Chúng tôi đi bộ giữa hai hàng hoa sữa thơm ngát bay khắp không trung. Mặt trời lúc này đã ngả bóng, chiếu rọi những ánh tà dương cuối cùng xuống mặt biển xanh rì. Tay Đức đan tay tôi thật chặt, thi thoảng lại phì cười trước những câu đùa lung tung của tôi. Tiếng xe cộ hòa vào tiếng chim hải âu bay phần phật trên nền trời đầu thu, màu hoàng hôn chiếu lên gương mặt dịu dàng của Đức, hệt như một bức họa tình.
Dừng lại trước ngã ba để về nhà, tôi lưu luyến buông tay Đức. Đức kéo nhẹ tay tôi rồi không để tôi kịp phản ứng, cậu đã ghì chặt tôi vào lòng, tay tôi buông thõng hai bên không dám đáp lại Đức. Khoang mũi ngập tràn hương vani nhè nhẹ, cậu cúi đầu xuống hõm vai tôi một lúc lâu. Mãi đến khi tiếng thình thịch đập liên hồi dần trở nên thưa thớt, Đức mới buông tôi ra.
Lúc này tôi mới nhìn thấy hai bên tai của Đức đỏ lựng, như để che giấu sự bối rối, Đức đưa tay xoa đầu tôi.
- Mai gặp nhé.
Tôi vội vã gật đầu rồi co chân chạy mất. Trước khi vòng vào góc khuất vẫn có cảm giác như Đức đang nhìn tôi từ đằng sau. Tôi không biết, hoàn toàn không lường trước được đây chính là lần cuối cùng chúng tôi đi cạnh nhau.
Bước chân đến cổng nhà,tôi bị thu hút bởi một chiếc xe lạ đang đỗ trong sân nhưng cũng không quá chú ý vì nghĩ bạn mẹ vào chơi. Và có lẽ mẹ cũng không quá để tâm đến việc tôi sẽ về nhà nên không hề có phòng bị. Mọi thứ xảy ra quá nhanh, tất cả đập vào mặt tôi trong tích tắc, không thể phân biệt được thật giả.
Mẹ ngồi trên ghế, đứng đằng sau là bác Minh đang sụt sùi. Phía đối diện là người bà nội đã quá lâu không gặp, mắt tôi bỗng mờ đi. Bên cạnh bà nội là người mà tôi đã tưởng cả đời cả đời này sẽ chẳng thể ào mà gặp lại, là người đôi lúc xuất hiện chập chờn mờ nhạt dưới đêm khuya để khi thức giấc, tôi lại phát hiện ra mặt mình đã đầm đìa nước mắt. Là người tưởng như bị nhấn chìm dưới đại dương bao la và bị biển cả giấu đi mãi mãi, là... bố tôi.
Tất cả đều không giấu được sự hốt hoảng khi thấy tôi đang đứng sừng sững trước hiên nhà, tôi thấy mình lao đến chỗ ngay khi bác Minh chạy ra và giữ tôi lại.
- BỐ!
Tôi gào lên qua hàng nước mắt, mọi chuyện xảy ra lúc này quá đỗi phi lý, các mắt xích như chệch khỏi quỹ đạo, tôi không nhìn ra bất kì vẻ vui mừng nào trong ánh mắt tối đen của bố, không nhìn ra bất cứ tình yêu thương nào bố từng dành cho tôi. Không có gì cả.
- Nó không phải là bố mày!
Rồi mẹ tôi gào lên, bà hất toàn bộ cốc đĩa trên bàn xuống đất, tiếng thủy tinh vỡ vang lên đầy chói tai nhưng vẫn không át được tiếng nguyền rủa của mẹ qua cổ họng đã khản đặc. Bác Minh vẫn dùng hết sức lực để ngăn tôi không vùng vẫy. Cổ họng tôi bật ra tiếng nấc, tôi bắt đầu lớn giọng với bác Minh. Trong lúc tuyệt vọng nhất,tôi nghe loáng thoáng thấy có từ "giả chết" với "ngoại tình" qua những câu chửi rủa của mẹ. Bà nội và bố đứng dậy rời đi, từ đầu đến cuối không nhìn tôi lấy một lần.
