Hết phần thơ mộng. Buổi đầu tiên ở ngôi trường cũ, tôi đi học muộn.
Hãy cho tôi một phút biện minh. Nguyên nhân cũng là do trường cấp hai đánh trống vào lớp sớm hơn cấp ba tận mười phút, con đường đi học của tôi lại có một "chướng ngại vật" là đường ray tàu hỏa. Nó như kiểu đợi đến lúc tôi sắp đi qua liền đóng rào chắn lại mà nói rằng "ở đó mà chờ tao đi" vậy. Tôi chạy thục mạng, đôi chân mỏi nhừ bỗng đứng sững khi thấy một vài học sinh bị chặn trước cổng và ghi tên vào sổ. Ý định nghỉ học nhen nhóm trong đầu rồi lại vụt tắt vì bài kiểm tra toán vào tiết hai. Tôi len lén chạy đến dãy hàng rào đằng sau, ngước lên nhìn bức tường cao hơn 1 mét tám, ngần ngừ một hồi, tôi quyết định mở máy gọi cho Đức.
Chuông chưa kêu được bao lâu, tôi liền nghe thấy tiếng Đức vọng lại, lẫn vào hàng loạt âm thanh ồn ào:
"Sao cậu vẫn chưa đến thế?"
Tôi đau khổ ngó quanh, giọng méo xẹo, "Tớ đi muộn mất rồi, cổng trường đang đóng."
Đức im lặng một lúc, rồi tôi nghe thấy tiếng chạy.
"Cậu đang ở đâu?"
Tôi miêu tả vị trí đang đứng, kiên nhẫn chờ đợi theo lời Đức. Không bao lâu sau, tôi nghe thấy tiếng gọi với từ bức tường bên kia. Tôi men theo hàng rào trèo được lên phần trên cùng, lòng bàn tay rịn đầy mồ hôi. Đức ở dưới ra hiệu tôi xuống từ từ để cậu đỡ, phần vì sợ độ cao, phần vì lo lắng bị bắt gặp, tôi vội vã tụt xuống và nhận hậu quả ngay lập tức. Đức không kịp phản ứng mà ngã nhào, kéo theo cả tôi đang sắp chạm chân được xuống đất ngã theo. Tay tôi tì vào người Đức khiến cậu nhăn mặt không mở nổi mắt, tôi vừa hối hận vừa hoảng hốt, chưa kịp làm gì đã nghe tiếng "tách" ngay sau đầu.
Cô Yến liên tục nháy ảnh, còn không quên thông báo cho tôi đang đau khổ ôm mặt:
- Bắt trọn khoảnh khắc Thủ khoa và Á khoa K39 trèo rào vào trường.
Kết quả cho sự việc cảm lạnh ấy là:
"Thông báo kết quả thi đua tuần 3. Lớp 11A1. Thứ hai: Kiều Trang, Hà Vi, Bảo Yến ăn quà trong giờ toán. Thứ tư: Khánh Việt, Thành Đạt đeo dép lê. Thứ năm: Minh Đức, Nguyệt Lam trèo tường vào trường."
Tôi xấu hổ cúi gằm mặt, cả sân trường cười như được mùa, hại tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong. Vì sự vụ đó mà cô Mai sôi máu dọa sẽ mua súng bắn cả lớp. Chúng tôi bị phạt dọn cỏ sau trường, Đức dù bị tôi làm vạ lây nhưng cũng không có ý kiến, còn chủ động mang găng tay, xắn áo cho tôi:
- Cẩn thận thủy tinh vỡ nhé.
- Anh ơi em cũng không có găng tay. - Đạt với Việt đồng thanh, xong còn đập tay cười phá lên.
Tôi giả điếc làm cỏ, cả đời tôi chưa bao giờ nhục nhã như này, cô Yến chả biết nể tình học sinh cũ gì cả... Được gần hai tiếng, tôi vừa phi như bay đi trả cuốc thì gặp cô Giang mỹ thuật, cô thấy tôi thì mừng quýnh, dí cho tôi một tờ A3 được gấp lại, nhờ tôi đưa cho Đức, bảo là trả bài thi giữa kỳ. Tôi vốn không có tính tò mò, thế nào mà lại giở tờ tranh ra, đập vào mắt là bản vẽ một mặt trăng lớn màu xanh biển giữa vũ trụ rất đẹp, dưới cùng còn có hàng chữ nắn nót:
"My little blue moon, my little princess."
