Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 142: Máu thịt phương xa




Chương 142: Máu thịt phương xa

Đoàn thương thuyền Lâm gia phao tin bị quân Thiên Đức đốt mất ba thuyền, quyết đến Thiên Đức nói chuyện phải quấy, đòi đền bù thiệt hại. Thực giả Thiên Đức đền hay không chả ai hay, người nói có kẻ bảo không nhưng thương nhân đồn chủ tướng Thiên Đức gửi lời tạ lỗi đến Lâm lão gia kèm theo lời hứa sẽ mua nhiều hàng hoá hơn. Bọn Cự Lượng theo đó mà về an toàn.

Ngoài đạt được mục đích đề ra ban đầu, cuộc tập kích bất ngờ của Thiên Đức còn thu được một kết quả ngoài dự kiến, thay đổi cuộc sống của gần nghìn người lớn bé. Tại một doanh nhỏ ở vùng phên dậu giữa Vũ Ninh vương và Quảng Trí quân.

Quân doanh này do Vương Bưu thống lĩnh nên gọi là trại ông Bưu, trại đóng được sáu năm có lẻ trên một sườn đồi, quân sĩ đều gốc gác ở Long Ngô Động, Đường Vỹ thôn, làng Môn và dăm ba làng khác. Cách trại Ông Bưu hơn mươi dặm về phía Tây còn có một trại khác, trại ấy có hơn trăm binh sĩ quê ở các làng bờ Nam sông Thiên Đức.

Như đã nói, để ngừa bất trắc, Vũ Ninh vương đã đảo quân.

Trong trại Ông Bưu, Ngô Lăng, thân phụ của Nguyệt, lo việc bếp núc còn Ngô Kình Ngư, con trai Ngô Lăng tuổi đã ngót bốn mươi làm đội trưởng một đội hơn ba chục quân. Từ ngày b·ị b·ắt lính đưa về đây, Ngô Kình Ngư bặt tin mẹ già và cô em gái nhỏ.

Kình Ngư lấy vợ được hơn ba năm, vợ Ngư là người tộc Dao, đã sinh cho Ngư đủ nếp đủ tẻ. Nhiều bản nhỏ gần quân doanh là nơi gia quyến của binh sĩ tha hương đang ở.

Hơn một năm trước, Kình Ngư có nghe việc quân động binh đánh sang bờ Nam đến hai lần, lòng dạ bồn chồn không yên lo mẹ già và em nhỏ khó mà yên thân giữa nạn binh đao. Dạo ấy trong quân doanh nhốn nháo vì hai lần động binh đều bại, mất nhiều tướng, đặc biệt là Hữu Tướng quân Dương Ngôn. Hàng trăm binh sĩ trong trại Vương Bưu tìm mọi cách dò la tin tức về cha mẹ, anh em ở bờ Nam, cách duy nhất là nhờ vợ hoặc thân thích bên vợ hỏi thăm các thương nhân. Bọn Kình Ngư vẫn đinh ninh nơi ấy thuộc quyền Lý Lệnh công, bởi thế khi nghe những tin đầu tiên về Thiên Gia Bảo Hựu nào đó ở làng Vạn dựng cờ chống Kiều Công Ngạn thì không rõ sự tình.

Thời gian trôi qua, tin nghe được nhiều hơn vì các thương nhân, các thuỷ thủ thương tình những kẻ tha hương đã lấy những chuyện tai nghe mắt thấy làm quà. Họ bán được nhiều hàng hơn nếu có chuyện để kể và cũng chứng kiến những người đàn ông vừa nghe vừa khóc.

Người ta kể, ở bờ Nam sông Thiên Đức bây giờ nổi lên quân Thiên Gia Bảo Hựu dựng cờ tụ họp các làng, chẳng biết quân số bao nhiêu nhưng đã hai lần đánh lui Kiều Công Ngạn. Hồi đầu năm lại được nghe kể rằng nơi ấy mới nổi thêm quân Thiên Đức cát cứ một vùng gần khu đầm lầy. Bọn Kình Ngư nghe chuyện này mà lòng dạ như ngồi trên đống lửa vì đó chính là quê hương của bọn họ.

