Chương 136: Vạn Thắng vương
Sáng 29 Tết, Cự Lượng báo về bản doanh Thiên Đức, bộ tướng của Quảng Trí quân là Phan Văn Hầu đốc suất quân thuỷ bộ khoảng một vạn đánh thành Sơn Tây. Hoàng Ngưu, thuộc tướng của Nguyễn Quốc Khánh dẫn ba nghìn thuỷ binh trợ chiến.
Quân của Phan Văn Hầu bắc cầu phao lớn vượt sông. Hậu quân đóng trại dọc bờ Xích Giang khoảng hơn năm nghìn, chủ yếu lo tiếp tế lương thực, khí giới, chuyển binh sĩ tử thương, phòng ngự lỏng lẻo. Có thể đánh nhanh rút nhanh.
Bọn Cự Lượng đã thuận lợi đến được nơi ém quân từ hôm 26 nhờ sự trợ giúp của Lâm Chí Hoà. Lâm Chí Hoà dùng đoàn thương thuyền Lâm gia nhắm hướng Quảng Trí quân thu mua sản vật nhưng dọc đường đổ một nghìn năm trăm tinh binh Thiên Đức lên bờ. Thân tín của Lâm Chí Hoà thông thạo đường xá dẫn Thiên Đức quân đến nơi cần đến chỉ trong một đêm.
Hai trung đội thuộc Đại đội Thần Vũ do Phạm Thị Thanh và Phạm Kim Huệ dẫn gồm một trăm bảy mươi người có trong số tinh binh đi trước. Đoàn Thượng đi cùng với Cự Lượng. Những cái tên quen thuộc như Nghiêm Phúc Lý, Cao Lịch, Lý Văn Ba, Chu Diện, Lý Kế Nguyên, Dương Cát Lợi, Trần Thái Bộc đều có trong đội quân bí mật này.
Nhận tin, Chương lập tức hạ lệnh cho Yết Kiêu sẵn sàng. Gần nghìn binh sĩ bao gồm trạo phu lập tức được ăn sớm và đi ngủ khi mặt trời còn treo cao. Đầu giờ Dậu tập hợp, cuối giờ Dậu lên thuyền ở bến Huyết. Bảo vệ bản doanh vẫn là Trương Lôi.
Chương làm lễ tế cờ xuất binh đơn giản với mâm xôi, gà luộc, hoa quả, rượu trắng, trầu cau ngay gần bến Huyết. Chẳng ai nghe Chương khấn gì nhưng hàng ngàn binh sĩ và bách tính đều tận mắt thấy thanh kiếm lệnh chỉ thiên bỗng trời nổi gió to.
Chín cánh buồm lớn đỏ au của Xa Hải thuyền nhất loạt bung ra, kỳ hiệu thuỷ binh thêu hình cá kình no gió. Khí thế ngút trời, kẻ không tin cũng phải tin, chuyến xuất binh này được quỷ thần trợ giúp.
Ba quân tướng sĩ đứng nghiêm mình nhìn kỳ hiệu lớn của Thiên Đức quân được Chương tự tay treo lên Xa Hải thuyền mang số 026 vẽ bằng vôi trắng bên mạn.
-Anh em nghe rõ!
Chương giơ Thuận Thiên kiếm thêm một lần nữa hô lớn:
-Cùng đi cùng về!
Ba quân nhất loạt lặp lại ba lần, thanh âm vang xa đến hàng dặm. Dân Đường Vỹ và Long Ngô Động không biết Thiên Đức quân xuất quân đánh nơi đâu, đoán mò là Siêu Loại. Trời tối hẳn đoàn thuyền bắt đầu di chuyển, những con thuyền dần chỉ còn là những chấm đen lẫn vào màn đêm. Dân chúng kháo nhau chiến thuyền Thiên Đức nhờ gió trời mà đi vì chẳng thấy mái chèo khua nước.
Triệu Quang Phục đi cùng đoàn của Chương, đúng ra ông phải ở Xa Hải thuyền nhưng một mực đòi đi Mông Đồng bởi muốn cho đám trẻ ranh thấy rằng ông chú ngoài tứ tuần không thua kém gì tráng niên.