Tôi không có nhiều hiểu biết về tiếng Hán, cũng không cảm thấy mình có IQ cao. Nhưng bằng một phép thuật nào đấy tôi đã suy ra ngay "blue moon" chính là Nguyệt Lam. Chẳng trách cô Giang vừa nhìn tôi cười ẩn ý khủng khiếp, tôi tiến đến chỗ rửa tay ngoài trời, Đức vừa quay ra liền giơ tờ giấy lên huơ huơ, tự thấy mình chắc chắn đang cười tươi hơn cả Doraemon được ăn bánh rán. Thừa lúc Minh Đức đơ người nhìn lên, tôi ngay lập tức lấy đà chạy đi, để lại sau lưng là Đức cũng nhanh chóng chạy theo, gọi với.
Dù đã dùng hết sức bình sinh mà phóng nhưng tốc độ của tôi tất nhiên không thể bằng con trai, thế là tôi bị tóm ngay trước tòa nhà A2. Thường thì khi đuổi theo một người nào đó, ta sẽ cố gắng nắm lấy tay áo hoặc túm lấy lưng áo của người ấy, nhưng Đức lại dùng cả vòng tay để bao trọn lấy cả người tôi, thật sự rất giống ôm từ đằng sau.
Tôi mãi mãi không biết, Đức chỉ cần đi bộ cũng thừa sức đuổi kịp tốc độ của tôi, tôi cũng không bao giờ biết, khi đuổi theo tôi Đức đã nở nụ cười mãn nguyện đến nhường nào.
Tôi giữ khư khư tờ vẽ, Đức tìm mọi cách để giật lại, không cẩn thận móng tay quệt nhẹ trên tay tôi, nổi lên một vết đỏ mờ mờ. Tất nhiên là không đau, nhưng tôi ngay tức thì chớp cơ hội ôm tay kêu gào như sắp chết đến nơi, hại Minh Đức luống ca luống cuống, trông đáng yêu cực kỳ.
- Tớ xin lỗi.
Tôi gật đầu liên tục nhìn vẻ hối hận của Đức, cố làm bộ mặt u uất:
- Đúng rồi, lỗi của cậu đấy. Giờ cho tớ tờ này thì tha.
Đức buông tay, hình như đã chấp nhận số phận. Đôi khi tôi cũng tự nhận tôi có nhiều tính nết trẻ con và ích kỷ vô cùng. Hoặc là, những phần trẻ con ấy chỉ được thể hiện ra với duy nhất người con trai trước mặt tôi mà thôi.
Chuyện bị bêu rếu trước toàn trường chẳng là gì so với hệ lụy thật sự của nó cả. Vì tôi mà Đức bong gân chân phải, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu thời điểm này đang là giai đoạn đội bóng đá cấp tỉnh tuyển chọn thành viên. Vết thương của Đức không nặng, nhưng không kịp để tham gia vòng loại, ngày thi đấu, ánh mắt cậu nhìn về phía sân tập khiến trái tim tôi tan nát.
Rõ ràng người không tham gia được trận đấu là Đức mà người buồn bã chán chường lại là tôi, đến mứuc tôi thấy Đức like một bài "phụ nữ là sinh vật khó hiểu nhất trần đời" trên Facebook. Này nhé, tôi lo cho cậu mà cậu lại bảo tôi kỳ quặc.
Một giờ ra chơi nào đó, Đức không nhịn nổi mà dùng bàn tay không bị băng bó ép chặt má tôi.
- Tớ có sao đâu, sao cậu cứ ủ rũ hoài vậy nhỉ?
Tôi vẫn nằm bò ra bàn, chán đời chẳng thèm đáp, Thành Đạt bắt sóng ngay lập tức:
- Vì ẻm tiếc cho mày chứ sao? Có người yêu tâm lý thế mà cứ đòi hỏi.
