Mọi Ưu Tiên Cho Em
Đức thoáng lộ vẻ chần chừ, đúng lúc cậu mở miệng định trả lời thì phía dưới sân đột nhiên vang lên tiếng hét ai oán, không phải chỉ từ 1, 2 người.
- Thằng phản quốc kia, mày đi ra đây, lớp mình thua rồi đó biết không?
- Tao biết ngay mà, lúc nào cũng vì gái bỏ bạn.
Ngay dưới sân trường là nhóm con trai A5 đang nhìn Đức với ánh mắt như có lửa vậy, đứa nào đứa đấy cũng mặc quần áo bóng đá, cả người lấm lem bùn đất, xa nữa là nhóm lớp tôi đang thu dọn đồ thảo luận rôm rả. Tôi lờ mờ đoán ra hai lớp vừa đấu một trận giao hữu nào đó, nhưng tại sao mọi người lại "tấn công" Minh Đức vậy nhỉ?
Tôi xâu chuỗi lại dòng ký ức, từ việc phía điện thoại của Đức đầy tiếng hỗn loạn, từ việc cậu chạy đến chỗ tôi với cả người nhễ nhại mồ hôi, từ việc lớp cậu lại phản ứng gay gắt đến vậy...
Đức đã bỏ trận bóng đó vì tôi sao?
Đám con trai chạy đến, tôi chưa kịp phản ứng đã thấy Đức đứng trước tôi, liên tục giải thích trước đám đông. Tôi thấy Đức lo quá bởi vì sẽ chẳng có ai làm gì tôi đâu, nhưng cánh tay cậu vòng ra sau tôi mỗi khi có người tiến gần chợt làm tôi xao xuyến quá đỗi. Tôi nhìn quanh, phát hiện ra Gia Khánh đang đứng gần đó nhìn tôi cười tít mắt. Thằng này là người bày trò kéo cả đội bóng đá đến đây biểu tình đúng không!?
- Khiếp thằng điên này! Tao kéo mày đi chứ có làm gì người yêu mày đâu mà che với chắn!
Một thằng lên tiếng khi thấy Đức phản ứng như bạn ấy sắp làm thịt tôi vậy. Đức bị bọn con trai kéo đi tập cho trận đấu sau, cậu ngoảnh đầu nhìn tôi, tôi mỉm cười xua tay, tầm mắt dừng lại nơi móc khóa Kaito Kid trên cặp cậu đang đung đưa không ngừng.
Cơ mà, hình như tôi vẫn chưa nghe được lý do cậu ấy thi vào trường này!
*
Ngày thi hùng biện lịch sử được tổ chức hoành tráng hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều, thậm chí là trở thành một phần trong ngày chào cờ đầu tuần hôm đó, trước sự có mặt của học sinh toàn trường và thông báo kết quả ngay lập tức. Theo lời cô hiệu trưởng, các học sinh nen được nghe để hiểu hơn về lịch sử cũng như có quan điểm rõ ràng và lập trường lý luận vững chắc. Việc sẽ phải thuyết trình trước hơn một nghìn con người khiến tôi phải uống thật nhiều nước để đè nén cảm giác hồi hộp, lòng bàn tay rịn đầy mồ hôi.
- Sao mà mặt nhăn mày nhó vậy Lam?
Cô Yến hỏi, tôi lắc đầu không đáp. Tôi đang nghĩ đến trường hợp bốc vào một chủ đề mà tôi không biết, dù đã bổ túc rất nhiều kiến thức và xem thuộc lòng chương trình Trường Teen rồi nhưng não tôi vẫn như đang đi chơi vậy.
"Tiếp theo, số báo danh 101038, em Dương Huỳnh Nguyệt Lam A1K39."
Tôi vén thật gọn tóc mái rồi nhẹ nhàng bước lên. Mở đầu cuộc thi là những câu hỏi thăm từ phía ban tổ chức, cô hiệu trưởng nhìn tôi cười hiền:
- Cô rất ấn tượng vì ban nãy em cúi đầu đến tận 90 độ chào khán giả, không biết những ngày đầu tiên ở trường mới đối với em thế nào?