Nỗi nhớ da diết dày vò tôi đến phát điên,tôi gỡ tay bác Minh và chạy thật nhanh ra cửa. Bố đang đứng trước mặt tôi, không phải là ảo ảnh, ngay lúc tôi sắp chạm vào tấm lưng rộng lớn của bố thì một bàn tay mạnh mẽ kéo giật tôi lại. Tôi quay đầu nhìn chiếc móng tay giả vừa rơi xuống, cổ tay của tôi hiện một vệt đỏ dài, mẹ bóp chặt tay tôi, ngũ quan gần như méo mó vì tức giận.
- Nếu ngày hôm nay mày bước chân ra khỏi cái nhà này, mày sẽ không thấy tao ở đây nữa. NẾU MÀY DÁM ĐI, TAO SẼ CHẾT TRƯỚC MẶT MÀY.
Tôi có thể nhìn thấy cả gương mặt của mình trong ánh mắt giận dữ của mẹ, nhưng, nhưng...
"Nguyệt Lam, lúc sinh ra cháu, mẹ không hề đặt tay bế cháu lấy một lần."
"Chẳng hiểu sao thằng bố mày có thể dùng tên tao là tên đệm cho mày, mày không đáng."
Tôi giật tay mẹ ra và chạy thoe chiếc xe vừa rời đi bằng hết sức lực,ngay đến cả dép cũng không kịp xỏ,để lại sau lưng là tiếng gọi với của bác Minh và ngày càng nhỏ đi.
- Bố! Bố ơi!
Tôi chạy theo ngày càng phóng nhanh hơn. Chỉ cần một chút nữa là tôi có thể chạm vào bố, có thể nhìn thấy bố. Tôi cứ thế chạy cho đến khi chiếc xe rẽ sang đường cao tốc. Trời tối đen như mực, ánh đèn từ những con phố xa hoa rực rỡ không đủ để tôi phân biệt được đâu là xe của bố. Tôi bất chấp muốn chạy sang làn đường dành cho xe ô tô, liền được một người kéo lại.
Tầm mắt tôi ngày càng mờ đi, vậy là tôi khóc, hay đúng hơn là tiếng kêu thét. Tôi mặc cho mọi người nhìn tôi đầy dị nghị, tôi ngồi sụp xuống và khóc nức nở, đầu gối đã chảy máu từ lúc nào, trộn vào cả đất bùn đen ngòm. Tôi dùng tay cào lên mặt, đầu không thể chèn thêm bất cứ suy nghĩ nào khác, nếu không phải cảm giác đau rát từ cổ họng khiến tôi ngày càng khó thở, tôi nghĩ đây chỉ là một giấc mơ, một cơn ác mộng.
Tôi không biết, hoàn toàn không nhớ làm cách nào mà mình đã lết được về đến nhà, thần trí càng lúc càng hỗn độn, mơ hồ. Cảm giác đau nhói dưới chân khiến tôi thẫn thờ nhìn xuống và nhận ra mình đang giẫm phải mảnh thủy tinh từ chiếc cốc mẹ vừa ném vỡ tan. Hốc mắt tôi khô khốc, tôi khom người vô thức nhặt một mảnh thủy tinh và đặt nó lên cổ tay trái, cho đến khi tiếng hét của bác Minh làm tôi bừng tỉnh. Cảm giác đau đớn ngày càng tê liệt, tôi cố từng bước khập khiễng chạy lên bậc thang, lao vào phòng mẹ, đập vào mắt là bác Minh đang ngã sõng soài và run lẩy bẩy dưới nền nhà, bác không ngừng khóc, tôi nghi hoặc tiến về phía phòng tắm vẫn còn sáng đèn.
Khoảnh khắc ấy, thế giới của tôi hoàn toàn sụp đổ.
Bồn tắm nhuộm một màu đỏ thẫm, nước từ bên trong trào ra không ngừng, máu lên láng khắp nơi. Mẹ tôi nằm đó, bàn tay hằn vết cắt sâu chìm dưới làn nước. Tôi nghe thấy mình hét lên và quỳ sụp xuống đất, thấy bác Minh nhổm dậy và vội vã chạy đi, thấy tiếng còi cấp cứu vang lên từng hồi đầy chói tai.
"NẾU MÀY DÁM ĐI, TAO SẼ CHẾT TRƯỚC MẶT MÀY."
Từng từ, từng chữ mẹ nói liên tục vọng lại trong đầu tôi, tôi dùng hai tay luồn vào tóc, hai răng va vào nhau cầm cập. Bác Minh kéo tôi vào lòng, từng giọt nước mắt của bác đều đặn rơi trên trán tôi.
