Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 73: 經財 (kinh tài)




Chương 73: 經財 (kinh tài)

Cỏ lác (còn gọi là cói) là loài cỏ dại mọc đầy ven sông và khu đầm lầy vắng bóng người. Chương đã hỏi và biết được trong vùng có một làng làm chiếu cói lúc nông nhàn. Chiếu là vật dụng phổ thông, giá hơn mười đồng một cái, chẳng có hoa văn trang trí gì. Chương thấy dân trong làng Đường Vỹ nhiều người dùng rơm bện lại ngủ có khi êm và ấm hơn.

Chương đã đến làng đó hỏi cách làm chiếu cói, với địa vị là chủ tướng quân Thiên Đức, cậu không gặp chút khó khăn gì. Chương đặt ba cái chiếu, sau khi được thấy quy trình làm ra một cái chiếu thì Chương gật gù ra về.

-Làng này có bao nhiêu nóc nhà? - Chương hỏi Duệ.

-Một trăm ba mươi ba nóc, dân có khoảng…

-Em xem hộ anh có bao nhiêu nhà có thể dệt chiếu cói bán nhé.

Về đến quân doanh, Chương gặp Lượng và Trương Lôi, đề nghị hai người giúp cho việc cắt cói mọc um tùm ở ven sông về phơi ít nhất ba nắng và dựng một cái lán tranh. Tiếp đó, Chương bảo với Duệ và Bình mướn giúp vài cô bác lớn tuổi ở làng làm chiếu cói đến quân doanh.

Dù chỉ nghe phong thanh Chương sẽ làm thứ gì đó kỳ quặc, có thể là… làm chiếu cho toàn quân song bọn Lượng cũng không thắc mắc. Lượng bảo với Trương Lôi rằng Chương cần gì thì cứ làm theo.

-Không phải do cậu ấy là chủ tướng, mà là vì cậu ta sẽ làm ra thứ chúng ta không biết song rất hay.

Trương Lôi tò mò bởi tài ăn nói với sắp đặt mọi việc của Chương thì ông đã thấy nhưng một vị chủ tướng sao lại quan tâm đến mấy thứ cỏ lác làm gì?

Với quân số hơn nghìn người, việc dựng lán và cắt cỏ lác, chẻ nhỏ ra theo mong muốn của Chương chỉ trong một ngày là xong. Cỏ lác cắt về chất cao thành gò đống rồi đem phơi nắng. Chương hồ hởi nói thứ cỏ lác vô giá trị này sẽ biến thành bạc vàng trong nay mai.

Mấy khung dùng dệt chiếu được làm từ những thanh tre theo hướng dẫn của những cô bác được mướn đến. Chương sẽ trả công những cô bác này ngoài lương cứng 20 đồng trong tháng đầu tiên thì từ tháng tiếp theo sẽ là 25 cộng với… sản phẩm làm ra! Toàn những thứ sơ đẳng đối với người học Quản trị kinh doanh song lại vô cùng lạ lẫm với những người nông dân mà hiểu biết vốn chỉ gói gọn trong luỹ tre làng.

Đầu tiên, Chương bảo các cô bác dệt chiếu dạy cho gần tám chục nữ binh. Mỗi nữ binh nếu học xong và tự dệt được hoàn thiện một cái chiếu thì các cô bác sẽ được thưởng thêm 5 đồng. Vị chi là 400 đồng tiền thưởng, thời hạn trong một tháng phải dạy xong. Đây là số tiền lớn nếu chia đều cho chín người dạy nghề.

Tiếp đó, Chương dùng đất sét tạo hình giống bàn chân với ba kích cỡ và dùng nó làm mẫu rồi nhờ binh sĩ dùng gỗ mít đục đẽo làm ra hàng trăm khuôn mẫu hình bàn chân.

Dân Vạn Xuân nói chung có dùng dép bện từ rơm nhưng kiểu dáng chỉ có một mẫu giống như dép quai hậu. Bởi vậy Chương muốn làm tông cói, dép cói, dép cói có quai. Trước tiên mỗi binh sĩ Thiên Đức sẽ có một đôi dép cói quai hậu, tốt cho bàn chân của họ. Hơn nửa tháng sau đã có mấy cô gái hoàn thành việc học nghề, họ đã thuộc các công đoạn và tự làm ra được một cái chiếu hoàn chỉnh.



