Mộng Về Tiền Kiếp

Chương 89: Theo dấu Đức Thánh Trần 58




[Vạn Kiếp]

Ngày 18 tháng 12 năm 1287 (tháng 11 âm lịch)

“báo, đại bàng do gián điệp gửi đi đưa tin về, thủy quân đường biển do 2 tướng quân Mông Nguyên là Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy gồm 500 chiến thuyền đen theo 10 thuyền lương, đã tách ra khỏi đoàn 90 chiến thuyền vận chuyển lương thảo, hướng đi không rõ”.

“Được, ta đã biết”. Hưng Đạo Vương suy đoán, “100 thuyền chở lương, 500 chiến thuyền tách ra đem theo 10 thuyền lương, rất có thể sẽ hướng về cửa Vạn Ninh, chúng đi trước mở đường cho lương thảo vận chuyển đường sông về thẳng Vạn Kiếp hoặc Thăng Long hội hợp cùng Thoát Hoan mà không phải đi Ái, Diễn (Thanh Hóa, Nghệ An)”.

Tướng quân Đại Hành lên tiếng: “Vương, đi đường biển sẽ tốn thời gian hơn đường bộ, phải vài ngày nữa thủy quân Mông Nguyên mới vào đến cửa Vạn Ninh (mũi Ngọc, Móng Cái), tính thêm thời gian chậm trễ nếu đụng độ quân Đại Việt thì phải 3 ngày mới vào cửa sông Bạch Đằng, lại từ Bạch Đằng ngược vào Vạn Kiếp hoặc Thăng Long cũng mất gần 1 tuần nữa, như vậy để hội quân đảm bảo thời gian gần nhau nhất có thể, Thoát Hoan ngày 28, 29 sẽ chính thức tiến vào Đại Việt”.

“Yết Kiêu, ngươi đến hỗ trợ Trần Gia tại vụng Đa Mỗ, trọng tâm là đánh đắm thuyền lương của địch quân”. Hưng Đạo Vương lập tức ra lệnh.

“Rõ, thưa vương”. Yết Kiêu nhận lệnh nhanh chóng xuất phát.

Nói đoạn, Hưng Đạo Vương lại ra quan sát thiên tượng. Lát sau ngài mỉm cười, nói với Trần Thần: “Trời giúp Đại Việt, ngươi xem, thời tiết như thế này sắp có bão, chắc chắn đoàn quân lương của Mông Nguyên sẽ bị bão nhấn chìm xuống biển hoặc bị quăng quật trôi dạt thất lạc cả thôi, còn sót bao nhiêu quân của Trần Gia, Trần Khánh Dư sẽ xử lý”.

Ta nghe Hưng Đạo Vương nói mà chẳng hiểu gì liền hỏi Trần Thần: “ngài ấy làm sao biết có bão hay vậy”.

Trần Thần từ từ giải thích, “trước khi có bão thì thời tiết sẽ thay đổi, động thực vật sẽ biết trước nhất. Ngươi mà ra vườn quan sát nếu nơi ngươi ở sắp có bão về kiến sẽ đắp thành, măng tre mọc vào giữa cụm để tránh bão. Còn người biết xem thiên tượng sẽ nhìn thiên tượng biến đổi”. Nói đoạn, hắn chỉ tay lên trời nói: “ngươi nhìn đi, mặt trời có cuồng tán, mây ti tầng xuất hiện. Loại mây này màu đục như sữa, lại hội từng chùm như chỉ rối, chỉ xuất hiện khi sắp có bão giông, dự là bão to đấy. Bão hay xảy ra vào mùa hạ với thu, bây giờ cuối tháng 12, tiết trời mùa đông mà lại có bão như thế này là trời giúp Đại Việt ta. Để tính bão chính xác, Chủ tử còn áp dụng quẻ tính nên ngài mới nói chắc chắn thuyền lương của giặc sẽ chìm với thất lạc”.

Ta đáp lời: “Ồ, ra là thế, Thần ca, ngươi chỉ ta mấy cách xem thời tiết đi”.

Trần Thần mỉm cười, “dễ lắm, ngươi nhớ mấy câu ca dao, tục ngữ này là được, e hèm...



Đông Nam có chớp chéo nhau,

thấp sát mặt biển hôm sau bão về.

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.

Kiến đen tha trứng lên cao

Thế nào cũng có mưa rào rất to.

Kiến mà đắp thành thì bão

Kiến ẵm con chạy ráo thì mưa.

Trên trời có vảy tê tê,

là mưa sắp sửa kéo về nay mai.

Mây kéo xuống bể thì nắng chang chang

Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút.



Mặt trăng má đỏ, Trời đã sắp mưa.

Trời đỏ vào buổi sáng, thủy thủ phải cảnh giác

Trời đỏ vào ban đêm, thủy thủ nên phấn khởi.

Sao dày không mưa, sao thưa không nắng.

Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa. (Mống là cầu vồng)

Tháng bảy kiến đàn, đại hàn hồng thủy”...

[Khả Lý (Lạng Sơn)]

Ngày 24 tháng 12 năm 1287 (tháng 11 âm lịch)

“Báo... Quân Mông Nguyên do Thoát Hoan và Áo Xích Lỗ chỉ huy tập kết 35 vạn tại Tự Minh đã có động tĩnh, chuẩn bị tiến vào Đại Việt, theo gián điệp báo về, quân Mông Nguyên chia 2 đạo, 1 đạo do tướng quân Trình Bằng Phi và tướng quân Bột Cáp Đa Nhĩ chỉ huy chừng 1 vạn vào ải Chi Lăng. Quân còn lại đi vào Khả Lý, chỉ lưu 2 nghìn 5 trăm quân để vận chuyển lương thực thôi ạ”.

“Đã rõ, có vẻ như lần này hướng Chi Lăng chỉ là phụ trợ. Thoát Hoan nhát gan không dám chia thành 2 đạo lớn như lần trước mà tụ tập gần hết quân quanh người hắn”. Tướng quân Đại Việt Nguyễn Khoái trầm ngâm, “lần này 3 vạn đối đầu 35 vạn, vẫn là đánh du kích thích hợp nhất, tìm cách phá được lương thảo vẫn là thượng sách”.

Nguyễn Khoái quay qua nói với Cao Mang: “Cao Mang huynh đem theo 1000 quân đến Chi Lăng kết hợp quân thiểu số các đồn Hãm Sa, Tư Trúc nghênh địch, chúng ta sẽ đánh các trận nhỏ rồi rút chạy, đành cho chúng tận hưởng hương vị chiến thắng trước vậy”.

“Được, ta lập tức lên đường” Cao Mang mỉm cười đáp lời.