Bọn nhỏ đáng yêu bao nhiêu thì những kẻ ngoài kia lại đáng thất vọng bấy nhiêu.
Tháng bảy, hoàng thượng đưa thái hậu về Đông tuần du, trước khi đi đã cho Bát a ca và Thất a ca ra cung cưới vợ. Tứ a ca cực khổ hết hai năm rưỡi, rốt cuộc chỉ còn một bước cuối nữa là được giải thoát. Vì để ngăn chặn bất cứ chuyện ghê tởm gì phát sinh trong khoảng thời gian cuối cùng này, Tứ a ca bắt đầu chạy đôn chạy đáo giữa Nội vụ phủ - Thất a ca phủ - Bát a ca phủ mỗi ngày.
Thế là, người trong cung cũng theo nhịp với chàng.
Hai vị cung phi là Đức phi, Huệ phi tuyên triệu, kiểu gì chàng cũng phải đi.
Huệ phi là người nuôi nấng Bát a ca, thấy y ra cung, dựng phủ, thành thân, ba chuyện đến cùng một lúc, có thế nào cũng phải hỏi han một đôi phần. Ngay Đại a ca cũng gọi Tứ a ca vào hỏi hai lần, thấy chàng mệt rũ rượi hết cả người, bèn vỗ vai chàng bảo: "Để qua giai đoạn này, ca ca mời đệ uống rượu!"
Tứ a ca chỉ biết chắp tay nói: "Đại ca tha cho đệ..." Mỗi lần chè chén với Đại a ca là chàng lại phải nôn hai lần rượu mới miễn cưỡng cầm cự được đến cuối bữa.
Đức phi thì được Đới Giai thị nhờ giúp. Đới Giai thị tuy không được sủng, song ngồi ở vị Tần, lại có đứa con trai đã lớn, đâm ra bình thường cũng không có ai cố ý làm khó. Huống hồ Đức phi ở trong cung đây luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người, hiếm khi Đới Giai thị mở lời cầu cạnh, về tình về lý bà cũng phải hỏi thăm.
Gia dĩ Đới Giai thị còn kể lúc Thất a ca đi thỉnh an mình có từng nói Tứ a ca vô cùng quan tâm đứa em trai này.
Nếu Tứ a ca gần gũi với huynh đệ, bà là ngạch nương, đương nhiên không thể gây trở ngại cho con trai được.
Bà vừa lên tiếng gọi, Tứ a ca nghiễm nhiên phải vào ngay lập tức. Mùa hè đã nắng nôi còn phải chạy khắp nơi, khiến da dẻ Tứ a ca chuyển màu rám nắng như thể phơi mình trên thảo nguyên suốt trời hè. Vừa thấy thế, Đức phi xót xa bảo: "Sao lại đen cả đi như này? Mau lại đây ngồi, cởi cúc cổ ra, để ta bảo người quạt cho con."
"Tạ ơn ngạch nương." Nốc cạn hai chén trà ấm, Tứ a ca cởi bỏ cúc cổ, đằng sau có hai cung nữ cầm quạt đứng quạt cho chàng, chỉ chốc lát hơi nóng trên người đã tản đi. Chàng hỏi: "Ngạch nương gọi con vào đây có việc gì?"
Đâu dễ mà Đức phi chủ động tìm tới chàng. Vậy nên lần này bà vừa cho gọi chàng, là chàng đã lo có việc gì hệ trọng.
"Không phải, con đừng lo, ta ở trong cung ổn lắm. Là ngạch nương của Thất a ca nhờ ta hỏi hiện phủ Thất a ca sửa sang đến đâu rồi?" Đức phi đẩy đĩa dưa hấu trên bàn mình về phía chàng.
Tứ a ca kéo đĩa lại gần, ăn mấy miếng liền bằng cái nĩa bạc, đoạn nói: "Giờ chỉ cần xử lý nốt những việc còn thừa là xong. Hay Lão Thất lại nghĩ ra ý gì? Cứ bảo một tiếng với con là được chứ sao, cớ gì còn chuyển lời vào cung, lại phải làm phiền ngạch nương nữa."
Đức phi nói: "Đâu mấy khi được trò chuyện với con, giúp cho người ta cũng được. Con không có trong cung nên không rõ chứ, bên Thất a ca đúng là có hơi bất ổn đấy."
Thấy vậy, Tứ a ca đặt nĩa bạc xuống, nhận lấy khăn cung nữ đưa cho lau tay, nghe Đức phi nói cặn kẽ hơn.