Tiếp đó, Chương bảo các nữ binh dùng cói đã phơi nắng ngồi đan cho chính họ một đôi giày cói theo mẫu như giày bện rơm. Những thành phẩm đầu tiên không đẹp nhưng Chương động viên họ đến khi thành phẩm tương đối hoàn thiện thì Chương bắt đầu đưa mẫu vẽ tay cho các cô gái. Tông bằng cói, dép bằng cói và giày quai hậu bằng cói.

Hơn một tháng kể từ khi bắt đầu học nghề, tất cả các cô gái xem như đã tốt nghiệp và bắt đầu ngồi làm những gì Chương bảo. Những cô này thành thục hơn sau mỗi ngày, một số quân sĩ cũng bị thu hút, chả rõ do công việc hay do bản thân các cô gái có sức hấp dẫn, đã giúp các cô một số việc. Tám chục cô gái có giày bằng cói để đi.

Các cô bác được mướn thì tập trung vào việc làm ra những đôi giày cói cho binh sĩ Thiên Đức. Họ đã gọi thêm gần chục người nữa làm cùng vì hơn một nghìn đôi không phải là ít.

Chương về làng Vạn gặp thợ rèn, cậu đưa bản vẽ và đặt làm những logo bằng sắt có hai chữ VX nổi trên hình trái tim. Cậu đã đặt 1000 cái logo như vậy và trả tiền nguyên liệu, công xá chỉ 2 tiền. Những logo nhỏ này Chương sẽ cho đính lên những đôi giày, dép thương mại. Cậu cũng đặt hàng nghìn huy hiệu hình bông hoa năm cánh nhỏ xíu để trang trí, phần này tiền công đắt hơn nhưng cả thảy cũng chỉ 3 tiền.

Chương nhắm chợ Thổ Hà, một chợ đông người năm ngày họp một phiên, chợ nằm ở đầu làng Thổ Hà, gần bến sông. Chợ Thổ Hà tuy lớn nhưng chỉ là lớn trong vùng kiểm soát của Thiên Gia Bảo Hựu. Như Duệ cho biết từ năm trước thì 18 giáp có số dân chưa đến một vạn.

Chợ có vài ngôi nhà nhỏ quây bằng ván gỗ lợp mái tranh, một số lán tạm bợ còn đa phần là những tấm phên dựng lên che nắng mưa. Chương mượn Trương Lôi một trung đội, dẫn họ đến gần chợ Thổ Hà rồi nói muốn dựng một căn nhà hai tầng, tường bằng ván gỗ, trần và sàn cũng phải bằng gỗ, mái sẽ lợp ngói. Căn nhà rộng khoảng năm chục mét vuông nằm cạnh lối từ chợ ra bờ sông. Biết Chương đang ra sức gầy dựng gia sản cho Thiên Đức quân, Bỉnh Di cùng hai trăm quân đi chặt cây xẻ gỗ giúp vì chợ Thổ Hà về làng Vạn không xa.

Chương có được ngôi nhà gỗ hai tầng kiên cố như cậu mong muốn chỉ sau hơn mười ngày. Một tấm biển lớn bằng gỗ viết mấy chữ Hán “Cửa hàng giày dép Vạn Xuân” do chính Duệ viết kèm theo một miếng kim loại lớn hình trái tim có chữ VX mà Chương bảo đó là logo.

Ngôi nhà gỗ kiên cố do đám trai tráng dựng lên xong xuôi nhưng cửa đóng then cài gây tò mò cho các bà các cô đi chợ. Vài ngày sau có tấm vải đỏ được giăng lên, nội dung ghi “Con gái Vạn Xuân sẽ đẹp hơn khi đi dép cói Vạn Xuân”.