- Mày đang bảo tao vô tâm chứ gì?
- Đâu có vợ ơi! Ơ, em đi đâu đấy, đợi anh với!
Đạt hoảng hốt đuổi theo Vi, im lặng một lúc, tôi vừa mở mắt ra đã thấy cả mặt Đức cũng đang nằm xuống bàn nhìn mình chằm chằm, liền vội vã ngồi bật dậy. Bao giờ cũng thế, Đức phì cười trước vẻ ngại ngùng đó của tôi rồi khoanh tay giả vờ đang đăm chiêu suy nghĩ:
- Tớ chẳng thấy có vấn đề gì đâu, nếu Lam muốn "chuộc lỗi" cho thanh thản thì cứ nói yêu tớ nhiều lên là được.
Tôi lườm Đức:
- Tớ đập gãy nốt cái tay còn lại của cậu thì có.
Đức vẫn nhơn nhơn:
- Ôi công chúa đang đỏ mặt kìa, đỏ cả tai luôn rồi.
Sao từ khi "tán" được tôi dây thần kinh xấu hổ của Đức như bị đứt ấy nhỉ? Tôi nhìn cậu với vẻ mặt đánh giá hết sức, Đức lại dùng chiêu cũ bắt thóp tôi:
- Đi, nói là cậu thích tớ đi, hay để tớ nói trước cho, tớ thích cậu tớ thích cậu tớ thích cậu...
Tôi "ồ" một tiếng khoa trương, đáp:
- Cậu vừa nói gì cơ? Nay đường truyền âm thanh kém thật đấy.
Đức giả vờ đồng cảm:
- Công nhận, nãy giờ tớ có nói gì đâu.
Đức làm như tôi điếc không bằng?
- Tớ cũng thích cậu.
- Thật à?
Tôi ngơ ngác:
- Tớ có nói gì đâu?
- Cậu được lắm! - Đức buông một câu rồi nằm bò ra bàn, đến tận lúc trống hết giờ vẫn không thèm ngẩng mặt lên.
Tôi thu dọn sách vở, định cứ thế khóa cửa luôn cho Đức sợ một phen mà cậu vẫn ngồi im lìm. Đồ trẻ con! Tôi thầm phán xét rồi từ từ tiến đến và cúi xuống, cho đến khi mặt tôi ngang bằng cậu, chúng tôi bị ngăn cách bởi vài lọn tóc mai, tôi mẹo má cậu, cười cười:
- Tớ rất thích Minh Đức luôn đó ạ, thích nhất trên đời luôn.
Nhìn xem, vẻ thẫn thờ đó của Đức cũng có khác gì tôi đâu mà.
Điều thú vị nhất à chúng tôi khám phá ra được là trường Nguyễn Văn Cừ hoàn toàn không có vấn đề gì về việc học sinh "cắm rễ" trên lớp sau giờ học, wifi lại gắn ở tất cả các phòng. Vậy là một cơ số lớp tôi hình thành thói quen ở lại nghịch ngợm trên lớp chứ không về ngay. Lúc thì chơi Uno, cờ vua, lúc lại tranh cãi để chọn phim xem.
Chúng tôi khóa cửa, kéo chặt rèm, tắt điện, kê bàn ghế gọn sang hai bên rồi ngồi bệt xuống đất, nghệt mặt nhìn Kiều Trang hí húi tìm kiếm bản phim đầy đủ trên web lậu, lần mò một hồi, cuối cùng sau quảng cáo Nhà cái uy tín đến từ Châu Âu thì nhạc giới thiệu cũng vang lên từng khúc dạo đầu. Xuyên suốt bộ phim dài gần hai tiếng, tôi chỉ nhớ một câu thoại duy nhất.
"Tớ cảm ơn vì cậu của năm ấy đã thích tớ."
"Tớ cũng thích tớ của năm ấy vì đã thích cậu."
