Chương 100: Thử lửa
Trăng treo đỉnh đầu, gió thu se lạnh.
Đã sát giờ Tý, Trần Bạch Hoàng sóng vai đưa Đàm Thu Giang về lại xóm nhỏ ven đầm. Trời khuya đêm muộn đối với Trần Bạch Hoàng cũng chẳng phải chuyện đáng ngại, y đã quá quen với kiểu sinh hoạt này, dù sao hằng ngày hắn cũng đi tẩu thung, luyện công luyện võ đến quá giờ Tý mới ngả lưng nghỉ ngơi...
Thế nhân nói Bát Vương Thành hằng đêm rất náo nhiệt, tuy nhiên sự náo nhiệt ấy cũng chỉ xuất hiện ở sâu trong nội thành. Khu vực rìa trường thành có chút tĩnh mịch hơn khi đêm xuống. Lúc này, Trần Bạch Hoàng đã đưa Đàm Thu Giang đi qua cây cầu đá ở Nam Vương Môn, chỉ cách xóm nghèo kia một đoạn đường gạch nung nữa là đến. Qua đoạn đường gạch nung, ấy chính là xóm nghèo.
Đường về hai bên đã treo nhiều đèn lồng đỏ, tuy có chút vắng lặng xong lại khiến cho người ta cảm giác bình an ở trong lòng. Thực ra, bất kể là phố người giàu hay thôn trang của kẻ nghèo, mọi nơi đều được treo đèn lồng. Riêng với khu xóm nghèo, nghe nói có một vị vương gia trong thành đứng ra làm 'Mạnh Thường Quân' bỏ bạc mua sắm trang trí cho xóm nghèo, đồng thời cũng cấp cho xóm đó mấy chục thạch gạo làm quà trung thu. Mọi năm, theo lẽ dĩ nhiên thì chỉ có những kẻ ăn ở thâm căn cố đế, có tên trong sổ đinh của thành mới được cho gạo mà thôi, còn những cánh dân ngụ cư chắc chắn không được hưởng cái diễm phúc ấy. Chẳng ngờ, năm nay vị vương gia kia lại hào phóng đối đãi với xóm ven đầm của Đàm Thu Giang không tệ, mặc dù chỉ là xóm của dân ngụ cư nhưng gạo muối cùng đồ trang trí cũng không thiếu.
" Nghe nói Tết năm nay cũng chính là lễ mừng hạ thọ của Nhất Tiền Thiên Vương – Tiền Trang, cũng là dịp đánh dấu hai mươi năm Bát Vương Thành vững gót nơi đây. Việc các vị vương gia hào phóng hơn thói thường cũng không có gì lạ." – Trần Bạch Hoàng nhìn nhận hai bên đường cảm thán.
Đàm Thu Giang lắc đầu cười nói: "Huynh mới đến nên có lẽ còn chưa quen thuộc. Mọi người đều nói Tiền Thiên Vương là một lão gia hỏa keo kiệt, bo bo giữ mình. Những chuyện tốn vàng tốn bạc như thế này lão sẽ chẳng bao giờ muốn làm. Chuyện tặng đèn lông trang trí ở xóm nghèo đối với y tựa như chỉ là việc ném tiền qua cửa sổ, chả khác nào tô son phấn cho người đ·ã c·hết, là chuyện phí phạm mà thôi."
Trần Bạch Hoàng có điều thắc mắc, quay sang hỏi: "Thế nhưng y là thành chủ, không có sự chấp thuận của y, ai dám vung tiền như vậy?"
Đàm Thu Giang lắc đầu, cười nói với giọng mỉa mai: "Tuy nói Tiền Trang là thành chủ, nhưng những việc lặt vặt như vậy y cũng không quá để ý, cũng không quá bài xích ý kiến của các huynh đệ mình. Hơn nữa ý tưởng này nghe nói là của vị lục vương gia - Lục Kiếp Hiền Vương, Kiếp Cổ Kim. Vị vương gia ấy cũng là một người tài, lợi dụng những dịp như vậy phô trương sự uy tín, hào sảng và thịnh vượng của vương thành với người thiên hạ, từ đó nhiều khách thương thập phương sẽ nô nức đổ về đây mà làm ăn, chút bạc từ thiện kia lúc đó chẳng đáng một sợi lông trâu so với lợi nhuận mà vương thành thu lại sao. Bỏ một mà được trăm được ngàn, chuyện tốt như vậy, Tiền Trang dẫu có keo kiệt đến đâu cũng chẳng nỡ mà từ chối."