Người ta bảo rằng quân Thiên Đức thu nhận dân bờ Bắc cho ở đâu không rõ, làng Đường Vỹ và Long Ngô Động và mấy làng lân cận bây giờ nội bất xuất ngoại bất nhập nên tin không nghe gì được khiến bọn Kình Ngư càng thêm lo lắng bởi lúc b·ị b·ắt lính đến nay đã mười năm trời, khi đi làng mạc thưa người lấy đâu ra binh mã đông đến vậy. Kẻ từ nơi khác đến chiếm cứ sợ là cha mẹ nơi quê nhà thêm phần cực khổ, lành ít dữ nhiều.

Kình Ngư và Ngô Lăng lo hơn cả khi có thuỷ thủ kể rằng ngôi nhà mái tranh ven sông, nằm rìa làng Đường Vỹ có cắm kỳ hiệu lạ, quân binh đi lại nườm nượp và thêm nhiều lán nhỏ được dựng lên nhưng thuyền bè qua lại đều bị cấm dừng mà chỉ được tấp vào một nơi gọi là bến Huyết gần Long Ngô Động. Hai cha con Kình Ngư lặng lẽ lập ban thờ bởi chắc mẩm mẹ già, em gái đã không còn nữa. Chấp nhận sự thật, chôn chặt trong lòng.



Nhiều binh sĩ muốn viết thư, nhờ thuỷ thủ gửi về bờ Nam nhưng những người này cho biết quân Thiên Đức trấn dọc bờ sông rất nghiêm. Buôn bán cứ lo buôn bán, nếu trao đổi thư từ, dò hỏi chuyện trong làng ngoài xóm thì lập tức b·ị b·ắt đưa đi đâu không rõ nên chẳng ai dám mạo hiểm.

Cận Tết trời lạnh, nỗi nhớ nhà da diết khiến không khí trong trại có phần trùng xuống. Chả biết ma xui quỷ khiến thế nào, Kình Ngư quyết tìm đến người biết chữ trong bản, nhờ người này biên cho một lá thư gửi chung cho làng Đường Vỹ. Thư ghi nỗi nhớ mong người mẹ và em gái nhỏ, cầu xin dân làng nếu còn nhớ đến những người con vì thời cuộc mà phải xa xứ, hãy rủ lòng thắp nén hương thơm dịp đầu năm mới cho gia quyến những trai làng không hẹn ngày về. Lời lẽ vô cùng thống thiết, người đọc được hẳn sẽ rơi lệ.

Kình Ngư gói ghém lá thư cùng nửa tháng bổng lộc trong quân cầu xin một thuỷ thủ trên thuyền buôn đưa về làng Đường Vỹ hoặc Long Ngô Động đều được, không cần phúc đáp. Người thuỷ thủ ban đầu không dám mạo hiểm nhưng Kình Ngư quỳ lạy, vái như tế sao, nước mắt ngắn dài nên động lòng thương cảm mà nhận lời.

Biến cố bất ngờ xảy đến vào ngày 30 Tết, quân doanh Vương Bưu cấm trại vì tin thuỷ binh Thiên Đức đánh úp Quảng Trí quân. Quân đóng trong trại nhốn nháo, liên tục bàn luận sự biến này. Họ đều biết Thiên Đức bây giờ kiểm soát bờ Nam, thế lực ngày một mạnh. Còn cớ làm sao Thiên Đức kéo quân lên tận Sơn Tây đánh rồi rút về thì chả ai biết, họ chỉ biết đường rất xa, cả hai trăm dặm chứ không ít.

Trại Vương Bưu được lệnh di chuyển hai mươi dặm về gần bờ Xích Giang đề phòng Sơn Tây vương cho quân tràn sang.

Cuối tháng Giêng vợ Kình Ngư bế hai con đến trại quân thăm chồng đem theo một lồng chim bồ câu có năm con làm quà.

Nói về người thuỷ thủ tốt bụng kia, anh ta đánh liều lên bờ gặp một binh sĩ Thiên Đức canh ở bến Huyết đưa bức thư vào giữa tháng Giêng, cam đoan bản thân không phải gian tế, chỉ là vì thương tình người khác mà bạo gan. Anh này lập tức bị giữ lại sau khi chỉ huy nhóm binh sĩ trấn nơi bờ sông đọc xong lá thư. Thậm chí anh ta còn bị trùm túi vải lên đầu khiêng đi đâu không rõ, sợ đến nỗi đũng quần ướt sũng.

