Họa Quốc - Thức Yến

Quyển 2 - Chương 56: ۵ Hồi 14: Há được như ý (1) ۵




Mùng ba tháng ba, hoa thược dược nở.

Từ sáng sớm thức dậy Tạ Trường Yến đã không thấy mẹ đâu.

Nghe người lái thuyền bảo có lẽ phu nhân lên chợ mua đồ rồi, vì xe ngựa cũng không còn đấy. Tạ Trường Yến bèn không bận tâm nữa, bắt đầu chuẩn bị sửa soạn trang điểm.

Nàng rút một chiếc hộp trong ngăn kéo ra, bên trong là một cây trâm gỗ.

Gỗ xưa thoáng hương trầm hương, điêu khắc thành tạo hình phượng trên cây ngô đồng, loại gỗ là gỗ tốt, kỹ thuật chạm khắc cũng rất xuất sắc, quan trọng nhất đây là món quà do chính tay cha gọt đẽo tặng cho mẹ làm quà gặp mặt năm đó.

Mẫu thân mang nó đến Ngọc Kinh rồi lại mang về Tân Châu. Lúc khó khăn nhất cần bán trang sức cũng không nỡ đem bán cây trâm này.

Lễ thành niên hôm nay, trước mộ của cha, mẹ sẽ tận tay đeo chiếc trâm này lên cho nàng. Nếu cha trên trời có linh thiêng, nhìn thấy cảnh này chắc hẳn cũng sẽ thấy được an ủi.

Tạ Trường Yến lau chùi chiếc trâm cẩn thận rồi cất nó trở lại hộp, lòng ngập tràn mong chờ.

Guồng nước chuyển động lọc cọc, phía bên đầm nước, một khóm hoa thược dược lặng lẽ nở rộ, vài chú bướm đậu trên cành hoa, vung vẫy đôi cánh xinh đẹp.

Chương Hoa mệt mỏi từ buổi chầu sáng quay về, không thay áo như mọi khi mà đi thẳng vào phòng bướm.

Tà áo chàng bay lên làm nổi gió kinh động đến bướm, chúng hoảng loạn bay đi, đợi khi chàng ngồi xuống, mãi không thấy nhúc nhích chúng mới bay trở lại.

Chương Hoa chìa ngón tay ra, một con bướm chầm chậm bay tới đậu lên tay chàng.

Chương Hoa nhìn nó chăm chú, tấm mặt nạ bình lặng dần tách rời, lộ ra những biểu cảm chân thực phía dưới, có chút hoang mang, chút hoài niệm và một chút bi thương khó nói thành lời.

"Mười lăm năm rồi." Chàng lẩm bẩm, "Tạ tướng quân."

Đây là năm thứ mười lăm từ khi Tạ Trường Yến chào đời.

Cũng là năm thứ mười lăm Tạ Duy Thiện rời khỏi thế gian này.

Còn là năm thứ mười lăm chàng lột xác từ một đứa bất tài thành Gia Ngôn.

"Thần đến rồi." Người nọ mỉm cười với chàng, hệt như cơn gió ấm áp có thể xua tan mọi nỗi sợ hãi và giá lạnh, "Điện hạ, đừng sợ."

Mười lăm năm qua, câu "đừng sợ" đó vẫn luôn vang vọng bên tai, khích lệ chàng dũng cảm bước về phía trước, không gì sợ hãi.

Tạ Trường Yến không hề biết, trong ba mươi người con gái của Tạ gia tại sao Chương Hoa lại chọn trúng nàng.

Trói buộc của vận mệnh đã viết nên từ mười lăm năm trước rồi.

Năm tháng như nước chảy, một ly xuân lộ lạnh như băng(*).

(*) Một câu trong bài thơ Yết Sơn của Lý Thương Ẩn. Mượn điển cố Ma Cô thương hải tang điền để chỉ tốc độ biến hoá của vũ trụ.

Tạ Trường Yến chờ trên thuyền hồi lâu mãi đến khi mặt trời nhích từ đầu thuyền bên này sang đầu bên kia rồi mà Trịnh thị vẫn chưa về.

