Chương 194: Mía đường Vạn Xuân
Bách tính lân bang quả nhiên dắt díu nhau tìm đến bờ sông Dâu xin lương thực khi Tết chỉ còn mấy ngày, tất cả họ đều nghèo, bộ quần áo mỏng manh vá chằng vá đụp. Trời lạnh, dù họ có đội nón lá, khoác bên ngoài áo tơi bện rơm cũng chẳng che được cái lạnh ngấm vào da thịt.
Họ không sang được sông nên túm tụm trên bờ, người già, đàn bà, em nhỏ, thiếu niên đều có cả. Đàn ông trong độ tuổi sung quân rất ít. Chương và Bỉnh Di liệu trước được chuyện này bởi quá dễ đoán định.
Họ là n·ạn n·hân của c·hiến t·ranh khi mà người đàn ông trụ cột trong nhà đều m·ất m·ạng trong khói lửa binh đao. Giá lương thực tăng khiến những người nghèo như họ không cầm cự được bao lâu. Quân Thiên Đức hướng dẫn họ đến ở trong mấy ngôi làng mới dựng. Làng tuy còn sơ sài nhưng có mái tranh che nắng che mưa, hơn nữa cái đói và cái lạnh tạm thời bị đẩy lui.
Thiên Đức hội huy động bách tính trong phủ Thiên Đức nhường cơm sẻ áo cho lưu dân. Đầu mỗi làng có nhiều thùng gỗ lớn để đó, dân làng ai có lòng hảo tâm cứ tuỳ ý cho gạo, ngũ cốc, quần áo cũ. Nhiều dân trong phủ Thiên Đức cũng từng là lưu dân đến nương nhờ, nay có chút của ăn của để cũng không hẹp hòi.
Những thùng quyên góp sau khi đầy, nếu không đầy thì quân Thiên Đức đổ cho đầy, được đem đến những làng mới dựng phân phát. Một vài cụ cao niên của làng quyên góp sẽ được mời đi cùng để giá·m s·át và có đôi lời với bà con mới đến. Những vị cao niên về làng kể lại điều mắt thấy tai nghe, và rằng làng ta quyên góp hãy còn ít hơn làng nọ làng kia. Và rằng quân Thiên Đức âm thầm đổ thêm cho đầy để làng ta đẹp mặt.
Thế là hầu hết các làng lại ủng hộ thêm một đận nữa là hai, trên tình thần hoàn toàn tự nguyện.
Chương không thiếu áo ấm, chẳng thiếu lương song cậu cần bách tính phát huy lòng nhân, biết quan tâm đến nhau. Thiên Đức phát 5000 áo ấm đã dùng trong quân cho lưu dân mới đến cùng hàng vạn y phục cũ. Tuỳ theo nhân khẩu mỗi nhà và độ tuổi mà nhận lương thực trợ cấp phù hợp. Trẻ em phải đến trường, người lớn tuổi nuôi cá, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm do quân Thiên Đức cho làm vốn. Quân Thiên Đức sắp xếp thiếu nữ, phụ nữ học lớp may vá hoặc làm ở xí nghiệp xi măng, phân bón, chăn nuôi lợn… một số ít thiếu nữ 15, 16 tuổi được chọn vào quân Thần Vũ đào tạo sớm. Nam nhân không tuyển được ai vào quân.
Nhìn chung ai cũng phải lao động cả, có điều họ được giúp đỡ qua cơn đói khổ, tạo công ăn việc làm, sau đó cứ tu chí làm ăn.
Duệ đã nắm được hết ruộng đất trong phủ Thiên Đức cùng số đất đai có thể khai hoang. Lưu dân mới đến được giao vỡ đất khai khẩn trong khu vực hạn định, đổi lại 5 năm không phải nộp thuế. Nông cụ được cấp, trâu bò được giao cho chăn nuôi và sử dụng.
Làng mở đến đâu trường mở đến đó, mỗi làng đều có hương ước riêng song nhìn chung khá giống nhau. Điều khoản đầu tiên của hương ước luôn nhấn mạnh dân làng phải hỗ trợ quân sĩ Thiên Đức khi cần bởi quân sĩ là con em và chiến đấu vì họ.
Cuối tháng Giêng năm Thiên Đức 29, 10 ngôi làng mới do bọn Bỉnh Di dựng, tiếp nhận gần 6000 nhân khẩu. Phạm Cự Lượng cho xây ba lô cốt lớn thông với nhau, mỗi lô cốt có hai tầng lầu, trên cao là cột cờ. Nhìn từ xa mỗi lô cốt y như một kỳ đài. Lô cốt trở thành điểm đồn trú của 100 quân bảo vệ dân vùng mới này.
Trong khi các vùng như Siêu Loại, châu Vũ Ninh hay Tế Giang quân dân đang quay quắt lo cái ăn cái mặc thì phủ Thiên Đức chú tâm nhận thêm dân. Kinh tế của phủ phát triển do thông thương được với La thành, Sơn Tây và Hoa quốc thông qua Hội Thương nhân. Tính đến cuối tháng Giêng năm Thiên Đức 29, tầng lớp thương nhân ở phủ Thiên Đức tăng mạnh, đặc biệt là tiểu thương từ các vùng Siêu Loại, La thành đến kiếm kế sinh nhai do bọn Chương tạo mọi điều kiện. Những thương nhân làm ăn lớn bắt buộc phải gia nhập trong Hội Thương nhân nằm dưới sự kiểm soát của Ty Thương nghiệp.
