Câu Chuyện Nhỏ Của Mật Tần

Chương 2: Mật tần ký




Chuyển ngữ: yamada93

Edit: Bồng Bồng

Lúc gặp lại hoàng đế, đã là vào mùa thu năm Khang Hi thứ ba mươi. Năm đó, người đang đươc sủng ái là Lương quý nhân Vệ thị, nghe nói cô ta vô cùng xinh đẹp, rồi thì “Trên người có hương thơm đặc biệt, rửa không trôi đi”, đến cả “Nước miếng cũng có mùi hương”. Thông quý nhân vốn có giao hảo với tôi, khi nghe đến chuyện đó thì khinh thường nói: “Ả cho rằng mình là ai chứ, chỉ là một con tiện nhân đi ra từ Tân Giả Khố, thân thế còn chẳng bằng em đây.” Nói xong nàng hồ như đã nhận thấy lời mình nói rất khó nghe, bèn nói: “Chị nghĩ sao nói vậy, em đừng để trong lòng nhé.” Rồi nàng nói tiếp: “Thực ra thì em cùng đừng buồn, phi tần là Hán quân kỳ trong cung đâu chỉ mỗi mình em, như An quý nhân Lý thị chính là Hán quân Chính lam kỳ, Đoan tần Đổng thị cũng vậy. Người tính tình tốt như em, mai kia hoàng thượng nhớ đến nhất định sẽ sủng hạnh em thôi, lúc đó nhất định hơn đứt ả Lương quý nhân kia.”

Tôi khẽ cười nói: “Hoàng thượng thích người nào cũng chẳng ai biết rõ, nhưng chúng ta đừng nói huyên thuyên nữa, nói nhiều sai nhiều, kẻo bị người khác nghe thấy sẽ không hay.”

Nàng lại tiếp tục nói chuyện gì đó, nhưng tôi chẳng chú tâm nghe. Kỳ thực nàng đâu biết được rằng, thân phận con thứ người Hán của tôi so với những người như An quý nhân, Đoan tần thì khác biệt rất nhiều.

Tôi đứng dậy cáo từ, mùa thu ở Tử Cấm Thành có hàng lá đỏ ối sau những trận sương giá rét, có tiếng quạ kêu chiều bay qua những cánh rừng lặng im tiêu điều. Phong cảnh miền Bắc đều nhuốm một màu ảm đạm thê lương, không có được vẻ ôn hòa của Giang Nam. Chẳng biết mẹ ở nơi ấy, sống có tốt không?

Hôm gặp hoàng đế, tôi chỉ cài trên đầu một chiếc trâm bạc và một đóa hoa kết bằng lụa. Trong lúc tôi đang mải chọn một chiếc lá đỏ năm cánh đẹp nhất để hái về làm cái kẹp sách, thì chợt phía sau có người gọi tên tôi, “Vương Ly Tâm.”

Cách gọi đầy đủ như thế, suýt nữa đã dọa tôi. Người trong cung vốn luôn gọi tôi là “Vương đáp ứng”, ai lại biết được tên thời con gái của tôi nhỉ. Thế là tôi lập tức xoay người lại nhìn, không ngờ là hoàng đế. Người đó đang đứng chắp tay, mỉm cười gọi tôi từ đằng xa.

Tôi có chút thấp thỏm, trong ba năm nay, ngoại trừ ngày lễ tết lớn có thể ở trong nhóm người đến chúc mừng mà nhìn thấy hoàng đế một lần từ xa xa, thì chúng tôi chưa từng gặp lại nhau, vậy mà người đó lại nhớ rõ tên tôi.

Tôi vội vàng đến hành lễ, rồi ấp úng thỉnh an. Người đó hoàn toàn không để ý, chỉ nói: “Nàng hình như đã trưởng thành rất nhiều.” Giọng điệu giống như khi bậc trưởng bối nói chuyện với con cháu trong nhà. Nước mắt chợt dâng trào trong mắt tôi, chỉ chực chờ vỡ đê, sống bao năm hiu quạnh nơi cung cấm này, khi nghe người đó nói như vậy, bỗng cảm thấy mình đã già đi rất nhiều.

