi,Thời gian như nước chảy xuôi qua cầu.Bài hát ý tứ mênh mang, hiển nhiên người làm ra cũng đã nhiều kinh lịch, biết rõ bụng dạ nhân tình, ở miệng một cô gái đang tuổi hoa niên hát ra xem chừng không xứng, đúng là cô ta nghe người khác hát rồi thuộc lòng. Trương Vô Kỵ tuổi tuy còn trẻ nhưng mười năm qua cũng đã nếm đủ mùi gian khổ rồi, hôm nay bị kẹt trong giữa lòng núi, trước mắt thấy không còn đường sống nhẩm lại hai câu: "Cõi trần kẻ trước người sau, Cuối cùng cũng đến cái cầu xuôi tay", không khỏi trùng lòng. Cái cầu xuôi tay hẳn là ngày từ giã cõi đời. Chàng đã nhiều lần lâm vào cảnh sinh tử quan đầu, nhưng trước đây chỉ có hai đường, sống hay chết, không liên lụy đến ai, lần này lại kéo thêm cô bé Tiểu Chiêu, rồi chuyện sinh tử của biểu muội Thù Nhi, an nguy của Dương Tiêu, Dương Bất Hối và bao nhiêu người khác, cái thâm cừu giữa nghĩa phụ Tạ Tốn và Viên Chân, phái Võ Đang và Thiên Ưng giáo, Minh giáo đánh nhau, đều có ít nhiều liên quan đến chàng, nên không đành lòng mà chịu chết.Chàng đứng lên đến đẩy cái cửa đá lần nữa, thấy chân khí trong cơ thể lưu chuyển, tưởng như trong người tích súc một luồng lực khí vô cùng vô tận, nhưng tắc tị không thể sử dụng được, khác nào cơn lũ lụt cuồn cuộn trên sông bị hai bờ đê chặn lại, không thể nào vượt qua.Chàng thử ba lần không xong đành chịu thúc thủ. Bỗng thấy Tiểu Chiêu lại cắt đầu ngón tay, lấy máu tươi tô lên miếng da dê, nói:- Trương công tử, công tử thử luyện Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp xem sao? Biết đâu công tử thông minh hơn người, tập một lần là được.Trương Vô Kỵ cười đáp:- Các giáo chủ tiền nhiệm của Minh giáo luyện suốt cả đời nhưng cũng chưa ai thành công. Các vị đó đã làm giáo chủ, tài trí ắt phải trác tuyệt hơn người, ta chỉ trong sớm tối làm sao có thể hơn họ được?Tiểu Chiêu lại cúi đầu hát:Hôm nay chỉ biết hôm nay,Trăm năm thấm thoát đã hay một đời.Công tử cứ luyện thêm được lúc nào hay lúc nấy.Trương Vô Kỵ mỉm cười, đón lấy miếng da dê, miệng nhẩm đọc, thấy viết trên mảnh da này toàn là cách vận hành chân khí, cùng các pháp môn di cung sử kình. Chàng theo đó làm thử, không phí chút hơi sức nào đã làm được ngay. Trên miếng da viết tiếp:Đây là tâm pháp cấp thứ nhất, người ngộ tính cao thì bảy năm có thể luyện thành, người kém một chút thì phải mất mười bốn năm.Chàng lấy làm lạ: "Cái này có khó khăn gì đâu? Sao lại phải luyện tới bảy năm mới xong?".Chàng xem tiếp xuống tâm pháp cấp thứ hai, theo đó mà làm, chỉ một lát là chân khí quán thông, trong mười đầu ngón tay, tưởng chừng như có hơi ấm vọt ra. Trong đó lại có ghi chú:Cấp thứ hai, người ngộ tính cao thì bảy năm có thể luyện thành, người kém một chút thì phải mất mười bốn năm. Nếu tới năm thứ hai mươi mốt mà không tiến triển, không được luyện sang cấp thứ ba, để phòng tẩu hỏa nhập ma, không cách nào cứu được.Chàng vừa mừng vừa sợ, liền coi tiếp xuống cấp thứ ba. Lúc này những hàng chữ đã mờ, chàng đang định lấy chủy thủ cắt ngón tay thì Tiểu Chiêu đã lấy máu mình xoa lên mảnh da dê trước
