Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 593: Cửa Tường Phù




Chương 593: Cửa Tường Phù

Tô Trung Từ mấy lần yết kiến Trữ quân xin ban lệnh bêu đầu Lý Nhân Nghĩa, Trữ quân lấy cớ trong người không khoẻ, từ chối mấy lần. Tô Trung Từ bèn tìm đến Tô Thái hậu. Tô Thái hậu nghe lời thuật của Tô Trung Từ lấy làm giận, gọi Trữ quân đến trách mắng.

- Mẫu hậu, nhi thần tuy chẳng có tài đức, kẻ hiền trong thiên hạ không theo nhưng nhi thần nào phải kẻ vô tri. Ý đồ của Mạc tặc rõ như ban ngày, hắn muốn chia rẽ bách quan, mị đám đại thần trung dung nhằm khoét sâu các mối bất hoà trong triều. - Trữ quân nói. - Chém một Nhân Nghĩa dễ hơn trở bàn tay, chỉ e chém đi rồi lại mọc ra nhiều Nhân Nghĩa.

Tô Thái hậu nói:

- Không trừ thằng phản phúc ấy còn sợ uy Trữ quân? Lưu nó ngày nào mầm hoạ còn ngày ấy. Bang giao với phương Bắc rất xấu, bọn Ngô Thiên Sách ở Trường Châu sắp chẳng lo được thân. Đỗ Anh Vũ giao thiệp rất tốt với Đỗ Thục và đám man trên núi, Trữ quân chỉ cần dựa vào đó là được. Thiên Đức với chúng ta không đội trời chung.

Trữ quân thở dài mà rằng:

- Con tạo xoay vần, thế Thiên Đức ngày một lớn mạnh. Nếu thương lượng được với chúng nhằm kéo dài thời gian liệu việc sẽ lợi cho ta. Đám chuột nhắt họ Đỗ ru rú nơi đầm lầy, chẳng thể trông chờ vào bọn chúng. Đám man sơn cước lại càng không. Nhi thần đang rối bời, xin mẫu hậu thư thư ít hôm.

Tô Thái hậu bèn hỏi:

- Tô lão Tể tướng là rường cột nước nhà, Trữ quân không thể cứ vậy mà giam cầm ông ấy. Lúc này cần đồng lòng nhất trí. Tô lão Tể tướng chẳng có binh quyền nhưng là người có uy tín trong triều.

Trữ quân nén giận, đáp rằng:

- Ông ta cần thời gian tự vấn bản thân, đường đường là khai quốc đại thần lại dám bày ta dâng vương nghiệp cho Mạc tặc.

Tô Thái hậu lại nói:

- Cũng không nên giam trong đại lao, ông ấy là công thần, kẻ dưới nhìn vào bất mãn sẽ sinh chuyện.

Nhiều đại thần từng yết kiến Trữ quân xin thả Tô Hiến Thành. Tô Trung Từ chẳng đả động gì, nay thêm Tô Thái hậu nói, Trữ quân bèn gọi quân hầu vào, truyền lệnh thả cha con Tể tướng, đưa họ về Tể tướng phủ giam lỏng.

- Bọn Thiên Đức sẽ đánh ta ngay sau vụ gặt, nhi thần còn nhiều việc phải làm, xin mẫu hậu đừng bận lòng.

Lý Nhân Nghĩa thêm hai đêm thuyết phục Tô Hiến Thành song chẳng khiến ông động tâm. Đêm thứ ba Lý Nhân Nghĩa chuyển sang thuyết phục Tô Vĩnh Khang và Tô Hiến Khái. Tô Vĩnh Khang, Tô Hiến Khái còn lưỡng lự thì sớm hôm sau đã không còn trong đại lao. Lý Nhân Nghĩa bèn nói với Phạm Ngũ Lão:

- Ông ấy không còn trong lao, ta cũng không ở đây làm gì.

Phạm Ngũ Lão hiểu ý, chờ lúc cai ngục đưa cơm đến ghé tai nói nhỏ:

- Nhắc anh em hành động.

Người cai ngục khẽ gật đầu.

Kinh sư đất chẳng rộng mà người thập phương rất đông, quân tế tác Thiên Đức cài cắm ở kinh sư mấy năm trời, chẳng leo cao mà chui sâu vào mọi ngóc ngách dưới vỏ bọc khác nhau. Người kinh sư thích tiền bạc, thứ Thiên Đức quân không tiếc, nhờ đó nhiều quân tế tác, Thân Vệ quân lẩn khuất trong cấm thành, kinh thành, q·uân đ·ội và các phủ đệ…

Mệnh lệnh hành động của Phạm Ngũ Lão truyền đến một nhóm Thân Vệ phục dịch dưới bến sông, một nhóm khác đang làm dân phu đắp lũy, mỗi nhóm như vậy gồm ba người. Nhóm thứ nhất sẽ đột nhập vào phủ của Tả khu mật sứ, mục tiêu của nhóm còn lại là Hữu khu mật sứ Xung Tấn.