Người đó hơi kinh ngạc, bèn nâng tôi dậy rồi vỗ nhẹ vai tôi, nói: “Nào nào, đừng khóc nữa. Nàng vẫn còn thiếu trẫm một khúc khèn lá đó.”

Tôi nín khóc mỉm cười, tâm tình buồn vui khôn kể xiết.

Từ năm đó, tôi bắt đầu được sủng ái. Hoàng đế đối với tôi rất tốt, cũng rất mực dịu dàng. Có lẽ trong hai mươi năm sau, đây là lúc người đó đối với tôi tốt nhất, còn có chút ý nuông chiều.

Tôi uống, là Bích Loa Xuân của hồ Động Đình, mặc là, gấm Tô Châu, quạt thường ngày dùng, là quạt đàn hương của Tô Châu, thức ngọt ăn không rời miệng, là điểm tâm Tô Châu, quả sơn trà và dương mai trên núi Động Đình. Ngay cả cua thịt của hồ Dương Rừng tiến cống vào mùa thu hàng năm, cũng nhiều hơn người khác một sọt.

Chỉ vì hoàng đế biết, tôi là người Tô Châu.

Có một ngày nhàn rỗi, người đó nói với tôi, “Nàng mang giày đế chậu có quen không? Nếu không quen, thì lúc ở cung của mình cứ mang giày đế bằng đi.”

Tôi không biết người đó sao lại quan tâm đến việc đi lại của tôi, chỉ là sự quan tâm đó khiến tôi cảm động. Thế là nói: “Tạ hoàng thượng. Trước kia ở nhà, cha thần thiếp có dặn phải học qua.”

Người đó rất thích thú nói tiếp: “Nàng là người Hán, mà cha vẫn bảo nàng học sao?”

Tôi gật đầu, “Chữ Mãn cũng có học.”

Người đó hỏi: “Cha hy vọng gả nàng cho người Mãn sao?”

Tôi vốn muốn đáp “Vâng”, nhưng lời đến đầu môi, lại thành “Có lẽ chính là nhân duyên trùng hợp, ông trời biết thần thiếp phải vào cung, cho nên mới có cơ hội học được.”

Lời nói này có chút lập dị, đến bản thân cũng nghe không lọt tai, nhưng người đó lại thấy vui.

Nào có cái gọi là nhân duyên trùng hợp chứ? Chẳng qua là do sức người tạo thành mà thôi.

Mãi đến trước ngày vào cung mới biết được, hóa ra lần đó các tiểu thư ở khắp châu phủ tụ họp tại sân nhà sau của tri phủ chính là do tri phủ an bài, hòng ngầm tổ chức tuyển tú. Vốn chẳng có phần của tôi, nhưng ngày đó có một cô bị tháo dạ nôn mửa, bất đắc dĩ cha đành phải bắt tôi đi cho đủ số. Lại vốn tưởng rằng chỉ có thể hầu hạ hành cung, càng không ngờ tới có thể vào cung.

Nghĩ đến chuyện này, tôi lại hận cha mình. Chỉ vì vậy mà việc cưới hỏi của tôi và biểu ca bị xóa bỏ.

Bây giờ nghĩ đến lại càng thấy kinh sợ, ngộ nhỡ chỉ hầu hạ ở hành cung, thì khi hoàng đế rời đi, chuyện cả đời của tôi cũng thật sự phải lỡ làng. Mà cha lại hoàn toàn chẳng nhớ đến đứa con gái duy nhất này của ông.

Vừa bình tĩnh lại, thì nghe hoàng đế nói: “Nghe nói nàng từng bó chân, vậy lúc đầu học mang giày đế chậu chắc là rất vất vả nhỉ?”

Rất vất vả sao? Những ngày đó đã là quá khứ. Tôi bỗng nhớ đến có khuôn mặt tươi cười của một người đàn ông đã tặng tôi đôi giày đế chậu, lòng khẽ rung động, liền đáp lại ngay: “Không có gì, chỉ cần lót đệm bông vào mũi giày và đế giày là được rồi.”

Trong ba năm hiu quạnh đó, cầm kỳ thi thư tôi học được càng khiến người đó sủng ái tôi thêm sâu. Có lúc, tôi cùng người đó đàm luận thi từ, nói đến chỗ đặc sắc, người đó vỗ tay khen: “Quả đủng là con gái Hán, có thể am hiểu rất nhiều thơ văn. Nếu đi nói với phi tần khác, chỉ sợ là phải gảy đàn tai trâu.”