Trương Vô Kỵ vừa đọc vừa luyện theo, tầng thứ ba rồi tầng số bốn, đi đến đâu thông đến đó luyện được ngay chẳng khác gì chẻ tre.Tiểu Chiêu thấy mặt chàng một nửa bên đỏ như máu, nửa bên kia lại xanh lè, trong lòng hơi hãi sợ, nhưng thấy chàng thần định khí túc, hai mắt sáng lấp lánh, nên cũng yên tâm. Đến khi chàng đọc tiếp luyện tâm pháp qua cấp thứ năm, mặt chàng lúc xanh lúc đỏ. Khi mặt màu xanh thì thân thể hơi run như ở trong đá lạnh, còn khi mặt đỏ thì mồ hôi vã ra như mưa.Tiểu Chiêu lấy khăn tay ra, đưa lên định lau mồ hôi trán cho chàng, đột nhiên tay giật mạnh một cái, thân hình ngả qua một bên như muốn ngã ngửa. Trương Vô Kỵ đứng lên, giơ tay áo lau mồ hôi, trong nhất thời chẳng hiểu tại sao, nhưng cũng biết rằng cấp tâm pháp thứ năm chàng đã luyện xong rồi.Thì ra môn Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp này vốn là một phương thức vận kình sử lực rất là xảo diệu, căn bản đạo lý là làm thế nào phát huy tối đa cái tiềm lực trong cơ thể của mỗi người. Trong bất cứ ai cũng có một tiềm lực thật to lớn, nhưng bình thời không sử dụng được mà thôi. Chỉ khi nào gặp chuyện khẩn cấp, chẳng hạn như cháy nhà mới thấy một người sức trói gà không chặt cũng có thể vác cả nghìn cân. Trương Vô Kỵ luyện xong Cửu Dương thần công rồi, lực đạo súc tích trong người hiện nay không ai bì kịp, có điều chưa được học võ công cao minh nên không sử dụng được. Bây giờ chàng học được Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, sức lực trong người như hồng thủy trào lên, biết được cách để khai thông dòng nước, một lần khai thông thì không có cách gì chế ngự lại. Luyện Cửu Dương thần công là tích tụ dòng nước, việc này quả là khó, còn Càn Khôn Đại Na Di là khai thông dòng nước, biết pháp tất thành.Môn tâm pháp này sở dĩ khó mà luyện cho thành công, chỉ sơ xẩy một chút là tẩu hỏa nhập ma ngay, toàn là do việc vận kình vừa xảo diệu, vừa phức tạp, mà nội lực người luyện công lại chưa đủ hùng hồn để vượt qua. Việc đó cũng không khác gì đưa cho một đứa trẻ tám chín tuổi múa một chiếc búa nặng hàng trăm cân, trùy pháp càng tinh vi áo diệu, thì càng dễ đưa đến chỗ tự đánh vào mình vỡ đầu chảy máu. Thế nhưng nếu người sử dụng cái búa là một đại lực sĩ thì lại không sao cả. Những người luyện môn tâm pháp này trước đây, chỉ vì nội lực hữu hạn, miễn cưỡng tu luyện, để lâm vào cảnh bụng dạ có thừa mà sức chẳng đủ.Các vị giáo chủ Minh giáo ngày xưa có mấy ai không hiểu đạo lý này đâu. Thân đã làm đến giáo chủ hẳn chí khí kiên nghị lấp biển dời non, tuyệt không có người nào chịu thua kém ai. Đại phàm võ học cao thủ đều lấy câu châm ngôn "tinh thành sở chí, kim thạch vi khai" nằm lòng, nên người nào cũng hăm hăm hở hở, hết sức tu tập, biết đâu rằng sức người có hạn, chỉ nhất tâm nghĩ rằng "nhân định thắng thiên" để đến nỗi ẩm hận nhi chung
