Mùa hè của chúng tôi cứ thế trôi qua đầy yên bình, đôi khi có những trò hờn dỗi trẻ con. Đầu tháng tám, chúng tôi quay trở lại với việc học thêm và chuẩn bị cho năm học mới, điểm đáng chú ý nhất trong thời gian đó lại là điều mà tôi ấn tượng nhất trong cả ba tháng ve kêu.
Khi mà đột nhiên cậu trả lời tin nhắn của tôi chậm hơn, nội dung cũng ngắn hơn, thậm chí cậu còn quên cả lịch học thêm, điều mà trước đây chưa bao giờ có. Một tối ở công viên, tôi thấy Đức chẳng tập trung chút nào vào câu chuyện của tôi. Tôi liên tục bắt gặp ánh mắt cậu ấy nhìn về một hướng xa xăm, tôi ngập ngừng:
- Cậu có chuyện gì à?
Đức như bừng tỉnh khỏi dòng suy nghĩ miên man, cậu lắc đầu. Tôi cũng không dám gặng hỏi khi cậu ấy không muón nói. Tôi lờ mờ đoán ra Đức đang gặp chuyện gia đình, mà chuyện gia đình là một thứ không phải cứ muốn là có thể chia sẻ. Tôi không hiểu người khác có quan điểm thế nào, nhưng với tôi, việc không kể chuyện gia đình cho người yêu chẳng có gì đáng trách cả. Vấn đề nằm ở đối phương có muốn chia sẻ hay không, và chuyện đó có nhất thiết phải chia sẻ hay không.
Có những chuyện, chỉ thành viên trong nhà biết cũng đã đủ khiến những người đó cảnh giác nghi ngờ lẫn nhau. Nhưng tôi không muốn Đức của tôi mang vẻ u ám kìm nén thế này, tôi đưa hai tay lên má Đức, ép cậu phải nhìn tôi.
- Tớ không muốn cậu giấu tâm trạng của mình với tớ đâu. Tớ có thể không cần biết cậu gặp chuyện gì, nhưng cậu phải cho tớ biết cậu cảm thấy thế nào.
Vẻ nghiêm túc quá mức đó của tôi khiến Đức phì cười đầy mệt nhọc. Ánh mắt cậu cong lên như thường ngày, nhưng nó phảng phất những ưu tư mà tôi không thể lý giải được. Đức giúp tôi thoát khỏi vỏ bọc mình tự tạo ra, nhưng dường như chính cậu và tôi cũng bị ngăn cách bởi một bức tường hữu hình trong suốt. Không, tôi không muốn thế này.
- Cậu có nghe tớ nói không?
Tôi hỏi, thấy giọng mình nghẹn đi đôi chút. Có gì đó trong tôi đang gào thét, tôi bỗng nhiên thấy sợ hãi, thấy lo lắng một cách khó hiểu. Tôi không biết giải quyết vấn đề thế nào cho hợp lý, tôi thấy lòng mình tan nát khi nhận ra Đức đang né tránh cái nhìn của tôi.
Hai tay tôi buông lỏng, chưa trượt xuống đã bị Đức giữ lấy. Cậu vùi mặt vào hai lòng bàn tay tôi, chiếc vòng tay Đức tặng bị cậu tì vào đau nhói. Đức như chợt nhận ra, liền hạ thấp bàn tay cậu xuống khỏi cổ tay tôi. Tôi không kịp làm gì, không kịp nói gì, Đức kéo tôi vào người cậu. Lần thứ hai, tôi thấy Đức vùi đầu xuống hõm vai tôi.
Tim tôi đập loạn. Tôi cảm nhận mái tóc mềm mại của Đức trên da tôi, mùi hương xả vải nhẹ nhẹ của cậu phảng phất quanh chóp mũi tôi. Tối cúi xuống muốn nói gì đó, lại nghe thấy tiếng Đức phát ra trầm ấm:
- Cho tớ thời gian, được không?