Tôi khẽ mỉm cười, không nói lời nào. Người sống trong hậu cung, phàm là gặp phải chữ “Sủng ái”, thì chị em cũng có thể thành kẻ địch. Tôi đã được ân sủng quá nhiều, nếu còn huênh hoang, trái lại chỉ làm mình bị thương.

Mà tôi im lặng, người đó lại cho là giận. Liền cẩn thận an ủi tôi, “Ly nhi đừng buồn, trẫm không cố ý muốn vạch ra thân phận người Hán của nàng.”

Tôi mỉm cười nhìn người đó, “Thần thiếp cũng không có giận.” Tôi có thể hờn giận cái gì đây, người đó đối với tôi tốt như thế, chẳng hề vì xuất thân của tôi mà khinh rẻ tôi. Nhân vì có sự coi trọng của người đó, nên người ngoài không dám tùy tiện xem thường tôi nữa.

Lời nói của người đó tha thiết mà tràn đầy hùng tâm: “Đây là thiên hạ của trẫm, thiên hạ của trẫm có người Mãn cũng có người Hán, trẫm muốn thiên hạ này – Mãn Hán một nhà.”

Tôi bị chí khí của người đó làm cảm động, hai mắt dần hoe đỏ, trong lòng xúc động đến độ không nói nên lời.”

Người đó là quân chủ của người Mãn, cũng là quân chủ của thiên hạ.

Người đó hỏi tôi, “Nàng là từ nhỏ đã học cầm kỳ thi thư sao?”

Tôi lắc đầu, “Vào cung mới học.”

Người đó hỏi: “Vì sao?”

Tôi đương nhiên không nói là vì để giết thời gian mà học, chỉ nói: “Là vì hoàng thượng.”

Người đó “À” một tiếng, tôi không rõ người đó có tin tưởng hay không, cũng không hề gì. Tôi là người trong cung, không phải vì người đó, còn có thể là vì ai đây? Người đó là hoàng đế mà.

Thế nên tôi lại nói: “Thần thiếp là sợ nếu mình chỉ biết thổi khèn lá, hoàng thượng sẽ trách thần thiếp ngu dốt.”

Người đó cười sang sảng, ôm tôi vào lòng, nói với tôi: “Trẫm nói cho nàng một chuyện nhất định sẽ làm nàng vui, cha nàng là Vương Quốc Chính đã nâng mẹ nàng là Hoàng thị lên làm chính thất rồi, nàng vui chứ?”

Tôi hơi lộ vẻ vui mừng, có thể lên làm chính thất, mẹ chắc hẳn là rất hạnh phúc. Thấy rõ được việc tôi vào cung, mà cuộc sống của mẹ tốt hơn lên. Như thế, tôi vào cung, mới có chút ý nghĩa.

Hoàng đế nói: “Cha nàng cũng đã dâng sớ lên, mong muốn có thể dốc sức cho triều đình nhiều hơn.”

Lòng tôi khẽ động, hiểu rõ ẩn ý trong lời nói của hoàng đế, cha tất nhiên là muốn dùng tôi để mở rộng tiền đồ.

Vào đêm trước khi vào cung, cha đã căn dặn rất nhiều điều, nhưng tựu chung lại chỉ có một ý: “Hoàng thượng chịu mang con vào cung nhất định sẽ muôn phần sủng ái con, đến lúc đó con đừng bao giờ quên mất người cha này đấy! Ta đúng là sinh được con gái ngoan!”

Huống chi tôi vào cung đã ba năm, nếu muốn nâng mẹ tôi lên làm chính thất thì đã làm từ lâu. Hiện tại mới làm, chẳng qua là vì biết rõ tôi đang được nhiều ân sủng mà thôi.

Nghĩ đến tận đây, nỗi hận trong lòng chợt bừng lên, liền cười nói: “Cha thần thiếp đang làm tri huyện nên có thể hiểu sâu được dân tình, ra sức vì triều đình. Nếu như hoàng thượng vẫn nhất quyết đề bạt ông, trái lại sẽ làm ông lỡ mất cơ hội trui rèn.” Tôi trịnh trọng nói thêm: “Huống chi thần thiếp không muốn vì mình mà người nhà nhận thánh ân quá phận.”

