Luật Công Bằng

Chương 12




Mắt mẹ đỏ lên. Bà ngã phịch xuống ghế sofa, run run nói: “Sao lại thế, còn trẻ mà lại mắc bệnh này? Con đừng sợ, mẹ đập nồi bán sắt cũng phải cứu con.”

Tiếng khóc tôi ngừng lại một lúc. Nhưng người nhà đã quá nhiều lần làm tổn thương tôi, tôi không thể dễ dàng tin tưởng.

Tôi lau nước mắt, “Đập nồi bán sắt cũng phải trị cho con, mẹ nói thật sao, mẹ hủy hợp đồng đi.”

Mẹ rưng rưng gật đầu, Hứa Hân Duyệt vội la lên: “Chị, chị đừng liên lụy tôi! Không có nhà thì tôi với mẹ ở đâu? Hơn nữa còn tiền phạt vi phạm hợp đồng nữa.”

Mặt tôi vẫn sầu thương nhưng trong lòng đã thấy buồn cười.

“Chúng ta thương lượng với chủ nhà xem, có thể tránh hoặc giảm tiền vi phạm hợp đồng không. Còn thì mua căn nhà nhỏ cũng đủ ở.”



Hứa Hân Duyệt nhìn mẹ tôi, rồi lại nhìn tôi, miệng méo xệch, cũng bắt đầu rơi nước mắt. “Chị, chị yên tâm, cho dù chị có bệnh chết thì cũng còn em chăm sóc mẹ. Nhưng mà… người đi rồi, tiền tài cũng không mang theo được, chẳng phải rất đáng tiếc sao?

Mẹ tôi như bừng tỉnh. Bà nuốt nước miếng, do dự nói: “Em gái con nói cũng đúng. Thiến Thiến, có loại thuốc rẻ hơn không? Thuốc nhập khẩu chưa chắc đã tốt, không phải có phim gì nói thuốc Ấn Độ bào chế, hiệu quả như nhau đấy.”. truyện teen hay

Tình thân bạc bẽo đến dường này, thực ra không cần phải nói thêm gì nữa. Tôi cầm túi xách, giả vờ đau khổ quay người đi ra ngoài.

Vừa ra cửa đã đụng phải bác trai bác gái đi vào. Bác trai nhìn thấy tôi thì tươi cười: “Thiến Thiến, nghe nói cháu về, hai bác vội qua đây.”

Ngụ ý là đến giục tiền. Theo tôi biết, con trai bác gần đây cũng đang xem nhà, đương nhiên họ hy vọng mẹ tôi trả tiền càng sớm càng tốt. Tôi biết không chỉ có bác, còn có cô, dì, họ đều vì nghĩ tôi ‘có thể kiếm tiền’ nên mới cho mẹ tôi mượn tiền. Nếu không, dựa vào mức lương ‘công chức’ của Hứa Hân Duyệt thì làm sao nó trả lại được tiền?

Tôi ngước đôi mắt đỏ hoe, đầu tóc rũ rượi, nức nở nói: “Cháu phải về Thượng Hải.”

“Sao mới về đã vội đi?” Bác trai nhìn thấy sắc mặt tối đen của mẹ tôi trong phòng, kéo tôi vào nhà, “Hai mẹ con lại cãi nhau, có gì bất hòa thì nói, bác hòa giải cho.”

Tôi không chịu vào nhà, tránh khỏi tay bác muốn bỏ chạy. Khóa túi xách kéo không kín, rầm một cái, biên lai rơi vãi khắp sàn.

Bác gái nhặt lên, thấy kết quả chẩn đoán thì biến sắc: “Thiến Thiến, sao đột nhiên cháu…”

Bà ngập ngừng nhìn mẹ tôi: “Em dâu, tình hình nhà em thế này, đừng đổi nhà nữa. Tiền cọc đã trả rồi, thế chấp khó khăn vậy, giờ quan trọng là phải tiết kiệm tiền chữa bệnh cho Thiến Thiến.”



Mặt mẹ đỏ bừng, khó xử. Hứa Hân Duyệt lại bắt đầu khóc. “Nhưng mà… nếu có ngày chị muốn về quê tĩnh dưỡng thì nhà này chị cũng có thể ở mà.”

Nói tới nói lui cũng là không muốn bỏ ngôi nhà sắp mua được.

Bác gái giận đến run tay. “Duyệt Duyệt, cha mẹ cháu đúng là thương cháu uổng phí! Nó là chị ruột cháu đấy!”

Tôi giả vờ rộng lượng, dứt khoát nói: “Yên tâm, tôi không liên lụy mọi người. Tình cảm tình thân… cứ thế này mà cắt đứt đi. Cuộc đời của tôi, từ đây dựa vào chính mình.”

Ra ngoài cửa, ánh nắng chói chang chiếu nhức cả mắt. Vì vậy những giọt nước mắt này rơi, hẳn là không liên quan gì đến người nhà.

Rốt cuộc, tôi đã đạt được mục đích. Tôi biết, câu chuyện này sẽ từ từ truyền đến tai tất cả họ hàng thân thích.

Mẹ tôi, thà rằng mua nhà cho con gái út cũng không chữa bệnh cho con gái lớn, vậy thì tôi ‘đoạn tuyệt quan hệ mẹ con’, ai còn có thể chỉ trích tôi?

Con người luôn đồng cảm với kẻ yếu.

Trước đây, tôi là người chị mạnh mẽ hiếu thắng, vì vậy Hứa Hân Duyệt là ‘nạn nhân’ ngây thơ vô tội. Nhưng bây giờ, sự mạnh - yếu của tôi và nó đã xảy ra sự biến hóa ‘ nghiêng trời lệch đất’.

Vậy thì sự đồng cảm sẽ nghiêng về ai?

Tôi không phải là người sống trong lời đàm tiếu của người khác, nhưng Hứa Hân Duyệt thì có.

Chắc chắc nó không bao giờ tưởng tượng được, hơn 20 năm thiên vị từng li từng tí, cuối cùng có một ngày vượt khỏi tầm kiểm soát, phản tác dụng.

Trên đường về Thượng Hải, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của một người họ hàng xa bình thường không lui tới.

Người cô họ xa này nói: “Thiến Thiến, cô nghe nói cháu bị bệnh? Năm đó cháu dạy kèm giúp con gái cô nên con bé mới đậu chính quy. Tình nghĩa này chúng ta vẫn ghi nhớ. Gần đây con bé mới tốt nghiệp, mới về nhà làm việc. Nghe nói cháu bị bệnh, con bé khăng khăng chuyển hết tháng lương đầu tiên cho cháu. Cháu yên tâm chữa bệnh, đừng lo, y học giờ rất tiến bộ, có lẽ vài năm nữa sẽ có thuốc đặc trị.”

Trước kia kỳ nghỉ đông, nghỉ hè, tôi từng dạy kèm giúp rất nhiều con cháu họ hàng. Khi đó tôi chỉ thấy mệt mỏi với việc sắp xếp thời gian tùy tiện của ba mẹ, nhưng tôi không ngờ có người lại trân trọng công sức nhỏ bé của mình đến vậy. Có lẽ, vô tình gieo ‘nhân’, rất nhiều năm sau sẽ kết ‘quả’.

Tôi nén nước mắt, cảm ơn cô, cũng hứa chắc chắn sẽ sớm trả lại tiền.

Hơn nữa, tôi sẽ trả gấp đôi