Để lừa bọn thủy phỉ mắc câu, đám người Lý Uân bèn ngụy trang thành đội ngũ thương nhân buôn bán. Sợ thủy phỉ không nắm được thông tin hoặc không chịu mắc câu, bọn họ còn tung tin từ sớm rằng phải vận chuyển một trăm nghìn thạch lương thảo đến Chương Châu để bán với giá cao, kiếm một khoản tiền bất chính từ chiến tranh.
Một số thủy phỉ có câu cửa miệng “ăn cướp chính nghĩa”, “trộm cướp cũng có đạo lý của trộm cướp” ghét nhất loại thương nhân này, đến lần nào cướp lần đó, cực kỳ dễ cắn câu.
Mới đầu Lý Uân còn hoang mang chưa hiểu thâm ý của Tề Khuông khi sắp xếp như vậy.
“Như vậy... Thật sự bọn chúng sẽ bị lừa ư?”
“Một trăm nghìn thạch lương thảo” thì “một trăm nghìn thạch lương thảo” đã đành, lại còn thêm câu “vận chuyển đến Chương Châu bán với giá cao” để làm gì?
Dương Tư chậc một tiếng, giễu cợt: “Chuyện này Hán Mỹ không hiểu rồi, cho dù là thủy phỉ, nói cho cùng vẫn là người, làm gì có người nào không sĩ diện hão chứ? Ăn cướp của dân thường không được lợi gì còn bị chửi chứ ăn cướp của thương nhân lòng dạ đen tối thì chẳng sao hết, ngược lại người ta còn cảm thấy mình là anh hùng đang ‘vì dân trừ hại’. Những tên ‘ăn cướp chính nghĩa’ kia thích nhất là chọn những thương nhân có tiền và danh tiếng xấu để ra tay, vừa được lợi lại vừa có tiếng thơm.”
Gã nói như vậy Lý Uân mới hiểu ra.
Nhưng mà...
“Ăn cướp thì vẫn là ăn cướp, bất kể người bị cướp làm nghề gì, đi trộm cướp thứ không thuộc về mình chính là phạm tội. Một đám trộm cướp lại còn cảm thấy mình ‘vì dân trừ hại’?” Hai đầu lông mày của Lý Uân nhíu lại đến mức có thể kẹp chết con muỗi: “Dù có mượn cớ gì đi nữa thì cũng chỉ là một tấm màn che để lấp liếʍ cái xấu mà thôi.”
Dương Tư cười thoải mái.
“Hán Mỹ nghĩ như vậy không sai, nhưng không thể ngăn được dân chúng bình thường dễ bị lừa gạt.”
Tề Khuông cũng phụ họa theo: “Quân sư nói đúng lắm, lưu vực Chương Châu quả thật có không ít người tự xưng là ‘ăn cướp chính nghĩa’, đặc biệt chỉ cướp tiền của thương nhân, khoác lác là ‘cướp của người giàu chia cho người nghèo’, bọn chúng ‘che chở’ cho ngư dân ở địa phương không bị lũ cướp ở nơi khác làm hại, vì vậy ngư dân chịu ơn bèn tôn sùng bọn chúng làm anh hùng, thậm chí còn có ngư dân chủ động đưa tin cho bọn thủy phỉ hoặc lập bia trường sinh cho lũ cướp trong nhà…”
Lý Uân lắc đầu: “Chuyện này quả thật hiếm gặp, người dân cũng quá dễ bị lừa.”