Không phải chưa từng nghĩ qua, nếu đường làm quan của cha thuận lợi, thì có lẽ tôi sẽ không chỉ làm một đáp ứng nhỏ nhoi trong khi đã được sủng ái rất lâu. Đàn bà con gái có nhà mẹ để cậy nhờ, vẫn là tốt hơn, nói chuyện cũng có chút phân lượng.

Thế nhưng mỗi khi nhớ đến vẻ đắc ý của cha, tôi rốt cuộc, vẫn không thể làm.

Hoàng đế hơi nghĩ ngợi một chốc, rồi cười nói: “Rất tốt, nàng không làm trẫm thất vọng.”

Tôi liền cả kinh, hóa ra lời nói vừa rồi của người đó cũng có ý thăm dò tôi. Tôi đành làm như không biết, tựa vào lòng của người đó, chầm chậm nhắm mắt lại.

Được ân sủng không ngừng, nên tôi liên tục mang thai. Năm ba mươi hai sinh được Dận Vũ, trong thư tịch của tôn thất ghi lại là hoàng tử thứ mười lăm, người đó ôm đứa con tôi đang bồng trong tay đi, nói: “Theo quy củ của tổ tông, từ tần vị trở lên mới có thể nuôi dạy con của mình.”

Tôi cố nuốt nước mắt, thều thào nói: “Thần thiếp đã hiểu.” Còn có thể tranh cái gì đây.

Gia pháp của tổ tông nặng như núi, tôi càng tranh giành, chỉ càng làm thương tổn đến bản thân và con cái. Huống chi thân phận của tôi, không thể mang tới vinh quang cho đứa trẻ này. Tôi nén lòng hỏi: “Không biết hoàng thượng muốn đem đưa trẻ này cho vị nương nương nào nuôi nấng?”

Người đó hòa nhã nói: “Tính cách của Đức phi rất dịu hiền.”

Tôi nhắm mắt lại, khẽ nói: “Đa tạ hoàng thượng.”

Người đó vẻ như áy náy, nhưng cuối cùng vẫn chỉ im lặng.

Nhưng lần sủng ái sau, giữa chúng tôi cũng không phải hoàn toàn hòa hợp, lần đầu tiên người đó nổi giận với tôi, là sau một ngày trở về từ rạp hát ở Sướng Xuân Viên. Sinh hoạt trong cung vốn đơn điệu, thỉnh thoảng có một ngày được đi xem hát, đương nhiên là thấy khoan khoái gân cốt.

Buổi tối người đó nghỉ lại ở cung của tôi, mà tôi hãy còn chìm đắm trong dư vị của khúc hát nên không thể suy nghĩ thấu đáo, cứ vừa mơ màng vừa thay y phục cho người đó, rồi ung dung gọi một tiếng – “Tam Lang”, đây là tên gọi thân mật mà Dương quý phi dùng để gọi Đường Minh Hoàng trong vở 《 Trường Sinh điện 》, cũng là vở kịch người đó thích nghe nhất.

Khi tôi vừa nói ra, cảm thấy trong lòng rất vui, nghĩ rằng người đó đang sủng ái tôi, nên cùng lắm là cười một cái. Hay nếu thích thú, biết đâu có thể cùng tôi xướng lên một đoạn.

Nhưng chờ đến lúc tôi tỉnh táo lại, thì sắc mặt của người đó đã tái xanh, liền mặc lại xiêm y vừa cởi ra rồi phẩy tay định bỏ đi. Tôi cuống quít quỳ xuống tạ lỗi, người đó lạnh lùng nói: “Quá mức thân mật ắt sinh suồng sã. Là trẫm đã quá nuông chiều nàng, ca từ của phường đào kép thế kia mà cũng buột miệng nói ra, thật không biết tự trọng thân phận.”

Lòng tôi đã nguội lạnh hết nửa phần, người đó chưa từng khiển trách tôi, thế mà lời nói lại lạnh lùng như thế, vẻ mặt lại giận dữ như thế.

