Chương 49: Mưa.
Người phát hiện ra Nam đầu tiên là con Hạ.
Vừa thấy Nam từ đằng xa tới, nó đã chạy lăn tăn lại, miệng bô bô:
"Anh về! Nghe nè, nghe nè, cậu trộm gà bị mợ bắt, thấy gớm chưa."
Nhưng đau đớn thay, đáp lại sự niềm nở của cô bé ấy là cú cốc đầu của người anh mà nó hết mực tin tưởng. Rồi anh nó mặc cho nó la lên oai oái như thường lệ mà quay sang một người rõ là đáng tin hơn con quỷ con này.
Nam hỏi bà Đồ.
"Chuyện gì thế mợ."
Bà Huỳnh không đáp. Nhưng mắt bà liếc liếc sang hai con gà mà ông Đồ đang kẹp trong nách.
Mà lại, ông Huỳnh thà chôm gà của bà Đồ chứ không chôm mấy con gà của Nam vừa mua hồi sáng. Ổng cũng thà im lặng đứng đó chứ không phân bua thế này thế kia.
Vậy là kẹt cứng.
Dẫu cho trong thân tâm ông Đồ đã nghĩ rằng mình sẽ tựa như chính mình trong cái đình làng, sẽ bình tĩnh và dõng dạc như thể mọi khó khăn đều là giẻ rách, nhưng khi đứng trước người đàn bà chịu qua những cái khổ khó nhằn trong đời với mình thì ông ta rõ là không gan dạ đến thế.
Nó như một thứ sức mạnh vô hình nào đó bóp lấy cổ họng ông ta. Rồi khóa chặt cái lưỡi của ông bằng những hình ảnh bà Đồ chăm lũ gà như chăm con sau cái đêm tân hôn. Về sau thì khỏi nói, vì một lũ gà con mà bả có thể gây lộn với ông chồng mình thì cũng đủ hiểu.
Và thế thôi cũng đủ làm ông ta không dám đối mặt với bà Đồ đang đứng chống nạnh, chắn lấy đường mình đi.
Rồi giá như ông có thể trông chờ vào con oắt con Hạ khốn kh·iếp đã phản bội ngay tắp tự. Nó thay vì hỏi sao ông bắt gà, thì cái con nuôi chỉ để hao cơm này quả quyết kết luận rằng ông ta chôm gà.
Quỷ quái thật sự!. Chả lẽ người tự cho mình là chính nhân quân tử, không thẹn với trời vời đất như quý ngài chad-Huỳnh đây suy đồi đến mức trộm gà hay sao? Huống chi còn là trộm gà của chính nhà của mình.
Thế mà nó cũng nói, cũng tin cho được.
May rằng lúc họa vô đơn chí thế này thì thằng cháu đáng tin của ông cũng về. Rồi tuyệt diệu làm sao khi nó nói sau khi quan sát tình cảnh một hồi, rằng:
"Mợ à, con nghe anh Thư Lại con ông Cao Hợi bảo rằng trong thành không nhận người nữa, giờ cậu bắt gà có đi ăn thì cũng là đỡ hơn để chúng ở đây cho bọn thú xé xác chứ."
Mà nghe vậy, bà Đồ vốn còn đang chống nạnh, mặt mày hầm hè giật mình, thốt lên:
"Ơ, thế mà cậu con không nói."
Sau đó bà quay sang ông Đồ, có lẽ vừa bực, lại vừa tức cười trước ổng. Thành ra khuôn mặt của bà nhăn nhó đủ kiểu một hồi rồi mới miễn cưỡng nói được thế này:
"Tại ông cứ im im làm tôi cứ tưởng."
Còn ông Đồ thì như được mười cái phép thanh tẩy vào người, cứ vậy mà nhẹ nhõm đánh bay mọi loại trạng thái xấu.
Nhưng vì nói thật là có hơi nhục, dù đối với bà đồ thì cái nhục này cũng không to. Thành thử ra ông Đồ mới ho húng hắng vài cái, xong rồi mới đáp lại để giải tỏa cho tình huống vừa rồi.
Ông nói: "Thì cũng mặt bà trông căng thế. Thôi, thôi, đi ra đình mau, kẻo mưa rồi thì lại khổ."
Nói rồi, sau một cái trừng mắt vào con oắt con Hạ. Bốn người cứ như vậy vội vội vàng vàng đi ra đình.
Mà cái đình im lìm giờ đây cũng đã đầy ắp người. Theo đó là những cái lều trại chắc chắn được dựng lên san sát nhau. Trong khi những tiếng ồn từ một bầy đàn trẻ trâu nhốn nha nhốn nháo khi trời mưa tới nói thật là nếu như ta nghe thấy tiếng ếch kêu trong đêm, rồi phóng to nó lên, sau lại chỉnh âm một cái, thì đây chính là bầu không khí vào lúc bấy giờ.
Trời cũng ngày một xám xịt, tưởng chừng như một giây sau liền đổ mưa ngay.
