Cách âm ở nhà cũ không tốt lắm, sau khi bàn bạc với Bạch Khanh, tốt nhất là nên dọn ra ngoài ở.
Từ nhỏ tới lớn tôi sống trong nhà cũ, đồ đạc ở đây nói nhiều cũng không nhiều mà ít cũng không ít. Bạch Khanh cũng không bận việc gì nên tôi và em chọn một ngày cuối tuần rảnh rỗi dọn đồ cùng nhau.
Quần áo và những vật dụng cần thiết hàng ngày còn đỡ nhưng tôi tuyệt nhiên không nghĩ rằng nơi khó dọn dẹp nhất chính là phòng sách. Không biết lão quản gia đào từ đâu ra được mấy thùng đựng đồ lặt vặt, nhấn mạnh rằng đây là những bảo bối mà sống chết tôi cũng không chịu vứt hồi còn nhỏ.
Tôi đỡ trán bất lực nhìn đống máy chơi game và truyện tranh. Bạch Khanh hết sức tò mò về những thứ đó, lật tới dỡ lui, thậm chí còn tìm được một quyển album sau đó bám lấy tôi đòi tôi kể em nghe về thời thơ ấu của mình.
Thực chất hồi còn nhỏ tôi có một núi chuyện đáng xấu hổ. Về cơ bản bố mẹ tôi nuôi con rất tự do. Tôi vẫn luôn giữ ấn tượng tốt về mẹ tôi, bà là Omega dịu dàng còn biết nướng những chiếc bánh quy nhỏ. Bố tôi thì khác, ông luôn tin chắc rằng phải lấy cái nghèo nuôi Alpha nên chỉ cho tôi vài trăm tệ tiền tiêu vặt mỗi tháng, dần dà tôi bí mật bán bút máy và đồng hồ của ông đi.
Bạch Khanh nghe vậy, đôi mắt xinh đẹp cong thành vầng trăng non, trêu chọc tôi: “Bảo sao anh lại trộm sổ hộ khẩu thành thạo vậy.”
Tôi tặc lưỡi, buông tay đầy bất lực, nói: “Cũng phải, anh ăn đòn cũng quen rồi.”
Bạch Khanh biết tôi đang oán giận, giơ tay vuốt vuốt dỗ dành tôi. Tôi bất mãn chỉ vào miệng mình, em nhoẻn miệng cười sáp lại gần hôn tôi một cái, hỏi: “Rồi sao nữa?”
Tôi sờ chỗ em vừa hôn lên, vô tội đáp: “Sau đó bán được kha khá tiền, bố anh thấy anh đúng là phá của, suýt chút nữa không muốn giao gia nghiệp cho anh.
Em bật cười, lật tiếp quyển album đầy xúc động: “Thật ra chú đối xử với anh khá tốt mà.”
Tôi ‘hừ’ một tiếng không ý kiến gì cả. Chợt nghĩ tới Bạch Khanh không có người thân, tôi giành lại quyển album ném vào trong thùng, đính chính lại với em.
“Là bố của bọn mình, đã đưa em ngọc bội gia truyền mà vẫn không coi đây là nhà hửm?”
Bạch Khanh sững sờ trong chốc lát rồi cười ngọt ngào nhìn tôi, khẽ ‘ừ’ một tiếng.
Rốt cuộc dọn dẹp xong xuôi đồ đạc trong mấy chiếc thùng kia thì trời đã sẩm tối. Ánh chiều tà buổi hoàng hôn tràn vào nhà qua cửa sổ kính trong suốt sát đất, chiếu vào giá vẽ trước người Bạch Khanh. Thời gian như ngưng đọng trùng hợp với buổi chiều ngày hôm ấy, vậy mà giờ đây, người trước kia chỉ nhìn tôi từ xa ở nơi đó đã trở thành người bên gối thân cận nhất của tôi.
“Dọn xong hết chưa?” Cảm nhận được ánh mắt của tôi, Bạch Khanh quay đầu về phía tôi cười hỏi.
“Sắp xong rồi.” Tôi diễn tả bằng động tác tay sau đó chỉ vào chồng sách và tài liệu trên bàn làm việc, nói, “Đợi anh một lát, cất mấy thứ này vào thùng rồi bọn mình về nhà ngay.”
Bạch Khanh gật gật, quay đầu lại lật tới lật lui tập tranh của mình. Dưới ánh hoàng hôn ấm áp, dáng vẻ lặng yên của em nghiêm túc và cũng rất đỗi đẹp đẽ.
Tiếng chuông điện thoại của tôi vang lên đột ngột phá vỡ bầu không khí im lặng trong căn phòng.
Tôi cầm điện thoại lên nhìn thoáng qua, là trợ lý gọi tới, chắc là việc công ti. Tôi đánh tiếng với Bạch Khanh rồi ra ngoài hành lang nhận điện thoại.
Khi tôi quay trở lại, Bạch Khanh đã giúp tôi cất đống sách và tài liệu gọn gàng. Thấy tôi bước vào, em tiến tới ôm tôi, nhẹ nhàng cọ cọ lồng ngực tôi.
Em rất hiếm khi chủ động như vậy khiến tôi không khỏi sững sờ, xoa đầu em và nhéo da thịt trắng mịn sau gáy em, hỏi em có chuyện gì vậy.
“Ừm, không sao hết, chỉ là đột nhiên nhận ra em thích anh lắm lắm.” Em nghiêng người lấy một tập tranh trong chiếc thùng ở trên cùng giở ra cho tôi xem, “Anh nhìn này, hóa ra đã từ rất lâu về trước, mỗi bức tranh em vẽ đều là anh…”
Hai má em ửng hồng, giọng nói nhẹ bẫng nhưng ánh mắt ngắm nhìn tập tranh đong đầy dịu dàng. Khoảnh khắc em cầm tập tranh lên tôi có thể nhìn thấy rõ ràng tập tài liệu bên dưới – đó là tập tài liệu của quỹ bảo trợ tôi thành lập dưới danh nghĩa của mẹ sau khi bà qua đời.
Thì ra vừa rồi bí mật tôi vẫn luôn chôn sâu tận đáy lòng đã bị người tôi yêu nhìn thấu nhưng bọn tôi ngầm hiểu lẫn nhau, tất thảy trong lòng đều đã tường.
Có hai lí do khiến trước kia tôi không nói bất cứ điều gì về quỹ bảo trợ. Một là tôi không thể nôn nóng giành công lao trong lúc em buồn bã như vậy; hai là tôi không muốn em ở bên tôi xen lẫn sự biết ơn hay mấy nhân tố gì gì đó vào nhau, em bằng lòng ở bên tôi chỉ vì thích, vậy là đủ rồi.