Lần đầu tiên tôi để nước mắt tuôn rơi, hóa ra có được ân sủng nhiều thế nào, vẫn chẳng thể vượt qua thân phận vua tôi. Chỉ khi không còn là vua tôi, mới gọi một tiếng vợ chồng. Thân phận, mới là thứ quan trọng nhất.

Năm ba mươi bốn, tôi lại sinh hạ hoàng tử thứ mười sáu, Dận Lộc. Con cái lần lượt được chia đất phong hầu. Mà phần vị của tôi chỉ là thường tại. Người đó nói: “Phần vị của nàng…”

Tôi khẽ nói: “Thần thiếp rất hài lòng.”

Người đó gật đầu, “Nàng hiểu thì tốt rồi. Cũng giống như năm đó nàng mới vào cung, nếu trẫm lập tức sủng hạnh nàng, tất sẽ làm lục cung đố kị, trong ngoài cung không yên. Nên mới lạnh nhạt nàng mấy năm.”

Tôi chẳng hề biết người đó lại có suy nghĩ sâu xa đến vậy, mà giờ khắc này nghĩ lại, trong nháy mắt đã rõ ràng. Tôi ngước nhìn người đó, dịu dàng nói: “Hoàng thượng là vì muốn tốt cho thần thiếp.”

Sủng ái mà không cho tôi danh vị tôn vinh, nên mới luôn có thể làm dịu không ít cơn ghen tuông của hậu cung. Rồi tôi bỗng suy rộng ra, Lương quý nhân sinh hạ bát hoàng tử cũng không được tấn phong làm tần, có phải cùng vì duyên cớ này.

Mắt thấy Đoan tần, Huệ phi trước nay luôn tìm cách tranh sủng đều lần lượt thất sủng. Tôi dần dần hiểu rõ, có những lúc, không tranh đấu, mới là cách tranh đấu hay nhất.

Vào năm Khang Hi thứ ba mươi lăm, trong cung lại có thêm một người Hán, Trần thị.

Ở nơi thâm cung này, dù những bức tường đỏ có cao thêm bao nhiêu nữa, cũng đều có thể nghe được phong thanh, cô gái này là do vị chức tạo Thường Húc ở Tô Châu tiến cử vào cung.

Tôi nghe được tin này khi đang chơi cùng Dận Lộc, đứa trẻ mới tròn một tuổi, rất kháu khỉnh bụ bẫm, làm ai cũng mến. Đột nhiên, cái trống bỏi trong tay rơi xuống đất, phát ra tiếng quá lớn, làm nó sợ. Tôi có chút ngẩn ngơ, khi nghe Doãn Lộc khóc, ê a gọi tôi – ngạch nương.

Tôi tựa như bừng tỉnh, tôi đã là mẹ của hai đứa con.

Sau khi Trần thị vào cung cũng được phong làm đáp ứng, giống như tôi, được hưởng tôn lễ của thứ phi.

Tôi thường thường nghĩ, mẹ vốn luôn hy vọng tôi không phải đi làm vợ lẽ cùng người khác, không phải đi trên con đường bà đã đi. Nhưng xét cho cùng, tôi vẫn làm vợ lẽ của người ta. Thứ phi, đó chẳng phải là vợ lẽ sao?

Tôi ngắm nhìn Trần thị, đúng là một cô gái xinh đẹp nhu mì, lông mày lá liễu mắt như trăng non. Hoàn toàn không giống Lương tần, sắc đẹp của nàng quá lóa mắt, tựa như sấm sét rạch ngang trời đêm, khiến người ta cảm thấy khó thở. Mà Trần thị và tôi đều thuộc loại thanh tú, không có nhan sắc hơn người.

Có lẽ vì cùng là người Hán, nàng và tôi rất gần gũi hợp nhau.

Nàng nói, em biết, chị là biểu muội của Thường Húc đại nhân.

Nàng nói, vì em phải một mình vào cung hầu hạ hoàng thượng, nên Thường đại nhân có nói chị đã vào cung được vài năm, có thể cùng chăm lo lẫn nhau.

Nàng nói, may mắn là có chị, bằng không em lẻ loi một mình, cũng không biết nên làm như thế nào.