Lẽ ra những chuyện ra cung, chuyển nhà, cưới hỏi của Thất a ca đều phải được xếp trước Bát a ca. Nhưng đầu tiên là ngày cưới, nghe nói Khâm Thiên giám định ngày cho Bát a ca trước, sau đó mới chọn đại một ngày cho Thất a ca.
"Không thể nào, người của Khâm Thiên giám có mấy cái đầu để mà chém? Ngày thành thân ắt phải giao lên cho hoàng a mã chọn mới đúng." Tứ a ca nói.
Đức phi cười nhạt, Tứ a ca bỗng chốc ngộ ra. Khâm Thiên giám không dám làm vậy, nhưng hoàng thượng dám đấy. Chỉ e hoàng thượng đã lựa ra mấy ngày đẹp cho Bát a ca trước, còn thì dành lại cho Thất a ca.
Thoạt nghe lời đồn rõ ràng muốn nói Khâm Thiên giám phân biệt đối xử, song ý ngầm lại đang chỉ về hoàng thượng.
Hoàng thượng là người đứng đầu cả cung, ngài coi trọng ai, kẻ đó sẽ được lên đời; ngài không coi trọng ai, khỏi phải nói một lời, tự khắc sẽ có người ganh đua, giành giật nhau đạp kẻ ấy xuống.
Đây cũng chính là chuyện tạo cho Đức phi nhiều cảm xúc nhất. Trong các cung phi, người nào cũng từng mất con. Vệ thị* năm xưa nếu không có hoàng thượng theo dõi gắt gao, thì Bát a ca sao đã được bình an chào đời khôn lớn? May thay bà xuất thân thấp hèn, hoàng thượng không cho bà thăng chức cũng vì bảo vệ bà. Những năm qua bà sống trong cung Huệ phi cũng hầu hạ hoàng thượng nhiều, không có con chẳng qua là tại hoàng thượng không cho bà mà thôi.
*Vệ thị Lương phi: mẹ ruột Bát a ca
Nhưng chuyện hoàng thượng thích bà là thật. Hiện giờ muốn cất nhắc con trai bà cũng là thật.
So với Bát a ca, Đới Giai thị ngạch nương của Thất a ca lại không được trọng dụng lắm. Nghe nói Thất a ca từ lúc sinh ra đã không quá khỏe mạnh, may là khi lớn chỉ gặp đôi chút bất tiện về chân cẳng đi đứng. Cả cung chẳng ai sinh con lại để nó gặp nỗi ấy, hoàng thượng đâm ghét Đới Giai thị đã hại Thất a ca cũng là điều dễ hiểu, thậm chí không muốn nhìn mặt bà thêm một lần nào nữa.
Thực ra Đới Giai thị cũng khổ trăm bề, song được Thất a ca vẫn là một đứa có hiếu, không oán trách bà như hoàng thượng.
Nghĩ đến Đới Giai thị, Đức phi luôn có cảm giác đồng bệnh tương lân. Chỉ là ai dám dây vào người hoàng thượng ghét? Nếu không vì nghe bảo Tứ a ca chịu hỗ trợ Thất a ca, thì bà đã không chìa tay ra làm gì.
Gác chuyện ngày cưới sang, tới lượt chuyện chuyển nhà, Nội vụ phủ cũng đối đãi bất công theo. Bên Thất a ca đã thu dọn trước, ấy mà bên Bát a ca lại gói ghém đồ đạc chuyển ra khỏi cung trước rồi.
"Nghe nói ở A Ca Sở, trong viện Thất a ca vẫn còn cả đống rương lớn rương nhỏ đấy. Trắc phúc tấn Nạp Lạt thị của nó hãy đang bụng mang dạ chửa, nhà không có chỗ ngồi, chẳng có chỗ đứng, nằm cũng không ngủ yên nổi." Nói xong, Đức phi không nén nổi tiếng thở dài.
Tứ a ca nghe vậy, phân vân một thoáng, đoạn bảo: "Trước khi về con sẽ sang A Ca Sở xem xem." Ngày trước chàng còn gọi là dọa nạt được người khác, nhưng từ khi được phong tước Bối lặc này, dẫu người ta có nể chàng chăng nữa, chàng vẫn cứ thấy hơi chột dạ. Ngộ nhỡ sang A Ca Sở lại phải cảnh bẽ mặt thì biết làm sao? Nay Thất a ca suy cho cùng cũng là Bối lặc rồi, song chẳng cũng vô dụng đấy ư?
Đức phi lặng thinh một lúc, đoạn thở dài bảo: "Mà thôi, cứ nói con đi để thăm Thập Tứ, gặp thì hỏi một câu là được."