Cuối cùng Tạ Trường Yến cũng cảm thấy có gì đó không ổn, nàng lệnh cho các thuyền phu tẻ ra khắp nơi tìm kiếm. Bản thân cũng chẳng rảnh rang, vội vã chạy đến chợ tìm người.

Chợ ở Tân Châu là chợ sớm, bắt đầu từ giờ Dần, bây giờ đã gần giờ Ngọ, chợ đã tan tầm gần hết. Trịnh thị ngồi xe ngựa cỡ to đi, vốn dĩ rất dễ nhận biết nhưng hỏi thăm một vòng ai cũng bảo không thấy chiếc xe nào như vậy.

Cuối cùng, nhờ Hồ Trí Nhân chạy đến, phát động tất cả thủ hạ đi tìm mới nghe ngóng được tin, đúng là có một chiếc xe ngựa như thế nhưng không phải chạy lên chợ mà ngược hướng đi ra biển.

Tạ Trường Yến lập tức nghĩ đến một khả năng, nàng bèn hỏi mượn Hồ Trí Nhân một con ngựa rồi vội vàng thúc ngựa chạy đi.

Tân Châu ba mặt giáp biển, con thuyền bệ hạ tặng dừng ở biển phía Bắc. Ngoài ra còn hai phía Tây và Nam, phía Tây giáp hai nước Bích Nghi, trao đổi mua bán hàng hoá, cực kỳ phồn hoa. Phía Đông thông ra biển ngoài, chủ yếu để các ngư phủ ra biển đánh bắt cá, phía bờ biển bên kia là Trình quốc nên nơi này thường hay xảy ra chiến sự.

Mộ của Tạ Duy Thiện nằm ở phía Đông.

Tạ Trường Yến cưỡi ngựa nhắm thẳng đến đó, một tuần trà sau thì đến trước bia mộ của cha.

Quả nhiên xe ngựa cỡ to đang dừng bên mộ. Một người ngồi cạnh đó, quay lưng lại với nàng, chính là Trịnh thị.

Tạ Trường Yến thở phào nhẹ nhõm, bấy giờ mới cảm nhận được mồ hôi lạnh túa đầy trên lưng.

Nàng nhảy xuống ngựa, đi về phía Trịnh thị: "Mẹ."

Trịnh thị quay đầu lại, gương mặt kinh ngạc như người vừa tỉnh mộng: "Vãn Vãn?"

"Sao mẹ không chờ con mà đến đây trước vậy?" Tạ Trường Yến bước qua nắm lấy tay Trịnh thị, phát hiện hai bàn tay bà lạnh như băng.

"Mẹ... đêm qua mẹ chợt nhớ, sinh nhật của con vào hôm nay nhưng cha con đi trước nửa ngày, nên mẹ muốn đến đây trước thăm ông ấy, ngắm mặt trời mọc với ông ấy. Ai ngờ đợi mãi rồi bất tri bất giác ngủ quên mất." Trịnh thị đứng dậy, vuốt thẳng nếp nhăn trên áo, "Xin lỗi, để con lo lắng rồi."

Tạ Trường Yến bĩu môi nói: "Mẹ quá đáng thật đó, sao không kêu con đi cùng? Con cũng muốn ngắm mặt trời mọc với cha mà."

Trịnh thị bật cười: "Con đến Tân Châu tế bái cha con nhiều lần, ngắm từ lâu rồi, còn mẹ mới là lần đầu tiên đến."

"Biết rồi biết rồi mà, mẹ muốn ở riêng với cha chứ gì. Nhưng mà lần sau nhớ nói trước một tiếng tránh để ngủ quên mất làm con tìm khắp nơi."

"Được được được." Trịnh thị đáp.

Tạ Trường Yến nhìn xung quanh: "Lạ thật."

"Lạ cái gì?"