Phạm Bạch Hổ chỉ huy pháo nên ở Xa Hải thuyền 027. Yết Kiêu trên Mông Đồng thuyền dẫn đầu đoàn quân toàn quyền chỉ huy thuỷ binh lẫn pháo binh. Chương là chủ tướng, không trực tiếp chỉ huy.
Đội quân gồm 27 Mông Đồng thuyền, có vài cái đã bọc đồng và 9 Xa Hải thuyền. Đội hình có ba Mông Đồng thuyền đi trước, một Xa Hải thuyền theo sau, cách nhau hơn mươi trượng. Các nhóm sau y vậy.
Ba Mông Đồng thuyền dẫn trước Xa Hải 026 chở chín mươi nữ binh Thần Vũ. Những cô gái này không kém cạnh nam nhân, họ cũng sẽ thay nhau đạp guồng hòng đảm bảo rằng toàn bộ bốn mươi ba người đều sẵn sàng chiến đấu.
Xa Hải 026 có Chương, Thiên Bình, Lâm Uyển Như, Trịnh Lam Khuê và mươi nữ binh hộ vệ. Bọn Nguyễn Lạc Thổ, Bàn Phù Sếnh, Triệu Văn Khoát, Chu Diện, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu… kẻ trước người sau đều chỉ huy một Mông Đồng thuyền. 36 thuyền đều trang bị nỏ Liên Châu cỡ lớn và khoảng hơn ba trăm nỏ Liên Châu cầm tay. 026 có trang bị thêm hai nỏ Liên Châu di động cỡ vừa, mới được Xuân làm gấp vì chở chủ tướng.
Sự có mặt của Lam Khuê trên Xa Hải 026 có thể xem là một bất ngờ. Cô nàng chủ động xin đi với lý do khiến bọn Chương không thể từ chối:
-Ta giờ là người của chủ tướng, võ nghệ đủ phòng thân không phiền đến ai. Chủ tướng cứu ta, ta lại thích sát chủ tướng thật là tréo nghoe. Ta biết chiến địa không phân nam nữ, mũi tên không có mắt nhưng các người đi được, ta cũng đi được. Ta không chỉ huy được ai nên ta xin làm tốt Thần Vũ, nhất nhất nghe theo phân phó của Thiên Bình.
Thiên Bình không nhận, đẩy cho Chương. Chương chỉ còn cách cho Lam Khuê đi cùng. Thấy Lam Khuê đượm buồn, Thiên Bình liền cho một khăn quấn đầu Thần Vũ, ngầm thừa nhận Lam Khuê.
Thiên Bình và Lam Khuê vận y phục khá giống nhau, khác chăng là màu sắc. Y phục Thiên Bình đỏ sậm, Lam Khuê màu lam sẫm, tóc búi đuôi gà. Lâm Uyển Như vẫn một mình một kiểu, bộ sườn xám khoe đôi chân dài khiến người đối diện nhìn mãi cũng không thể ngờ đôi chân dài ấy có thể tiễn kẻ khác về âm phủ trong chớp mắt trong hai cước.
Phi đao Uyển Như không lại Thiên Bình, trường côn không lại Lam Khuê, đao kiếm lẻ tám lạng người nửa cân nhưng quyền cước e rằng hai cô còn lại khó địch. Chương không hề biết ba cô nàng đã thử phân cao thấp. Uyển Như là truyền nhân của thân mẫu, một người phụ nữ lai lịch sẽ sớm tỏ tường.
Đoàn thuyền chậm rãi di chuyển trong đêm tối, sau hơn hai canh giờ đến điểm hẹn với đội thương thuyền của Lâm Chí Hoà tại một dẻo đất ven bờ tả ngạn Xích Giang thuộc vùng Long Biên. Từ điểm hẹn, đoàn thuyền Thiên Đức đi lẫn với thương thuyền chong đèn với kỳ hiệu Lâm gia ngược Xích Giang tiến lên hướng Tây Bắc.