Tôi điều chỉnh nhịp thở và bắt đầu kể lại những bài học, những con người và kỉ niệm mà tôi đã có trong hơn 3 tháng qua. Ánh mắt tôi vô tình chạm vào Đức, cậu ấy ngồi ở hàng đầu tiên, mắt nheo lại, nụ cười ấy khiến tôi biết cậu đang muốn cổ vũ tôi. Tôi hít vào một hơi và thấy bản thân đã không còn hoảng sợ nữa.
Đến phần thi chính, tôi phân vân một hồi rồi chọn một mẩu giấy màu xanh lam, từ từ mở ra.
"Trong tình hình 'cách mạng màu' đang trở thành tâm điểm của sự chú ý, có nhiều người đã lên tiếng vạch trần những phát ngôn/lý luận sai lầm để dập tắt âm mưu chống phá trước khi nó kịp manh nha. Một vài ý kiến cho rằng không nên quá khắt khe và lúc nào cũng sợ 'cách mạng màu', vì nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ có khả năng tiếp cận dư luận sẽ không dám làm những chủ đề về lịch sử nữa. Anh/chị hãy nêu quan điểm về ý kiến này. Thời gian hùng biện: 50 phút."
Tôi dùng 5 phút đầu tiên để xử lý thông tin và lập dàn ý những thứ cần trình bày trong đầu. Lần đầu tiên, tôi thấy mình giữ được bình tĩnh trước cuộc thi lớn.
- Thưa ban giám khảo và quý vị khán giả. Đầu tiên và quan trọng nhất, tôi xin được khẳng định rằng ý kiến "không nên quá khắt khe với những nội dung bàn luận về lịch sử" là hoàn toàn sai. Trước nhất, ta sẽ đi vào tìm hiểu khái niệm về cách mạng màu, nó xuất hiện ở đâu, do ai thực hiện, thực hiện như thế nào và ta phải nhận biết nó thế nào. Khái niệm về cách mạng màu được đăng trên báo Tổ Quốc Việt Nam đã ghi rõ rằng...
Tôi dành gần hai mươi phút giúp mọi người hiểu thật rõ về khái niệm của "cách mạng màu" và hình thức tồn tại của nó rồi dẫn dắt đến vấn đề chính, rằng chúng nguy hiểm đến cỡ nào nếu ta không dập tắt kịp thời trước khi chúng nhen nhóm, một vài quốc gia đã bị "cách mạng màu" tẩy não như thế nào. Vì vậy, nếu không khắt khe và tỉnh táo thì ta sẽ bị các thế lực ngoài kia xâu xé ra sao. Bài hùng biện của tôi kết thúc đúng phút thứ 49. Tiếng vỗ tay và vài lời nhận xét được cất lên, sau đó là phần đặt câu hỏi từ khác giả.
- Mình có thắc mắc.
Tất cả mọi người đều đồng loạt ngước nhìn người vừa đứng lên, tôi cũng bị sững sờ đôi chút. Cậu ấy nhận mic từ cô bí thư, nhẹ nhàng nói:
- Như luận điểm thứ ba mà bạn nói thì "cách mạng màu" được cài cắm vô cùng tinh vi từ những bài đăng mang vẻ ngoài là ca tụng tình yêu nước, tinh vi đến mức những người bình thường khó có thể nhận ra. Vậy thì chúng mình phải làm cách nào để đối phó với chúng? Và có người cho rằng phương pháp mà "cách mạng màu" chuyển hướng dư luận cũng rất khó nắm bắt, vậy chúng mình có thể mặc kệ nó vì chúng mình đâu nhận ra, đúng không?
Tiếng xì xào vang lên, tôi ghi nhận câu hỏi, đáp:
- Đúng như bạn nói rằng cách mạng màu cực kỳ khó phát hiện. Cách mạng màu tồn tại dưới rất nhiều hình thức và vô cùng tinh vi. Để nhận biết, mình đã tìm hiểu và khám phá ra một motip mà chúng thường dùng thế này. Một bài đăng cách mạng màu sẽ mở đầu bằng một câu ca ngợi để người xem mất cảnh giác, những bài gắn mác tranh biện lịch sử ấy sẽ không bịa đặt tất cả, mười điều mà họ nói sẽ có đến chín điều là thật, một điều giả còn lại có thể sẽ không mấy ảnh hưởng. Nhưng nếu ta đọc mười bài như thế, những nhận thức sai của ta sẽ lên đến mười điều và dần hình thành tư tưởng sai lệch, nhất là với những người chưa có quan điểm chính trị rõ ràng.