Tôi vội giải thích:
- Nếu là chuyện gia đình thì tớ không cần đâu. Ý tớ là, tất nhiên tớ vẫn mong tớ đủ tin tưởng với cậu, nhưng tớ không ép buộc gì chuyện ấy cả. Cái tớ muốn nghe là tinh thần của cậu cơ, cậu cảm thấy thế nào, có ổn không, có mệt không chẳng hạn. Cậu có thể cho tớ biết không?
Tôi không hiểu câu nói của mình có gì hài hước đến mức Đức cười rung cả người lên như thế, cậu bỗng nhiên rời khỏi, vai tôi, tôi nhìn vào mắt Đức, nhận ra hai con ngươi của cậu đỏ hoe.
- Cậu đừng như thế nữa.
Tôi khó hiểu nhìn Đức, cậu xoa thứ gì đó trên cổ tay tôi, tôi nhận ra đó là những vết hằn từ chiếc vòng bạc. Đức nhìn lại tôi, tôi không thể đoán được ý nghĩa trong cái nhìn đó.
- Đừng khiến tớ thích cậu nhiều như thế này nữa.
Đức nheo mắt cười, tôi lại bối rối trốn tránh. Ừ, hầu như lúc nào phản ứng của tôi cũng thế. Đức hôn vào lòng bàn tay tôi, cậu trấn an nỗi lo lắng của tôi chỉ trong một câu nói.
- Đợi vài hôm nữa, tớ sẽ nói hết mọi thứ. Vậy nên dừng ngay cái suy nghĩ "mình không quan trọng" hay "mình không đủ tin tưởng" đi. Lam có muốn biết cậu quan trọng thế nào với tớ không?
Tôi giật mình rụt tay lại. Bên tai vẫn vang lên tiếng nói của Đức, cậu nói ngày mai phải lên Hà Nội.
- Hà Nội á? Cậu có chuyện gì trên đó à?
Đức lặp lại câu chờ tớ vài hôm nữa, tôi cũng không hỏi thêm. Sáng sớm hôm đó, cậu gửi tin nhắn nói đang rời Uông Bí, khoảng 3 tiếng nữa đến nơi cậu sẽ nhắn tin. Vậy mà Đức lại bắt tôi chờ suốt 80 tiếng dài đằng đẵng.
Những giờ đầu tiên không thấy Đức trả lời, tôi chỉ nghĩ cậu có lẽ mệt quá nên ngủ quên mất. Vậy mà 8 tiếng, 9 tiếng trôi qua vẫn không thấy Đức đâu, lòng tôi bắt đầu dấy lên một nỗi lo lắng mơ hồ. Đỉnh điểm là khi thấy tài khoản của cậu hiện lên dòng "đã hoạt động 10 phút trước" nhưng tin nhắn của tôi vẫn chưa được đọc, tôi không thể chịu đựng thêm nữa.
Mọi lời cam kết, mọi lời đảm bảo của Đức chẳng còn chút tác dụng nào. Tôi đột nhiên lo sợ, tôi sợ hãi về tất cả mọi thứ, tôi nghĩ đến cả những chuyện vô lý nhất có thể xảy ra. Chạy sang nhà Đức, cánh cổng lớn bị khóa kín.
Hai ngày trôi qua, tôi bắt đầu lo lắng không biết Đức đã gặp chuyện gì, hay là cậu bị làm sao, hay là Đức thấy chán tôi, hay là cậu không muốn gặp tôi nữa, liệu tôi có làm gì sai hay không. Hàng trăm câu hỏi cứ điên cuồng giằng xé, những cảm xúc trước kia mà Đức kéo tôi ra bị sự im lặng của cậu đẩy vào lần nữa. Không, đáng ra tôi nên bình tĩnh, tôi nên chững chạc nhìn nhận vấn đề, nhưng tôi không làm được.
Tôi gần như đã hỏi mọi nơi có thể hỏi, đến mọi nơi có thể đến. Tôi tìm mọi cách để liên lạc, lo lắng đến mức khóc ướt đẫm cả một mảng gối. Thấy tôi ngồi trên lớp với cặp mặt thâm quầng sưng húp, Vi đột nhiên chủ động tìm tôi nói chuyện.