Tôi nhìn Trần thị, trong đầu chợt trống không, lẻ loi một mình, làm sao mình vượt qua đươc nhỉ? Bởi vì hoàng đế sủng ái tôi, nên giữa các phi tần sớm tối gặp nhau luôn tỏ ra khách khí, đôi lúc có vài câu ghen tức, tôi chỉ giả như không nghe thấy, cũng xem như trôi qua êm thấm.

Thế nhưng việc luôn tỏ ra khách khí đó, lại mơ hồ có cảm giác cô lập và bài xích. Cho dù, giữa An tần và Đoan tần cũng có chút tị hiềm.

Con người mà, chính là như vậy đấy, chỉ cần thấy mình hơn người khác một chút, thì cảm giác hơn người đó sẽ khiến bản thân quen thói coi thường người khác.

Tôi nghiền ngẫm thật kỹ lời Trần thị vừa nói, rốt cuộc hiểu được ẩn ý bên trong.

Chúng tôi có thể chăm lo lẫn nhau, không chỉ là mình tôi chăm lo nàng, mà còn là nàng giúp đỡ tôi.

Biểu ca, anh quả nhiên tốn không ít tâm sức.

Trần thị rất được sủng ái, đến năm tiếp theo, nàng liền sinh cho hoàng đế hoàng tử thứ mười bảy, Dận Lễ. Có con cái đế làm chỗ dựa, khiến gương mặt nàng càng thêm hồng hào. Còn tôi bởi vì gần gũi với Trần thị, nên hoàng đế cũng càng thêm cho rằng tôi đức hạnh tốt.

Thời gian lại trôi qua ít lâu sau, tôi càng lúc càng hiểu được làm sao để âm thầm lấy lòng hoàng đế. Tuổi tác của người đó ngày một cao, không còn thích những màu xanh xanh đỏ đỏ sặc sỡ, mà lại thích những màu mộc mạc. Tôi bèn chọn mặc những màu người đó thích như xanh lam, xanh dương, hồng ráng chiều nhạt, vàng quả hạnh, xanh lá nhạt, cũng không dùng chỉ vàng bạc trang trí bắt mắt, chỉ dùng hoa văn đơn giản có màu tối. Dù sao tuổi của tôi cũng đã lớn, cũng không còn hợp với những màu đậm và rực rỡ. Người đó quả nhiên rất ưa thích, liền sai Chức Tạo cục ở Tô Châu chuyên dệt vải có hoa văn thanh nhã mộc mạc cho tôi.

Cung điện tôi đang ở, cũng trồng nhiều loại hoa cỏ có hương thơm, nên trong điện thường sử dụng hoa tươi, mà không dùng tới hương liệu. Ngay cả châu thoa đang dùng, cũng chỉ dùng ngọc bích và trân châu điểm xuyến một chút.

Tôi để sự an tĩnh trời sinh của bản thân từ từ tản ra xung quanh.

Hoàng đế thường cười nói với tôi rằng, “Khi ở bên nàng, luôn có cảm giác như đang đứng trước một hồ nước phẳng lặng, trong lòng tự nhiên thấy an tĩnh.”

Cuộc sống trong cung tĩnh lặng như mặt nước không gợn sóng trong giếng cổ, thời gian thấp thoáng thoi dưa, đứa con thứ ba của tôi là hoàng tử thứ mười tám Dận Giới cũng tròn năm tuổi. Dận Giới lanh lợi đáng yêu nên được nhiều người thương, lại thêm tư chất thông minh, nên hoàng đế rất vui mừng, hầu như muốn mỗi lúc đều mang theo bên mình, thương yêu vô cùng.

Hoàng đế thường nói với tôi: “Dận Giới vừa có sự tráng kiện của người Mãn, lại có sự văn nhã của người Hán, đứa trẻ này đúng là đứa con tốt nhất của gia đình Mãn Hán chúng ta.”

Lời nói như thế, thể hiện rõ hoàng đế rất yêu con.

Năm sinh nhật Dận Giới năm tuổi, hoàng đế sắc phong tôi làm quý nhân, ban cho chữ “Mật” làm phong hiệu. Cùng một ngày, Trần thị cũng tấn phong làm quý nhân, hiệu là “Cần”.