Tôi nhớ đến chiếc giường mẹ nằm nằm khi được đẩy vào phòng cấp cứu đỏ rực một góc, nhớ đến khuôn mặt trắng bệch và bàn tay mất đi một chiếc mỏng giả đung đưa dưới làn nước lạnh lẽo, tôi nấc lên từng tiếng ngắt quãng:
- Cháu đã giết mẹ cháu rồi bác ơi, cháu đã... tự tay hại chết mẹ của cháu rồi bác ơi...
Bác Minh ngày càng siết chặt tôi, bác liên tục trấn an tôi, giúp tôi bình tĩnh hơn.
- Cháu không làm gì cả, đây không phải là lỗi của cháu, không phải là lỗi của cháu đâu.
Không. Đây là lỗi của tôi, tất cả đều là lỗi của tôi. Tại sao lại đến nông nỗi này? Mọi chuyện vẫn đang rất ổn định, thậm chí là tốt đẹp nữa, vậy mà chỉ trong một tích tắc ngắn ngủi, tôi phát hiện ra một người tưởng như đã chết xuất hiện trươc mặt tôi, còn một người đang sống sờ sờ lại bị chính tay tôi đẩy vào chỗ chết. Vậy mà tôi không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt, tôi chỉ mải mê chạy theo người đàn ông bạc tình đó, người mà tôi vẫn gọi là... bố.
Trong phút chốc, ngọn lửa giận dữ ngày càng cháy bùng lên trong tôi, tôi mở trừng mắt và đứng bật dậy:
- Cháu đi tìm bố cháu, cháu hỏi sao ông ta phải làm như thế. Tại sao phải giả chết, tại sao lại trở về.
Bác Minh hoảng hốt kéo tôi lại, trong những lời chửi rủa liên hồi của tôi, bác cố gắng giải thích, bác cố gắng át giọng tôi xuống:
- Cháu phải nghe bác nói. Bố cháu giả chết để đi theo một người đàn bà khác, họ nội đã dung túng cho bố cháu. Nhưng bố cháu đã bị người phụ nữ đó đuổi đi. Nguyệt Lam, căn nhà chúng ta đang ở là của bố cháu.
Tôi không giữ nổi một chút bình tĩnh, tôi nói bố vô liêm sỉ, tôi nói bố cạn tình cạn nghĩa, người đàn ông ấy thậm chí còn không thèm đếm xỉa con gái đi chân trần đuổi theo mình. Tôi muốn hỏi cho ra nhẽ, muốn đòi lại công bằng cho mẹ, muốn xin lỗi mẹ. Tôi đau đớn nhận ra rằng dù cố gắng chối bỏ đến đâu thì tình yêu tôi dành cho người phụ nữ đã sinh ra mình vẫn như thế, vẫn không thể đổi thay. Giờ đây tôi đã hiểu vì sao tôi và mẹ không được để tang bố, hóa ra là chẳng có cái giấy chứng tử nào cả, chẳng có cái đám ma nào cả, bao nhiêu giọt nước mắt và nhớ nhung cuối cùng cũng chỉ là một trò hề không hơn không kém.
- Lam đừng trách bố quá nhiều, vốn dĩ ông ấy còn có gan dám về đây cũng một phần là do mẹ cháu.
Tôi thẫn thờ nhìn bác Minh, có vẻ như bác nhận ra mình vừa nói điều gì không nên, bác bối rối lựa chọn câu từ hồi lâu rồi nhắm nghiền mắt, tay bác siết tay tôi lại như sợ tôi sẽ chạy mất.
- Lam nghe bác nói này, ông ấy đã sống với người đàn bà đó hai năm, bà ta bỏ đi vì mãi không thể có con.
- Đó là lỗi của mẹ cháu ạ? - Tôi nghe thấy mình gào lên. - Tại sao sau bao nhiêu chuyện ông ta vẫn dám về đây, vẫn dám đối diện...
- Nguyệt Lam! - Bác Minh ngắt lời tôi, trong cơn nức nở, bác thốt ra từng chữ nặng nề. - Bố cháu không thể có con, ông ấy vô sinh.
Tim tôi bông nhiên thắt lại, tai tôi ù đi, tôi chẳng biết mình đang nghe cái gì, tôi chẳng muốn tiếp nhận bất cứ điều gì, tôi bắt đầu lắp bắp nói từng câu chữ lộn xộn mà chính tôi cũng chẳng hiểu nổi:
- Không đúng, chẳng phải cháu là con của bố cháu sao? Ông ấy đã có cháu, cháu là con của ông ấy.
Bác Minh lắc đầu:
- Ông ấy không có cháu, cháu không phải là con ông ấy.