Như một phản xạ hết sức tự nhiên, tôi và Đức lại chạm mắt nhau. Trong một tích tắc nào đó, tôi không chắc chắn được rằng liệu chúng tôi có đang dựa vào lời thoại của phim để trao nhau những lời không dám nói hay không. Tôi thích mọi khoảnh khắc mà chúng tôi ngồi cạnh nhau dưới ánh nắng chiều bên cửa sổ. Thích cả lúc cậu đọc cho tôi nghe những câu thơ cổ tuyệt đẹp. Tôi nhìn hàng chữ bằng tiếng Anh, lầm bầm:
- "If my love were an ocean, there would be no more land"?
Đức phì cười, dịch nghĩa:
- Nếu như tình yêu của anh là một đại dương, trên hành tinh này sẽ chẳng còn chỗ cho hành tinh nào nữa.
Sau này, tôi vẫn thường ngồi hằng giờ và nhớ lại ánh mắt Đức nhìn tôi lúc đó. Cũng sau này, tôi đã đọc đến thuộc lòng bài thơ ấy, nhưng người đã giúp tôi biết đến nó thì chẳng còn ở bên cạnh tôi nữa.
*
Tôi từng muốn mãi mãi sống trong tuổi mười hai đơn giản vì không muốn trở thành người lớn. Tôi thấy mệt mỏi khi bắt đầu phải nghiêm túc suy xét về tương lai sau này, rằng tôi sẽ học cái gì, sau này làm nghề gì, liệu lương có ổn hay không,... một điều mà tôi chẳng bao giờ bận tâm khi còn bé, hoặc có nghĩ đến vẫn có thể thoải mái gạt phăng đi. Hay đúng hơn, là tôi đang trốn tránh một sự thật rằng tôi sắp phải bước chân vào thế giới của người lớn mất rồi.
Trong khi những người xung quanh đã xác định được mục tiêu từ lâu và vẫn đang nỗ lực để biến những giấc mơ ấy thành hiện thực, tôi vẫn vô tư đứng lại một mình và tiếc nuối thời gian trôi nhanh đến tàn nhẫn.
Đối với lớp tôi, cô Mai tổ chức năm lần khảo sát nguyện vọng của học sinh để đánh giá và định hướng. Tần ngần trước tờ giấy trắng, tôi vẫn không biết mình phải ghi cái gì cả. Tôi không biết tương lai của tôi nằm ở đâu, trên đoạn đường nào.
Chứng kiến sự hoang mang đó của tôi, Đức đã dành một thời gian rất lâu để giảng giải cho tôi về đủ thứ trên đời.
- Tớ không tin là cậu không thích một thứ gì cả, chỉ là cậu không nhận ra nó thôi.
Tôi tần ngần, cậu lại hôn lên lòng bàn tay tôi.
- Đừng thấy người khác bắt đầu phấn đấu mà sợ hãi. Lam của tớ hãy cứ thoải mái như thế này, tham gia nhiều hoạt động, tớ tin cậu sẽ tìm thấy sở thích của mình thôi, hiểu ý tớ không? Không có gì phải vội cả, đừng quên là cậu vẫn luôn có tớ ở đây.
Tôi gật đầu, ánh mắt cậu lấp lánh như đang giấu những vì sao. Ngày điền nguyện vọng lần thứ hai, tôi hỏi cậu:
- Cậu điền nguyện vọng đầu là gì thế?
Đức lim dim mắt, cả người vẫn tựa hẳn vào vai tôi như một thói quen đã ăn sâu.
- Tớ vẫn vậy.
Đại học kinh tế quốc dân ấy hả? Tôi hỏi trong đầu, Đức lại tiếp:
- Còn cậu thì sao?
Tôi úp mặt xuốn bàn, ngần ngừ mãi không biết nên nói cho cậu biết không, Đức thấy vậy liền nhìn tôi chằm chằ, lâu đến mức là tôi chột dạ ho khan.
- Tớ đang phân vân Học viện Âm nhạc quốc gia. Tớ không biết nữa, nhưng tớ thích ngồi trước 54 phím đàn, đánh ra những giai điệu và lời hát tớ yêu.
- Vậy sao cậu lại phân vân?
Không biết từ bao giờ tôi đã chẳng còn bối rối trước ánh mắt biết cười, cái bẹo má hay xoa đầu của Đức nữa.