"Tuy nơi này không náo nhiệt bằng phía Nam nhưng trước nay cũng có thuyền bè ra ra vào vào, người đi lại không ít, tại sao hôm nay vắng vẻ thế này, một bóng người cũng không thấy đâu?"

Trịnh thị sững người một lát: "Khi mẹ đến cũng đúng lúc có một nhóm ngư dân ra biển, chắc là vẫn chưa về."

"Có khi nào trên biển nổi gió to rồi không? Ối không không, cái miệng quạ này của con thật là!" Tạ Trường Yến vội vái ba lạy trước mộ Tạ Duy Thiện, "Cha phù hộ, đại cát đại lợi, để họ bình an trở về."

Trịnh thị thấy thì giờ cũng không còn sớm bèn đề nghị: "Con đã đến rồi thì nhân lúc yên tĩnh, chúng ta bắt đầu đeo trâm luôn đi."

"Vâng ạ." Tạ Trường Yến mò tay áo, "Á, đi gấp quá quên mang theo trâm rồi. Mẹ đợi một lát con quay về lấy ngay, nhanh thôi!"

Trịnh thị không yên tâm dặn dò nàng: "Cưỡi ngựa chậm thôi, xung quanh không ai dự lễ, chúng ta cũng không gấp."

Tạ Trường Yến nhảy lên ngựa, ngoái đầu cười hì hì: "Sao mà không có ai dự lễ? Chẳng phải còn cha ở đây sao? Đó, cho cha mẹ thêm thời gian ở riêng với nhau đấy!"

Trịnh thị lườm nàng: "Láu lia láu lỉnh! Đi nhanh về nhanh!"

"Lúc thì chậm lúc thì nhanh, mẹ khó hầu ghê." Tạ Trường Yến ra vẻ bó tay rồi quất roi chạy đi.

Mới chạy được chừng mười trượng thì bỗng nghe Trịnh thị gọi nàng: "Vãn Vãn..."

Tạ Trường Yến quay đầu: "Quên gì à mẹ?"

Trịnh thị đứng bên mộ, gió biển thổi bay áo bào của bà, không hiểu cớ vì sao trông như có thể thổi bà ấy đi mất bất cứ lúc nào.

Lòng Tạ Trường Yến run lên một cái, bỗng cảm thấy bất an lạ thường.

Nhưng một giây sau, Trịnh thị mỉm cười với nàng, mây mù tản ra, chỉ còn ánh dương rạng rỡ: "Mang thêm một hộp yên chi nữa."

Tạ Trường Yến sững sờ giây lát mới hiểu ra, là Trịnh thị trước nay luôn để mặt mộc cần dùng đến. Nàng mỉm cười, nháy nháy mắt với bà ấy rồi thúc ngựa chạy đi.

Lúc Tạ Trường Yến quay lại thuyền lấy trâm và yên chi thì gặp Hồ Trí Nhân, nàng bèn cảm tạ: "Thêm rắc rối cho huynh rồi, ta tìm thấy mẹ rồi."

"Vậy thì tốt..." Hồ Trí Nhân chần chừ một lát rồi nói, "Không biết... ta có vinh hạnh được đến dự lễ không?"

"Á, rất hoan nghênh! Tốt quá rồi, mẹ mà thấy có khách đến dự lễ chắc chắn sẽ rất vui."

Hồ Trí Nhân mừng nói: "Ta có mang theo đàn, nếu không chê có thể để ta tấu nhạc góp vui."

Tạ Trường Yến vui vẻ đáp: "Vậy thì nhờ cả vào Hồ huynh rồi!"

Nhóm người chỉnh trang rồi bắt đầu xuất phát đi về phía Đông.

Tạ Trường Yến tâm trạng vui vẻ cưỡi ngựa đi phía trước, cũng vì vậy nàng trông thấy bóng lưng Trịnh thị đầu tiên.

"Mẹ, con quay lại rồi..."

Nàng đang định đẩy nhanh tốc độ thì Hồ Trí Nhân sau lưng vượt lên, dùng roi ngựa cản lại: "Khoan đã!"