Nhưng bên trong chẳng thấy bày bán cái gì! Chỉ có vài cái kệ gỗ mới được kê, các bà các cô đi ngang qua đứng lại hỏi đám trai tráng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Mấy ngày sau trong vùng người ta kháo nhau về ngôi nhà bán giày dép cói nhưng không thấy bày bán gì, chỉ thấy nói con gái Vạn Xuân đi thứ đó sẽ đẹp.

Ngoài các bà các cô kháo nhau thì chính Chương đã cắt cử một số cô gái đi phao tin đồn, và rằng nghe nói chỗ ấy sẽ bắt đầu bán những đôi giày, dép làm từ cói rất đẹp, có đính cả hoa vào phiên chợ đầu tháng 3.

Quân Thiên Đức cũng được cắt cử đi phao tin rằng đã thấy mấy cô gái bên Siêu Loại đi giày dép ấy, gót chân cô nào cũng hồng, bàn thân thon gọn, rất đẹp và… bản thân cũng muốn lấy một cô vợ như thế!

Và tin đồn sẽ nhắm đến những nhà có của ăn của để.

Ngay cả Tả Đô đốc Phạm Tu cũng không biết Chương đang giở trò gì mà đám con gái trong ba làng Vạn cũng kháo nhau. Ba cô con gái của Phạm Tu và vợ ông cũng muốn biết, Phạm Tu sai người đi hỏi bọn Thiên Bình nhưng nhận được câu trả lời:

-Lệnh của Giám đốc, đây là bí mật kinh doanh, hôm nào khai trương mới biết!

Phạm Tu hỏi Bỉnh Di song Bỉnh Di cũng chả biết Giám đốc là gì.



Gần đến ngày khai trương, Chương chọn ra mười nữ binh mà cậu cho là có nhan sắc, đặt Ngọc làm cho họ mười bộ áo dài màu đỏ và dành trọn ba ngày đào tạo bán hàng, đặc biệt chú ý đến mặt mày các cô lúc nào cũng phải tươi như tiếp viên hàng không.

Đêm trước ngày khai trương, toàn bộ thành phẩm được đem đến cửa hàng Vạn Xuân bày lên từng kệ.

Tông cói quai làm bằng vải có giá 7 đồng một đôi, dép cói là 15 đồng và giày cói dạng quai hậu có giá 20 đồng. Tông cói không đính logo hay hoa, hai mẫu còn lại thì có.

Đặc biệt, Chương cho làm 20 đôi dạng như sục, mỗi đôi đều có quai hậu làm từ da bò và đính nơ vải lụa màu đỏ. Những đôi sục này có miếng lót bằng da nên sẽ êm chân và Chương gọi là phiên bản giới hạn. Duệ và Bình tất nhiên mỗi người đều có một đôi cho riêng mình. Giá một đôi bản giới hạn lên đến 60 đồng! Chương cũng đưa ra thêm lựa chọn, nếu ai muốn đính tên trên miếng kim loại thì thêm… 40 đồng!

Duệ và Bình bảo rằng sẽ chẳng ai mua vì giá ấy ngang cắt cổ người ta.

Trước cửa hàng, Chương để nhiều xô nước, ai vào cửa hàng thử thì đều phải rửa chân sau đó chùi chân bằng những miếng vải để sẵn bên ngoài.

Cửa hàng khai trương đầu giờ Mão ngày 1 tháng 3 năm Thiên Đức 25 với đèn đuốc thắp sáng trưng, chiêng trống khua một hồi om sòm. Hầu như ai đi chợ cũng dừng chân xem và chỉ trỏ song chả ai chịu bỏ ra số tiền 7 đồng để giẫm dưới chân cả. Một tháng lương quân sĩ Thiên Đức cũng chỉ 20 đồng.

Trời sáng rõ thì người xúm đen xúm đỏ lại xem và Chương bắt đầu ra tay. Hơn sáu chục nữ binh giả trang thành người đi chợ đứng bàn tán một hồi lâu thì nhân viên mời vào thử. Một cô rồi mười cô và rồi cô nào cũng sắm cho bản thân một đôi, ra khỏi cửa hàng mặt cô nào cũng tươi như hoa. Các chàng trai Thiên Đức giả trang cũng buông lời trêu ghẹo và khen lấy khen để rằng các cô đẹp hơn con gái bên Siêu Loại.