Nhóm thứ nhất đột nhập vào phủ của Lý Đạo Kỳ, có nội gián dẫn lối song Lý Đạo Kỳ không ở trong phủ bèn quyết định đánh thuốc mê b·ắt c·óc con trai nhỏ của Lý Đạo Kỳ rời đi mà gia nô trong phủ không hề hay biết. Nhóm thứ hai mật phục bên ngoài Xung phủ, mãi đến đầu trống canh Tư mới trông thấy đèn hiệu quy ước. Nhóm này đến được phòng ngủ của Xung Tấn, đánh thuốc mê chờ đợi và khiêng vị Hữu khu mật sứ biến mất trong màn đêm khi trống canh Năm vừa điểm.

Trưa hôm sau triều đình náo loạn.

Tô Trung Từ giận tím ruột gan. Trữ quân vội vàng ban lệnh thiết quân luật từ đầu giờ Dậu hôm trước đến hết giờ Mão ngày hôm sau. Cấm quân nhận lệnh bới tung từng hang cùng ngõ hẻm trong thành tìm Hữu khu mật sứ và quý tử của ngài Tả khu mật sứ.

Sau một đêm lục tung kinh thành vẫn chẳng thấy vị Hữu khu mật sứ đâu, sớm ngày hôm sau Tô Trung Từ đích thân xuống đại lao, chỉ mặt Lý Nhân Nghĩa mắng rằng:

- Ngươi dám vuốt râu hùm, tội này phải tru di chín họ!

Lý Nhân Nghĩa tỏ ra không hiểu. Tô Trung Từ mặt đỏ gay quát lên:

- Chúng bay dám bắt quan đại thần hòng uy h·iếp Trữ quân. Bay đâu! Lôi thằng phản phúc này ra cửa Tường Phù chém ngay.

Lý Nhân Nghĩa nhếch miệng cười nhạt:



- Thái úy! Ngài giam hạ quan trong đại lao cả ngày chẳng thấy mặt trời. Chuyện gì xảy ra bên ngoài liên quan gì đến hạ quan?

- Phản tặc! Chúng bay giấu ông Hữu khu mật sứ ở đâu?

Quan binh choàng gông vào cổ Lý Nhân Nghĩa lôi ra khỏi nhà giam, Lý Nhân Nghĩa không chống cự, nét mặt thản nhiên như không, nói rằng:

- Một lời Vạn Thắng vương đã nói ra chính là thánh chỉ. Ông thờ chủ của ông, ta thờ chủ của ta. Chém đầu ta dễ. Xin nhắc Thái uý hãy dặn người đóng sẵn hàng trăm cỗ áo quan loại tốt kẻo các đại thần về đất trong chiếu cói thì buồn lắm.

Tô Trung Từ tức phát điên, tát vào mặt Lý Nhân Nghĩa vài cái cho hả giận. Khoé miệng rỉ máu nhưng Lý Nhân Nghĩa lại cười khinh mạn thong thả bước theo quan binh đến chỗ xử trảm. Phạm Ngũ Lão và 15 tráng sĩ cũng bị đeo gông giải đi. Dọc đường bách tính La thành kéo nhau ra xem rất đông.

- Bẩm Thái uý, hạ quan nghĩ chém thằng phản tặc lúc này không phải thượng sách, chỉ thoả được cơn giận dữ nhất thời thôi ạ.

Tô Trung Từ quắc mắt nhìn Ngô Định. Ngô Định run sợ nhưng vẫn thưa:

- Bọn chúng tất có chuẩn bị, tế tác Thiên Đức trà trộn trong kinh sư sẽ có hành động sau khi ta bêu đầu Nguyễn Nhân Nghĩa.

Tô Trung Từ gằn giọng:

- Ông sợ chúng ư?

Ngô Định vội thưa:

- Hạ quan không sợ, chỉ là việc cấp thiết lúc này cần tìm ông Tấn và… và con ông Kỳ. Các quan đại thần đang rối bời, họ tụ tập trước điện Càn Nguyên xin tham kiến thánh thượng.