Tuy nói, việc dựng lều trại thế này đối với những người dân miền Nam thẳng ra là quen thuộc thành truyền thống. Nhất là ở thế hệ ông Đồ thì đôi ba phút là một cái trại có thể chắn gió che mưa đã xong xuôi.
Đến thời sau thì yếu hơn, nhưng đống vải dựng lều với kho lương khẩn cấp thì luôn được kiểm tra hàng tháng. Dẫu cho cái việc kho lương giờ có bị đám lý trưởng đem đi buôn hết thì vải dựng trại vẫn xem như là đầy đủ. Dựng không kịp thì vẫn có một cái đình làng rộng lớn khang trang để gần ba, bốn chục người vào mà trú.
Ấy là tính luôn đống lửa hừng hực đang cháy. Dù khói là một vấn đề nhưng cái sự khó chịu nho nhỏ đấy không bằng hơi ấm của thứ này mang lại.
Cũng thế, vì để tránh khói nên mọi người đều nép vào trong một góc.
Rồi mưa.
Theo tiếng hoan hô như vỡ ào của lũ trẻ trâu bên ngoài.
Cơn mưa đột kích ngay sau khi Nam bước vào trong đình cùng với ông Đồ. Nhưng rất nhanh Nam lại quay lại, cầm cái ô giấy dầu che chắn cho con oắt đang len lén bước lùi ra ngoài tắm mưa.
Hắn nói:
"Vào trong đình ngay, giờ này tắm thì mai muốn bệnh hay gì."
Và con Hạ, đủ tỉnh táo để nhận ra không có chỗ thương lượng nào trong vấn đề tắm mưa thì vẫn cố kỳ kèo bằng cách chỉ chỉ vào một lũ đã nhào ra ngoài trời để những hạt mưa đầu xối lên người chúng.
"Nhưng mà anh, nó kìa."
"Nó, nó cái gì." Hắn gắt. "Tắm mưa xong thì vào đình sưởi hửi khói cho c·hết tụi nó. Đi vô đình nhanh lên!."
Thế là mọi sự chống cự của cô em gái đáng thương bị đàn áp một cách hung hăng. Chỉ là con Hạ lúc này buồn như thể mèo bị cắt tai lẽo đẽo theo Nam.
May rằng Nam cũng nhận thấy thế nên giọng hắn có hơi dịu lại.
"Nghe nè, giờ không phải là lúc em làm quấy được, nhỡ bệnh rồi thì vào thành lúc này không có thầy thuốc nào trị cho em đâu. Mình phải nghĩ xa chứ, chả lẽ không nhớ hồi em bệnh nó mệt người thế nào à."
"Vậy thì anh cũng không được nói em thế."
"Rồi, rồi, anh sai, được chưa. Giờ thì vào đình lẹ lên, mưa nó xối cho c·hết bây giờ."
Nghe ông anh nói đến thế thì con Hạ cũng hừ một tiếng, rồi cũng xem như hài lòng mà bước vào cái đình.
Mà theo sau bọn hắn còn có mấy người bị xối ướt, lại không kịp dựng lều nên chạy vào trú. Bọn họ nói thật thì khác với đám trẻ con vô lo vô nghĩ ngoài kia, chúng thì thỏa thích tắm mưa cho đã cái người, còn những vị trong đây thì cố làm sao cho mình khỏi ướt.
Cũng có một số người chờ sẵn trong đây để gặp Nam.
Như mẹ của Tí, bà Dậu đã ở trong đình chờ ông Đồ bà Đồ tới. Rồi khi mới trao đổi mấy câu với bà Huỳnh, bà Dậu vừa thấy Nam đã bước vội tới.
Cuộc trò chuyện của họ kỳ thực chóng vánh đến lạ kỳ. Vì bà Dậu chỉ hỏi Nam rằng:
"Con tao vào ký túc xá rồi phải không?."
"Phải." Nam đáp.
"Thế thì tao yên lòng."
Thế là xong xuôi. Bà Dậu cũng không để ý đến mưa mà bước luôn ra ngoài, dự là sẽ trú trong lều chứ không phải là trong đình.
Rồi hẳn là Nam sẽ có suy nghĩ về người đàn bà này theo cách kỳ lạ dài dài như không có một chuyện trong tương lai. Đó là vào một buổi tối nọ, sau khi bà mất. Tí sau khi khóc sưng cả mắt đã nói với hắn ta rằng cái thái độ chóng vánh thế của bà ta là vì chính bà cũng sợ.
Sinh ra ở cái nghề thợ săn, bà Dậu vốn cho mình là người thô lỗ. Còn Nam sinh ra trong nhà có học, thành ra khi hai đứa yêu nhau thì bản thân người đàn bà này sợ cái thói sỗ sàng của mình gây mất lòng Nam, từ đó ảnh hưởng đến bọn hắn.
Thế đấy, chả có gì phức tạp cả.