Tất cả các cô gái đều mua, đó thực ra là dép giày của họ.

Bà Dung, vợ Phạm Tu, vợ Triệu Quang Phục, vợ Đoàn Thượng và mấy ái nữ của các ông cũng kéo nhau ra xem song chưa mua vì nghĩ kiểu gì mình cũng sẽ được tặng một đôi cơ mà chờ mãi chả thấy ai mời vào. Thấy con gái làng Vạn giả trang là các bà biết nhưng không bóc mẽ, song các ái nữ những nhà có điều kiện đã đến. Họ bị cuốn theo các cô gái giả trang và mua dép.

Các cô mua xong rồi, thích thú nhận lời tán dương của nhân viên, của người đang mua cùng và những chàng trai ở bên ngoài thì Chương đem bày hai mươi đôi giới hạn với giá 60 đồng.

Bà Dung và những bà khác bấy giờ mới được mời vào. Chương nói:

-Cô Dung với các cô đây thân phận có khác biệt, giá 60 đồng nhưng cháu bớt còn 55 đồng ạ. Hôm nay khai trương, được các cô đến thăm chắc chắn cháu sẽ phát tài.



-Dép gì mà những 55 đồng? - Bà Dung nhăn mặt.

-Bọn cháu chỉ làm hai chục đôi, mỗi kích cỡ cũng chỉ có sáu, bảy đôi cô ạ. Cháu đảm bảo không có đôi thứ hai mươi mốt. - Chương vừa nói vừa xoa lòng bàn tay vào nhau, tươi cười. - Cô là mẹ của Bình, thứ này là tâm huyết của em ấy.

Bà Dung biết là bị Chương gài rồi nhưng bao người vây quanh đành thủ và bấm bụng trả 55 đồng. Bà Dung khen vừa chân, đi êm. Nhân viên của Chương lại khen gót chân bà Dung đã đẹp rồi, đi loại này sẽ đẹp hơn.

Bà Dung có thì vợ Đoàn Thượng cũng muốn có, vợ Triệu Quang Phục cũng không chịu thua. Thế là Chương bán được xong ba đôi đầu tiên. Ba ái nữ của Phạm Tu nghe nói Thiên Bình và Duệ có đôi gần giống nhưng không có nơ đỏ nên vợ Tả Đô đốc cắn răng cắn lợi bỏ ra thêm 165 đồng.

Mấy cô gái mới lớn nhận những tiếng huýt gió, những lời tâng bốc tận mây xanh nên cười tít mắt khiến mấy cô tiểu thư hào phú cũng chả chịu kém cạnh liền mua thêm. Chương bán hết 20 đôi phiên bản giới hạn, mấy cô đến chậm không có nên khó chịu. Chương lại bảo nếu họ đặt phân nửa tiền thì sẽ làm riêng cho họ một đôi, không giống 20 đôi đã bán. Họ có thể chọn nơ màu trắng, hồng, xanh, vàng theo sở thích, giá cũng 55 đồng vì khai trương.

Các cô này liền đồng ý, Chương bảo nhân viên mời các cô vào phòng riêng đo bàn chân từng cô một. Trong khi chờ đợi đến lượt, các cô này được phục vụ trà hoa nhài và… thấy chủ cửa hàng cao ráo, ăn nói nhẹ nhàng, lại chưa lập gia đình nên… các cô đã mua mỗi người hai đôi để… thay đổi.

20 đôi đã bán và 25 đôi được đặt hàng, Chương sẽ thu về 2.475 đồng! Tương đương 4 quan, 1 tiền và 15 đồng!

Giày cói 20 đồng chỉ bán được 2 đôi vì nó tương tự giày bện rơm, tông cói bán được 16 đôi còn dép cói giống như dép tổ ong có 50 đôi đều hết sạch. Số tiền thu về là 1 quan, 5 tiền, 2 đồng.