Tô Trung Từ cả giận mắng:

- Lũ đần độn! Chúng còn chưa đánh đến, mới rung nhẹ cái cành đã dúm dó hết cả lại như thế còn trông mong gì. Làm vậy khác nào cho thiên hạ thấy Mạc tặc đã đạt được ý đồ.

Lý Nhân Nghĩa nghe vậy, thân đeo gông bỗng ngửa cổ cười lớn, nói lớn với bách tính đứng hai bên đường:

- Bà con mau về nhà đóng cửa lại, đại tang sắp phủ khắp kinh thành rồi. Hữu khu mật sứ và con trai ông Tả khu mật sứ đang đêm m·ất t·ích. Đêm nay đến lượt các đại thần trong Ngự sử đài chẳng dám chợp mắt. Thiên Đức quân đến rồi, Vạn Thắng vương vạn tuế!

- Buộc mồm nó lại! - Tô Trung Từ quát lên. - Nó còn nói nữa cắt lưỡi.

Cửa Tường Phù nằm ở phía Đông kinh thành, còn gọi là cửa Đông, bên ngoài cửa Tường Phù có chợ Đông, một khu chợ đông đúc. Tô Trung Từ muốn xử trảm Lý Nhân Nghĩa thị chúng tại cửa Tường Phù, nơi mặt trời sẽ lặn thay vì cửa Quảng Phúc (phúc lớn) nằm ở phía Tây kinh thành.

Dân chợ Đông và phụ cận hay tin Thái uý chuẩn bị xử trảm sứ giả Thiên Đức vào giờ Ngọ ba khắc kéo đến xem rất đông. Phần nhiều dân kinh sư chưa trông thấy binh mã Thiên Đức ra sao, chỉ nghe đồn thổi đó là đám quê kệch hung tàn, ăn thịt người, uống máu tươi.

Lý Nhân Nghĩa, Phạm Ngũ Lão và tráng sĩ theo hầu đều y phục chỉnh tề, ra pháp trường mặt chẳng biến sắc, thẳng lưng mà bước, thậm chí còn nhoẻn miệng cười với bách tính kinh thành đang tò mò bàn tán khiến nhiều người trố mắt ngạc nhiên.

Đời người ai chẳng sợ phải c·hết, ai rồi cũng c·hết cả.

Trên đường đi, Phạm Ngũ Lão trông thấy vài gương không quen nhưng trên khăn buộc đầu có dấu hiệu Thân Vệ bèn ngoảnh lại nói nhỏ thuộc hạ:

- Các cậu đừng để dân kinh thành suy nghĩ lệch lạc về chúng ta. Dẫu rằng trước khi đến đây Đại Vương đã làm lễ tiễn biệt nhưng không có nghĩa một đi không về. Cứ ngẩng mặt mà đi, người Thiên Đức lẫn trong bách tính rất nhiều, ta mà m·ất m·ạng cũng kéo theo một số kẻ khác mới được.

Gần đến cửa Tường Phù, gia nô trong phủ Thái uý bỗng đến bên kiệu bẩm báo:

- Có kẻ ném giấy doạ rằng già trẻ gái trai trong phủ hãy ăn no, nhìn mặt người thân lần cuối ạ.

Tô Trung Từ sôi máu quát:

- Kẻ nào to gan đến vậy?

Gia nô phủ Thái uý còn chưa kịp trả lời đã trông thấy gia nô của ngài Khu mật sứ hớt hải chạy đến báo tin chính thất của Lý Đạo Kỳ đi chợ sớm cùng nữ tì không thấy trở về, trước cửa phủ có tờ giấy vo viên ném vào.

Lý Đạo Kỳ sợ toát mồ hôi, nhận tờ giấy nhàu nát gia nô đưa mở ra đọc.



“Một mạng binh sĩ Thiên Đức đổi lấy ba mạng người. Mạng sứ và tướng Thiên Đức không còn thì họ Lý Đạo cũng không còn.”

Lý Đạo Kỳ run rẩy trình giấy lên Tô Trung Từ. Tô Trung Từ nghiến chặt hai hàm răng, thở phì phò, xé toạc tờ giấy vốn nhàu nát ra làm tư, lệnh rằng:

- Ông đem bọn nó ra chém, ta trở lại điện Càn Nguyên.

Lý Đạo Kỳ quệt mồ hôi lấm tấm trên trán, lắp bắp:

- Còn… còn phu… phu nhân của hạ quan ạ.

Tô Trung Từ quát:

- Cứ làm theo lời ta!

Đoạn rồi lệnh phu kiệu đổi hướng quay về cấm thành, bỏ mặc Lý Đạo Kỳ bối rối.

