Chương 43: Kỳ hiệu
Chàng trai hai mươi tuổi như Chương, sinh viên đại học năm thứ ba chuyên ngành Quản trị Kinh doanh đang theo đuổi đề tài biến nước bọt thành tiền, cái gì cũng biết nhưng không biết rõ cái gì nay lại phải làm đủ các việc, đôi khi như một anh quân nhân, lúc thì là anh thầy đồ, khi thì làm nông dân parttime và làm fulltime mưu sĩ. Chương nhớ tới ông Gia Cát Lượng bên Tàu, cậu đã đôi ba lần xem phim hoặc đọc gì đó viết về ông ta nhưng Chương chưa thấy ở Vạn Xuân này có thể áp dụng cái gì sất.
Đại đội Thiên Đức, theo cách gọi tắt của những người biết chữ ông Bụt, thì là C Thiên Đức. Chương nhớ hồi đi học quân sự ngót tháng trời chỉ mong mau chóng về lại Thủ đô vì học làm anh quân nhân thật sự rất không vui. Dậy sớm thể dục, xếp hàng ăn sáng, đánh răng rửa mặt rồi lại xếp hàng đi đều bước, sau đấy vác gậy giả làm súng lăn lê bò toài ven những sườn đồi đầy nắng của một tỉnh cách Thủ đô hơn bốn chục cây số. Có hôm may mắn được học tháo lắp súng nhưng đen nhất là ngót một tuần trời, trường nơi Chương học phải dành chỗ cho đám sĩ tử thi đại học, và thế là Chương cùng bạn học phải tìm những gốc cây bạch đàn trú nắng nguyên ngày, cái nắng tháng Bảy mới sợ làm sao. Sáu giờ sáng rời trường quân sự, mãi tối mịt mới được hành quân về.
Chương chả bao giờ nghĩ những kiến thức mà anh Đại uý Đại đội trưởng, một quân nhân chuyên nghiệp, dạy cho sinh viên ngày ấy thì bây lại hữu ích đến vậy. Đúng là có học có hơn. Chương biết cơ bản mô hình tổ chức của q·uân đ·ội. Bố mẹ Chương là cán bộ nhà nước thường thường bậc trung đã gần hai chục năm và đều vào Đảng. Chương không biết rõ mô hình tổ chức của Đảng nhưng học hành ở trường cũng giúp cậu hiểu biết bập bõm.
Có thể nói, làm quân nhân chỉ mệt về thể xác, làm mưu sĩ mệt ở đầu óc. Chương nghĩ cần phải lập ra một tổ chức như vậy để gom những người cùng chí hướng lại với nhau nhưng chả hiểu cương lĩnh với luật lệ ra sao nên tạm gác lại. Dù sao cậu cũng chỉ có một đầu, hai tay và ngày thì cũng không dài hơn hai mươi bốn tiếng.
C Thiên Đức nhận được sự đồng ý của Tả Đô đốc, điều tưởng khó thì dễ thông qua và được ủng hộ mà điều tưởng chừng dễ lại vô cùng mệt mỏi.
Ấy là chuyện cờ hiệu.
Một đội quân cần có cờ hiệu, Duệ bảo vậy. Chương thấy cũng đúng nên đồng tình.
Vấn đề là lá cờ ấy viết cái gì?
Chương bảo viết song ngữ, cờ chung cho cả đội thì một mặt thêu chữ của Bụt:
Thiên Gia Bảo Hựu
Đại đội Thiên Đức
Thích thì thêm slogan “Đánh là thắng” ở dưới cho hoành tráng, mặt còn lại thêu Hán tự. Cờ của trung đội thì thêm tên trung đội dưới tên đại đội, thế là xong. Việc này dễ.
Thiên Bình bảo rằng cờ hiệu của các sứ quân ngoài chữ còn hoạ tranh, nhìn rất đẹp. Chương cũng cho là đúng bởi dân nơi này ít người biết chữ, cậu còn khen Thiên Bình sáng dạ nhưng rất mau, Chương nhận ra mình dại!
Hoạ gì trên cờ?
Chương bảo nên hoạ con rồng vì cậu sinh năm Nhâm Thìn song không được bởi rồng chỉ dành cho vua.
Chương mặc định Thiên Bình kém cậu ba tuổi thì phải sinh năm Ất Mùi còn Duệ thì Giáp Ngọ, theo lý phải vậy nhưng không!