Ông ấy không có cháu.
Cháu không phải là con ông ấy.
Không phải...
Con ông ấy.
Mặt đất dưới chân bỗng chốc nứt toác, tôi thấy mình lả đi, tôi thấy mình ngã xuống cùng với tiếng hét thất thanh của bác Minh. Và trước khhi mất đi toàn bộ tri giác, tôi vẫn có thể cảm nhận được cảm giác đau nhói khi đầu đập xuống nền nhà lạnh lẽo.
Tôi thấy mình đang đi bộ dưới một vườn hoa cải vàng rì, hòa trộn vào hương thơm của mùi đất nồng và tiếng chim hót líu lo trên nền trời xanh biếc. Tôi thấy mình đang nắm tay bố mẹ và nhảy chân sáo theo một bài giao hưởng không tên, và rồi bố mẹ buông tôi ra, bố nhìn tôi đầy thất vọng:
"Mày không phải là con tao, tao không cần mày nữa."
Mẹ nát vụn ngay trước mắt tôi, hình dáng của mẹ vỡ thành những mảnh thủy tinh sắc nhọn rơi lanh lảnh xuống đất. Bố quay lưng và đi về phía đối diện, tôi hoảng hốt đuổi theo bố, không ngừng gào thét kêu bố quay lại, ngay khoảnh khắc sắp chạm được vào tấm lưng của bố, ông liền biến mất. Mặt đất bỗng vỡ ra, tôi hụt chân vào một chiếc hố sâu hoắm. Trước mắt là một màu đen tối, tôi sợ hãi khua tay trong không trung, không gian ngày càng thu hẹp lại, tôi sờ soạng muốn hít thở không khí. Nước từ đâu tràn vào tai tôi, mũi tôi, tôi ra sức quẫy đạp, ra sức tìm sự sống, tất cả đều vô dụng. Một ánh sáng chói lóa ập đến đầy bất ngờ, tôi nheo mắt lại và thấy hình dáng của Minh Đức hiện lên trong tâm trí, cậu cúi xuống nhìn thẳng vào tôi, mặt lạnh như băng:
"Cậu có nguồn gốc thật tanh tưởi, tôi không cần cậu nữa."
Tôi hoảng hốt choàng tỉnh, bỗng chốc không thể xác định mình đang ở đâu. Cả không gian chìm trong mùi sát trùng khó chịu, cây bàng già lặng lẽ nằm một góc ngoài cửa sổ, tôi cúi xuống nhìn chiếc chăn trắng muốt và phát hiện ra bác Minh đang ngồi cạnh. Trông bác gầy gò và tiều tụy quá đỗi, bắt gặp ánh mắt tôi, bác vội vã đứng bật dậy:
- Tốt quá rồi, cả hai mẹ con đều không sao cả.
Từng lời của bác trước đó như một thước phim tua nhanh bỗng chốc ùa về tâm trí, tôi thở dốc và đổ vật xuống giường. Chiếc kim truyền chà vào giường sắt, nhỏ ra vài giọt máu đỏ, cả người tôi co quắp, và tôi khóc. Toàn bộ những gì tôi làm vào cả ngày hôm đó là gào khóc, tôi khóc đến khi cổ họng đau rát, khoang mũi nghẹn đến nỗi chẳng thể thở nổi. Quá nhiều sự thật, quá nhiều đau đớn ập đến với tôi trong cùng một lúc, lại chính vào khoảnh khắc tôi hạnh phúc và thiếu phòng bị nhất, quá nhiều bất ngờ, quá khứ dơ bẩn và tội lỗi. Tôi thây ghê tởm chính nguồn gốc của mình, kinh tởm chính cái cách mà mình được sinh ra - dù rằng tôi không thể quyết định điều đó. Nghĩ đến gương mặt bố khi phát hiện mình bị vô sinh, tôi thật sự chỉ muốn chết quách đi cho xong.
Tôi ước rằng tôi đã không hiểu chuyện gì vừa diễn ra. Nhưng tôi lại hiểu, tôi hiểu nó quá rõ.