Nghe Đàm Thu Giang nói, Trần Bạch Hoàng như được mở mang tầm mắt, đồng thời cũng thán phục tiểu cô nương bên cạnh mình đến sát đất. Trong mắt hắn, một thiếu nữ tuổi mươi hai mười ba có thể đánh giá sự việc như vậy thì không thể nào là người tầm thường được.
" Thu Giang, muội thật giỏi. Có thể nhìn nhận được sâu xa như vậy, không nhiều người lão làng có thể làm được."
Đàm Thu Giang lắc đầu, cười nhạt, có chút chua chát: "Không có gì đặc biệt. Ta sinh ra trong một nhà buôn, từ bé đã được cha dạy bảo tính toán, cũng học qua mánh khóe nhà buôn. Những chuyện này đối với người trong nghề cũng không có gì đặc biệt. Nếu không phải,… Thôi, không nhắc lại."
Trần Bạch Hoàng hiểu tâm trạng của tiểu cô nương, cũng không muốn gợi lên nhiều chuyện đau buồn cho nàng, vì thế cũng chỉ gật gù rồi im lặng.
Có vẻ như quá xúc động, Đàm Thu Giang cười hận, ánh mắt long song sọc, nàng đưa tay xoa vết sẹo đang nhăn lên trên má: "Năm đó nếu không phải bị Tiền Trang lão thất phu ức h·iếp chuyện làm ăn, gia đình ta sao lại phải lang bạt đến cái trốn thị phi, để rồi trong cảnh loạn người mất nhà tan. Hừ, hi vọng lão sống không quá cái hạ thọ này."
Trần Bạch Hoàng từ bé đã được dạy bảo không tò mò chuyện của người, vì thế thiếu niên cũng không hỏi sâu xa nguồn gốc câu chuyện. Có lẽ, việc im lặng nghe người chia sẻ là đủ rồi.
Hết đoạn đường gạch là đoạn đường đất gồ ghề cỏ cây xen sỏi đá, đây đã là xóm nghèo. Có lẽ do ngày mai là tết Trung Thu nên mọi người đã dặn dò nhau dọn dẹp lại xóm nhỏ, mọi thứ dường như ngăn nắp hơn, sạch sẽ hơn. Từ những cái cối đá to được đặt lại sát lề đường, đến những cỗ xe gỗ cũng được đặt ngay ngắn thành hàng. Chỉ là đèn lồng đỏ cũng khó mà che đi cái cảnh nghèo nơi đây. Chút ánh sáng lửa hồng không thể nào tô màu sức sống cho vách đất nhà tranh, không thể làm mất đi được cái vẻ xơ xác của cái nghèo nơi đây được. Cảnh tượng như thế thật khiến người suy tư, hóa ra vẻ bên ngoài dẫu lung linh cũng chẳng thể nào thay thế được cốt lõi đổ nát bên trong được.
Trần Bạch Hoàng ý định đưa Đàm Thu Giang về tận nhà tranh, song thiếu nữ từ chối. Lưỡng lự một hồi, Đàm Thu Giang mới nói:
"Bên ngoài Bắc Vương Môn có một ngôi chùa lớn tên 'Thanh Lâu Tự' nghe nói là một nơi linh thiêng, ngày lễ tết đều có người đến dâng hương. Mai là tết Trung Thu, dự là trong phủ cũng chẳng có nhiều việc, huynh có muốn theo ta đến đó mở mang?"
Trần Bạch Hoàng lập tức đồng ý: "Được."
Thiếu niên lời vừa dứt, liền nhìn thấy nụ cười mờ nhạt dưới ánh trăng cùng lửa hồng, cả người hóa ngây dại. Đàm Thu Giang không có nói gì thêm, vì nụ cười của nàng đã là đủ rồi. Tiếng giày cỏ bện nện nhẹ nhàng trên nền đất dần xa, tiểu cô nương cũng khuất dần vào màn đêm tĩnh lặng.
Trần Bạch Hoàng đứng đợi cho đến khi thiếu nữ khuất bóng mới tỉnh lại hồn, trên miệng treo nụ cười kín đáo. Hóa ra, thiếu niên cũng có lúc xao xuyến đến lạ…
…
Sương đêm lạnh lẽo phủ trên đôi vai gầy, thiếu niên họ Trần hai tay ôm lấy vai áo tả tơi mà xoa xoa tạo chút ấm áp. Hắn chỉ còn cách cổng hậu viện Lý phủ một con ngõ nhỏ nữa là tới. Nghĩ đến ổ rơm ấm áp, thiếu niên có chút chờ mong. Giờ này có lẽ con quạ nhỏ của hắn đã gật gù được mấy giấc rồi.