Thiên Bình sinh năm… Nhâm Dần! Còn Duệ hơn một tuổi sinh năm Tân Sửu!
Chương ngớ ra vì Can Chi đảo lộn, thôi thì cậu đã đến Vạn Xuân theo cách khó tin nên đành. Duệ, Bình và nhiều người khác sau này không tin Chương sinh năm Nhâm Thìn bởi nếu vậy thì cậu phải hơn Bình mười tuổi. Chương đành bảo cậu từ nơi khác đến, nơi ấy cách tính có đôi chút khác biệt nên mọi chuyện cũng yên.
Thiên Bình chọn con hổ vì hổ là chúa sơn lâm, là vua muôn loài, rất dũng mãnh, vô cùng phù hợp với một đội quân tinh nhuệ khiến kẻ địch kh·iếp sợ.
Chương cho là phải, quyết định sẽ chọn hổ.
Nhưng Duệ lại muốn hoạ con trâu vì “con trâu là đầu cơ nghiệp” cũng rất khoẻ, là gia sản lớn, giúp mang lại ấm no cho nông dân. Thiên Gia Bảo Hựu dựng cờ vì muốn muôn dân được no đủ.
Chương thấy cũng rất có lý vì các chàng trai Thiên Đức sẽ khoẻ như trâu.
Đến đây thì Chương thấy có vấn đề, chọn con này thì cô kia phật ý, chọn thêu luôn cả hai mặt thì rốt cuộc hình ảnh nào đại diện chính thức? Điều khó nữa là hai cô này tuyệt không cãi với nhau nửa câu. Người này nói thì người kia gật gù ra vẻ rất đồng tình, thật là lạ.
Chương bảo sẽ suy nghĩ rồi quyết định.
Thiên Bình hết giở chiêu nhõng nhẽo ăn vạ không được thì nói huyên thuyên bên tai từ sáng đến tối vì sao nên chọn hổ, lợi ích của hổ, hổ đáng sợ như thế nào. Cô cũng bảo rằng Chương chọn trâu nghĩa là “mến chị Duệ hơn”.
Duệ thì khác, cô vẫn lo cơm ngày ba bữa cho Chương trừ khi bận việc. Bên mâm cơm, lúc bàn việc, khi đi đâu đó cùng nhau thì Duệ giảng giải cho Chương nghe vì sao nông dân quý con trâu, chọn con trâu sẽ khiến C Thiên Đức trở nên gần gũi.
-Chả phải anh bảo quân từ dân mà ra hả anh Chương?
Cứ một câu “em nghĩ là…” hai câu “em thấy…” ba câu “em cho rằng…” khiến Chương đã gặp ác mộng khi ngủ.
Cậu nhờ Lượng thuyết phục Thiên Bình chọn trâu thì tay này lắc đầu trốn luôn! Nhờ Phạm Tu nói giúp thì nghe xong đầu đuôi ông cũng quay lưng bỏ đi thẳng. Gặp Bỉnh Di nhờ vả anh ta khuyên Duệ chọn hổ thì anh này cáo bận. Nhờ đến Xuân thì cô ta nhếch miệng cười:
-Cậu nên tập dần cho quen, ta sợ là cái cờ ấy rồi sẽ phải hoạ đủ mười hai con giáp! Thương ta thì đừng có kéo ta vào, tự mà lo.
Chương nghĩ sẽ đoản thọ nếu điều Xuân nói là sự thật, mới hai cô đã khổ đến thế này thì thêm cô nữa chắc đột tử. Song Chương nào biết, lời của Xuân rồi sẽ dần ứng nghiệm vì bây giờ cậu mới đang quanh quẩn ven bờ Nam sông Thiên Đức mà đất Vạn Xuân những hơn chục châu phủ.
-Anh đã quyết định rồi, lá cờ hiệu đại diện cho đội Thiên Đức sẽ là hổ trâu. - Chương trịnh trọng tuyên bố. - Đây là một loài vật mới được anh nghĩ ra, nó sẽ là thần vật mặt hổ nhưng có hai cái sừng cong nhọn hoắt vô cùng dũng mãnh. Nó vừa là chúa sơn lâm lại làm vương đồng bằng.
-Theo em thì chúng ta nên gọi là trâu hổ. - Duệ giơ tay xin phép ý kiến.
-Em đồng ý hổ trâu. - Bình giơ tay xin phép ý kiến.