Nhiều tháp canh ven sông nhận quà Tết của thương thuyền Lâm gia cùng tiền dằn túi nên không chèo thuyền ra chặn hỏi. Thêm nữa, đêm cuối năm trời rét căm căm, ngồi hơ tay trên đống lửa với củ khoai con cá cùng bầu rượu thú hơn bao nhiêu. Năm hết Tết đến thương thuyền tấp nập qua lại, nhiều năm qua chưa có sự biến gì.
Gần cuối giờ Dần, đoàn thương thuyền neo tại bến tạm bên bờ hữu ngạn thuộc vùng kiểm soát của Quảng Trí quân trong khi chiến thuyền Thiên Đức tăng hết tốc độ ngược dòng hơn hai chục dặm theo sự dẫn dắt của Yết Kiêu cùng sự giúp sức của Uyển Như. Gần giữa giờ Mão, chiến thuyền Thiên Đức buộc cờ neo tạm ven bờ hữu ngạn chờ trời tảng sáng mới di chuyển tiếp.
Vài thuyền nhỏ của thương nhân xuôi dòng đều thấy bóng dáng đoàn chiến thuyền Thiên Đức nhưng phần vì tối trời, phần vì đang có giao tranh nên các thương thuyền mặc nhiên nghĩ đó là thuỷ binh của Quảng Trí quân hoặc Vũ Ninh vương trú tạm.
Để chiến thuyền Thiên Đức đến được vị trí này thuận lợi phần lớn nhờ công của Lâm Chí Hoà, một thương nhân lão luyện.
Quân Thiên Đức có khoảng thời gian gần một nén hương để nghỉ ngơi, chỉnh đốn quân trang, quân phục, nhắc lại với nhau hiệu lệnh trước khi mở cờ tiến quân.
Tướng sĩ trên dưới ai nấy đều hồi hộp chờ đợi xung trận và đều có chút hưng phấn khi lần đầu tiên đánh trận xa bản doanh, giữa nơi tứ phía là địch.
Chỉ có màn đêm là đồng minh và đồng minh ấy chuẩn bị rời đi.
-Cùng đi, cùng về!
Lời thì thầm dặn nhau của cả nghìn người khi kỳ hiệu hổ trâu đỏ sẫm được kéo lên cao. Hàng nghìn đôi mắt đều hướng nhìn kỳ hiệu tung bay trong gió sớm, sương mù cũng tan dần.
Mỗi người đều có những cảm xúc riêng khó định nghĩa. Ngay như Lam Khuê cũng vậy, chả hiểu sao trong lòng dâng lên cảm xúc khó tả. Trong thoáng chốc, cô nhớ lại trận đánh trên cánh đồng đẫm máu khi ở bên kia chiến tuyến thực không nghe thấy đối phương hò reo tăng sĩ khí.
Giờ đây, cô đứng cạnh Chương, ngước nhìn kỳ hiệu mà cô từng cho rằng quái đản, sao lúc này lại khiến cho trái tim thiếu nữ cảm thấy sôi sục ước muốn xông pha. Lam Khuê vẫn mong nghĩa phụ không phải chống lại đội quân này dù rằng cô biết điều đó là khó tránh. Hơn nửa tháng trong quân, cô tận mắt thấy những binh sĩ xin được đi đánh trận, chỉ như vậy thôi cũng nói lên nhiều điều.
Đoàn chiến thuyền chậm rãi di chuyển chếch ra giữa dòng theo đội hình chữ Thập. 9 Xa Hải thuyền đi giữa, tả hữu mỗi bên 6 Mông Đồng,
12 Mông Đồng làm tiền quân và chỉ có 3 Mông Đồng treo cờ Thần Vũ làm hậu quân. Theo hiệu lệnh của Yết Kiêu, tất cả chiến thuyền cùng tăng tốc độ.
Trời đã sáng, nhìn rõ mặt người. Sương còn vương trên cây cỏ ven hai bờ tả ngạn. Những thương thuyền lớn nhỏ đang xuôi dòng thấy kỳ hiệu liền dạt sang hai bờ neo tạm. Thuyền nào cũng vậy, kẻ đứng người ngồi nhốn nháo chỉ trỏ đoàn chiến thuyền không rõ thuộc sứ quân nào.