Trên mặt Hồ Trí Nhân hiện nét kinh hoàng hiếm thấy. Tạ Trường Yến ngẩn ra giây lát rồi nhìn theo tầm mắt của hắn, trông thấy chiếc xe ngựa bên cạnh Trịnh thị đang nằm nghiêng ngã.

Cùng lúc đó, Trịnh thị quay lưng lại với nàng từ từ xoay người lại, dường như muốn nói gì đó nhưng vừa động đậy, một vũng máu lớn bắn ra từ trên cổ bà.

Cả đầu cứ thế gãy xuống.

Tạ Trường Yến mở to mắt, cảnh tượng như bị kéo dài ra, im phăng phắc...

Nàng nhìn thấy đầu của Trịnh thị rời khỏi cơ thể, rơi xuống bãi cát bên dưới, lăn rồi lăn, cuối cùng lăn đến bên bia đá.

Nàng nhìn thấy máu phun ra như suối từ trên cổ Trịnh thị, cơ thể bà lảo đảo rồi ngã ập xuống đất.

Nàng nhìn thấy tay chân Trịnh thị vẫn còn co rút, máu hoà vào cát, nhuộm đỏ cả bãi cát vàng.

Nàng nhìn thấy đầu Trịnh thị dừng bên bia mộ, hai mắt vẫn đang nhìn thẳng vào mình như có vô vàn lời muốn nói.

"Mẹ!" Tạ Trường Yến gào lên, đẩy Hồ Trí Nhân ra nhảy xuống ngựa, chạy như điên về phía Trịnh thị cách đó hơn mười trượng.

Hồ Trí Nhân không kịp cản, đành phất tay ra hiệu những người phía sau đuổi theo: "Mau!"

Tạ Trường Yến nhảy xuống quá gấp nên chân bị trẹo một cái nhưng nàng đã không còn cảm nhận được gì, cứ thế lảo đảo xông về phía bia đá. Lúc đang định khom người ôm lấy đầu mẹ thì một bóng đen từ sau xe ngựa nhào ra, chế ngự cánh tay nàng.

Tiếp đó, một thanh loan đao kề lên cổ nàng.

Hồ Trí Nhân lập tức dừng bước: "Ngươi là ai? Buông nàng ấy ra!"

Tạ Trường Yến nhìn chằm chằm đầu mẹ dưới đất, bấy giờ nàng chỉ còn một suy nghĩ: không với tới, tại sao? Tại sao không với tới?

Nàng bắt đầu giãy giụa, mặc kệ thanh đao trên cổ, chỉ một lòng muốn chạm tay vào mẹ.

Lưỡi đao bén nhọn cứa rách da thịt nàng, máu liền ứa ra.

Mặt Hồ Trí Nhân thoắt cái trắng bệch: "Đừng làm hại nàng ấy! Ngươi muốn gì ta đều đồng ý!"

"Ngươi?" Bóng đen kia quay đầu lại nhìn hắn. Mà Hồ Trí Nhân bọn họ cuối cùng cũng thấy rõ gương mặt gã.

Người áo đen gầy gò áo quần rách rưới này khoảng bốn mươi tuổi, mặt dài mũi khoằm, chỉ có một con mắt, con mắt kia bị may lại, dáng vẻ xấu xí.

"Tại hạ Hồ Trí Nhân, là cháu của Hồ Cửu Tiên ở Nghi Xuân. Hảo hán có yêu cầu gì xin cứ việc nói."

Ánh mắt người áo đen lộ ra chút nét vui mừng: "Hoá ra là hậu nhân của người giàu nhất thiên hạ. Vậy, ả này là ai?"

Hồ Trí Nhân trầm giọng đáp: "Nàng ấy chỉ là người bình thường nhưng là người trong lòng ta. Xin ngươi đừng làm hại nàng ấy."

Đến lúc này Tạ Trường Yến mới hoàn hồn, nàng ngơ ngẩn nhìn Hồ Trí Nhân một cái, cuối cùng cũng cảm nhận được cơn đau trên cổ.

Mẫu thân chết rồi!