“Mật, của tĩnh tại kín đáo.” Hoàng đế cười nói, “Cũng liên quan đến chữ ‘Mật’, của yên tĩnh bình an. Chữ này hợp với nàng nhất.” Sau đó tôi suy ngẫm thật lâu, cũng vô cùng thích chữ này.

“Tĩnh nữ kỳ xu, hoàng thượng chắc là rất thích đọc bài 《 Tĩnh nữ 》trong Kinh Thi.”

Người đó gật đầu: “Sách nàng xem được ngày một nhiều đấy.”

Thời tiết vào tháng chạp lạnh như cắt da cắt thịt, nhưng trong điện có đốt lò sưởi, nên ấp ám như mùa xuân. Năm đó vì chính vụ vất vả, khiến hoàng đế già đi trông thấy, nếp nhăn cũng hằn sâu thêm.”

Tôi tự mình làm một túi hương bằng gấm Tô Châu, bỏ vào chút lá bạc hà, nhét vào người của hoàng đế, nói: “Khi hoàng thượng thấy mệt mỏi có thể ngửi thứ này, rất có tác dụng làm sảng khoải tinh thần.”

Người đó vỗ vai tôi, mỉm cười nói: “Có một giáo sĩ Thiên Chúa Tây Dương vừa vào cung, có tài vẽ tranh như thật, trẫm muốn ông ta vẽ một bức chân dung của nàng, để treo trong thư phòng, thế thì có thể luôn nhìn thấy nàng.”

Tôi tỏ vẻ ngượng ngùng, chỉ mỉm cười. Người đó nhìn lên trời, vẻ mặt buồn bã, bỗng nhiên cảm khái nói: “Nàng vào cung đã mười bảy năm.”

Đúng vậy, mười bảy năm rồi, tôi mười bảy tuổi vào cung, gần như một vòng luân hồi.

Không ngờ tôi và hoàng đế đã bầu bạn với nhau lâu đến thế.

Nhưng rồi sắc mặt của hoàng đế bỗng có chút thống khổ, thở dài nói: “Trẫm cũng đã già.”

Tôi liền che miệng người đó, “Hoàng thượng vạn tuế, vạn thọ vô cương ~~ ”

Người đó mở hai tay tôi ra, cười khổ nói “Thật không? Trẫm vẫn luôn nghĩ rằng đây là câu giả dối nhất.” Người đó vừa nói thế, tôi cũng cảm thấy có chút chột dạ, trong lòng ảm đạm không thôi. Người đó thì thầm: “Cần gì sống lâu muôn tuổi, trẫm chỉ cầu phụ từ tử hiếu.”

Người đó nói như vậy, tôi cũng hiểu rõ là chuyện gì. Những năm gần đây, thái tử Dận Nhưng nhiều lần làm loạn, dù là phụ nữ ở chốn thâm cung cũng đều nghe thấy, hoàng đế hẳn là rất thương tâm.

Tôi nói: “Hoàng thượng nói những lời không may như thế, là muốn để thần thiếp lại nơi nào? Trong thiên hạ này, thần thiếp chỉ có thể nương tựa vào hoàng thượng mà thôi!”

Người đó nhìn tôi thật lâu, rồi ôm riết lấy tôi nói: “Phải. Trẫm không chỉ có Ly nhi, còn có muôn dân Phổ La, trẫm tuyệt đối không thể già.”

Nước mắt tôi lăn tròn rơi xuống, thấm ướt xiêm y. Giờ phút này tôi vô cùng tỉnh táo rõ ràng, thế gian này, người tôi có thể nương tựa chỉ có một mình hoàng đế.

Tháng chín năm Khang Hi thứ bốn mươi bảy, hoàng đế lấy lý do “Xa xỉ thành tính”, “Bạo ngươc dâm loạn”, “Năng nói lộn xộn, có triệu chứng của bệnh điên” phế truất thái tử Dận Nhưng.

Triều đình lao đao, lòng dân tan tác.

Mà tôi cũng đang trong cơn bi thương gần chết. Dận Giới của tôi chết yểu. Nó mới có tám tuổi thôi! Một đứa bé tám tuổi!