Tứ a ca vâng dạ, Đức phi nói: "Con lớn rồi, có một chuyện ta khỏi phải nói nhiều, trong lòng con cũng biết." Nghĩ rồi, bà vẫn không nhịn được nói rõ ra hơn, "... A ca cùng mẹ đã phải kiêng dè nhau, huống gì là khác mẹ? Danh Bối lặc này của con từ đâu ra, con phải ghi nhớ."
Trong điện bao trùm một sự im ắng khó tả.
Một hồi lâu sau, Tứ a ca gượng cười đáp: "... Con biết."
"Ừ." Đức phi bình thản nói, "Ta ở trong cung đây có việc gì còn chẳng nỡ sai con..."
Trong câu ẩn giấu một ý hờn giận.
Tứ a ca cũng lặng im. Hai mẹ con họ cứ mãi tình trạng gần không được mà xa cũng chẳng xong, không biết khi nào mới chấm dứt được.
Ra khỏi Vĩnh Hòa cung, Tứ a ca loanh quanh mấy vòng ngoài A Ca Sở, rồi vẫn đi vào. Chàng sang chỗ Thập Tứ a ca trước, vừa lúc nó vắng nhà. Vậy là chàng thuận bước quẹo qua viện của Thất a ca.
Quả như lời Đức phi, viện Thất a ca chất đầy là đồ, thêm việc có lẽ vì để tiện khiêng ra ngoài, nên đồ gần như dồn đống hết trên con đường đối diện cổng viện, nom rõ là khó coi quá thể.
Thất a ca nghe bảo chàng quá bộ lại, lúc ra đón, trông mặt mang đôi nét sượng sùng.
"Tứ ca, vào đây, ở ngoài bẩn lắm."
Hai huynh đệ dắt tay nhau vào thư phòng của Thất a ca. Những tranh trên trường và những đồ bày trí trên kệ đều đã được dọn hết đi. Cả căn phòng chỉ còn lại một cái bàn, một cái sạp và một bức bình phong, trống huơ trống hoác, chẳng giống chỗ người ở.
Tứ a ca nhìn cảnh tượng ấy, mới thấy đứa em này thực là phải chịu một nỗi thiệt thòi biết bao. Nghĩ xem nếu đặt chàng vào vị trí của Thất a ca, dễ là đã tức điên lên rồi.
Nghĩ cho thể diện của Thất a ca, Tứ a ca làm bộ như không thấy tình cảnh quẫn bách cả phòng cả viện này, chỉ nói với Thất a ca chuyện phủ đệ của y. Nói hết hai chén trà, Tứ a ca cáo từ. Chàng lại qua chỗ Thập Tứ a ca dạo một vòng, thấy nó hẵng chưa về, bèn đi thẳng sang Nội vụ phủ.
Tìm tới người của Nội vụ phủ chuyển lời cho, rằng tình hình bên viện Thất Bối lặc thực tình bát nháo quá, dặn họ liệu mà bổ sung nhân lực để sớm ngày dọn xong.
Người của Nội vụ phủ cũng vâng vâng dạ dạ, nhưng rồi quay đi lại chỉ dặn dò dăm ba câu thôi. Ừ thì Tứ Bối lặc thương cho em trai, nhưng Thất Bối lặc bình thường không được gặp hoàng thượng lấy một lần, khi gặp cũng chưa chắc có thì giờ mách tội họ. Vả lại, tội này thì mách kiểu gì được? Hay là: Bẩm hoàng thượng, Nội vụ phủ dọn nhà lề mề quá, Bát đệ đã dọn xong cả rồi mà rương của con vẫn chưa ra được khỏi cửa A Ca Sở à?
Ha ha ha ha ha. Kể ra người ta lại cười vào mặt cho.
Ôm một bụng tức thế, Tứ a ca rời khỏi Nội vụ phủ. Chàng không còn là tiểu a ca ngây ngô năm nào nữa, đã nhận ra được trong lời nói của kẻ này có mấy phần là thật, mấy phần là giả. Chẳng trách đến chuyện của Thất a ca mà cũng dám bỏ bê chểnh mảng, chính vì họ dám chắc rằng các a ca sẽ không chấp nhặt với mình chỉ vì những việc cỏn con ấy, cỡ mà chấp thì lại thành ra một đám a ca nhỏ nhen hẹp hòi.
Nô tài được thế, khinh chủ ra mặt.
Sớm muộn gì cũng có ngày... sớm muộn gì cũng có ngày chàng sẽ bẻ gãy xương của đám nô tài chó chết này, để xem bọn chúng có còn dám không coi chủ tử ra gì nữa hay không!