- Mọi người bảo mấy ngành nghệ thuật khó phát triển, tớ cũng thấy thế...
Đức nhíu mày không hài lòng, ngón tay cậu vẫn mân mê từng đường nét trên gương mặt tôi. Cả phòng học chỉ có tôi và cậu, tôi nằm dài ra bàn, Đức cũng làm y chang vậy, gương mặt cậu nằm gọn trong mắt tôi, những ánh tà dương lọt qua khe cửa, chiếu sáng mái tóc và gương mặt của cậu, gương mặt mà tôi yêu nhất trên đời.
- Cậu có thích không?
- Tớ có chứ.
Ngón tay Đức dừng lại trên khóe môi tôi, cậu cong mắt cười:
- Vậy thì học thôi, nghe theo người khác làm gì?
Sau này vẫn vậy, câu nói ấy vẫn là một trong những điều tác động mạnh mẽ đến mọi quyết định của tôi, luôn là một trong những bài học quan trọng nhất theo bước tôi trên suốt con đường trưởng thành: Thứ mình thích, tại sao lại hỏi người khác có đẹp không?
Trước đây, tôi thường ngại phải suy nghĩ về những dự định trong tương lai, dù rằng tôi thừa biết rằng việc nên làm khi lạc đường là tìm phương hướng chứ không phải cố gắng quay trở lại con đường cũ. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, Minh Đức xuất hiện và xáo trộn toàn bộ thế giới của tôi, cậu dạy tôi cách biết hy vọng, dạy tôi cách yêu bản thân mình hơn trước nhất.
Thời gian có thể trôi nhanh đến mức nào? Thoắt một cái, chúng tôi đã đi được một nửa trên chặng đường cấp ba. Là năm học với nhiều dự định nhất, cả đám lao vào thi học sinh giỏi và tham gia hoạt động. Một buổi học toán, khi đồng hồ đã chỉ qua con số bốn, cô Mai bỗng dưng dừng lại bàn tay đang thoăn thoắt công thức lượng giác trên bảng, cô nhìn cả lớp không uể oải nằm vật ra bàn cũng nhìn vào một khoảng không vô định. Một hồi, cô quyết định sẽ dừng buổi họ để đốc thúc lại tinh thần cho lũ học sinh:
- Cô và các cô khác vẫn nói ấy, bây giờ là thời điểm tốt nhất để các em chọn mục tiêu và cố gắng. Đừng để đến tận cuối cấp vẫn không biết mục tiêu của mình là gì, rồi lại cuống cuồng nên để bỏ lỡ những thứ tốt nhất.
Cả lớp ngơ ngác nhìn nhau, cô Mai lại tiếp tục:
- Bây giờ không phải quá muộn, cũng không quá sớm để các em bắt đầu. Không phải tự nhiên mà cô cho các em làm giấy theo dõi nguyện vọng, vì các em không thể biết khi nào mình thì mình tìm được con đường đúng đâu. Như bạn Minh Đức lớp mình, nếu không theo dõi cẩn thận, đến tận lớp mười hai mới chuyển sang ngành nhề không liên quan thì làm sao kịp được?
Tôi tò mò nhìn sang, những đứa khác cũng quay xuống hóng hớt:
- Đặng Đức đổi nguyện vọng à?
- Tao tưởng nó nhất quyết học kinh tế từ lâu rồi mà.
Cô Mai ghim vào chuyện đó như một dẫn chứng thiết thực nhất:
- Vậy đấy, điều mà các em muốn ở hiện tại chưa chắc tương lai sau này cũng thế.Nhắc mới nhớ, Đức chuyển sang Học viện Âm nhạc quốc gia thì đừng tập trung vào các môn tự nhiên quá, đừng học với mục tiêu là lấy học sinh giỏi đấy.
Tôi há hốc không kịp phản ứng, Đức vẫn tỏ ra thản nhiên như không có chuyện gì. Cuối giờ, tôi thu dọn sách vở, vô tình thấy một dòng chữ nắn nót trên tờ giấy nháp mà hai đứa vẫn dùng chung.