Trong thư của Kình Ngư cắn rơm cắn cỏ nhờ dân Đường Vỹ thương tình thắp nén hương cho phần mộ của mẹ già là Bê, thường gọi Cả Ngư và em gái Ngô Thị Nguyệt. Binh sĩ không biết Nguyệt nhưng bà Cả Ngư là dưỡng mẫu của chủ tướng. Đường Vỹ chỉ có bà cụ tên như vậy.

Thuỷ thủ được đưa đến gặp Chương, Chương hỏi rõ đầu đuôi sự tình, nghe xong nước mắt cứ thế mà tuôn rơi. Chương yêu cầu giữ bí mật. Tặng người thuỷ thủ một Tinh hoa ngũ hành thiết, dặn dò kỹ anh ta tuyệt không cho ai biết thứ này. Người thuỷ thủ làm vui mừng khi được gặp chủ tướng và được cho một thứ quý giá đến vậy. Anh ta cho một nữ binh đi cùng đoàn thuyền buôn, nói là nương tử. Nữ binh đem theo năm bồ câu rời Thiên Đức và đã tìm gặp được vợ của Kình Ngư do trại quân đã chuyển đi.

-Thứ chim này anh phải giữ cẩn trọng, cô gái đó dặn muốn chuyển tin gì về Thiên Đức thì tìm người tin cẩn viết, tuyệt không biên danh tính. Chim sẽ mang về.

-Ồ! Họ muốn anh làm gian tế ư? Cô gái đó đâu?



-Sau khi gặp em, cô ấy đã rời đi ngay.

-Lấy gì đảm bảo cô ta đáng tin chứ, lớ ngớ rơi đầu chứ không đùa đâu em à.

-Cô ta thuật rõ, mẫu thân của chúng ta là dưỡng mẫu của Vạn Thắng vương, chủ tướng Thiên Đức quân.

-Đời nào có chuyện đó, lòng người khó dò. Mẫu thân của ta sao có thể là dưỡng mẫu của Vạn Thắng vương gì đó. Đây có thể là gian kế.

Vợ Kình Ngư đưa ra hai miếng thép, nói nhỏ:

-Thứ này nghe nói giống như lệnh bài, em đã đưa cho phụ thân một cái, hai cái này của anh và em. Lệnh bài của Vạn Thắng vương, sau này có gặp quân Thiên Đức chỉ cần đưa ra là lập tức nhận người. Cô gái đó cũng cho hay, nếu em muốn thì sẽ tìm cách đưa em và hai con về Thiên Đức, chủ tướng của họ đã có lệnh như vậy.

-Có chuyện đó ư?

-Mẫu thân đã vớt được Vạn Thắng vương trên sông mấy năm trước. Căn nhà cũ nay trở thành nơi ở của chủ tướng, mẫu thân đã được dựng nhà mới trong làng. Tết vừa rồi mẫu thân đã đi dạm ngõ cho chủ tướng của họ. Bởi anh biên trong thư có tên mẫu thân nên quân mới nhận ra. Thiên Đức quân mấy nghìn người đều coi mẫu thân của chúng ta là dưỡng mẫu.

-Còn em gái ta? Họ nói sao?

-Cô Nguyệt là học trò đầu tiên của Vạn Thắng vương, trong tháng này đã trở thành chính thất của một người tên Phạm Cự Lượng, nghe bảo đứng đầu quân Thiên Đức.

-Sao có chuyện tốt đó được? Sợ là gian tế.



Vợ Kình Ngư nói ra những dấu hiệu trên cơ thể Kình Ngư và vài chuyện xưa cũ, bao gồm cả chuyện gửi tiền về mấy năm trước khi đánh sang sông. Kình Ngư nghe mà toát mồ hôi, không tin không được, bấy giờ mới ôm mặt khóc.

-Đúng mẹ rồi, đúng mẹ anh rồi. Người ngoài không thể biết được những điều ấy. Mẹ ơi! Mẹ ơi! Anh muốn về nhà.