Những ngày sau đó tôi hầu như chỉ ngủ, thỉnh thoảng giật mình thức dậy giữa đêm khuya, tôi thường thẫn thờ nhìn lên trần nhà đến khi trời sáng. Đôi lúc tôi không kiểm soát được hành động của bản thân mà gào khóc, khiến bác sĩ phải can thiệp thuốc an thần và ngan cho tôi không giãy giụa. Tôi bắt đầu rụng quá nhiều tóc, bắt đầu không thể cầm nắm và ho ra máu, trong khoảng thời gian đó, tôi và mẹ không chạm mặt nhau lần nào, bác Minh lúc nào cũng tất bật chạy đi chạy lại giữa hai bên. Khi tỉnh táo, tôi chợt nhận ra bác đã hy sinh quá nhiều dù bác chẳng cần phải làm thế, tôi và mẹ thật sự đã nợ bác quá nhiều thứ.
Tôi đã hiểu vì sao người ta thường dùng hạnh phúc để đè nén nỗi buồn xuống, những dạo gần đây tôi hay nghĩ về một Nguyệt Lam có nụ cười ngây thơ năm bốn tuổi, về những hồn nhiên đáng yêu của tuổi mới lớn. Và cả... một Nguyệt Lam của năm mười sáu tuổi, không ngây thơ, không hay cười, nhưng luôn được một ánh mắt trìu mến nhìn chăm chú, được chia sẻ và nhường nhịn, tất cả mọi thứ.
Ngày thứ năm tỉnh giấc trong bệnh viện, tôi bần thần nằm trên giường hồi lâu rồi ngồi dậy, gạt chăn và bước xuống. Đã đến lúc giải quyết dứt điểm mọi chuyện.
Nói tôi không giận mẹ thì chắc chắn là nói dối. Tôi đã và vẫn cảm thấy rất xấu hổ khi biết mình sinh ra từ một mối quan hệ không đoan chính, đã cảm thấy rất tủi nhục khi chấp nhận rằng người mà tôi gọi là bố mười sáu năm trời chỉ coi tôi là một thứ rác rưởi. Đã có những giây phút tôi ước giá như mình đã không được sinh ra trên thế giới này, nhưng tôi chỉ có thể giận, chứ chẳng thể ghét mẹ. Vì suy cho cùng, mẹ là người đã sinh ra tôi, là người đã giúp tôi sống.
Tôi lê từng bước nặng nhọc, cơ thể như chẳng chống đỡ nổi nữa. Dãy hành lang tuy đã được sửa sang khá nhiều nhưng vẫn hằn rõ vết tích của thời gian, gương mặt của mẹ nhợt nhạt và gần như hòa làm một với màu chủ đạo của bệnh viện, tôi tránh không nhìn miếng băng trắng trên cổ tay mẹ, từ từ tiến lại và ngả người xuống chiếc ghế gần đó. Mẹ để lộ sự ngạc nhiên rõ ràng khi thấy tôi nhưng lại giật mình quay đi, có lẽ mẹ sợ khi nhìn vào mắt tôi, bà sẽ nhìn rõ gương mặt tiều tụy của mình.
Tôi chẳng nhớ nổi đã bao lâu rồi không ở gần mẹ thế này, ngửi mùi cơ thể của mẹ, trò chuyện cùng mẹ. Những điều đơn giản ấy đối với tôi thật hoang đường, xa xỉ biết bao. Tôi không phải là người lớn, tôi không thể có những suy nghĩ của người lớn, tôi không hiểu mẹ đã nghĩ gì trong năm ngày lặng thinh đó. Và trong suốt bao nhiêu năm dài đằng đẵng, tôi vẫn không hiểu có một khoảnh khắc nào mẹ có ý định muốn cho tôi biết, hoặc ít nhất, mẹ có coi tôi là một đứa con gái hay không.
Tôi không nói gì, chỉ lặng im nhìn vào những giọt nước li ti đều đặn nhỏ xuống dây truyền. Mãi một lúc lâu sau, tôi mới nghe thấy giọng mình cắt đứt bầu không khí yên lặng kéo dài:
- Lẽ ra mẹ nên nói cho con biết...
- Nguyệt Lam...
Tôi bỗng chốc ngẩn người, toàn thân buông thõng không còn chút sức lực.
Đây là lần đầu tiên mẹ gọi tên đệm của tôi.
Tôi đột nhiên nhớ đến tôi của năm chín tuổi, mẹ bận bịu đủ chuyện đến nỗi quên ăn quên uống, tôi lo lắng bắc ghế lên với mong muốn làm cách nào để nước trong nồi thôi trào ra, kết quả là bị bỏng nặng nề. Lúc đó mẹ mắng tôi rất thậm tệ, nhưng từ đầu đến cuối chỉ gọi tôi là "Lam" hoặc "con kia".
- Mẹ không muốn ở đây nữa.