Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 506: Thời cơ dễ lỡ (1)




Những vị Giáp Lạt Ngạch Chân dưới trướng bát kỳ này vốn là thủ lĩnh của mỗi bộ lạc Nữ Chân, sau khi bị Nô Nhĩ Cáp Xích chinh phục thì cho làm Giáp Lạt dưới cờ, ai cũng đều có tư tâm vì bộ lạc của riêng mỗi người. Khi cướp trại cướp nhân khẩu tài vật thì xung phong lên trước, nhưng trên trận địa chiến đấu tàn khốc này, thương vong quá nhiều khiến các Giáp Lạt Ngạch Chân khó tiếp nhận. Phen này quyết chiến ở Tát Nhĩ Hử, con cái tài sản của họ đều ở Hách Đồ A Lạp và Phí A Lạp, vì vậy nghe thấy hai lộ đông, nam của quân Minh tiến sát Hách Đồ A Lạp thì đều có ý thối lui.

Nô Nhĩ Cáp Xích thúc ngựa xuống núi Giới Phiên, hạ lệnh mãnh công quân Đỗ Tùng trên bãi đất Tát Nhĩ Hử và quân Mã Lâm ở bờ bắc sông Tô Tử. Thiết kỵ bát kỳ mạo hiểm pháo lửa xông qua sông Tô Tử, công kích trận địa của quân Mã Lâm, kỵ binh Diệp Hách cùng bộ kỵ Khai Nguyên chuẩn bị nghênh chiến.

Bộ kỵ Hậu Kim lần này tiến công ào ạt như nước lớn sông Tiền Đường, quân bát kỳ hung hãn không sợ chết đã gây thương vong rất lớn cho quân Mã Lâm. Song lần công kích này đến thì nhanh mà lui cũng nhanh, quân bát kỳ để lại hơn hai trăm thi thể nhanh chóng lui về bờ nam, sau đó lui tiếp về hướng đông nam.

Mã Lâm bị lần công kích này của kiến Nô làm cho rùng mình, thấy quân bát kỳ thối lui thì lấy làm khó hiểu, chỉ gấp rút lệnh cho xa doanh bộ quân tranh thủ chỉnh đốn công sự phòng ngự, hoàn toàn không nghĩ đến truy kích.

Mấy vạn kỵ binh Hậu Kim lui lại rất nhanh, chỉ sau hai canh giờ, quân bát kỳ vốn dàn trải đen đặc cả bãi đất Tát Nhĩ Hử đều rút lui hết, nhưng trên núi Giới Phiên vẫn còn mấy ngàn bộ tốt cùng mấy trăm kỵ binh vẫn chưa lui theo đại quân, đang thủ tại tuyến vách đá Cát Lâm.

Sau một lúc ngờ vực, Giám quân Phan Tông Nhan quả quyết tù trưởng Nô đã nhận được tin Hách Đồ A Lạp bị tấn công, cho nên lui binh trở về tiếp ứng, Phan Tông Nhan kiến nghị Mã Lâm lập tức truy đánh.

Mã Lâm nói: - Lão Nô giỏi dụng binh, chẳng qua là giả vờ hòng dụ quân ta xuất kích, nơi này vô hiểm khả cư, nếu gã dùng hai cánh kỵ binh giết đến thì làm sao địch lại? Lại nói: - Diệp Hách Bối Lặc Kim Đài Cát trúng tên bị thương cánh tay phải, kỵ binh Bắc quan tổn thất nghiêm trọng, quân ta cũng có hơn ngàn người tử vong, tướng Ma Nham cũng bị thương.

Phan Tông Nhan định nói tiếp, nhưng nghe thấy quân sĩ dưới trướng du kích Cát Thế Phượng cùng kỵ binh Diệp Hách vì tranh giành thủ cấp kiến Nô mà cãi nhau. Triều Minh lấy thủ cấp địch để luận quân công, màn kịch chiến vừa rồi có hơn hai trăm xác quân bát kỳ lưu lại ở bờ bắc, quân Minh không màng đến xử lý xác chết của binh sĩ bên mình mà tranh nhau thủ cấp. Bờ bên kia cũng có hơn trăm thi thể kiến Nô, lúc này phần lớn kiến Nô đã lui hết, quân Minh tướng sĩ tranh nhau qua sông chém thủ cấp, nảy sinh xung đột với kỵ binh Diệp Hách.

Phan Tông Nhan vội đi xử lý, theo điều thứ mười một trong mười bốn điều quân lệnh mà Dương Hạo đã định ra trước khi xuất binh, y chém viên Bách hộ quân Minh đã tranh chấp thủ cấp. Điều mười một viết rằng:"Người tranh chấp thủ cấp Triều Tiên và Bắc quan thu hoạch được thì chém", bộ tốt của lộ quân Minh này vẫn chưa qua sông tác chiến, viên Bách hộ đó rõ ràng đã tranh công với Diệp Hách.