Chí ít trong nhà bà Cả Ngư thì Chương cũng thiết lập được vài quy định, một trong số đó là ai muốn nói thì giơ tay, chủ trì đồng ý mới được nói. Điều này áp dụng cho cả ban chỉ huy bởi trong mái nhà tranh này có tận ba cô gái, đủ sức mở một siêu chợ.
-Anh đã cân nhắc kỹ rồi, mặt hổ oai nghiêm gọi là oai hùm. Sừng trâu cứng nhọn biểu thị cho ý chí kiên cường và sức mạnh của chúng ta. Gọi là trâu hổ hay hổ trâu tuỳ người nhìn nhưng hoạ thì sẽ là thế.
Hai cô gái vẫn chưa bằng lòng, Chương đành dùng hạ sách:
-Chị Xuân bảo nếu chưa gấp thì từ từ, chờ đủ mười hai con giáp thêu một lần cho đỡ tốn công.
Hai cô gái nhìn nhau, sau vài cái chớp mắt liền đồng ý gọi là hổ trâu hay trâu hổ đều được nhưng chọn rồi nhất quyết Chương không được hoạ lại hay chọn lại.
Chương thở phào. Cậu nghĩ sau phải nghiêm với hai cô này, cậu đã nhận ra chân lý, cứ chiều theo ý thì các cô sẽ được đà lấn tới, rồi có ngày cậu chẳng còn chính kiến gì nữa.
Bọn Chương mỗi người một ngựa đến làng gần bên tìm một hoạ sư. Chương đã cưỡi được ngựa nhưng cậu chưa thể phi nước đại, chỉ thành thục đi nước kiệu và đang dần quen với phi nước trung. Hoạ sư là một ông tuổi gần năm mươi, chuyên hoạ hoa văn lên những bình gốm hoặc chén bát. Chương nhờ ông hoạ sư hoạ cho một bức đầu hổ dũng mãnh nhưng thêm hai sừng trâu cong hình bán nguyệt rất cân đối. Chẳng cần phải nói cũng biết ông hoạ sư vừa vẽ vừa lắc đầu, ông làm sao hiểu nổi người trẻ nghĩ gì.
Hoạ sư kiên nhẫn vẽ đến bức thứ năm mới yên thân vì hai cô gái đòi hỏi nọ kia, nếu không vì chỗ tiền công sáu mươi đồng thì chắc ông đã đuổi ba đứa dở hơi này về rồi.
Từ nhà hoạ sư, bọn Chương về làng Vạn mà không cần ai theo bảo vệ vì Chương thấy vùng này yên bình, lại ban ngày ban mặt cũng như Thiên Bình đủ khả năng bảo vệ bản thân còn Chương thì có chó lửa giắt hông.
Ngọc tự tay thêu một lá cờ lớn hình chữ nhật với hình ảnh lạ kỳ và những chữ kỳ lạ không kém theo yêu cầu của hai cô em. Ngoài cờ lớn còn có thêm ba cờ nhỏ hơn nhưng hình tam giác, nội dung cơ bản không khác nhau. Thiên Bình đem khoe hết lượt rằng đây sẽ là cờ hiệu của Đại đội Thiên Đức, lá cờ này rồi sẽ khiến đối phương kh·iếp sợ khi nhìn thấy. Chả biết sau này ra sao chứ từ Phạm Tu, Quang Phục đến Bạch Hổ, Hữu Thế khi thấy ảnh đều kinh nhưng không sợ. Họ đều nhìn Chương với ánh mắt ái ngại xen lẫn thương cảm.
Bỉnh Di vỗ vai Chương an ủi khi hai cô gái không còn ở lại.
-Cậu phải cố lên, đừng nản lòng. Chúng ta chịu đựng được chục năm thì cậu rồi sẽ quen thôi, nhá. Đừng nản.
Rồi Bỉnh Di ôm bụng cười chảy cả nước mắt, mấy người khác đứng nhìn Chương lắc đầu xen lẫn những tiếng thở dài. Trở về Đường Vỹ mà Chương ấm ức không nói được lời nào.
Ở thời kỳ mà cờ chỉ toàn chữ Hán với những màu sắc đơn thuần hoặc hoạ tiết hình rồng cách điệu của triều đình thì lá cờ hổ trâu quả thật khó chấp nhận nhưng sau này, nó xứng đáng là một… logo bạc tỷ và ông hoạ sư trong làng nhỏ kia cũng sẽ nổi danh là người hoạ hiệu kỳ của cả một đạo quân dựng lên đế quốc.