Tôi ngừng một hồi để lấy hơi, nói tiếp:
- Vì vậy, nói "mặc kệ cách mạng màu" hay "đừng quá khắt khe" đều sẽ tạo cơ hội cho những thế lực chống phá và phản động tay sai được nước làm tới, cuối cùng biến chính dân ta thành lực lượng chống phá và biểu tình vì những suy nghĩ sai lệch. Và cách mạng màu cũng có từng bước phát triển, giai đoạn đầu có thể rất khó phát hiện ra, nhưng chúng sẽ càng ngày càng lộ liễu hơn khi đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất, vì vậy nhận thức được điểm bất thường và giải quyết nó trước khi quá muộn là trách nhiệm của mọi công dân, kể cả học sinh. "Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải sự thật", các trang mạng phân tích và chống phá cách mạng màu đang phát triển rất nhiều, mình tin chỉ cần có lòng yêu nước thì ta sẽ nhận diện được những điều vô lý mà những tên thực hiện cách mạng màu chia sẻ.
Sau khi trình bày xong, tôi hỏi Minh Đức rằng cậu ấy có thắc mắc gì nữa không. Đức trả lời không và nheo mắt cười, nụ cười ấy làm tôi nhận ra không phải tự nhiên Đức lại đặt câu hỏi như vậy.
Trong những lời xôn xao rằng Đức đang cố tình hỏi vặn để làm khó tôi, rằng giữa chúng tôi đang xảy ra vấn đề gì đó. Chỉ có tôi biết, bài hùng biện vừa rồi có lẽ vẫn chưa đủ chặt chẽ để thuyết phục ban giám khảo vì thời gian của tôi quá ngắn. Cậu ấy đã cố tình đặt một câu hỏi nan giải phải phân tích từ nhiều chiều hướng để tôi có cơ hội thể hiện rõ góc nhìn cá nhân và tư duy lập luận của mình hơn. Nhìn ánh mắt hài lòng từ ban giám khảo, tôi chỉ muốn nhảy xuống mà nói rằng "cảm ơn cậu nhé, tớ quý cậu đến chết mất thôi!"
Tôi kết thúc phần thi và cúi đầu chào khán giả, sau cánh đài, cô Yến và mọi người liên tục dành lời khen làm tôi ngượng chín mặt mày.
- Thế này thì nhất định phải học tuyển tỉnh đấy Lam nhé.
- Vâng ạ. - Tôi đáp.
Thùy Linh đang luyện tập để chuẩn bị cho vòng thi của mình cũng hóng hớt:
- Không biết Đặng Đức chọn tuyển nào nhỉ?
Ngọc Hân A5 góp vui:
- Hôm qua tớ thầy thầy Nguyên hẹn bạn ấy ra nói chuyện riêng ấy, lâu lắm. Tớ nghĩ là thầy đang muốn thuyết phục bạn ấy sang tuyển lý, môn của thầy mà.
Vì thông tin ấy mà mọi người xôn xao nháo nhào bàn tán, cô Yến bất mãn:
- Thế thì cô phải kéo lại bạn ấy sang tuyển sử, không được để thầy Nguyên thắng!
Chúng tôi cười bò, tôi thu dọn đồ đạc rồi về sân để xem tiếp những phần thi còn lại. Vì đã muộn nên hầu như mọi người đều túm tụm đứng quanh sân khấu mà không ngồi theo hàng lớp nữa, tôi ngó nghiêng một hồi, đột nhiên hai mắt bị bàn tay của ai đó bịt lại.
- Nguyệt Lam hôm này ngầu ghê ta!
Tôi cười, cậu ấy học cái kiểu nhận xét đó của cô Mai từ bao giờ không biết.
- Nhờ có cậu đấy. - Tôi đáp. - Cậu mang áo dài đi luôn à, mà cũng phải nhỉ, bắt đầu lạnh rồi.
- Ừ. - Đức đáp. - Cậu muốn mặc không?
- ...
Tôi có cảm giác mình vừa bị mất khả năng nghe hiểu trong vài giây, vẻ ngố tàu đó làm Đức phì cười.
- Muốn không?
Tôi buột miệng thì thầm:
- Có.
Và chiếc áo màu xanh lam đó thật sự được mặc trên người tôi.