Đột nhiên, ánh mắt Trần Bạch Hoàng như ngừng lại, gương mặt trở nên lạnh lẽo, hai tay buông xuống thủ thế.
Hóa ra phía trước mặt Trần Bạch Hoàng xuất hiện năm sáu cái bóng người, có vẻ là đang chờ hắn. Chả cần phải đoán, từ lối ăn mặc lẫn vóc dáng những kẻ chặn đường, Trần Bạch Hoàng thừa sức nhận ra hai huynh đệ họ Lỗ trong đám người ấy.
Tựa như biết rõ Trần Bạch Hoàng nhận ra bản thân, đám người kia cũng không có tránh né ánh mắt của hắn. Lỗ Đại Tử nở nụ cười bất thiện, cất lời bằng cái giọng cố gằn cho ra vẻ nguy hiểm:
"Đêm hôm khuya khoắt, tiểu tử ngươi ấy cũng lãng mạn ghê gớm. Làm phận người ở thì phải biết thành thật làm ăn, ngươi lại dám sao nhãng để tâm trí đi ve ong bắt bướm. Diêu lão mà biết, hẳn lão nhân gia sẽ không để yên."
Trần Bạch Hoàng không trả lời, cũng không sợ hãi, vẫn lẳng lặng tiến về phía đám người, dường như không có chút e ngại nào cả.
Thấy bản thân đã nhấc lên lão quản gia họ Diêu mà vẫn không khiến thiếu niên nọ mảy may để ý, Lỗ Đại Tử cũng không nóng vội, lại nói tiếp:
"Ngươi là bị điếc, hay bị đần. Thấy bổn đại gia ở đây mở lời mà vẫn không biết phép tắc trên dưới hay sao? Hay là ỷ thế gia nhân Lý phủ liền không coi lẽ của người trước kẻ sau?"
Lẽ thường của người làm công hay nô lệ, chỉ cần là đồng cấp bậc thì kẻ ở sau liền phải kính người đến trước. Quan hệ của Lỗ Đại Tử và Trần Bạch Hoàng trong Lý phủ đáng lẽ là nên như vậy do Trần Bạch Hoàng chỉ là gia nhân được tuyển vào làm sau, song thiếu niên họ Trần cũng không quá hiểu lẽ này, phần vì cũng có ác cảm với huynh đệ họ Lỗ nên hắn cũng chưa từng có kính ý với Lỗ Đại Tử.
Lỗ Nhị Tử ở một bên cười cợt phụ họa: "Ca! Đệ e là y vừa điếc vừa đần, chỉ là dạng ngu si tứ tri phát triển mà thôi, ha ha ha."
Đám người bên cạnh hai huynh đệ họ Lỗ cũng cười ầm lên phụ họa. Đêm thanh vắng, tiếng cười tự nhiên gây náo một đoạn ngõ nhỏ. Để ý kỹ, Trần Bạch Hoàng nhận ra đám người kia tất cả cũng chỉ là đám thiếu niên có lẽ mới đến tuổi cập quan, nhưng có vẻ chỉ là tay chân thiên lôi sai đâu đánh đó của huynh đệ họ Lỗ mà thôi.
"Ta hình như cũng không có nghĩa vụ phải trả lời ngươi." – Trần Bạch Hoàng rốt cục đáp lại bằng lời lẽ lạnh nhạt.
Lỗ Đại Tử thấy vậy sắc mặt liền trùng xuống, sau đó cười lớn, cố làm ra vẻ bề trên:
"Khá! Khá lắm. Vậy hôm nay để gia gia ngươi dạy ngươi thế nào là kính trên nhường dưới. Hôm nay bổn gia gia đặc biệt trị ngươi hai tội, một là dám đả thương bào đệ của ta, hai là dám dính líu đến nữ nhân bổn gia nhìn trúng."
"Hôm nay lão tử quyết đánh cho thằng nhóc nhà ngươi biết thế nào là lễ độ. Sau này khôn hồn thì phải biết lấy lễ mà chào, đồng thời cũng tránh xa Đàm Thu Giang ít nhất hai mươi bước cho lão tử."