- Thái uý! Chính thất của hạ quan là cháu ngài cơ mà, sao lại có thể như vậy?

Lý Đạo Kỳ than thầm, chẳng biết xử trí ra sao. Vừa lúc ấy thuộc hạ thân tín đến bên nói nhỏ:

- Đại nhân! Thái uý bỏ than hồng vào tay ngài, ngài thừa hành tội vạ ngài gánh cả. Thuộc hạ có nghe bọn Thiên Đức coi binh sĩ như anh em một nhà, chúng nhất định không bỏ qua vì Mạc tặc tin dùng Nguyễn Nhân Nghĩa. Ngài đừng có nhận vụ này.

Lý Đạo Kỳ khổ sở nói:

- Ta sao có thể thoái đây?

- Thánh thượng chưa biết việc này, ngài sai người cấp báo với thánh thượng, xin thánh thượng định đoạt.

Lý Đạo Kỳ như người tỉnh cơn mê, hai mắt chợt sáng lên, vội gọi:

- Người đâu, người đâu?

Thám mã chạy ào đi rồi, thân tín lại rỉ tai Lý Đạo Kỳ:

- Thiên Đức chỉ mới doạ Thái uý còn đại quan trong Khu mật viện đều bị đụng đến. Đại nhân, ngài hành sự phải khéo mới được. Nguyễn Nhân Nghĩa thù với Thái uý nào có thù với ngài, năm xưa ngài với Nhân Nghĩa cũng có chút giao tình. Thuộc hạ thấy tình hình ngày một khó, đại nhân phải liệu kế lâu dài mới được.

Lý Đạo Kỳ nghệt mặt hỏi lại:

- Ngươi xúi ta tạo phản ư?

- Thuộc hạ nào có gan ấy, đương lúc thế này khoanh tay nhìn thiên hạ mới là hơn cả. Ngài là quan lớn, chẳng lẽ không nhìn đại cuộc mà suy xét ư?

Lý Đạo Kỳ làu bàu:

- Ta không nghĩ bọn Thiên Đức táo tợn, dưới chân thiên tử mà ngang nhiên làm càn.

Lý Đạo Kỳ nhùng nhằng một hồi, sai quân dẫn bọn Lý Nhân Nghĩa đi lòng vòng thay vì thẳng đến cửa Tường Phù, tiếng là thị uy nhưng thực chất câu giờ chờ thánh chỉ. Thân là đại quan trong triều, lại đứng đầu Khu mật viện, Lý Đạo Kỳ đủ biết đại cục. Chỉ là gần đây Tô Trung Từ dụng bọn môn khách trong phủ, coi thường đại thần trong Khu mật viện.

- Ta với ông chẳng oán thì, ngặt nỗi ông thờ Mạc tặc, ta theo thánh thượng. - Lý Đạo Kỳ nói với Lý Nhân Nghĩa. - Ông xuống cửu tuyền đừng trách ta.

Lý Nhân Nghĩa nhoẻn miệng cười mà rằng:

- Ta và đại nhân cũng xem như quen biết. Đại nhân u mê, chẳng thức thời ta không dám khuyên. La thành đất chật người đông, ba bề bị vây khốn, nay mai ắt đói kém. Thời vận nay khác so với hơn hai mươi năm trước. Ông gọi Mạc tặc, ta gọi vương thượng, ai thờ chủ nấy. Ông chẳng phải hạng hồ đồ, vậy ta có lời khuyên, ông nên chuẩn bị cho ngày sau kẻo dòng Lý Đạo tuyệt tự. Vạn Thắng vương nhân từ nhưng tả hữu chưa chắc, cơn mưa máu đổ xuống kinh sư lúc nào tự ông phải rõ hơn muôn người mới phải.

Lý Đạo Kỳ nói cứng:

- La thành cả chục vạn dân, binh hùng tướng mạnh, lương thảo đầy kho. Mạc tặc đâu dễ vào đất thần kinh chứ.



Lý Nhân Nghĩa tỏ ra ngạc nhiên:

- Vậy ư? Vạn dân có chung lòng hay không? Kinh sư nếu không thần phục Vạn Thắng vương thực chẳng cần kinh sư nữa. Lưu dân Hoan châu, Vũ Gia, Vân Nam quốc, Tây Phù Liệt sẽ là dân kinh sư mới thì có sao? Rường cột mục rỗng, bách tính lầm than, Vạn Thắng vương kéo đại binh đến đánh chỉ là chuyện ngày một, ngày hai. Lý đại nhân, theo thiển ý của tại hạ, ngài vẫn nên lo ngày sau thì hơn.