Trương Vô Kỵ sở dĩ chỉ mất nửa ngày đã luyện xong trong khi nhiều người thông minh tài trí, võ nghệ cao cường hơn chàng nhiều lần, hết sức hết tâm mấy chục năm vẫn không thành công, cái khác nhau cũng chỉ là một bên nội lực có thừa, còn một bên nội lực chưa đủ mà thôi. Cũng là chàng có cơ duyên xảo hợp, trước luyện thành Cửu Dương thần công, lại luyện Càn Khôn Đại Na Di, thuận lí thành chương, nếu quay ngược lại thì đến tầng thứ nhất của Càn Khôn Đại Na Di cũng khó luyện thành.Trương Vô Kỵ luyện đến cấp thứ năm rồi, thấy tinh thần lực khí toàn thân chỗ nào cũng có thể chỉ huy như ý muốn, muốn phát là phát, muốn thu là thu, tất cả đều do tâm ý điều khiển được cả, khắp cơ thể, các đốt tiết cảm thấy thật là thoải mái. Lúc này chàng quên cả việc phải đẩy cánh cửa đá, tiếp tục luyện xuống cấp thứ sáu. Càn Khôn Đại Na Di ở các tầng thấp thì giống như phương pháp "bốn lạng bạt ngàn cân", nhưng đến các tầng cao lại biến ngược lại thành "ngàn cân bạt bốn lạng", lấy nội lực bao la tựa ngàn cân đem gạt kình lực nhỏ nhoi của đối thủ, tựa hồ như giết gà dùng dao mổ trâu, nhưng nguyên do chính là dùng dao mổ trâu giết gà dễ như trở bàn tay. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, chàng đã bước vào cấp thứ bảy.Cấp thứ bảy này so với cấp thứ sáu áo diệu gấp bội, không có thể hiểu được một cách dễ dàng. Cũng may là chàng tinh thông y đạo, mạch lý, mỗi khi gặp chỗ khó khăn không hiểu, lại đem y lý ra ấn chứng, nên mọi chỗ chàng đều quán thông. Khi luyện được quá nửa rồi, bỗng thấy khí huyết trào lên, tim đập mạnh. Chàng vội định thần, từ đầu luyện lại, cũng bị y như thế. Từ khi chàng luyện cấp thứ nhất tới chỗ này, chưa bao giờ bị tình trạng như vậy. Chàng bỏ qua mấy câu, luyện tiếp xuống dưới, lại thấy thuận lợi, nhưng được vài câu lại gặp trở ngại. Từ đó về sau, trở ngại mỗi lúc một nhiều, tính ra tổng cộng có tất cả mười chín câu không sao luyện được.Trương Vô Kỵ trầm ngâm một hồi, để tấm da dê lên trên đống đá, cung kính phục xuống, khấu đầu mấy lần, khấn:- Đệ tử Trương Vô Kỵ, vô tình tìm được thần công tâm pháp của Minh giáo, chỉ vì mong thoát khỏi khốn cảnh tìm đường sống, quả không có bụng ăn cắp bí tịch của quý giáo. Đệ tử sau khi thoát khỏi hiểm cảnh rồi, sẽ nhất quyết đem thần công này tận lực giúp quý giáo, không dám phụ lòng vun đắp và đại ân cứu mạng của liệt đại giáo chủ.Tiểu Chiêu cũng quỳ xuống lạy mấy lạy, hạ giọng khấn thêm:- Liệt đại giáo tông ở trên, xin quý ngài phù hộ cho Trương công tử trung hưng Minh giáo, làm sáng tỏ uy danh của liệt tổ.Trương Vô Kỵ đứng thẳng lên nói:- Ta đâu có phải là giáo đồ của Minh giáo, theo lời giáo huấn của thái sư phụ ta, trong tương lai sẽ không thể nào gia nhập Minh