Tôi như với được cọng rơm cứu mạng. Thật ra tôi đã nghĩ đến việc hỏi Vi từ lâu, là họ hàng có lẽ Vi sẽ biết có chuyện gì, nhưng tôi không dám vì tôi sợ Vi hoặc Đức nghĩ rằng tôi đang kiểm soát Đức quá đà. Đứng cạnh tôi, Vi chủ động mở lời:
- Mày muốn nghe từ đâu?
Tôi cố gắng không để lộ ra mình đang rất thèm khát thông tin từ Vi, đáp:
- Tao muốn nghe từ đầu, tao không biết chuyện gì đang xảy ra cả.
Vi nghiền ngẫm một hồi như đang xâu chuỗi lại các sự kiện.
- Trước đây cô Trang từng có một đời chồng, Đức có kể cho mày không?
Tôi lắc đầu, tôi chợt nhận ra hình như tôi chẳng biết gì về thế giới của cậu ấy cả.
- Vậy Đức là con của cô Trang với chồng cũ à? - Tôi hỏi.
- Không. - Vi lắc đầu. - Cô Trang sang nước Đức làm sau khi ly hôn mới gặp chú Trung, Minh Đức chưa bao giờ gặp người chồng cũ của mẹ cả.
Tôi im lặng chờ Vi nói tiếp.
- Tao cũng chỉ nghe mẹ kể lại thôi, chồng cũ của cô vũ phu lắm, cô không chịu được nên mới đơn phương ly hôn. Chuyện cũng 17 18 năm, hôm trước người ở quê báo mẹ chồng cũ của gì bệnh nặng lắm rồi, các bác mới khuyên cô nên đi dự đám tang. Vì bà ngày xưa tốt với cô lắm, không còn tình thì vẫn còn nghĩa.
Tôi mơ hồ nhận ra điều gì đó, Vi liền gật đầu:
- Chú Trung tất nhiên không đồng ý, hai người cãi nhau to lắm nên Đức cũng bị ảnh hưởng nhiều. Đến ngày bà mất thật thì chú Trung lại có việc đi công tác, Đức thấy lo nên đi cùng mẹ lên Hà Nội. Ông già kia thấy cô Trang với đứa con mới thì nổi xung lên, giữa ban ngày ban mặt muốn đánh cô để đuổi cô về, cầm cái khay nhôm ném thắng vào người dì, xong rồi... - Vi đột nhiên ngập ngừng. - Đức đứng ra chắn cho mẹ.
Tôi lặng đi. Tim tôi như bị ai bóp nghẹt đến không thể thở nổi. Tôi không biết mình đã phải cố gắng thế nào để tỏ ra bình thường trước mặt Vi. Tôi nhắm chặt mắt, từng lời của Vi vẫn văng vẳng bên tai, như một lưỡi dao sắc nhọn cứa sâu vào da thịt tôi.
- Cô Trang thì không sao thật, nhưng Đức bị cái khay đó văng trúng đầu. Mọi người xung quanh không kịp phản ứng, chỉ thấy Đức ôm trán, máu chảy ròng ròng luôn ấy. Mày biết Đức bị chứng sợ máu mà, nó không chịu nổi đâu, nhìn thấy vài giọt đã sắp ngất đến nơi chứ nói gì lúc đó. Cô thì khóc toáng lên, chẳng kịp chửi ông kia mà vội vã bắt xe đưa con đi bệnh viện, khâu hơn 4 mũi thì phải.
Mọi suy nghĩ đều trở nên tê liệt, tôi thấy cảm xúc của mình cứ thay đổi xoành xoạch. Tôi thấy rất hổ thẹn khi đã nghi ngờ Đức toàn những điều không đâu. Tôi không dám tưởng tượng nếu Đức biết tôi đã nghĩ những gì về cậu trong những ngày qua thì cậu ấy sẽ cảm thấy thế nào. Tôi thấy mình thật xấu tính, nếu đã không tin tưởng thì yêu nhau làm gì?