Ra cung, Tứ a ca cưỡi ngựa phóng như bay về nhà, Tô Bồi Thịnh đuổi theo sau thở hồng hộc như chó. A ca dám thúc ngựa chạy ngoài đường, còn họ nào có cái gan ấy?
Quay về phủ, Tứ a ca đi thẳng sang tiểu viện.
Trong tiểu viện, Lý Vi đương hái nho với Nhị cách cách. Từ lúc được trồng lên, năm nào giàn nho này cũng ra quả, lại còn mỗi năm một nhiều thêm. Nhìn những chùm nho trĩu trịt quả mọng, cặp mắt Nhị cách cách tỏa đầy sao lấp lánh.
Lúc này Tứ a ca đi vào, chẳng buồn nhìn mẹ con nàng một cái, bước luôn vào phòng.
Nhị cách cách được nhũ mẫu ẵm đi ngay, Lý Vi lại không thể không đi xem ông tướng này bị làm sao nữa. Đây có lẽ cũng là tác dụng phụ của việc được sủng ái: lúc vui chàng đến, lúc ứ vui chàng cũng đến.
Nàng thả nhẹ bước vào phòng. Ở trong phòng, đám Ngọc Bình hầu chàng thay đồ, nom thần sắc họ không khác gì đang đứng trên pháp trường. Im lặng thay quần áo xong, thấy ông lớn này ngả người ra sạp, đám Ngọc Bình ôm lấy đồ xéo nhanh như sóc.
Lý Vi xem trên người mình hình như không có thứ gì khả dĩ làm chàng thấy phiền hà hơn, liền lò dò ngồi xuống cạnh chàng, cầm cây quạt tròn khẽ khàng quạt mát.
Tứ a ca xoay người thoáng nhìn nàng, nàng theo bản năng ghé sát hơn về đằng trước quạt cho chàng, chốc lát sau, chàng chầm chậm nhắm mắt, thở ra một hơi thật dài.
Cảnh báo đã được giải trừ.
Lý Vi khẽ giọng hỏi: "Tứ gia, người muốn dùng gì không?"
Tứ a ca không thích kiểu gọi "Bối lặc gia", sau khi phát hiện điều này, ai nấy đều lặng thầm gọi chàng là "Tứ gia" như cũ. Những khi chỉ có hai người, nàng cũng thích gọi chàng là "gia".
Tứ a ca sờ bụng, từ sáng tới giờ chàng quay như chong chóng, lại uống cả bụng trà ở Nội vụ phủ, ăn một đĩa dưa hấu ở Vĩnh Hòa cung.
Trông chàng thế này là đói rồi đấy, ấy nhưng lại như chẳng có hứng ăn.
Lý Vi nghĩ ngợi, đoạn ra ngoài dặn Ngọc Bình bảo thiện phòng cho lên món trứng bắc thảo sốt tỏi* và mì trộn.
*Trứng bắc thảo sốt tỏi
"Mấy bát ạ?" Ngọc Bình hạ giọng, e dè nhìn rèm cửa phòng chính, hỏi.
"Hai bát, bát của Tứ gia bỏ nhiều sốt tỏi với giấm vào, bát của ta bỏ ít rau thơm. Rồi xem mà cho thêm mấy phần gỏi." Nàng nói.
Tứ a ca nằm trong phòng, nghe Tố Tố đương căn dặn người hầu ở ngoài cửa.
Một hồi sau, mì và đồ ăn đều được dọn lên.
Lý Vi nhường chỗ cho họ sắp bàn ăn, Tứ a ca ngồi vào bàn, chau mày vươn vai ưỡn lưng. Lúc ngồi xuống, chàng tưởng như xương cốt khắp toàn thân đang kêu răng rắc.
"Hay là để lát nữa gọi người vào đấm bóp cho chàng?" Nàng nói.
Tứ a ca ừ tiếng. Thấy chàng chẳng thiết mở miệng, Lý Vi cũng thôi gợi chuyện tán gẫu với chàng.
Trên bàn xếp bốn món ăn kèm: dưa chuột muối, móng giò đông ngâm tiêu, lưỡi bò sốt cay, thịt luộc chấm sốt tỏi*. Bốn món này được bày biện rất đẹp mắt, vì rằng không thể để nguyên một bát mì trơ trọi được. Nàng cứ tưởng đến khi ăn xong Tứ a ca cũng sẽ không đụng vào mấy món ấy, ngờ đâu chàng ăn hết bát mì, các món khác cũng vào bụng chàng hòm hòm.