Chiến thuyền và thương thuyền khác nhau về hình dáng là điều ai cũng biết. Thương nhân rong ruổi khắp Vạn Xuân kiếm cơm gạo, nhìn cờ là biết nhân vật vậy mà lúc này đoàn chiến thuyền sơn son thếp vàng mới tinh tươm treo cờ lạ hoắc.
Thiên Đức quân, Thần Vũ Đại đội, Long Vũ Thuỷ binh Đại đội, Thần Sách Đại đội… toàn những cái tên lần đầu trong đời họ nghe.
-Nhìn kìa, nhìn kìa!
Có kẻ nào đó trong đám thuỷ thủ thương thuyền hô lớn.
-Vạn Thắng vương! Vạn Thắng vương!
Kỳ hiệu nền vàng thêu chữ đỏ đang được kéo lên trên Xa Hải thuyền 026. Đây là kỳ hiệu do Tả Đô đốc Phạm Tu tặng cho Chương nhưng cậu không biết. Thiên Bình đã chờ trước giờ xung trận mới cho kéo lên.
-Vạn Thắng vương là ai? Là ai đấy?
-Thêm ông nào với xưng vương ư?
-Vạn Thắng vương? Nghe kêu thế? Sao chỉ có chừng kia chiến thuyền? Họ phe ai?
-Nhìn đi, đó toàn là thuyền mới đóng, kìa… sao không thấy mái chèo?
-Mái chèo đâu nhỉ? Sao chúng đi mau thế?
-Nhõm chừng kia binh mã là xưng vương, kẻ này cũng thật to gan lớn mật. Hơn nghìn quân chứ mấy nhỉ?
Đoàn chiến thuyền đi qua gần hết trong lời bàn tán xì xào của hàng trăm người trên các thương thuyền thêm đôi ba chục người dân già trẻ đứng trên bờ. Một thương thuyền chở đầy quặng sắt vừa đánh vào, là thương thuyền Nguyễn gia trang ở Siêu Loại. Thuỷ thủ kẻ nào kẻ nấy nét mặt có phần hoang mang:
-Đấy… đấy chả phải là Mạc chủ tướng Thiên Đức quân Mạc Thiên Chương ư? Không thể nhầm được, là người đứng trên khoang thuyền khoác áo choàng đỏ.
-Sao họ lại ở đây nhỉ?
Những người khác nghe vậy liền hỏi đầu đuôi, một người trên thuyền chở quặng nói:
-Đó là Mạc chủ tướng của Thiên Đức quân tuổi mới đôi mươi. Họ ở bờ Nam sông Thiên Đức, bọn ta nhìn kỳ hiệu là biết.
-Sao? Cách đây ngót hai trăm dặm, bọn họ lên đây đánh ai? Theo Vũ Ninh vương hay Quảng Trí quân?
-Bọn họ đập Vũ Ninh vương ra bã, Vũ Ninh vương phải nạp tiền an thân. Lý Lệnh công tháng trước cũng mất nghìn lạng bạc để hoà hoãn đấy, các người không biết ư? Bọn ta bán quặng này cho họ mà.
-Sao có thể? Họ tính dây máu ăn phần ở đây à? Họ theo phe ai? Quân mã bao nhiêu?
-Không biết, quân này mới xuất hiện gần đây và rất thiện chiến. Bọn họ đánh là thắng và không thu thuế thương thuyền.
-Có chuyện ấy à? Nếu muốn đến đó thì làm sao?
-Thì cứ đến thôi, xin gặp bàn chuyện làm ăn sẽ có người tiếp. Quân này không mua thiếu nhưng hàng hoá phải giao đúng hạn, bọn họ còn trả tiền trước nếu muốn.
-Huynh đài, chủ tướng quân này ban nãy huynh đài nói là ai? Gia thế ra sao?
-Không rõ xuất thân nhưng dân gần đây theo về rất đông. Mạc Thiên Chương là tên huý, không biết tự hiệu.