"Cầu cho ước mơ của tất cả chúng ta đều sẽ trở thành hiện thực."
Bước đi cạnh Đức trên con đường cũ kĩ đến quen thuộc, tôi thấy mình lên tiếng hỏi Đức:
- Ước mơ của cậu là gì vậy?
Đức nhẻn miệng cười, cậu khom người xuống thổi tung một bông bồ công anh. Những cành hoa trắng muốt theo gió bay tung, Đức không trả lời tôi mà hỏi ngược:
- Tớ muốn nghe Lam nói trước.
Tôi nhấc từng bước, ánh mắt dần hướng về thinh không vô định.
- Tớ không biết nữa. Tớ không cần một công việc lương cao hay thật giàu có. Tớ muốn sau khi học đại học sẽ về lại Vàng Danh, ở một căn nhà nhỏ, tớ sẽ nuôi mèo, mua thật nhiều sách trưng lên kệ, sau khi đi làm về sẽ có thời gian xem phim. Ý tớ là, tớ không muốn bị cuốn vào guồng quay của cơm áo gạo tiền, không muốn áp lực phải thành công đè nặng trên vai, tớ muốn tớ cứ mãi là tớ như thế này, không bao giờ thay đổi.
Một thoáng, tôi lại hỏi:
- Cậu thì sao?
Cả người chúng tôi bỗng chốc bị ánh hoàng hôn vây lấy, đâu đó tiếng đập cánh phần phật của đàn bồ câu đang kiếm mồi bị đạp trúng, tiếng cười đùa của đám trẻ hiếu động lấm lem bùn đất. Người ta bảo, chiều tà chính là khoảnh khắc mà thế giới này dịu dàng nhất.
- Tớ ấy à? - Đức phì cười. - Cuộc sống đơn giản của Lam, tất cả mọi thứ sẽ đồng hành cùng cậu trong tương lai của cậu, tớ muốn là một phần trong đó, trở thành một phần trong thế giới của cậu.
Tôi nghiêm túc nhìn Đức:
- Nhưng cậu vẫn phải suy nghĩ cho mình trước tiên đấy, cậu đâu thể lãng phí bốn năm để học ngôi trường cậu không thích được.
Trước khi những ánh tà dương cuối cùng bị mặt biển nuốt chửng vào lòng đại dương sâu vô tận và những lũy tre già quây lại, vùi lấp mặt trời vào màn đêm đen thăm thẳm, tôi thoáng nghe thấy Đức thì thầm, giọng nói hòa vào tiếng chuông ngân phía nhà nguyện xa xa.
- Vì cậu... - Đức ngân dài câu nói. - Tớ có thể làm tất cả mọi thứ vì cậu, tất cả mọi thứ.
Vẫn như mọi lần, tôi hoảng hốt quay mặt đi, lơ lửng trên không đến tận khi cả người bị kéo giật lại. Đức thở dài nhìn tôi sắp bước chân vào một vũng nước đen ngòm, tôi cười hì hì vô tội, bỗng nhiên bị thu hút bởi tiếng máy cưa gần đó.
- Sao người ta lại cắt cây đi vậy nhỉ?
Đức nhìn theo rồi vén gọn tóc tôi, đáp:
- Những cành đó già rồi, cứ để như vậy sẽ nguy hiểm cho người đi đường mà.
Trên đường về nhà, tôi bị thu hút bởi một cây bằng lăng đổ rạp trên mặt đường, từng cành gãy ra, rải rác trên mặt đất. Trên một cành như thế, tôi nhìn thấy một quả bóng bay màu xanh lam đã xì hơi, bất lực bị mắc lại cùng với những hoài bão chưa kịp bay xa đã vỡ tan.
Vô tình giẫm lên một chùm bằng lăng tím rơi rụng giập nát, tôi mơ hồ nhận ra mùa hè rực rỡ của chúng tôi hình như đã trôi qua rồi.
___
1. Lời thoại trích từ bộ phim "Cô gái năm ấy chúng tôi cùng theo đuổi"
2. Tác phẩm "Thirteen Reasons Why" – Jay Asher