Nhưng đứa con đáng thương của tôi, lại có liên quan đến sóng gió lần này. Bởi vì một trong những điều khiến hoàng đế phế truất thái tử, đó là Dận Giới bệnh chết, thái tử lại thờ ơ. Điều này làm hoàng đế rất bất mãn.

Hai mắt tôi ngấn lệ, hoàng đế cũng không nén được nước mắt, “Đứa nghịch tử như thế, nghĩa anh em không giữ, tình cha con không nhớ, bảo trẫm sau này đi gặp hoàng thái hậu và Hiếu Thành Nhân hoàng hậu thế nào đây!”

Nhưng tháng ba năm bốn mươi tám, thái tử lại lấy lý do “Tuy bị ma nhập, nhưng đã gần khỏi bệnh”, phục lập làm hoàng thái tử.

Hoàng thái tử phục lập, gần như hận đến nỗi muốn giết chết tôi, luôn cho rằng là tôi lấy cái chết của Dận Giới, để khích hoàng đế phế truất hắn. Lại vì thân phận người Hán của tôi, nên tất yếu phải diệt trừ mới yên lòng.

Tôi bất đắc dĩ cười khổ, tôi chẳng qua là một người phụ nữ nhỏ bé trong hậu cung, có được sủng ái đến đâu, vẫn không thể tham chính!

Cùng năm đó, mẹ đã qua đời, tin tức là từ mật báo của Thường Húc viết trình lên cho hoàng đế.

Sau khi hoàng đế xem qua, liền đưa tôi xem. Bút tích của Thường Húc đã rất nhiều năm không gặp, nhưng vẫn quen thuộc. Có điều, đây là lần sau cuối mẹ và Thường Húc xuất hiện trong cuộc sống nơi cung đình của tôi.

Tôi lớn tiếng khóc nức lên.

Tháng mười năm năm mươi, hoàng đế cuối cùng lấy lý do “Bệnh điên càng nặng, bạo ngược quá mức, mê muội quá sâu”, lần thứ hai Dận Nhưng bị phế truất và cấm tham chính.

Tôi thầm thở phào nhẹ nhõm, nếu người như Dận Nhưng làm chủ thiên hạ, há chẳng phải gây tai họa cho dân chúng, tôi và các con của mình chắc cũng không thể sống đến già.

Sau vài lần phế lập, hoàng đế càng thêm già nua, tinh thần lại vẫn minh mẫn như trước. Hán nữ trong cung cũng ngày càng nhiều, Tương quý nhân, Hi quý nhân, Mục quý nhân, thứ phi Vương thị, thứ phi Lưu thị, Từ thường tại, Thạch thường tại.

Nhưng bất kể Hán nữ và Mãn nữ có nhiều hơn bao nhiêu, hoàng đế vẫn sủng ái tôi như trước, không mảy may giảm sút.

Tháng chạp năm Khang Hi thứ năm mươi bảy, tôi sắc phong làm Mật tần.

Sau khi thái tử tiền triều bị phế, các vị a ca bắt đầu lộ mình muốn đoạt ngôi, khuấy đảo cả hoàng cung.

Tôi lại vui mừng, con của tôi còn nhỏ tuổi, mà tôi lại xuất thân là người Hán, nên các con tôi không có tư cách tranh ngôi báu, cũng không bị nguy hiểm nếu tranh ngôi thất bại.

Tôi nhiều lần căn dặn bọn chúng, không được qua lại thân thiết với bất kỳ a ca nào. Đây là tâm tư của người làm mẹ, xưa nay những cuộc tranh đấu giữa những người thừa kế ngôi vua đều nhuộm đầy máu tanh. Rời xa vòng xoáy tranh đấu, mới là an toàn nhất.

Đây là kinh nghiệm mà cả đời tôi lĩnh ngộ được, có lúc không tranh lại thắng tranh.

Tôi rốt cuộc đã thành bà lão, bình thản an hưởng lúc cuối đời, so với Nghi phi hay Huệ phi có con trai tranh ngôi vua mà sa cơ thất thế, thì tôi đã cực kỳ may mắn, thậm chí các con tôi cũng được tân đế trọng đãi.

Cuộc đời tôi, xem như trôi qua trong trời yên biển lặng.

(Toàn văn hoàn)