Một thương nhân ra dáng chủ thuyền dúi luôn một xâu tiền xu vào tay thuỷ thủ, cười giả lả.
-Đến nơi ấy đại nhân nhớ đọc kỹ các bảng hiệu rồi xin gặp cô Duệ. Đừng quà cáp, bọn họ rất nghiêm, binh sĩ nhận tiền lót là đánh năm mươi hèo, nặng là chặt tay chứ không đùa. Thương nhân muốn bán gì, thu mua gì cứ đề đạt thẳng, giá tốt là họ mua. Thân tình rồi có tặng gì thì họ mới nhận.
-Sao ta nghe nghịch tai vậy nhỉ? Không sách nhiễu thương buôn thì binh sĩ lấy gì bỏ vào mồm?
Thuỷ thủ nhếch miệng cười:
-Đại nhân đến thì biết, bọn ta bên Siêu Loại lạ gì họ. Dù đang đối địch nhưng thương nhân làm ăn thoải mái nhưng nếu có ý dò la quân tình thì chẳng thấy mặt trời đâu. Ta được gặp Mạc chủ tướng ấy hai lần, cậu ta còn trẻ, tuổi chắc hai mươi thôi.
Người nào đó sấn lên hỏi:
-Hai mươi á? Ây da… đằng sau là ai?
-Các hạ đừng thấy trẻ mà khinh thường. Chủ của ta là ông Cả Lụa, y phục họ vận là do bọn ta giao mà. Hai vạn y phục ấy đều là tặng phẩm do chủ ta nguyện lòng, đổi lại chủ ta độc quyền y phục, chiến phục cho họ. Họ không đòi, là chủ ta cầu xin đấy.
-Ông Cả Lụa ở Siêu Loại dạo gần đây phất to vì có cái áo khoác phải không?
-Đúng!
Lại thêm xâu tiền đồng nữa.
-Trâu chậm uống nước đục, các hạ tự suy tính. Còn cần lời khuyên thì theo ta nghĩ, họ không thu thuế, không nhận cống phẩm thì giá ưu đãi sẽ xong. Làm ăn không lo sách nhiễu thì còn gì bằng.
-Phải, phải! Huynh đài nói phải. Cô Duệ đó là con cái nhà ai?
-Quân ấy không rõ gốc tích, không kể xuất thân. Cô Duệ thì ta hay gặp, đẹp người đẹp nết. Giao hàng có lần muộn còn được cho nghỉ ngơi thết đãi trong khách điếm ven sông. Đừng thấy họ trẻ mà khinh miệt.
-Bọn họ đến đây bằng cách nào nhỉ? Đánh ai?
-Cái này ta chịu, đến ta còn chả hiểu họ ở đây làm gì nhưng bọn ta khẳng định Mạc chủ tướng đứng trên thuyền. Mấy cô gái vận y phục màu vàng là thân quân. Đúng rồi, Thần Vũ Đại đội là thân quân, có đội ấy chính là có chủ tướng.
-Gì? Thân quân là nữ? Quân ấy sao lại có nữ nhân?
-Các hạ! Ta có thêm lời khuyên, đừng cợt nhả khi gặp quân đấy, họ được trang bị thứ gì đó khiến toàn bộ cũng thủ của Lý Sứ tướng bị diệt gọn cả nghìn chỉ trong nửa canh giờ. Đừng dại.
Một đồn mười, mười đồn trăm, mỗi người lại thêm mắm dặm muối, một tháng sau thì cả Vạn Xuân đều có nghe đến đội thuỷ binh không có mái chèo mà ngược dòng nhanh như xuôi dòng. Cái tên Vạn Thắng vương cũng từ đó là lan truyền, thực hư khó đoán.
Một số thương thuyền sợ thuỷ chiến vì quân Phan Văn Hầu đang ở thượng nguồn, cách nơi họ đang dừng chỉ hơn chục dặm bèn neo tại chỗ nghe ngóng tình hình và vô tình chứng kiến thêm cảnh kỳ khôi.