Lỗ Đại Tử cũng là thầm thích Đàm Thu Giang, chuyện này rất nhiều người biết, Trần Bạch Hoàng cũng có nghe người trong phủ vài lần đề cập, song không quá để tâm. Bản thân Lỗ Đại Tử vốn xuất thân hèn mọn, nên sở thích đơn giản. Không để ý đến vết sẹo trên mặt thì Đàm Thu Giang trong mắt y chính là mỹ nhân mười phân vẹn mười. Y đã có ý định nhờ bà mối mang lễ đến xin hỏi cưới nàng, chỉ là Trần di biết Đàm Thu Giang không có thích họ Lỗ, bèn lấy cớ thiếu nữ họ Đàm còn chưa đến tuổi trăng tròn rồi khéo léo từ chối. Ấy thế nhưng họ Lỗ hẵng còn nuôi mộng hồng nhan, công khai theo đuổi tiểu cô nương họ Đàm. Điều này tự nhiên khiến Đàm Thu Giang chán ghét vô cùng, song vì phận nữ nhi kín đáo, nàng cũng chỉ khéo đưa đẩy hòng xa lánh y. Thiếu nữ không dám vạch mặt đắc tội vì e sợ họ Lỗ tính tình vũ phu mà liên lụy đến đàn em nhỏ của mình.
Chuyện khúc mắc này, thiếu nữ cũng chưa từng chia sẻ cho Trần Bạch Hoàng biết, song với tâm nhãn của mình, Trần Bạch Hoàng tự nhiên rõ ràng thái độ của Đàm Thu Giang.
"Nói nhiều lắm! Tốt nhất là lên hết đi. Một mình ta, chấp hết." – Trần Bạch Hoàng ánh mắt đầy tự tin, cất lời nhẹ tựa lông hồng, tựa như đám côn đồ trước mặt chẳng đủ sức làm cho tim hắn phải đập nhanh một nhịp, chẳng đủ để đạp đổ sự bình tĩnh của hắn. Tính tình thiếu niên vốn lãnh đạm, đối phương đã một lòng muốn gây sự, hắn tự nhiên chẳng muốn thừa thãi lời nói. Vừa hay, chuyện này họ Trần cũng đã đoán từ trước, nên tâm lý rất thoải mái.
Trần Bạch Hoàng lao về phía đám côn đồ như một mũi tên, quanh tai tựa như vẫn vẳng vẳng những lời dạy dỗ của Ma Trảo Long Thánh thuở nào:
"Gặp biến chớ hoảng, trời dù có sụp xuống vẫn phải bình tĩnh như núi cao."
"Tâm có vững thì chí mới thành"
"Nếu nghịch cảnh như ngọn lửa vây quanh ngươi, vậy nhiệt huyết tinh thần của ngươi phải là ngọn lửa mạnh mẽ hơn gấp bội. Nắm lấy sự xúc động trong tâm làm v·ũ k·hí, ngươi có thể g·iết lên tận trời."
"Không muốn ngươi làm kẻ ma đạo khát máu, nhưng nếu gặp chuyện phải ra tay thì tiên hạ thủ vi cường."
"Làm việc gì cũng phải lấy hết sức mà ứng đối, không thể hời hợt qua loa."
…
Trần Bạch Hoàng phi thân lên như một con báo, tả xung hữu đột giữa đám người, hắn không vội vã ra đòn chí mạng ngay lần đầu, mà đang từ từ mượn thân pháp vụng về của đám côn đồ làm đá mài dao cho bộ pháp của mình. Thiếu niên biết bản thân còn thiếu hụt kinh nghiệm quần chiến, tự nhiên sẽ lợi dụng cơ hội này để bản thân học thêm vài điều mới. Tuy rằng đám người Lỗ Đại Tử cũng chỉ là thuần túy vũ phu, đánh bậy đánh bạ, không có chiêu thức cụ thể, song Trần Bạch Hoàng cũng không có khinh thường.
Mười năm khổ luyện một mình chưa chắc đã bằng một lần thực chiến với người. Kinh nghiệm thực tiễn ấy chính là mũi ám tiễn khó phòng bị nhất của tuyệt thế cao thủ. Chỉ có trải qua kinh nghiệm sinh tử, con người mới đạt đến giới hạn cao hơn. Đạo lý này, thiếu niên nọ đã thuộc lòng bấy lâu.
Trần Bạch Hoàng gào lớn: "Các ngươi chỉ có thế này thôi sao? Hết sức đi, để xem các ngươi có đủ sức là mồi lửa lớn thử quyền của ta?"