Lý Đạo Kỳ phất áo bỏ vào bàn ngồi, mặc Lý Nhân Nghĩa đứng dưới nắng hanh chờ đến giờ hành quyết.

Dân tình tụ tập ngày một đông xem hành quyết, khung cảnh quanh pháp trường vô cùng ồn ào. Quan giám trảm hỏi ý Lý Đạo Kỳ:

- Bẩm đại nhân, còn hai khắc nữa sẽ trảm mà dân kéo đến xem đông quá, sợ gian tế Thiên Đức trà trộn c·ướp pháp trường.

Lý Đạo Kỳ ngoài mặt bình thản nhưng trong lòng nóng như lửa đốt, nhấp nhổm không yên, thi thoảng lại hướng ánh mắt chờ đợi bóng cờ lông công. Xử trảm Lý Nhân Nghĩa chẳng khác nào tước đoạt mạng sống của chính thất và Thiên Đức ghi họ Lý Đạo vào sổ hận.

- “Đại hoạ treo đầu, ta phải đưa con cái bí mật rời khỏi kinh sư mới được.”

Lý Đạo Kỳ đứng bật dậy khi trông thấy cờ lông công phất cao kèm tiếng hô dẹp đường.

- Thánh chỉ đến! Đao hạ lưu nhân!

Lý Đạo Kỳ khẽ thở phào, nét mặt giãn ra. Trong khi đó Phạm Ngũ Lão bật cười nói với Lý Nhân Nghĩa:

- Trần Nhật Tôn với anh Di chắc sợ sơ xuất khiến ông rơi đầu nên hành sự mau lẹ nhỉ? Chắc doạ các đại thần Khu mật viện sợ té đái hết cả.

Lý Nhân Nghĩa cũng cười, nói rằng:

- Khu mật viện và Ngự sử đài là hai cơ quan cần phải loại bỏ trước tiên.

Lý Đạo Kỳ tuyên đọc thánh chỉ, Trữ quân tha c·hết cho bọn phản tặc Lý Nhân Nghĩa, giam lại chờ định tội sau. Tuyên đọc xong, Lý Đạo Kỳ nói vu vơ, đủ để Lý Nhân Nghĩa nghe được:

- Chẳng biết tối nay ta có được dùng bữa cùng phu nhân hay không.

Phạm Ngũ Lão bóng gió:

- Đầu bọn tôi còn trên cổ tất chẳng ai t·hiệt m·ạng. Đầu bọn tôi rơi thì ngài Khu mật sứ cũng khó toàn mạng lắm.

Lý Đạo Kỳ nhíu mày, nói Phạm Ngũ Lão như thể giãi bày:

- Sao cứ nhắm vào bọn ta chứ? Phận bề tôi chỉ biết thừa hành.

Lý Nhân Nghĩa cười khẩy:

- Khu mật viện là cơ quan trọng yếu chuyên mách kế cho Tô tặc và Trữ quân, lại rước ngoại bang về, tội đó lớn.

Lý Đạo Kỳ phân bua:

- Đó là ý của bọn mưu sĩ phương Bắc, không phải ý bọn ta. Bọn ta bất tài cũng không muốn cúi đầu nghe bọn ấy sai bảo.

Lý Nhân Nghĩa so vai:

- Các ngài làm gì có trời chứng giám, tại hạ vẫn khuyên đại nhân nên tính hậu vận dòng họ, chậm một ngày là khó khăn gấp bội.

Quan quân áp giải Lý Nhân Nghĩa trở lại đại lao, dọc đường Lý Nhân Nghĩa nói nhỏ với Phạm Ngũ Lão:

- Các cậu trốn đi thôi, cứ mặc tôi. Tô tặc sẽ không tự ý g·iết tôi vì có thánh chỉ ban xuống rồi.

- Cũng phải phòng tay giặc già ấy làm càn chứ.

Lý Nhân Nghĩa tặc lưỡi:

- Chẳng quan trọng, tôi theo chỉ làm vướng bận chân tay các cậu.

Đêm hôm sau Phạm Ngũ Lão có nội ứng nên dễ dàng phá xiềng, hạ gục quân canh rồi biến mất trong đêm cùng hơn chục tráng sĩ.

Cấm quân khua trống gõ chiêng đánh động, cổng thành đóng chặt, đốt đuốc truy lùng gắt gao song bọn Phạm Ngũ Lão vẫn bóng chim tăm cá. Kinh thành nhốn nháo, an ninh thắt chặt, cửa nhà quan chưa tối đã phải cài then.