Không cần phải nói, Chương đã khiến bọn Lượng, Trương Lôi, Thiên Bình và Duệ há hốc miệng vì ngạc nhiên. Họ chả hiểu sao người ta có thể bỏ ra những 55 đồng để mua một đôi giày cói trong khi so với đôi 20 đồng nó chả khác là bao. Trương Lôi chỉ biết nhăn mặt lắc đầu.

Phiên chợ năm ngày sau đó Chương vẫn dùng mánh cũ là để các nữ binh giả trang đi mua thêm tạo sự sôi động. Hôm ấy Chương giao 25 đôi khách đặt và nhận làm thêm 10 đôi và chỉ bán thêm được 10 đôi tông cói, 22 đôi dép trong khi giày cói ế chỏng. Chương tỉnh bơ vì dân trong vùng suy cho cùng vẫn là mồi nhử.

Phiên chợ thứ ba thì ngoài nữ binh giả trang đến mua thì còn có mấy chục trai tráng đến đặt làm giày cói, ai cũng đặt nửa tiền và hẹn phiên chợ sau đến mấy.

Tiếp đến, Chương cho nữ binh, quân sĩ rồi cả gia quyến quân sĩ, những người đã được cung cấp dép, tông hoặc giày cói liên tục đi lại ở các phiên chợ khác, cố ý đề cập đến thứ đang đi, hỏi thăm rồi chỉ nhau… Những nữ binh sau đó giả trang chia nhau ra đi chợ bên Siêu Loại mua ngũ cốc trong khi quân sĩ Thiên Đức đi cùng phao tin là con gái bên bờ Nam gần đây đi giày cói có nơ, cô nào cô ấy gót sen trắng hồng và… đẹp hơn con gái Siêu Loại!

Tai nghe mắt thấy, rõ là con gái khu bờ Nam đi mua ngũ cốc cô nào cô nấy kẻ đi dép, người đi giày, thi thoảng có cô đi thứ gọi là tông cói. Hỏi thì các cô thật thà kể cho nghe từ lúc đi thứ giày dép này thì tối nào nhà cũng có khách đến chơi xin… dạm ngõ.

Chương cho làm việc này liên tục hàng tháng trời ở khắp các chợ chẳng chừa một ai và nhắc đi nhắc lại điệp khúc con gái Siêu Loại không đẹp bằng con gái vùng khác chỉ vì… không có dép!

Các cô gái Siêu Loại bất kể sang hèn bắt đầu kéo nhau đi chợ Thổ Hà mua dép cói đi cho đỡ tức. Tất nhiên các cô cũng thấy nó đẹp, tiện dụng và quả là sẽ khiến gót ngà đẹp hơn vài phần. Dần dà con gái Siêu Loại ai ai cũng có quang gánh và đi giày hoặc dép cói.

Siêu Loại dân vài vạn người, có nhiều người mua mà phải sang tận chợ Thổ Hà ngót hai mươi dặm nên các thương nhân đánh hơi được. Họ đến đặt mua vài trăm đôi để được Chương bớt giá. Người này bán thì người khác cũng không chịu kém miếng nên có thời điểm Chương phải huy động toàn bộ quân Thiên Đức ra sản xuất.

Chương làm được thì người khác cũng sẽ học theo để làm nhưng đó là chuyện đôi ba năm sau. Chỉ biết là bằng cách khích tướng, truyền miệng, tạo hiệu ứng đám đông thì đến cuối năm Thiên Đức 25, hầu hết dân trong vùng Thiên Gia Bảo Hựu kiểm soát đều có ít nhất một đôi tông cói hiệu Vạn Xuân giá chỉ 3 đồng và Công ty cổ phần Thiên Đức thu về số tiền khoảng 1600 quan, tương đương 1600 lạng bạc chưa trừ chi phí. Và số lợi này không chỉ riêng dân Siêu Loại đem lại cho Chương.

Trong quá trình gây dựng gia sản từ cỏ lác để thu về nguồn lợi khổng lồ thì Chương gặp được những con người sẽ cùng cậu xây dựng cơ đồ Vạn Xuân theo cách của họ.