giáo được. Thế nhưng sau khi ta đọc di thư của Dương giáo chủ rồi, biết được tông chỉ của Minh giáo thật là quang minh chính đại, nên thể nào cũng kiệt tận sở năng, cố giải thích những chỗ hiểu lầm cho các môn phái, xin hai bên đừng tranh chấp nữa.Tiểu Chiêu nói:- Trương công tử, công tử nói còn mười chín câu chưa luyện xong, sao không nghỉ một lát, cho tinh thần sung túc, biết đâu chả luyện được?Trương Vô Kỵ nói:- Hôm nay ta đã luyện thần công Càn Khôn Đại Na Di đến cấp thứ bảy rồi, tuy phải bỏ qua mười chín câu, cũng có chút khuyết điểm thực, nhưng cũng như bài hát của cô mới rồi:Dù cho thiên địa nhường bao,Cũng chưa toàn vẹn làm sao con người.Có lẽ nào ta không biết đủ, tham lam cốt được thật nhiều? Ta có phúc trạch công đức gì mà được thần công tâm pháp của Minh giáo? Để lại mười chín câu không luyện, chính là hợp đạo lý đó.Tiểu Chiêu nói:- Công tử nói phải lắm.Nàng cầm lấy tấm da dê, hỏi xem Vô Kỵ chỗ nào luyện chưa được, thầm nhẩm lại mấy lần nhớ kỹ mười chín câu đó trong lòng. Trương Vô Kỵ cười hỏi: Truyện được copy tại TruyệnYY.com- Cô nhớ để làm gì?Tiểu Chiêu má đỏ bừng, nói:- Chẳng làm gì cả. Con thấy công tử mà còn chưa luyện được nên xem thử coi khó đến mức nào. Có thể trong tương lai, con lại có thể đọc cho công tử nghe, lúc đó công tử có thể luyện tiếp…Trương Vô Kỵ nghe thấy trong lời nói vô thức ẩn chứa thâm tình, không khỏi thật cảm động. Có biết đâu Vô Kỵ là người không coi trọng chuyện gì cả, thấy phải dừng là dừng, chính hợp với đạo "tri túc bất nhục" (biết đủ thì không phải chịu nhục) của cổ nhân. Thì ra năm xưa vị cao nhân sáng chế Càn Khôn Đại Na Di này, nội lực tuy mạnh thật, nhưng cũng chưa tới mức mạnh như Cửu Dương thần công nên cũng chỉ tới cấp thứ sáu là hết. Tâm pháp ông ta viết trong cấp thứ bảy, chính ông ta cũng chưa luyện tới, chỉ do thông minh trí tuệ, tưởng tượng và biến hóa ra mà thôi. Mười chín câu Vô Kỵ luyện không thông, toàn là do vị cao nhân tưởng tượng mà thêm vào, tưởng đúng mà thực ra không phải. Nếu Trương Vô Kỵ là người có cái tâm cầu toàn, nhất định phải luyện cho kỳ được mới thôi, ắt sẽ tẩu hỏa nhập ma ở cái cửa ải sau cùng này, chẳng khùng điên si ngốc thì cũng toàn thân bại liệt, có khi còn đứt kinh mạch táng mạng không chừng.Hai người gom góp đất đá, chôn cất di thể hai vợ chồng Dương Đính Thiên xong mới đi đến trước cánh cửa đá. Lần này Trương Vô Kỵ chỉ cần đưa tay phải, để vào một bên cửa, theo đúng phép vận khí của Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, hơi sử kình, phiến đá đã kêu kèn kẹt từ từ chuyển động. Chàng vận thêm một phần sức lực nữa, cánh cửa chầm chậm mở ra.Tiểu Chiêu mừng quá, nhảy cẫng lên, vỗ tay khen ngợi, xích sắt ở tay chân chạm vào nhau, lại kêu leng keng liên hồi. Trương Vô Kỵ nói:- Để ta bứt sợi dây xích lần nữa xem sao.Tiểu Chiêu cười đáp:- Lần này chắc là phải được.