Bởi chú trọng nâng đỡ thương nhân, đồng thời phát triển nhiều nghề, nhiều mặt hàng như phân bón lúa, đàn lợn, nuôi cá giống, bán đường thô… đã đem lại nguồn lợi cho quân Thiên Đức trong thời điểm này. Nền kinh tế của phủ Thiên Đức không bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của Vạn Xuân. Vụ thu hoạch lúa, ngô, khoai không tăng đáng kể so với năm trước đó song do lân bang gặp khó mà chững lại, phủ Thiên Đức tận dụng đại dịch châu chấu mà phát triển thêm một bậc.
Lúc Lam Khuê và sau đó là Uyển Như cùng mang thai, bởi muốn chăm hai cô vợ theo cách riêng, Chương đã dùng mía làm ra đường mía thô (đường phên). Mía ở Vạn Xuân chỉ là một loại cây ít giá trị kinh tế, dân không trồng nhiều và cũng không biết làm thành đường. Chương lấy làm lạ. Cậu tự tay làm thử cho các cô vợ và Uyển Như tất nhiên biết cần phải làm gì.
Cô nàng dựng xí nghiệp sản xuất đường phên, lấy tên Vạn Xuân. Lâm Chí Hoà góp ba phần tiền và lo mua mía trong khi Lâm Uyển Như giữ cách chế biến. Hai cha con nhà họ Lâm đem bán thứ đường phên đó cho những người giàu trên khắp Vạn Xuân với giá cắt cổ kèm theo các công dụng do Chương… vẽ ra. Tất nhiên giá đường phên đỏ ở trên trời cũng do Chương mách.
Sau khi kiểm soát được hoàn toàn hai bờ sông Dâu, Chương yêu cầu dân trồng những bãi mía dọc hai bờ sông. Quân Thiên Đức sẽ mua hết, thậm chí trả trước một phần tiền cho dân có động lực trồng loại cây này. Mía bắt đầu được trồng đại trà từ tháng 2 năm Thiên Đức 29, dự kiến thu hoạch sớm nhất vào cuối năm.
Bờ Bắc sông Thiên Đức cũng được tận dụng. Dân làng Môn được huy động bơi thuyền sang sông để trồng mà không sợ quân Vũ Ninh vương quấy quả. Chương tuyên bố, nếu quân Vũ Ninh vương đụng vào mía của dân thì tiếp tục phá luỹ thành, đánh Bát Vạn. Dân trồng, quân canh. Vũ Ninh vương thấy mía chẳng có mấy tác dụng kinh tế, dân bờ Nam lại chỉ lom dom trồng ven sông cũng chẳng hại gì nên nhắm mắt làm ngơ.
Xí nghiệp mía đường Vạn Xuân trực thuộc Tổng Công ty Vạn Xuân chỉ nhận công nhân là phụ nữ, người lớn tuổi. Chương yêu cầu như vậy bởi cần tạo thêm công ăn việc làm cho hơn ba trăm người, chủ yếu là lưu dân mới đến. Tất nhiên, họ cũng bị quản lý chặt, đổi lại nhận công rất hậu. Chương nhắm đến toàn dân sẽ được dùng thứ đường phên với giá rẻ sau khi moi được số tiền lớn của người giàu trong cả năm trời.
Những lúc như vậy Chương mới thấy tác dụng của việc theo học nghề kinh doanh.
Kinh tế mạnh kéo theo nhiều thứ khác lớn mạnh. Nho sĩ nhiều nơi tìm đến, phần lớn còn chân trắng. Chương trước sau vẫn trọng dụng nho sĩ, nho sinh trẻ. Nhiều nhân sĩ đứng tuổi đến phủ Thiên Đức một thời gian ngắn lại rời đi bởi tư tưởng khác nhau.
Chương trọng nhân sĩ đứng tuổi song họ không tiếp nhận hết được tư tưởng mới lạ và quan trọng hơn cả, ấy là vị thế của họ bình đẳng như nông dân hoặc thương nhân. Chương đề cao giáo dục nhưng đặc quyền với nhân sĩ là không có nếu họ chưa chứng minh được năng lực.
Bên cạnh đó, việc Thiên Đức đề cao vai trò của nữ nhân, đặt nữ nhân ngang hàng với nam nhân là điều mà nhiều nhân sĩ không chấp nhận.
Thứ nữa, Chương muốn hệ thống giáo dục sẽ phải dùng chữ Bụt, hạn chế dần trích điển tích của Hoa quốc trong quá trình dạy học. Đồng thời đề cao tinh thần dân tộc, tuyên truyền dân Vạn Xuân có tổ tiên riêng. Bên cạnh học chữ Bụt, lớp thiếu niên đến lớp được dạy toán học để tính toán nhanh hơn. Đó cũng là trở ngại của những nhân sĩ đứng tuổi.
Phạm Tu từng băn khoăn về việc Chương ít dùng nhân sĩ đứng tuổi. Chương giải thích cặn kẽ, cơ bản gói gọn trong một ý, đó là Vạn Xuân cần người trẻ dám nghĩ dám làm. Làm sẽ sai nhưng nếu vẫn nghĩ và làm theo lối cũ thì Vạn Xuân sau này không thể hùng cường được.
Thực tế rất nhiều nho sinh, nho sĩ trẻ chưa có công danh sau một thời gian ở phủ Thiên Đức đã hoà nhập được. Họ làm việc ở nhiều ngành nghề, trừ quân sự, và đạt được thành công. Nhiều người trong số các nho sĩ chân trắng ấy đã góp công lớn trong quá trình xây dựng phủ Thiên Đức, quân Thiên Đức hay Tổng Công ty Thiên Đức trở nên hùng mạnh.