Luật Công Bằng

Chương 11




Mặc dù nói là tôi ‘không có tin tức’, nhưng mẹ tôi và Hứa Hân Duyệt vẫn phải đối mặt với vấn đề khó khăn kia -- tìm khoản thiếu 500.000 đặt cọc ở đâu?

Cắn răng mua thì phải nghĩ cách đi vay tiền. Không mua thì vi phạm hợp đồng, không những mất tiền cọc mà còn chịu tiền bồi thường vi phạm hợp đồng.

Với tính cách của Hứa Hân Duyệt, đương nhiên nó chọn cắn răng mua. Nó đúng là to gan. Trong quan niệm của nó, cho dù gây họa thì cũng luôn có người nhà đứng ra giải quyết tốt hậu quả. Hơn nữa, đã đăng lên vòng bạn bè, nói mà không làm thì sao nó cam tâm?



Sứt đầu mẻ trán tìm cách góp tiền, mẹ tôi và Hứa Hân Duyệt vẫn không quên đem chuyện tôi ‘nói không giữ lời’ truyền bá khắp nơi.

Ngay cả bạn tiểu học nhiều năm không liên lạc cũng nhắn wechat cho tôi.

“Hứa Thiến, cậu không giữ lời, em gái cậu ở nhà tôi khóc biết bao lâu. Cậu nói đưa tiền sao lại không cho mượn?”

Tôi nhận tất cả những lời mắng mỏ, quở trách này. Cuối cùng đã đến bước này, bây giờ họ càng thông cảm với Hứa Hân Duyệt, sau này sẽ càng thông cảm với tôi.

Sau khi chắc chắn mẹ tôi và Hứa Hân Duyệt đã trả xong tiền đặt cọc, tôi lại lần nữa quay về quê. Ngay từ khi bước chân vào khu nhà đã thu hút sự chú ý của mọi người.

Bước vào nhà, dù cửa đóng then cài nhưng tôi hiểu, hàng xóm trước sau đều vểnh tai lên nghe nhà tôi sẽ bùng nổ xung đột thế nào?

Hẳn là họ sẽ không thất vọng.



Hứa Hân Duyệt là người đầu tiên tức giận. “Chúng ta đã trả hết tiền đặt cọc rồi chị mới về? Sao mà về ‘sớm’ thế! Hứa Thiến, chị ở Thượng Hải nhưng không kiếm được nhiều tiền đúng không? Chị là đồ lừa đảo, hại tôi còn tưởng chị có nhiều tiền có thể giúp đỡ trong nhà! Kết quả không phải tôi với mẹ trơ mặt ra cầu ông xin bà đi vay tiền sao.”

Mẹ tôi tuy tức giận nhưng vẫn còn lý trí. “Mất bò mới lo làm chuồng cũng không tính là muộn, Thiến Thiến, bây giờ con lấy 500.000 ra, chúng ta đi trả lại tiền đã vay.”

Hai mẹ con đều nhìn chằm chằm túi xách tôi mang theo, mong chờ bên trong có thẻ ngân hàng có thể cấp cứu.

Tôi lại cười nhạt: “Nhà không có tên con, sao con phải trả tiền? Chẳng những không thể đưa tiền ra mà lần này con về là để đòi tiền. Căn nhà cũ là tài sản chung của cha mẹ, bán 300.000, trừ phần tài sản chung của mẹ thì còn 150.000. Ba chúng ta là hàng thừa kế thứ nhất, nếu chia đều thì con có thể được chia 50.000. Làm phiền mẹ đưa tiền cho con.”

Hứa Hân Duyệt dựng ngược mày liễu: “Hứa Thiến, mẹ còn sống mà chị đã tính toán chia gia sản?”

Lần này người rơi nước mắt là tôi.

Thật ra khóc rất dễ. Chỉ cần nghĩ lại khi còn nhỏ, ba mẹ thiên vị Hứa Hân Duyệt thế nào, coi thường tôi thế nào thì rất dễ để khóc ra. Những giọt nước mắt đó chỉ là chịu đựng nén lại, đến thời điểm thích hợp, nó sẽ tự chảy ra ngoài.

Tôi vừa khóc vừa nói: “Có thể con không còn sống được mấy năm nữa. Con được chẩn đoán mắc căn bệnh khó chữa, chỉ có thể uống một loại thuốc nhập để duy trì sự sống. Một tháng cần tới hơn 20.000…”

Tôi bày ra mấy tờ biên lai, hồ sơ bệnh án -- đủ để lừa gạt người bình thường -- khóc như hoa lê trong mưa.

“Mẹ, em giá, hai người không thể thấy chết mà không cứu đúng không?”