Chờ cơn xúc động qua đi, vợ Kình Ngư mới nói thêm:

-Cô gái đó dặn dò rất cẩn thận, mẫu thân bây giờ là dưỡng mẫu chủ tướng đối địch, lộ ra sẽ mang hoạ. Anh phải kín đáo cho các anh em cùng quê biết rõ sự hình, căn dặn họ yên lòng. Cha mẹ, anh em hay dòng tộc giờ đều là gia quyến của Thiên Đức, đều khoẻ mạnh. Các anh trong quân chưa thể về được nhưng họ sẽ tìm cách đưa vợ con về trước nếu muốn.

-Sao họ có thể chứ? Đầu này đầu kia cách xa nghìn trùng.

-Em không biết nữa, cô gái đó bảo sẽ quay lại gặp em vào giữa tháng tới. Mẫu thân và cô Nguyệt chưa biết tin này vì sợ thêm ngóng trông.

-Chủ tướng của quân ấy bao nhiêu tuổi? Họ có nói không?

-Là nam nhân tuổi ngoài hai mươi tên huý Mạc Thiên Chương. Vật này được gọi là Tinh hoa ngũ hành thiết, cô ấy dặn phải giữ bên mình làm tin, có thứ này mới đón người, kể cả ngày sau có tìm cách trốn cũng phải đem theo.

Nghĩ đến em gái thành thân mà mình lại không có mặt, Kình Ngư lại ôm mặt khóc. Mãi sau vợ an ủi mới dần cảm thấy yên lòng khi em gái được gả vào chỗ tốt, mẹ lại được phụng dưỡng.

Kình Ngư rỉ tai binh sĩ đồng hương, ai nghe tin quê nhà cũng rớt nước mắt nhưng thực hư chả biết thế nào. Sau cùng mấy trăm người bàn nhau, một người biết dăm ba chữ được cử ra, ghi tên tất cả binh sĩ trong trại Vương Bưu. Hai chim bồ câu được tung lên cao vào một buổi sớm tinh sương từ trong quân doanh mang theo bao nhiêu hy vọng. Chừng một tháng sau đó, mấy cô vợ của binh sĩ cùng đến thăm chồng, người nào cũng đem theo năm chim bồ câu làm quà. Những chú chim được chăm rất kỹ bởi nó là sợi dây vô hình kết nối hơn ba trăm người với quê hương xa cách nghìn trùng.

Phần lớn người có tên trong thư đều được những cô gái lạ tìm đến tận nhà, nói rõ cha mẹ đang ở đâu, làm gì, ai còn ai mất, con em đã bao nhiêu tuổi… nghe những điều này thì chẳng ai còn nghi ngờ gì nữa. Quê hương giờ đã đổi thay, ruộng vườn của cha mẹ được Thiên Đức quân giúp sức cấy cày. Nhiều đứa em trai, em gái của họ đều đang ở trong quân Thiên Đức. Những đứa còn thò lò mũi xanh ngày nào giờ đây cũng được đi học chữ, vài đứa được chọn vào trong quân làm nhiệm vụ bí mật.

Mấy tháng sau đó, quân tình trong vùng quanh trại Vương Bưu và một trại khác gần đó theo những cánh chim vượt ngàn trùng bay về Thiên Đức. Hàng chục binh sĩ được gặp em trai, em gái nay đã lớn tướng bởi chúng chính là người đến đưa tin. Cá biệt, một vài người cha, người mẹ cũng theo thuyền buôn lên tận nơi gặp đích tôn, mừng mừng tủi rồi lại theo thuyền trở về do không dám trái lệnh.

Tất cả những người đến đưa tin đều nhắc binh sĩ bền gan, dằn lòng lại. Mạc chủ tướng nhất định sẽ đến đón họ về cố hương trong một ngày không xa bởi họ là một phần máu thịt của Thiên Đức. Chả ai biết vị chủ tướng ấy nhân dạng ra sao song trong lòng đều hàm ơn cho là người đức độ.

Ngày nghe tin quân Thiên Đức vây khốn, nhiều binh sĩ kín đáo bàn nhau lập bàn thờ bái vọng về phương Nam, cầu mong ông trời phù hộ quân Thiên Đức qua cơn sóng gió, lớn mạnh để họ sớm được hồi hương.