..........

Đỗ Tùng trên bãi đất Tát Nhĩ Hử thấy quân Hậu Kim rút lui, ngay cả người dũng mãnh như y cũng không còn sức truy kích. Giám quân Trương Thuyên cũng không đề nghị truy kích, kiến Nô chủ lực vẫn còn, đang tuần tự lui đi. Quân Minh trên bãi đất thương vong quá nửa, những người còn lại sức cùng lực kiệt, làm sao truy kích được nữa, với lại quân bắc lộ ở bờ bắc sông Tô Tử cũng không truy kích.

Đỗ Tùng lệnh cho sĩ tốt nghỉ ngơi chỉnh đốn tại chỗ, cứu trị thương binh, thống kê tên người chết trận và cắt thủ cấp thi thể kiến Nô. Quân tây lộ của Đỗ Tùng khổ chiến một ngày một đêm, chết sáu ngàn tám trăm mười ba người, trọng thương bốn ngàn bảy trăm năm mươi mốt người, người bị thương nhẹ nhưng có thể hành động thì vô số kể. Tây lộ quân tổng cộng hai vạn tám ngàn người, người tử vong và trọng thương đã tiếp gần một nửa, có một số quân sĩ dưới trướng Thiên hộ thủ bị đã toàn diệt, nhưng khi cắt thủ cấp kiến Nô thì chỉ có một ngàn một trăm hai mươi ba cái, những kẻ này chết trong khi xông vào trận doanh quân Minh, còn thi thể kiến Nô chết ở bãi đất đã bị quân đội kiến Nô rút lui mang đi, phỏng chừng cũng hơn một ngàn.

Kế Liêu tổng binh Triệu Mộng Lân chết trận, Bảo Định tổng binh Vương Tuyên trọng thương, quan quân từ Thiên tổng trở lên chết hơn mười người. Điều này làm cho Đỗ Tùng cực kỳ chán nản, y cũng không biết vận mệnh bản thân đã thay đổi, chỉ vì tổn binh hao tướng mà lo âu.

Thân vệ báo lại, Chu Khánh Hổ đã trở về, cùng đi còn có Thiết Lĩnh du kích Trịnh Quốc Lương, Trịnh Quốc Lương phụng mệnh Mã Lâm đến liên lạc với Đỗ Tùng.

Đỗ Tùng nhìn thấy Chu Khánh Hổ, vội hỏi Mục Kính Nham ở đâu. Biết Mục Kính Nham bị trọng thương, Đỗ Tùng vội vàng ra lệnh quân y đến trị liệu, nhất định phải bảo vệ tính mạng của Mục Kính Nham.

Thám báo còn nói đại quân kiến Nô đã lui về hướng đồi Thái Lan, Đỗ Tùng lúc này mới tin Nô Nhĩ Cáp Xích đã rút binh. Xem ra Hách Đồ A Lạp gặp nguy, kiến Nô không thể không quay về cứu.

Đỗ Tùng và Trương Thuyên tới bên sông Tô Tử gặp Mã Lâm, Phan Tông Nhan, Kim Đài Cát, Bố Dương Cổ cùng bàn bạc đối sách. Mã Lâm chủ trương cho người cấp báo Dương Hạo đang trấn thủ Liêu Dương, chờ lệnh Dương Hạo; Phan Tông Nhan và Bố Dương Cổ chủ trương theo đuôi kiến Nô đi tới Hách Đồ A Lạp, phối hợp hai lộ quân đông, tây cùng tác chiến; Đỗ Tùng cũng chủ trương tiếp tục tiến công Hách Đồ A Lạp.

Mã Lâm chỉ vào đường núi Giới Phiên cách đó không xa: - Kiến Nô bộ kỵ có gần vạn người trên núi này, không tiêu diệt trước thì làm sao có thể tiến sát Hách Đồ A Lạp?

Trương Thuyên nói: - Trên núi Giới Phiên tuyệt đại đa số là bộ tốt xây dựng thành, chiến lực bình thường, kỵ binh không đến mấy trăm. Lão Nô sở dĩ để bọn họ lại là vì kiềm chế hai lộ quân tây, bắc của ta, tiện cho đại bộ phận thong dong điều quân trở về đồi Sư Hoành (tức Hách Đồ A Lạp) ứng phó hai lộ quân đông, nam. Theo ta thấy, không cần để ý đến bộ tốt kiến Nô còn ở trên núi, trực tiếp dẫn quân tiến sát đồi Sư Hoành, không cầu tốc chiến, thận trọng từng bước. Tạo nỗi lo sợ hai mặt thụ địch cho kiến Nô, không dám toàn lực tiến công hai lộ đại quân Thanh Hà và Khoan Điện, như thế có thể đại thắng.