Tiếng Vi kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ miên man:
- Bà ngoại tao kể lúc gọi điện cô khóc nhiều lắm, tại Đức sau đấy cứ lầm lì chẳng nói gì, còn bị chấn động não nữa, ai làm mẹ mà chẳng sót.
Tôi hỏi, thấy giọng mình như tan vào thinh không.
- Thế giờ Đức như nào rồi?
Vi trả lời đầy mơ hồ:
- Hình như trên đấy bão nên chưa về ngay được. Mày yên tâm, sẽ ổn cả thôi.
Tôi lặng im không đáp, Vi lại ngập ngừng:
- Mày có giận Đức không? Tao nói cái này không phải tao bênh vì nó là anh họ tao đâu nhé. Ý tao là...
- Không. - Tôi ngắt lời Vi, vội vã cúi xuống để giấu đi đôi mắt dần đỏ quạch. - Tao không giận đâu.
Làm sao mà tôi có thể giận Đức được? Lần thứ N trong năm, tôi thấy mình chẳng khác nào đứa con gái ích kỷ vô tâm. Tôi không thể kể xiết những gì cậu ấy đã làm cho tôi, tôi cứ vin vào những gì mình phải trải qua rồi hợp lý hóa mình lúc nào cũng bị ám ảnh quá khứ mà bắt cậu ấy phải chấp nhận con người tiêu cực của tôi, vậy mà Đức vẫn chẳng oán thoán một lời. Hóa ra cậu ấy cũng phải chịu những tổn thương chẳng kém gì tôi, chỉ là cậu ấy không nói.
Tôi đã vô tình quên mất rằng, dù có vẻ bề ngoại chững chạc và già trước tuổi bao nhiêu đi chăng nữa chì chúng tôi cũng chỉ là những đứa trẻ đang tập lớn mà thôi.
Tôi khao khát đến phát điên muốn được nhìn thấy Đức, muốn được ôm chặt Đức, muốn hỏi rốt cuộc cậu ấy đã phải trải qua những gì. Và tôi nhận ra, hình như tôi đã thất bại trong việc đứng yên trong vòng an toàn của mình, hình như tôi đã thích Đức quá nhiều, ngay trước cả khi tôi kịp nhận ra.
Ngày thứ ba, rồi ngày thứ bốn trôi qua. Tôi sống trong sự dày vò bức bối, lúc nào cũng kè kè canh me điện thoại rồi lại chán nản vất xuống giường, tôi vẫn rất buồn, nhưng không còn khóc nữa.
Đêm ngày thứ bốn, đúng 10 giờ tối, tôi đang nằm ngẩn ngơ nhìn lên trên nhà thì máy báo có cuộc gọi tới, tôi lười biếng không muốn nhấc, nó kêu lần thứ hai, tôi lần tìm trong mớ chăn bùng nhùng. Một giây, hai giây, toàn thân tôi như đông cứng nhìn chăm chăm vào màn hình điện thoại, còn tự tát mình mấy cái. Giây thứ ba, tôi vội vã đứng bật dậy nhấn nút nghe.
Tôi cố kìm nén không mở lời trước, nghe loáng thoáng ở đầu dây bên kia có tiếng chìa khóa va vào nhau lách cách, sau đó là giọng nói khàn khàn:
"Tớ đây."
Chỉ cần hai chữ, tôi liền nghe thấy tiếng nấc bật ra khỏi cổ họng. Tôi nghe thấy Đức như đang chững lại mọi động tác, cậu liên tục nói gì đó nhưng đều bị tiếng khóc của tôi át đi. Tôi chẳng sợ bị bác Minh nghe thấy nữa, tôi không biết tôi đang giận Đức cứ âm thầm chịu đựng hay giận tôi không đủ tinh ý để phát hiện ra, tôi cứ khóc, đến mức Đức gần như hét lên ở đầu dây bên kia bắt tôi phải dừng lại.
"Cậu đang ở nhà à?"
Giọng nói gấp gáp của Đức chợt khiến tôi bình tĩnh đôi chút, nhớ ra đã muộn, tôi hoảng hốt ngăn Đức lại: "Này đừng có sang, biết mấy g..."
"Cậu đợi tớ."