Tôi cúi xuống vờ như buộc dây giày để ngửi mùi nước xả vải dìu dịu, trống ngực đập thình thịch liên hồi tưởng loạn. Cậu ấy đứng phía sau, bàn tay đặt hờ hững trên vai tôi nghịch nghịch những lọn tóc rối.
"Và sau đây là kết quả của tốp năm người đạt giải cao nhất cuộc thi 'Hùng biện lịch sử - bảo tồn giá trị Việt' cũng như công bố các thành viên chính thức của câu lạc bộ lịch sử trường trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ - Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh."
Tôi hồi hộp đứng thẳng người, những cái tên lần lượt được vang lên. Đã qua ba người rồi nhưng vẫn chưa có tên tôi.
- Hình như tớ bị loại rồi. - Tôi nói, cố nhấn chìm đi sự hụt hẫng đè nén.
Đức nhìn tôi:
- Cậu chẳng tự tin chút nào cả, đã công bố giải nhất và giải nhì đâu?
- Tớ biết tự lượng sức mình mà. - Tôi đáp. - Nếu không phải tốp ba thì chắc là bị loại rồi ấy.
Đúng lúc đó, trên bục giảng hô vang:
- Và giải nhất với số điểm 136/150 thuộc về bạn Dương Huỳnh Nguyệt Lam với phần thi hùng biện về nhận thức cách mạng màu!
Tôi ước thời gian có thể chậm lại thêm chút nữa, tôi ước tôi có thể nhìn thấy dáng vẻ hạnh phúc và sự vỡ òa của tôi lúc này.
- Thấy chưa? - Đức thì thầm bên vành tai đỏ ửng của tôi.
Người dẫn chương trình gọi tên tôi lần nữa. Tôi hoàn hồn chạy lên bục nhận giải, từng tích tắc như bị một bàn tay vặn chậm lại, đến mức tôi có thể nhìn thấy mọi thứ một cách rõ ràng nhất. Rõ là mùa đông đã đến, vậy mà tôi lại thấy ấm áp lạ lùng. Mọi thứ hoàn hảo đến nỗi tôi tưởng mình đang lạc trong một cơn mộng mị không lối thoát nào đó.
- Ê cái áo con bé Lam quen lắm nhé!
Trở về lớp, Kiều Trang mở miệng thắc mắc. Tôi chợt nhận ra nãy giờ chẳng biết đầu óc bay đến tận phương nào mà quên không trả lại Đức. Thảm rồi! Tôi thầm kêu lên và mong sẽ không có ai nhận ra "quen" ở đây là quen thế nào.
- Á à. - Vi reo lên như trúng số. - Tao vừa thấy Đức mặc một cái áo y chang nhé! Lộ hết rồi.
Mọi người được đà trêu chọc mặc cho tôi giải thích rát cổ bỏng họng, Thùy Linh đột nhiên nhìn chăm chăm vào cái áo:
- Ê đây là áo sweater mà?
- Ừ nhỉ! - Trang đáp. Hôm nay lại là ngày 3 tháng 12 nữa chứ.
Tôi thắc mắc:
- Ngày 3 tháng 12 thì sao?
- Là lời bài hát Heather đó! - Vi đáp. - Cái gì ta, "I still remember, third of December, me in your sweater".*
*Bài hát Heather: Conan Gray
- Đang tỏ tình chứ còn gì nữa! - Trang khẳng định chắc nịch.
Tôi cuống quýt khua chân múa tay phản đối, bỗng nhiên nhớ ra triết lý càng chối chúng nó sẽ càng nghi, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Có điều, hình như bồ hòn này vốn đã ngọt sẵn.
Cuối giờ, tôi nhờ Khánh Việt trả áo giúp, nó cong mắt trêu chọc một hồi nhưng cũng đồng ý. Lúc đưa áo cho Việt, có thứ gì đó từ chiếc áo rơi ra. Tôi nhanh chóng giẫm lên để Việt không nhận ra. Phi như bay xuống dưới tán cây bằng vắng người, tôi thổi sạch bụi rồi đọc ngấu nghiến từng chữ.
"I am very pround of you."
Tiếng giò xào xạc khẽ vờn bên tai, tôi bỗng nhận ra có thứ gì đó trong mình đang dần thay đổi.