Đỗ Tùng, Phan Tông Nhan đều thấy Trương Thuyên nói phải, Mã Lâm lại nói: - Nếu trên núi kiến Nô tập kích đường lui của ta thì phải làm sao?

Điều này xác thực không thê không lo, Trương Thuyên nói:

  • Vậy dẫn địch xuống núi tập trung binh lực tiêu diệt.

Mã Lâm không phản đối nữa, y cũng muốn lập công, quân địch trên núi Giới Phiên cũng tương đối dễ đối phó, hơn nữa chương thứ hai trong mười bốn chương quân lệnh của Dương Hạo có viết: "Bản lộ mặc dù giết tặc thu binh, thấy lộ khác bị giặc áp chế, người không lập tức cứu viện, chỉ đứng nhìn, quan lãnh binh dưới chủ tướng đều chém hết".

...........

Giờ Mùi (13-15h), hai lộ tây, bắc của quân Minh bắt đầu rời khỏi Tát Nhĩ Hử đi về hướng đồi Thái Lan. Mới đầu kỵ binh Hậu Kim trên núi Giới Phiên án binh bất động, thấy xe quân dụng Đại Minh bắt đầu rời đi, năm trăm kỵ binh Hậu Kim phụng mệnh tập kích cũng bắt đầu ào xuống núi, xông qua sông Giới Phiên bắt đầu xung kích hậu doanh quân Minh. Đợi hai cánh quân Minh chủ lực vây lại đánh, đám kiến Nô giảo hoạt lại tức tốc lui về núi Giới Phiên, kỵ binh quân Minh không hành động nhanh như thế, khó mà chặn lại đám giặc.

Dụ địch không được, ngược lại còn mất nhiều bộ tốt, Đỗ Tùng cùng Mã Lâm quyết định càn quét kiến Nô trên núi Giới Phiên trước. Sĩ tốt có thể chiến đấu của tây lộ quân Đỗ Tùng còn hơn vạn người, quân Khai Nguyên chủ lực của Mã Lâm không bị tổn thất, cộng thêm kỵ binh Diệp Hách thì tổng cộng chừng bốn vạn người. Quân Hậu Kim trên núi Giới Phiên có chừng năm ngàn người, phần lớn đều là phụ binh và lính lác, ít khi xung trận, tuy phụng mệnh tử chiến, nhưng những kẻ không có trọng giáp bảo hộ này đều tử thương nghiêm trọng dưới hỏa pháo của quân Minh. Kịch chiến hai canh giờ, năm ngàn quân kiến Nô ở vách đá Cát Lâm đều bị diệt, quân Minh cũng có gần hai ngàn mạng người phải trả giá.

Đỗ Tùng thở phào, diệt hết kiến Nô trên núi Giới Phiên, số người thương vong của quân Phủ Thuận y cũng không đáng sợ như thế.

Họ thanh lý chiến trường, đem sĩ binh tử trận và trọng thương đưa về Thẩm Dương. Đêm nay quân Minh tạm đóng trên núi Giới Phiên.

.....

Sáng ngày mười một tháng ba, Dương Hạo dời từ Quảng Ninh đến Liêu Dương nhận được tin chiến thắng từ người đưa tin của Lưu Diên. Từ ngày sáu tháng, Lưu Diên cùng liên quân Triều Tiên từ Khoan Điện tiến binh đến nay, tới các trại Khắc Ngưu Mao, Mã Gia giết chết hai Ngưu Lục Ngạch Chân của kiến Nô, hơn ba trăm tên địch. Đội tiên phong hiện giờ đã đến đồi A Bố Đạt Lý, cách Hách Đồ A Lạp một trăm hai mươi dặm.

Đồng thời du kích Kiều Nhất Kỳ dưới trướng Lưu Diên báo: - Có hơn năm trăm kỵ binh tinh nhuệ kiến Nô dụ chiến, vừa dụ liền lui lại, lập nhiều chướng ngại hòng cản quân ta.

Chỉ trong mấy ngày, mái tóc hóa râm của Dương Hạo đã bạc trắng, có thể thấy tâm huyết tiêu hao. Thấy quân đông lộ báo thắng, Dương Hạo không hề vui vẻ, ngược lại còn âu sầu nhiều hơn, Nô Nhĩ Cáp Xích liệu có tập trung binh lực đối phó lộ Phủ Thuận thì chưa thấy có tin báo về, nhưng nhìn tin báo chiến của Kiều Nhất Kỳ, Nô Nhĩ Cáp Xích rõ ràng lấy một nhóm kỵ binh nhỏ để ngăn chặn đông lộ đẩy mạnh tốc độ.

PAGE